Chiến thần livestream Việt kiếm tiền khủng như thế nào, góc khuất ít ai ngờ

Hồng Anh

(Dân trí) - Dư luận đang dành nhiều sự quan tâm đến vụ việc "chiến thần Hà Linh" (nữ tiktoker sinh năm 1990, quê Nghệ An) livestream bán sản phẩm dầu gội đầu của một hãng dược phẩm nổi tiếng.

Thời gian gần đây, Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều người theo đuổi công việc streamer, livestream như Hà Linh.

Livestream - nghề "ngồi mát" kiếm trăm triệu đồng mỗi tháng?

Những người theo nghề livestream có thể kiếm được tiền từ việc người xem donate (tặng quà một cách tự nguyện trong quá trình trò chuyện trực tuyến).

Cũng có người tận dụng ca livestream liên kết với các nhãn hàng để bán hàng, quảng bá sản phẩm. Rất nhiều người đã đổi đời nhờ công việc này, thậm chí sở hữu mức thu nhập từ hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng mỗi tháng.

Tuy nhiên, những người theo nghề này lâu năm tiết lộ, dù thu nhập cao nhưng công việc livestream tồn tại không ít góc khuất, khó khăn. Đây không phải là nghề "ngồi mát ăn bát vàng", "nhàn hạ, thu nhập khủng" như nhiều người vẫn nghĩ.

Chiến thần livestream Việt kiếm tiền khủng như thế nào, góc khuất ít ai ngờ - 1

Nhiều người chấp nhận thức đêm bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội (Ảnh minh họa: Sohu).

Suốt 3 năm theo nghề livestream, Mai Huyền (27 tuổi) không thể sống một cuộc sống bình thường như trước kia. Cô gái quê Phú Thọ luôn đi ngủ vào lúc 3h và thức dậy vào 10h mỗi ngày. Giờ giấc sinh hoạt, ăn uống đảo lộn. Nhiều ngày cô lê lết trở về nhà trong trạng thái rã rời.

Nhận livestream nhiều sản phẩm thời trang, mỹ phẩm trên Facebook, Tiktok, Huyền thường phải làm việc 3 ca mỗi ngày. Các ca live thường diễn ra từ 11h -14h, 19-22h, 23h-2h. Tranh thủ khoảng thời gian giãn cách giữa các ca live, cô thường ăn nhanh rồi chợp mắt lấy lại sức.   

Mỗi ca bán hàng, Huyền được trả khoảng 1-2 triệu đồng và 20% hoa hồng từ tổng doanh thu. Thu nhập có tháng lên tới gần 100 triệu đồng nhưng đổi lại cô bị mất đi nhiều mối quan hệ, bạn bè ngày càng ít đi, số lần ra ngoài giao lưu, đi chơi cũng thưa dần. Càng là ngày nghỉ lễ, Huyền càng phải tích cực bán hàng bởi khi đó khách hàng sẽ có thời gian online nhiều hơn.

"Trong thời gian livestream tôi luôn phải giữ vẻ mặt tươi tắn bất luận hôm ấy tâm trạng thế nào. Nhiều khi buổi live kéo dài, tôi rất đói nhưng cũng phải cố chịu, khát nước nhưng không dám uống nhiều vì sợ mình chạy ra ngoài đi vệ sinh thì khách hàng sẽ bỏ đi mất", Huyền nói.

Võ Thùy Linh (27 tuổi, Hà Nội) học ngành sư phạm nhưng lại bất ngờ rẽ ngang, theo đuổi nghề sáng tạo nội dung và livestream trên mạng xã hội. Linh xây dựng hai kênh Tiktok về tình yêu và thời trang.

Cách đây khoảng một năm, khi đã có được lượng theo dõi nhất định, cô gái trẻ bắt đầu hợp tác, liên kết bán các sản phẩm về thời trang, chăm sóc sức khỏe.

Sở hữu số tiền từ 30 đến 100 triệu đồng mỗi tháng, Linh thừa nhận đây là mức thu nhập cao. Tuy nhiên, cô gái 27 tuổi cho rằng, nghề này có những nỗi vất vả riêng, không phải ai cũng nhìn thấy được.

Chiến thần livestream Việt kiếm tiền khủng như thế nào, góc khuất ít ai ngờ - 2

Linh từng đạt thu nhập gần 30 triệu đồng cho 1 ca livestream chỉ vài tiếng đồng hồ (Ảnh: Thùy Linh).

"Khó khăn nhất là các ý tưởng. Tôi luôn phải suy nghĩ làm sao để xây dựng được các video hay buổi live tốt. Mỗi ca live thường kéo dài từ 1-2,5 tiếng đồng hồ. Nếu là livestream bán hàng thì sẽ rất mất sức vì tôi phải giữ được cột hơi, nói nhiều, nói to, kết hợp cùng các nhân viên khác tạo không khí vui vẻ, giữ chân người xem.

