DNews

Người châu Phi rửa bát, bốc vác thuê tại Hà Nội

Nguyễn Ngoan

(Dân trí) - Gideone Sey, Matondo và hơn 100 người khác nhập cư từ các quốc gia châu Phi đến Việt Nam, làm đủ công việc: Rửa bát, bốc vác... để mưu sinh.

Người châu Phi rửa bát, bốc vác thuê tại Hà Nội

Đi bốc vác thuê dù có bằng cấp và công việc ổn định ở nước ngoài

Hơn 3 tháng nay người dân phường Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội) dần quen với cảnh từng nhóm người nhập cư đến từ châu Phi đi qua đi lại khắp phố. 

Bà Lan, một người dân kinh doanh quán nước ở Tứ Liên, cho biết nhóm người châu Phi này lúc đầu xuất hiện từng nhóm nhỏ, sau đó ngày càng nhiều người hơn. "Họ đi lại suốt ngày ở con phố, thi thoảng vào đây uống nước", bà Lan nói.

Chủ quán nước không biết họ từ đâu đến và làm công việc gì trước đây, nhưng từ ngày nhóm này xuất hiện ở đây, bà thường thấy họ đi làm thuê, bốc vác ở vườn quất, đào, một số đi rửa bát cho quán cơm.

Theo bà Lan nhóm người này không biết tiếng Việt, họ giao tiếp bằng ứng dụng trên điện thoại khi muốn mua hàng, ăn cơm, uống nước, hay xin việc.

Chị Thảo, chủ quán cơm đối diện quán nước nhà bà Lan chia sẻ, mỗi ngày quán của chị đón vài ba nhóm khách là người da màu đến ăn cơm. Họ thường đến quán lúc 12h và 18h khi kết thúc ca làm việc.

"Họ muốn ăn gì sẽ ghi ra điện thoại và đưa cho chúng tôi, khi tính tiền chúng tôi giơ ngón tay lên ra hiệu để họ biết", người phụ nữ nói.

Chị Thảo chia sẻ, thi thoảng họ đến dùng bữa sớm, thấy nhân viên của chị nhặt rau, bê đồ sẽ phụ giúp.

"Họ khá thân thiện dù không chung ngôn ngữ, họ giúp tôi một chút việc, tôi sẽ mời thêm các bạn ấy vài món ăn", chủ quán cơm cho hay.

Ở trọ trong con ngõ gần nhà bà Lan, đã 5 tháng từ ngày Gideon Sey, 43 tuổi, đến từ Ghana, có mặt ở Việt Nam. Người đàn ông gốc Phi chỉ ra ngoài đi làm được ít ngày khi bão Yagi đổ bộ, làm ngập lụt khu vực trồng cây. Số ngày còn lại anh chỉ ở trong phòng, chẳng đi đến đâu vì không có việc, cũng chẳng biết đường.

Gideon cho biết, anh vốn là nhân viên tại một tổ chức quản lý về thiên tai ở quê nhà. Sau 8 năm làm việc, Gideon có một chuyến du lịch tại Singapore, nơi đây anh tình cờ bắt gặp một người đến từ châu Phi như anh. Qua trò chuyện họ giới thiệu với anh về Việt Nam.

"Họ nói với tôi Việt Nam đang cần giáo viên tiếng Anh và lương rất cao", Gideon nói.

Gideon được hứa hẹn một công việc giảng dạy tiếng Anh với mức lương hấp dẫn, điều đó đã thúc đẩy anh từ bỏ công việc văn phòng tại quê nhà và trả tiền cho môi giới để sang Việt Nam.

"Tôi được nói rằng có thể dễ dàng tìm được việc dạy tiếng Anh, nhưng khi đến đây, không có việc nào cả và người môi giới thì biến mất", Gideon chia sẻ. 

Người châu Phi rửa bát, bốc vác thuê tại Hà Nội - 1

Gideon Sey, 43 tuổi, đến từ Ghana (Ảnh: Nguyễn Ngoan).

Người môi giới đòi anh thêm một khoản tiền thì mới giới thiệu việc làm tại trung tâm cho Gideon. Khi anh không chuyển họ biến mất, không thể liên lạc, bỏ mặc anh tại đây, mắc kẹt trong phòng trọ, không biết tiếng Việt, không có việc làm lẫn tiền sinh hoạt.

Với số tiền ít ỏi mang theo chẳng mấy chốc anh rơi vào cảnh bữa đói bữa no ở đất nước xa lạ. Người đàn ông phải gọi về gia đình tại Ghana cầu cứu gửi tiền sang để duy trì cuộc sống. Gia đình của anh ở Ghana gửi cho anh 2,5 triệu đồng, nhưng không may, một kẻ lừa đảo đã chiếm đoạt 1,5 triệu đồng trong số đó. Còn lại một triệu đồng để người đàn ông gốc Phi sinh sống suốt mấy tháng nay. 

"Hết tiền chúng tôi phải đi nhận việc làm thuê, ai thuê gì làm nấy, mới đây bão Yagi qua, một số nông dân trồng quất, đào có thuê chúng tôi dọn dẹp cánh đồng giúp họ", Gideon cho hay.

Gideon nói anh nhận được 24.000 đồng cho 1 giờ làm, làm nhiều giờ thì tiền công sẽ nhiều hơn.

Một chủ vườn tại phường Tứ Liên cho biết, thời gian gần đây có một số người nước ngoài đi lại liên tục tại các khu vườn của họ để xin việc.

"Họ xuất hiện từ 6h đến 17h dọc con đường dẫn ra các cánh đồng trồng đào và quất", vị chủ vườn nói.

