Bán chung cư, đôi bạn "bỏ phố về vườn" ở Đà Lạt, tự dựng nhà sống chữa lành
(Dân trí) - Sau nhiều năm làm việc tại TPHCM, Trinh (35 tuổi) và Nhi (30 tuổi) đã quyết định bán chung cư, từ bỏ sự nghiệp để về ngoại ô Đà Lạt (Lâm Đồng) dựng nhà và sống hòa hợp với thiên nhiên.
"Trinh ơi, em mệt lắm rồi!", một buổi chiều cuối tháng 2/2021, Trinh nhận được tin nhắn từ người bạn thân. Sau nhiều đắn đo, cả hai quyết định sẽ nộp đơn xin nghỉ việc và thực hiện kế hoạch "bỏ phố về vườn" sớm hơn dự tính một năm.
Đó là hành trình đầy khó khăn và thử thách với 2 cô gái văn phòng lần đầu tiên lao động chân tay, tự dựng nhà, trồng cây, làm vườn… Ấy vậy, nó cho họ nhận ra nhiều bài học và giá trị sống.
Dành 4 năm để chuẩn bị cho hành trình mới
Sau 10 năm làm việc tại Sài Gòn, Trinh đã gặt hái được thành tựu trong sự nghiệp cũng như có mức thu nhập mơ ước. Thế nhưng, mặc cho con đường thăng tiến rộng mở, cô gái ấy vẫn luôn ấp ủ về một ngày nào đó sẽ rời Sài Gòn, đến một thị trấn nhỏ yên bình, sống hòa hợp cùng thiên nhiên.
Với sự đồng điệu về tâm hồn và điểm chung trong lối sống, Trinh bắt đầu kết nối với Nhi - một cô gái thành thị chính hiệu. Nhi nhớ lại, thời điểm du học tại Thái Lan, trong dịp ghé thăm nông trại ở Chiang Mai, chứng kiến người dân không có nhiều tiện nghi như điện, nước sạch, tiền bạc, nhưng vẫn luôn sống hạnh phúc khiến cô gái trẻ vỡ lẽ nhiều điều.
"Từ nhỏ mình đã được lập trình rằng muốn sở hữu cuộc sống tốt đẹp thì phải học thật giỏi, làm việc ở công ty tốt, lập gia đình, sinh con… Và đó là lần đầu tiên mình cảm nhận hạnh phúc sẽ như thế nào. Từ khi ấy, dù chưa biết mình thích gì nhưng mình biết bản thân không hề phù hợp với công việc văn phòng và cuộc sống ồn ào ở thành phố", Nhi chia sẻ.
Từ năm 2018, Trinh và Nhi đã đặt mục tiêu chuẩn bị tài chính để bắt đầu hành trình "bỏ phố về vườn" vào năm 2022. Bên cạnh công việc văn phòng, cả hai còn vận hành dự án homestay cho du khách nước ngoài. Thay vì dành thời gian cà phê, mua sắm, làm đẹp như bao cô gái khác, mỗi tuần cả hai sẽ tập trung hoàn thành công việc ở công ty cũng như dọn dẹp, phục vụ khách lưu trú. Ngoài ra, hai bạn còn bắt đầu tham dự hội nhóm, đến thăm các gia đình "bỏ phố về vườn" để học hỏi thêm kinh nghiệm cho dự định của bản thân.
Mỗi tối thứ 6, cả hai sẽ bắt xe đò lên Đà Lạt, rong ruổi đi tìm mảnh đất phù hợp. Mặc dù trải qua không biết bao lần trèo đèo lội suối, trượt xe, thậm chí bị tai nạn… nhưng chính năng lượng tích cực khi hòa hợp vào thiên nhiên khiến cả hai thêm quyết tâm được về vườn.
"Khi chủ đất dắt mình vượt qua con dốc cao như núi, với tâm lý sợ độ cao, mình đã rất run và bất giác trào nước mắt vì sợ. Ban đầu mảnh đất là đồi cà phê thoai thoải, xa dân cư, không điện, nước cũng phải kéo từ khe suối… nhưng có một cái duyên nào đó khiến cả hai chỉ muốn dừng chân lại ở nơi đó", Trinh bồi hồi nhớ lại.
Cho đến đầu năm 2021, Nhi cảm thấy không còn phù hợp với môi trường công sở. Còn đối với Trinh, sau một thời gian dài làm việc với cường độ cao và thường xuyên thức khuya nên chị thường xuyên bị trào ngược dạ dày, tê bì chân tay, đau nửa đầu… Đặc biệt, biến cố của người đồng nghiệp khi phát hiện mắc căn bệnh nặng khiến hai bạn tin chắc rằng "Thời gian sẽ chẳng đợi chờ ai".
Sau đó, Trinh và Nhi quyết định nộp đơn xin nghỉ việc, đồng thời rao bán căn chung cư để bắt đầu cuộc sống về vườn.
Ngôi nhà gỗ không ai dám nhận xây
Những tưởng hành trình sẽ tốt đẹp, nhưng một lần nữa thực tế phũ phàng lại thách thức cả hai khi các thợ làm nhà ở địa phương đều từ chối công trình vì địa hình quá phức tạp. Thời điểm đó, để vào khu đất, mọi người phải leo dốc, vật liệu chỉ được chở bằng máy cày.
"May mắn cuối cùng có bác thợ quen đã đứng ra nhận công trình. Bác cũng nói với mọi người rằng nên giúp 2 cô gái thay vì chỉ tập trung vào khó khăn. Một thời gian sau mọi người cũng được thuyết phục", Trinh kể.
