Nhà sau lũ bùn ngập cả mét: Người miền Trung chỉ cách dọn nhanh chóng

Ngô Linh Hoài Sơn Vi Thảo

(Dân trí) - "Nước rút đến đâu, dọn dẹp đến đấy" là kinh nghiệm đúc kết của người dân miền Trung khi mỗi năm phải trải qua 3-5 trận lụt.

Những ngày qua, các tỉnh phía Bắc như: Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên… xảy ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng, nhiều nơi nước ngập sâu từ 2-8m, nhấn chìm nhiều ngôi nhà. Theo ghi nhận, hiện nay nước đã rút, người dân đang tất bật dọn dẹp vệ sinh. Nhiều hộ gia đình khổ sở khi bùn đất cao cả mét, rác thải khắp nơi.

Sống ở khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, người dân miền Trung đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong việc phòng, chống mưa bão cũng như việc dọn dẹp vệ sinh sau mỗi trận lũ lụt.

Chuẩn bị tinh thần "sống chung với lũ"

Nằm ở vùng hạ du sông Bồ, người dân thôn Xuân Tùy (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) từ lâu đã xác định tư tưởng "sống chung với lũ". Hằng năm, ngôi làng với gần 200 hộ dân này thường xuyên ngâm mình trong dòng nước bạc. Việc ứng phó với thiên tai gần như đã trở thành thói quen của người dân.

Nhà sau lũ bùn ngập cả mét: Người miền Trung chỉ cách dọn nhanh chóng - 1

Trong đợt ngập tháng 10/2023, một lượng lớn bùn đất tràn vào nhà người dân ờ đường Mẹ Suốt, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng (Ảnh: Hoài Sơn).

Ông Phạm Phước (57 tuổi, ở làng Xuân Tùy), cho biết mỗi khi nghe thông tin có mưa, bão, hầu hết người dân trong làng đều tiến hành chặt bớt những cành cây cao trong vườn, chằng chống mái nhà bằng những bao cát kỹ càng.

Người dân Xuân Tùy cũng nắm rõ quy luật, sau bão thường có mưa lớn gây lũ lụt, ngập úng kéo dài. Do đó, người dân phải lên phương án tích trữ lương thực, chủ động đi xay thêm gạo để dùng trong lúc khó khăn, hoạn nạn.

 "Mỗi khi biết có thông tin sắp mưa lớn, tôi thường mua sẵn những nhu yếu phẩm để tích trữ, sử dụng trong những ngày nước lụt dâng cao. Những gói mỳ tôm, miếng lương khô, cá khô,... giúp gia đình tôi cầm cự được qua thời gian không thể đi chợ", bà Phạm Thị Hòa (54 tuổi, người làng Xuân Tùy) chia sẻ.

Để bảo vệ tài sản trong mùa mưa bão, người dân chuẩn bị sẵn gạch, táp lô, gỗ... để kê cao đồ đạc, tránh trường hợp bị ướt, hư hỏng. Những tài sản có giá trị như: ô tô, xe máy, tủ lạnh, bà con thường mang đến các ngôi nhà cao hơn để gửi nhờ.

Đặc biệt, do sống ở vùng thấp trũng, mỗi khi lũ lụt đều ngập cả làng, chia cắt thôn xóm kéo dài, nên hộ dân nhà nào ở Xuân Tùy cũng cố gắng mua bằng được chiếc ghe, chiếc thuyền để làm phương tiện đi lại trong mùa bão lũ.

Cao điểm 9 lần dọn lũ trong năm

Đang xem tin tức thời sự về tình hình lũ lụt tại các tỉnh phía Bắc, ông Lê Văn Cường (trú khối phố An Hội, phường Minh An, thành phố Hội An) không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến lượng bùn non bám lại trong nhà các hộ dân ở miền Bắc rất nhiều sau lũ rút.

"Tôi nhìn lượng bùn bám rất dày, có nhà cũng hơn 50cm, như vậy rất khó dọn dẹp. Kinh nghiệm hơn vài chục năm dọn lụt của tôi là nước rút đến đâu, dọn dẹp đến đấy, như vậy vừa tiết kiệm công sức, vừa nhanh", ông Cường nói.

Nhà sau lũ bùn ngập cả mét: Người miền Trung chỉ cách dọn nhanh chóng - 2

Lũ rút đến đâu người dân Hội An dọn dẹp nhà đến đó. Ảnh chụp vào trận lũ tháng 11/2023 (Ảnh: Đức Thành).

Theo ông Cường, mỗi năm gia đình ông phải dọn lụt 3-5 lần, cao điểm nhất là 9 lần. Do nhà nằm gần sông nên mỗi lần nước dâng cao 1-2m, ngâm lâu 2-3 ngày mới rút.

Mỗi lần nước lên xuống, ông Cường đều theo dõi cẩn thận để chuẩn bị tinh thần dọn dẹp.

Theo ông Cường, khi nước rút đến đầu gối, bắt đầu đẩy bớt bùn non ra ngoài đường, có thể dùng cây để khuấy đảo nước tránh bùn bám chặt vào nền. Nhà trên cao dọn dẹp trước, sau đó nhà ở dưới bắt đầu đẩy theo con nước, phải phối hợp nhịp nhàng giữa các hộ gia đình.

Nhà sau lũ bùn ngập cả mét: Người miền Trung chỉ cách dọn nhanh chóng - 3

Cần phối hợp nhịp nhàng, nhà trên cao dọn trước rồi đến nhà dưới thấp đẩy bùn theo con nước. Ảnh chụp vào trận lũ tháng 11/2023 (Ảnh: Ngô Linh).