Sau mưa bão có một số nhà vườn vì thiếu nhân công nên đã thuê họ dọn dẹp với số tiền 500.000 đồng/1 giờ cho nhóm 3 người. Họ giúp bê vác và dọn dẹp lại số chậu, trồng cây bị lũ ngập úng chết sau bão.

Sau 5 tháng ở Việt Nam số tiền trong túi của Gideon đã cạn kiệt, các nhà vườn cũng không còn việc cho họ làm thuê, người môi giới biến mất họ không biết cách nào để xin được việc, cuối cùng cả xóm trọ gần như thất nghiệp.

"Tôi không có tiền để ăn cơm, thi thoảng một số người cho chúng tôi đồ ăn, tiền trọ vẫn đang nợ lại mấy tháng nay", Gideon chia sẻ và nói bản thân thấy may mắn vì chủ trọ vẫn cho họ ở lại dù nợ tiền.

Gideon đã hết hạn visa 4 tháng nay, anh nói muốn trở về quê nhà, tuy nhiên anh cần một số tiền lớn để nộp phạt vì quá hạn visa và tiền vé máy bay. Suốt nhiều tháng nay ở Việt Nam không có việc làm, duy trì cuộc sống còn khó khăn, anh không có tiền để trở về quê nhà.

"Tôi rất mong có thể kiếm được một công việc để kiếm tiền, sớm ngày trở về quê nhà với vợ con", Gideon nói.

Làm đủ nghề để mưu sinh ở Việt Nam

Cùng nhà trọ với Gideon, Joslain Matondo, 38 tuổi, đến từ Congo, cũng rơi vào tình cảnh tương tự. 

Trước khi đến Việt Nam, Matondo là một kỹ sư công nghệ thông tin tại quê nhà, anh sống cùng vợ và hai con. Tuy nhiên thời gian gần đây quê hương anh xảy ra chiến tranh, một trong số hai đứa con của anh bị bệnh, vì không có tiền mà qua đời, cuộc sống vô cùng khó khăn. Qua một vài người bạn anh biết đến Việt Nam.

"Họ nói với tôi Việt Nam có nhiều công việc tôi có thể làm với mức thu nhập tốt", Matondo nói.

Nghe những người bạn giới thiệu Matondo quyết định thử vận may tại Việt Nam. Anh tạm biệt vợ con và theo giới thiệu bay sang Việt Nam, cũng giống như Gideon, anh được đưa đến khu trọ ở phố Tứ Liên và mong chờ một công việc tốt đẹp sẽ đến với mình. Tuy nhiên, người đàn ông sau đó bị môi giới lừa, rơi vào cảnh thất nghiệp, khó khăn hơn cả ở quê nhà.

Người châu Phi rửa bát, bốc vác thuê tại Hà Nội - 2

Joslain Matondo, 38 tuổi, đến từ Congo (Ảnh: Nguyễn Ngoan).

Matondo thông thạo tiếng Pháp và kỹ thuật máy tính nhưng không nói được tiếng Anh. Anh đã đi một số nơi để xin việc nhưng không thành công, chẳng một ai thuê anh, để sống anh đành nhận công việc tay chân để kiếm ăn qua ngày, tuy nhiên việc không nhiều khi số người châu Phi cần việc tại con phố này rất đông.

"Từ sáng tới giờ tôi chưa được ăn gì", người đàn ông kể về hoàn cảnh khó khăn của mình tại một đất nước xa lạ.

Dù rơi vào khó khăn nhưng Matondo không muốn quay về đất nước mình, anh hi vọng ở lại Việt Nam và có công việc để sống sót tại đây.

"Mọi thứ ở đó đã mất hết - nhà tôi bị phá hủy trong chiến tranh, và tôi cũng không còn liên lạc được với vợ con", người đàn ông cho hay.

Cuộc sống nhốt mình trong căn phòng trọ, không có việc làm và thu nhập khiến người đàn ông Congo rơi vào khó khăn, nhưng anh không biết cách nào để giải quyết.

Không chỉ có Gideon hay Matondo, trong nhà trọ của họ còn 23 người khác độ tuổi từ 22 đến 60 tuổi sống tại các nước châu Phi như: Nigeria, Ghana, Somali, Congo… đến Việt Nam để xin việc.

Họ đều rơi vào tình trạng thất nghiệp, ăn uống không đủ no chỉ để chờ đợi một cơ hội việc làm được hứa hẹn sẽ thay đổi cuộc đời họ.

"Không chỉ nhà trọ của chúng tôi, còn hàng chục người châu Phi khác ở quanh đây. Chúng tôi vui vì có thể gặp đồng hương ở đây, nhưng cũng lo lắng về cơ hội việc làm khi có quá nhiều người châu Phi qua đây", Gideon nói.

Đại diện UBND quận Tây Hồ cho biết, có ghi nhận một nhóm người nhập cư từ một số nước châu Phi đang sinh sống trên địa bàn quận thời gian gần đây. 

Phía quận Tây Hồ đã đến làm việc với số lao động trên để tìm hiểu về cuộc sống và có biện pháp quản lý, đảm bảo an toàn cho họ.

"Họ sinh sống từng nhóm tại nhiều khu vực, làm những công việc khác nhau nên quản lý khá khó khăn", vị đại diện nói. 

Hiện công an quận Tây Hồ đã báo sự việc lên cấp trên, đồng thời liên hệ với các đại sứ quán quản lý các lao động trên để nắm thông tin, hỗ trợ các cư dân châu Phi khi họ có nhu cầu trở về nước nhà.

Nguyễn Ngoan - Thu Ngân - Ánh Dương