DNews

Người dân vùng lũ cần gì khi cơn đại hồng thủy đi qua?

Nhóm phóng viên miền Trung

(Dân trí) - Thường xuyên phải gánh chịu thiệt hại do thiên tai gây ra, hơn ai hết, người dân miền Trung cảm thấu những khó khăn mà bà con các tỉnh phía Bắc đang gánh chịu và phần nào hiểu được họ cần gì?

Người dân vùng lũ cần gì khi cơn đại hồng thủy đi qua?

Trong lũ thực phẩm, sau lũ sinh kế

Gia đình ông Hoàng Đình Chức, trú thôn Đông Thành, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), là một trong những hộ dân từng chịu ảnh hưởng nặng nề trong trận lũ lịch sử tháng 10/2020.

Thời điểm đó, căn nhà của ông Chức ngập sâu, vợ chồng phải dỡ mái nhà chui ra ngoài kêu cứu. Giữa hoạn nạn, thiên tai, gia đình ông Chức nói riêng và bà con vùng lũ huyện Lệ Thủy nói chung đã nhận được sự giúp đỡ quý báu, ấm nghĩa tình từ đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc.

Người dân vùng lũ cần gì khi cơn đại hồng thủy đi qua? - 1

Gia đình ông Chức được hỗ trợ xây dựng lại căn nhà hư hỏng sau trận lũ lịch sử (Ảnh: Tiến Thành).

"Trong lũ, vợ chồng tôi được lực lượng cứu hộ di dời đến nơi an toàn, được cung cấp thực phẩm đầy đủ để chống chọi với lũ. Giữa lúc hoạn nạn mới cảm thấu nghĩa đồng bào lớn lao thế nào", ông Chức tâm sự.

Từng trải qua nhiều trận lũ lịch sử, gánh chịu thiệt hại nặng nề bởi thiên tai và nhiều lần được nhận hỗ trợ từ chính quyền cũng như các đoàn thiện nguyện, theo ông Chức, trong lũ, người dân cần thực phẩm, sau lũ cần sinh kế.

Trong những ngày đầu chịu lũ lụt, thực phẩm, nước uống là thứ cần thiết nhất, khi lũ rút, bà con rất cần sinh kế để khôi phục lại đời sống. Bên cạnh đó, về lâu dài, người dân vùng lũ, vùng nguy cơ sạt lở rất cần sự chung tay để xây dựng lại nhà cửa, có các điểm tránh trú bền vững.

"Sau trận lũ đó, căn nhà của tôi đã hư hỏng nghiêm trọng, rất may được một tổ chức ủng hộ, xây dựng lại nhà cửa kiên cố hơn, giúp vợ chồng yên tâm khi mùa mưa bão đến. Với bà con miền Bắc đang gánh chịu bão lũ, chúng tôi xin góp một phần nhỏ để chia sẻ, mong họ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này", ông Chức chia sẻ thêm. 

Người dân vùng lũ cần gì khi cơn đại hồng thủy đi qua? - 2
Người dân vùng lũ cần gì khi cơn đại hồng thủy đi qua? - 3

Từ sự đóng góp của bạn đọc, báo Dân trí chuyển 10 tấn gạo, 3 tấn nhu yếu phẩm cùng 7 suất quà là nhu yếu phẩm thiết yếu và 5 triệu đồng đến bà con gặp thiệt hại do bão lũ ở Cao Bằng vừa qua (Ảnh: CTV, Mạnh Mường).

Trong cơn lũ lịch sử cuối tháng 9/2022, căn nhà gần bờ sông Giăng của gia đình ông Hoàng Văn Thái (56 tuổi), trú thôn Mỹ Lương, xã Thanh Mỹ, Thanh Chương (Nghệ An) ngập gần 2m.

Là cư dân vùng lũ, gia đình ông Thái đã chuẩn bị sẵn một ít nước uống, thực phẩm dự trữ để chống lũ nhưng trước dòng nước cuồn cuộn chảy, ào vào nhà, ông không kịp trở tay. Người đàn ông này chỉ kịp đưa thùng mì tôm, một ít gạo, can nước 20 lít lên cao.

3 ngày sống trong cảnh nước lũ bủa vây, ông Thái thấm thía hơn bao giờ hết tình nghĩa xóm làng, sự quan tâm của chính quyền địa phương và những đoàn từ thiện. Những thùng mì tôm, chiếc bánh chưng, bánh mỳ, lương khô vượt dòng nước đỏ ngầu vào tận tay ông Thái và bà con trong xóm.

Người dân vùng lũ cần gì khi cơn đại hồng thủy đi qua? - 4

Người dân xã Thanh Mỹ vớt vát tài sản sau cơn lũ (Ảnh: Hoàng Lam).