"Không nên đợi nước rút hết mới dọn, lúc này bùn đã bám chặt xuống nền nhà. Dọn trước trong nhà, rồi bắt đầu dọn đường trước nhà, dọn khu phố. Người dân cần phối hợp chặt chẽ với nhau, với lực lượng vệ sinh môi trường, bộ đội… sẽ hiệu quả hơn", ông Cường nói thêm.

Sống trong căn nhà 115 Nguyễn Thái Học, khu phố cổ Hội An (Quảng Nam) với lịch sử hơn 107 năm, ông Tăng Hà Ái cùng con cháu là thế hệ thứ 7 giữ gìn ngôi nhà cổ này. Ông Ái cho hay, do nhà nằm ven sông Hoài nên mỗi năm gia đình ông phải dọn lụt 3-4 lần.

Kinh nghiệm của ông Ái đúc kết hàng chục năm qua là nước rút đến đâu, dọn dẹp đến đấy, nếu đợi lũ rút hết, việc dọn dẹp rất khó do bùn đã bám chặt. Mỗi đợt lũ lên xuống, gia đình ông đều theo dõi chặt chẽ.

Nhà sau lũ bùn ngập cả mét: Người miền Trung chỉ cách dọn nhanh chóng - 4

Ông Tăng Hà Ái (người dân Hội An) chia sẻ kinh nghiệm, nước rút đến đâu, dọn dẹp đến đấy (Ảnh: Ngô Linh).

"Khi nước đến đầu gối, cần dùng cây khuấy đảo bùn hòa vào nước, sau đó dùng chổi để đẩy bùn theo con nước ra ngoài, việc nắm chặt thời gian dọn dẹp sẽ tiết kiệm sức lực. Dọn xong bùn, phun nước làm sạch, có thể thêm nước lau sàn để khử khuẩn. Mỗi năm, gia đình tôi cũng quét một lớp sơn dầu lên các cột gỗ để bảo vệ", ông Ái chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Phạm Thế Tùng (65 tuổi) là người dân từ Hà Nội đã đến sinh sống tại thành phố Hội An hơn 20 năm cho hay, không nên đợi nước rút hết mới dọn, phải theo dõi con nước, nước rút đến đâu dọn dẹp đến đấy. Sau khi đẩy hết lớp bùn non ra ngoài đường, tiến hành phun nước sạch vệ sinh các vật dụng trong gia đình.

Còn ông Phạm Phước, ở Xuân Tùy, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, người dân địa phương thường dọn nhà cửa, sân vườn sau mỗi đợt mưa lũ với phương châm "nước rút tới đâu, dọn dẹp tới đó".

Lúc này, bùn non còn bám dính trong nhà, sân vườn nên dễ dàng  tận dụng nước lũ để vệ sinh, còn nếu để lâu sẽ vất vả trong việc dọn dẹp.

Đối với lượng rác thải, bao bì theo dòng nước trôi vào sân vườn, người dân tiến hành thu dọn, làm sạch môi trường sống ngay khi có thể để, không xảy ra ô nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe.

Sống ở "điểm nóng" ngập lụt, ông Trần Thiên Vũ (67 tuổi, ở đường Mẹ Suốt, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) cho rằng, cần nhanh chóng sử dụng dụng cụ đẩy bùn trôi dần theo dòng nước ra khỏi nhà khi nước rút đến tầm mắt cá chân.

Những năm qua trong nhà ông Vũ luôn có một dụng cụ là cây gạt nước nhưng được dùng để đẩy bùn rất hiệu quả. Nếu vị trí nào bùn đóng dày, sử dụng xẻng xúc bớt rồi xối nước vào sẽ giúp đẩy dễ hơn.

Không nên vội vàng đưa đồ đạc xuống thấp khi lũ rút

Theo kinh nghiệm của người dân vùng thường chịu ảnh hưởng mưa lũ, cần chủ động nắm bắt thông tin về mưa lũ trên báo đài, mạng xã hội, để không vội vàng hạ đồ đạc, lúa gạo, thiết bị điện tử,... xuống thấp, tránh tình trạng lũ chồng lũ, không kịp trở tay.

Với bà Phạm Thị Đoan (52 tuổi, trú phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng), việc dọn dẹp nhà cửa sau những trận ngập lụt có phần vất vả hơn do nhà kinh doanh tạp hóa, lại nằm ở đoạn ngập sâu trên đường Mẹ Suốt.

Nhà sau lũ bùn ngập cả mét: Người miền Trung chỉ cách dọn nhanh chóng - 5

Cây đẩy bùn, dụng cụ không thể thiếu trong việc dọn nhà của người dân Đà Nẵng (Ảnh: Hoài Sơn).

Bà Đoan cho biết, thường phải thức đêm để canh nước rút, nếu không sẽ bỏ qua "thời điểm vàng", nước cạn, bùn càng đặc, việc dọn dẹp lại thêm phần khó khăn hơn.

Khi nước vừa rút ra khỏi nhà, gia đình bà Đoan sẽ tận dụng dòng nước còn đọng lại để tạt vào những vị trí có bùn đất. Người tạt, người dùng dụng cụ cào bùn để đẩy ra, cứ lặp lại liên tục đến khi sạch bùn đất.

Bà Đoan cũng khuyến cáo người dân không nên vội vàng đưa đồ dùng có giá trị xuống thấp, cần theo dõi tình hình thời tiết xem có mưa lớn xảy ra tiếp hay không, đề phòng nước dâng cao trở lại.

Tại nhà bà Đoan, gia đình đã kê một giàn sắt, phía dưới kê thêm 3 lớp gạch, tổng chiều cao của khung này hơn 2m. Phía trên khung sắt được lót ván gỗ để chất đồ đạc lên cao, nước dâng tới đâu đưa đồ đạc lên tới đó.