Cô gái trẻ nhớ, trước khi bắt đầu dựng nhà, mảnh đất rất dốc nên 2 cô gái trẻ lần đầu cầm cuốc để cùng thợ cải tạo mặt bằng. Toàn bộ vật dụng đều đặt gia công tại xưởng gỗ ở khu dân cư rồi dùng xe máy cày chở theo từng đợt. Con dốc cao khiến chiếc xe không ít lần chài bánh. Những đoạn xe không vào được, cả hai phải tự tay cùng chú thợ khuân vào đến tận nơi. Đặc biệt, vì dựng nhà vào đúng thời điểm mùa mưa, mọi người chỉ có thể trú tạm trong chiếc láng chữ A ọp ẹp.
"Vì không có điện để vận hành máy móc, tụi mình phải mua thêm máy phát điện, mỗi ngày xách can xăng 10 lít vào cho các chú. Hai tháng trời dài đằng đẵng như thế, có lúc vất vả đến bật khóc, nhưng tụi mình nghĩ nó là thách thức để thử nghiệm rằng có chắc chắn vào con đường này. Và cả hai lúc nào cũng cố gắng hết mình", Trinh kể.
Khi cuộc sống "về vườn" chính thức bắt đầu
Trải qua 2 tháng, cuối cùng một ngôi nhà gỗ nhỏ cũng thành hình. Đến khi gia đình cả hai bạn trẻ vào thăm con, lần đầu tiên phải vượt dốc, mọi người đã rất bất ngờ vì không nghĩ con gái lại dám sống ở nơi heo hút như vậy. Ấy vậy, trước sự kiên định của con, bố mẹ Trinh và Nhi vẫn ủng hộ dù rất lo lắng.
Sau một thời gian sống ở vườn, các căn bệnh khi xưa biến mất. Sự hòa hợp với thiên nhiên cùng cuộc sống bình dị nơi thôn dã khiến hai bạn trẻ củng cố thêm niềm tin về con đường này. Tuy nhiên, lúc này câu chuyện cần làm gì để duy trì cuộc sống tiếp tục buộc cả hai phải trăn trở.
Một thời gian sau, được sự hỗ trợ một phần từ gia đình, Trinh và Nhi dựng thêm một căn bếp nhỏ ở Đơn Dương (Lâm Đồng) để tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong vườn và làm nên những sản phẩm bánh mứt sạch lành bán ra thị trường.
"Hiện tại, khách hàng của tụi mình đa số là bạn bè và người quen biết. Thực tế, tụi mình có thể làm số lượng nhiều hơn để đưa vào cửa hàng và mở rộng việc kinh doanh, nhưng hai đứa vẫn nhắc nhau lí do chính về vườn là gì. Bởi nếu một khi bị cơ hội kiếm tiền cuốn đi, mình sẽ không khác nào quay trở lại cuộc sống như xưa", Trinh nói và cho biết đó cũng là lí do mà hai cô gái chọn cái tên SeHa (Self-Happiness) Garden - Khu vườn nuôi dưỡng hạnh phúc tự thân đặt tên cho ngôi nhà, như một lời nhắc nhở bản thân.
Về kinh nghiệm bắt đầu hành trình "bỏ phố về vườn", Nhi cho biết bản thân phải có kế hoạch rõ ràng, chuẩn bị vững về kinh tế lẫn tinh thần. Đặc biệt luôn cần có phương án dự phòng, một khoản tiền nhất định đủ trang trải bản thân và lo cho gia đình trong thời gian đầu.
Với Trinh, cuộc sống "về vườn" không hề màu hồng, bởi nó chưa phải là đích đến mà mở ra một hành trình mới với muôn vàn khó khăn. Trong đó, bản thân cô đã phải trải qua giai đoạn đấu tranh nhằm vượt qua được cái tôi cùng thành tựu của quá khứ.
Trinh kể, nếu như trước đây bạn hoàn toàn có thể kiếm được mức thu nhập ổn định. Cuộc sống về vườn đòi hỏi bạn bắt đầu công việc tay chân và mất nhiều thời gian, nhưng thu nhập lại rất chênh lệch với đi làm văn phòng.
"Do vườn khá dốc nên tụi mình phải leo lên để hái từng trái xoài. Sau đó chở từng thùng nặng ra nhà xe cách vườn 20km để gửi bán. Có những hôm thức canh hồng sấy khá muộn hoặc mất cả ngày ngồi sên mứt nhưng không thu được bao nhiêu tiền lời… Nó giống như câu chuyện mình ở Sài Gòn làm 10 đồng thì về đây chỉ còn lại 1, nếu mình không bỏ qua cái tôi, nuối tiếc quá khứ thì khó an yên được", Trinh bồi hồi nhớ lại.
Mặc dù khó khăn, vất vả, cả Trinh và Nhi đều chưa bao giờ hối hận. Đặc biệt, 2 năm bắt đầu cuộc sống hòa hợp với thiên nhiên, họ nhận ra nhiều điều về cuộc sống.
"Ngày xưa cứ nghĩ chuyện gì mình cũng có thể xử lý thỏa đáng, bây giờ mình nhận ra còn nhiều khía cạnh cần học hỏi. Nhìn cây sửa người, tụi mình không chỉ học cách làm vườn mà còn dựa trên đó để soi chiếu lại bản thân và học cách biết đủ là đủ. Trên hết, về vườn cho mình sự tự do và thời gian để quan sát, lắng nghe, học cách yêu thương bản thân và gia đình đúng cách", 2 cô gái trẻ mỉm cười chia sẻ.