"Tình nghĩa của bà con, của các mạnh thường quân là vô bờ bến. Trong đói, rét, mất mát, có sự đùm bọc, chia sẻ của mọi người, chúng tôi đỡ tủi thân, đỡ cô độc. Gói mì tôm, chiếc bánh mỳ lúc đói lòng thì rất quý, nhưng khi nhiều quá, nhận thì ngại, không nhận thì sợ bị nói là chê. Thú thực, nhiều mì tôm quá, ăn mãi cũng khiếp, mà dùng không hết thì nó hỏng", ông Thái nhớ lại.

Với kinh nghiệm của một người dân vùng lũ, ông Thái nói, cái ăn có thể cầm cự được một vài ngày thì cái sự mặc trở nên cấp thiết hơn. Với người dân đang cầm cự trong cơn lũ, quần áo bao nhiêu cũng không đủ vì phải liên tục thay do bị ướt, lạnh mà không thể giặt hay phơi kịp.

Gồng mình chống lũ suốt mấy ngày khiến sức lực cạn kiệt, theo ông Thái, người dân cần thuốc cảm, thuốc đau bụng, thuốc chống viêm nhiễm, sát khuẩn. Khi nước rút, đối mặt với nguy cơ ô nhiễm, dịch bệnh thì các hóa chất xử lý nước, xử lý môi trường cực kỳ cần thiết.

Theo ông Thái, sau lũ, ruộng vườn cần cả năm để khôi phục lại, trâu bò bắt đầu lăn ra ốm, thóc lúa hư hại, thiết bị điện trong nhà hư hỏng. Đồ điện tử ngâm nước mấy ngày, sửa dùng được một thời gian ngắn lại hỏng. Người dân vùng lũ bắt đầu lại cuộc sống từ cảnh trắng tay, với biết bao khó khăn bủa vây, họ cần kinh phí để khôi phục sản xuất, mua sắm đồ đạc.

Người dân vùng lũ cần gì khi cơn đại hồng thủy đi qua? - 5

Bộ đội giúp người dân xử lý môi trường sau lũ (Ảnh: Hoàng Lam).

Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các tổ chức, sự nỗ lực của gia đình nhưng cũng phải nhiều tháng sau cơn lũ, cuộc sống của gia đình ông Thái mới quay trở lại như trước. Vừa rồi, để "sống chung với lũ", ông đầu tư 25 triệu đồng để làm bè nổi, sắm áo phao và đang tính toán để dành tiền mua cái thuyền nhỏ tiện di chuyển trong lũ.

"Từ thực tế của bản thân, tôi nghĩ rằng, để sự hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực, sát với thực tế, cần có một cơ quan, tổ chức đứng ra đảm nhận, thay vì tự phát. Chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể tại chỗ là người nắm rõ nhất thực trạng của từng khu vực để điều tiết các mặt hàng thiết yếu, tránh tình trạng hàng cứu trợ đến nơi khó khăn ít thì nhiều, nơi thực sự cần giúp đỡ thì lại chưa đến nơi", ông Thái nói thêm.

Hỗ trợ phục hồi, tái thiết cuộc sống

Trong những ngày qua, hưởng ứng lời kêu gọi hướng về miền Bắc thân yêu, cùng với người dân cả nước, vùng "rốn lũ" xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) cũng phát động phong trào quyên góp, ủng hộ đồng bào chịu thiệt hại do thiên tai.

Người dân vùng lũ cần gì khi cơn đại hồng thủy đi qua? - 6

Nhà phao chống lũ do bạn đọc Dân trí dành tặng người dân vùng "rốn lũ" Minh Hóa (Ảnh: Tiến Thành).

Là người có nhiều kinh nghiệm trong việc điều phối, hỗ trợ các đoàn từ thiện đến vùng lũ, bà Cao Thị Thu Hoài, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hóa, cho hay, một khu vực, địa phương sẽ chịu thiệt hại khác nhau, do đó nhu cầu hỗ trợ cũng khác nhau.

Bà Hoài chia sẻ, các đoàn thiện nguyện khi đến cứu trợ vùng lũ, cần tìm hiểu kỹ nhu cầu, bà con thiếu gì để hỗ trợ, nên thông qua chính quyền địa phương để nắm bắt thông tin, tránh tình trạng nơi thừa nơi thiếu. Các loại thực phẩm thiết yếu gửi vào vùng lũ cần tính toán kỹ thời gian, ưu tiên các loại thực phẩm có thể sử dụng dài ngày tránh hư hỏng.

Sau lũ, việc hỗ trợ nên tập trung vào công tác khắc phục hậu quả thiên tai, tái thiết cuộc sống.

"Vấn đề cấp thiết trong lũ chính là đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, có đủ thực phẩm, nước uống cho người dân. Sau lũ, bà con cần nhất đó là cây trồng, con giống, sửa chữa nhà cửa. Đặc biệt là sự hỗ trợ để ứng phó với lũ một cách chủ động, bền vững. Những căn nhà phao chống lũ do bạn đọc Dân trí ủng hộ tại xã Minh Hóa chúng tôi là một minh chứng cho việc chủ động trước thiên tai", bà Hoài nói.