Làm nghề này, bản thân phải có kiến thức, phải có độ hiểu biết và có sự trải nghiệm nhất định về sản phẩm. Chẳng hạn với sản phẩm chăm sóc sức khỏe, tôi hoặc cộng sự của mình phải dùng thử từ 10-15 ngày, cảm thấy đó là sản phẩm chất lượng thì mới dám hợp tác. Nếu không cẩn thận, nhận phải sản phẩm rởm thì coi như tự tay hủy hoại hình ảnh, uy tín của mình", Thùy Linh chia sẻ.

Để giữ được lượng tương tác tốt và hình ảnh của bản thân, những người làm nghề livestream ngoài việc lựa chọn sản phẩm có chất lượng, thỏa thuận được giá tốt với nhãn hàng còn phải biết tìm cách "mua vui" bằng nhiều tài lẻ để thu hút, giữ chân người xem.

Có người tận dụng ngoại hình, có người sử dụng khả năng hài hước, lối nói chuyện có duyên, nhưng cũng có người dùng tuyệt chiêu "chửi", chửi xắt xéo, càng ngoa ngoắt càng tốt.

Thậm chí, ngoài người livestream chính, phía sau họ còn có cả một ekip hùng hậu hỗ trợ gào thét, nhắc đi nhắc lại nhiều lần về giá cả hay tên các loại sản phẩm.

Hứng chịu vô số sự miệt thị, xúc phạm

Đặng Thành Đạt (29 tuổi, Hà Nội) - một streamer nổi tiếng với biệt danh Đạt Villa (sở hữu 8 triệu người theo dõi) cho biết, streamer là một nghề mới ở Việt Nam nên bản thân mỗi người đều phải tự mò mẫm, tìm cách live sao cho hiệu quả.

Để giữ được tương tác, mỗi người phải trau dồi cho bản thân nhiều tài lẻ như ca hát, diễn xuất để thu hút và tạo cảm giác thoải mái cho người xem.

Chiến thần livestream Việt kiếm tiền khủng như thế nào, góc khuất ít ai ngờ - 3

Đạt phải hứng chịu nhiều bình luận tiêu cực từ người xem (Ảnh: T. Đ).

Đạt cho hay, theo đuổi nghề này, anh được là nhiều người biết đến và yêu quý. Song bản thân mất cũng nhiều. "Tôi dành gần như toàn bộ thời gian cho công việc nên không thể duy trì các mối quan hệ bạn bè như trước", Đạt nói.

Theo chàng trai này, làm nghề livestream cũng giống như "làm dâu trăm họ". Ngoài áp lực cạnh tranh từ những người trong ngành, anh liên tục phải hứng chịu những bình luận tiêu cực từ người xem trong mỗi ca live.

"Dù chưa gặp mặt ngoài đời nhưng nhiều người sẵn sàng miệt thị ngoại hình, có người chê bai cuộc sống cá nhân hay tính cách của tôi", anh nói.  

Xác định đây là một mảng tối của nghề, Đạt chấp nhận bỏ ngoài tai, không quan tâm đến những bình luận mang tính mạt sát, vùi dập. Theo Đạt, "nóng giận thì mất khôn", nhiều lúc dù rất bức xúc nhưng anh phải cố kìm nén cảm xúc của mình.

Chiến thần livestream Việt kiếm tiền khủng như thế nào, góc khuất ít ai ngờ - 4

Theo Đạt, livestream giống như nghề "làm dâu trăm họ" (Ảnh: Đ. T. Đ).

"Việc nóng giận trong lúc livestream sẽ khiến cảm xúc tiêu cực dễ ảnh hưởng tới người xem. Buổi livestream vì thế sẽ mất đi hiệu quả".

Võ Thùy Linh cũng chia sẻ rằng, bản thân cô cũng phải hứng chịu không ít bình luận tiêu cực vô cớ hay những ngôn từ có tính sát thương từ cộng đồng mạng.

"Nhiều người vẫn cho rằng những người làm sáng tạo nội dung hay livestream, tiktoker là vô công rồi nghề. Họ sẵn sàng buông lời xúc phạm về ngoại hình hay tích cách của tôi, có người khi thậm chí còn nói tôi là kiểu phụ nữ làm nghề không đứng đắn.

Thực sự đọc được những bình luận đó tôi rất buồn nhưng phải chấp nhận vì đó là mặt trái của nghề. Tôi vượt qua những cảm xúc tiêu cực nhờ sự động viên của người thân, đọc thêm sách, báo…", Thùy Linh tâm sự.

Không thể phủ nhận, đằng sau sự hào nhoáng của nghề livestream là cả quá trình khẳng định của mỗi cá nhân. Để có được thành công và thu nhập, nhiều người trẻ phải đánh đổi không ít công sức, thời gian, thậm chí cả sức khỏe, tinh thần.