Người dân vùng lũ cần gì khi cơn đại hồng thủy đi qua? - 7

Bạn đọc Dân trí hỗ trợ tiền mặt đến bà con vùng lũ tỉnh Quảng Bình, để thêm phần giúp họ tái thiết cuộc sống sau trận lũ lịch sử năm 2020 (Ảnh: Nhật Anh).

Chia sẻ về công tác đồng hành, hỗ trợ bà con vùng lũ, ông Trần Tiến Chương, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Điền Mỹ (sát nhập từ 2 xã Phương Điền, Phương Mỹ), huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) - nơi được xem như là "túi đựng nước", vùng rốn lũ - cho rằng, mỗi giai đoạn trong, sau lũ và về lâu dài, người dân vùng lũ sẽ cần những sự hỗ trợ khác nhau.

Theo đó, tại thời điểm nước lũ đang ngập, người dân bị động nên tất cả mọi thứ cần phục vụ cho cuộc sống hàng ngày sẽ thiếu. Lúc này, họ cần thức ăn, nước uống và một số nhu yếu phẩm trong thời điểm bế tắc.

Khi nước lũ rút, ông Chương cho rằng cần khắc phục môi trường, hóa chất xử lý nước; người dân cần thuốc chữa trị đau bụng, đau mắt, viêm da. Sau đó, họ cần nước sạch, gạo, dầu ăn, mì chính, nước mắm, xà phòng, nhu yếu phẩm phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày.

Còn về lâu dài, theo ông Chương, người dân cần khắc phục nhà ở hư hỏng, khôi phục sản xuất, tốt hơn hết nên hỗ trợ bằng tiền mặt.

"Lúc này nhiều đoàn vẫn đổ về cho mì tôm, bánh, nhu yếu phẩm như vậy sẽ thừa. Điều đó dẫn đến việc không sử dụng hết và dẫn tới hư hỏng, lãng phí. Hỗ trợ bằng tiền mặt cho bà con ở giai đoạn sau là phù hợp mà người đến hỗ trợ cũng sẽ di chuyển gọn gàng, khi tới nơi thì phân phối dễ hơn", ông Chương chia sẻ.

Người dân vùng lũ cần gì khi cơn đại hồng thủy đi qua? - 8

Mọi sự ủng hộ Chương trình Nhân ái: "Chung tay xây dựng lại Làng Nủ" xin gửi về mã số 240502

1. Báo Dân trí

Số 2, Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội

Tel: 024. 3. 7366.491/ Fax: 024. 3. 7366.490

Email: nhanai@dantri.com.vn

Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau:

(nội dung chuyển khoản ghi: Chung tay xây dựng Làng Nủ MS 240502)

* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:

Tên TK: Báo Dân trí

Số TK: 1017378606

Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công - Hà Nội.

* Tài khoản USD tại VietComBank:

Account Name: Bao Dan tri

Account Number: 1017780241

Swift Code: BFTV VNVX 045

Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)

* Tài khoản EUR tại Vietcombank:

Account Name: Bao Dan tri

Account Number: 1022601465

Swift Code: BFTV VNVX 045

Bank Name: BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (Vietcombank)

* Tài khoản VNĐ tại VietinBank:

Tên TK: Báo Điện tử Dân trí

Số TK: 126000081304

Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm

* Tài khoản VND tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV)

Tên Tài khoản: Báo Dân trí

Số Tài khoản: 26110002631994

Tại: Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam- Chi nhánh Tràng An

Địa chỉ: Số 11 phố Cửa Bắc, Quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

ĐT: 0436869656.

* Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB)

Tên TK: Báo Dân trí

Số TK: 0231195149383

Tại Ngân hàng TMCP Quân đội - Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội

* Tài khoản VND tại Ngân hàng Agribank:

- Tên tài khoản: Báo Dân trí

- Số tài khoản VND: 1400206035022

- Tại Ngân hàng: Agribank CN Láng Hạ.

* Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB)

- Tên tài khoản: Báo Dân trí

- Số tài khoản VND: 1017589681

- Chi nhánh Hà Nội.

* Tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)

- Tên tài khoản: Báo Dân trí

- Số tài khoản VND: 333556688888

- Chi nhánh Đông Đô - Phòng GD Thanh Xuân

3. Văn phòng đại diện của báo:

- VP Đà Nẵng: Số 1 Lê Duẩn, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.

Tel: 0236. 3653 725

- VP TPHCM: Số 51 - 53, Võ Văn Tần, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM.

Tel: 028. 3517 6331 (trong giờ hành chính) hoặc số hotline 0974567567

- VP Thanh Hóa: Số 02 Nhà Thờ, phường Trường Thi, TP Thanh Hóa

Tel: 0914.86.37.37

- VP Cần Thơ: Số 2, Đại lộ Hòa Bình, Quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. 

Tel: 0292.3.733.269