(Dân trí) - Gần 5 năm cưu mang những chú mèo bệnh tật, bị bỏ rơi, Vân Khanh không còn khóc nhưng vẫn hụt hẫng và khó nói lời tạm biệt khi có "bé" mèo nào đó chết, dù cố đã dốc hết tâm sức cứu chữa.
"Ngôi nhà hạnh phúc" của hàng trăm chú mèo giữa trung tâm TPHCM
(Dân trí) - Gần 5 năm cưu mang những chú mèo bệnh tật, bị bỏ rơi, Vân Khanh không còn khóc nhưng vẫn hụt hẫng và khó nói lời tạm biệt khi có "bé" mèo nào đó chết, dù cố đã dốc hết tâm sức cứu chữa.
Buổi chiều, Ngô Đình Vân Khanh, 26 tuổi, cầm bịch bánh, ngồi giữa sàn nhà rộng chừng 30m2 trong con hẻm nhỏ ở quận 7. Gần 100 con mèo lớn nhỏ tụm lại xung quanh cô, khều khều tay đòi xin ăn.
"Đó là những phút giây hạnh phúc nhất, là cách giúp mình vượt qua những khó khăn và tác động tiêu cực từ bên ngoài khi quyết định bỏ công việc làm quảng cáo với mức lương khá để lập trạm cứu hộ mèo", cô gái quê Đồng Nai nói.
Làm điều không tưởng
Vân Khanh vốn không phải là người quá yêu thích mèo. Cô yêu thương động vật, nhưng cô chưa từng nghĩ một ngày mình lập nên trạm cứu hộ những chú mèo bị bệnh, tai nạn hoặc bị bỏ rơi. May mắn, trên hành trình của cô có một người bạn đồng hành, đó là chàng trai Đỗ Dương Trúc Lâm, 29 tuổi, làm nghề dựng phim quảng cáo.
Đầu tháng 4/2019, khi cả hai đang đi làm về khuya thì bắt gặp chú mèo chạy qua đường kiếm ăn, suýt bị xe tải đâm trúng. Thấy thương, Khanh bàn với Lâm đem về nhà nuôi. Sau đó, số phận những "người bạn 4 chân" lần lượt đến với cặp đôi. Đỉnh điểm, trong căn chung cư nhỏ thuê để ở, họ nuôi đến 17 con mèo hoang nhặt ngoài đường về.
Đầu năm 2020, cặp đôi cùng những người bạn thuê một căn nhà 2 tầng ở quận 7 để làm việc. Dịch Covid-19 bùng phát, cả hai chứng kiến có nhiều chú mèo bị bỏ rơi hơn. Chưa kể, thấy ở đâu có mèo gặp tai nạn, bệnh tật, bạn bè đều tìm đến Khanh để nhờ nuôi giúp. Kể từ đó đến nay, họ trở thành "bảo mẫu" bất đắc dĩ của hàng trăm con mèo.
Từ một người không có nhiều kiến thức về việc chăm sóc mèo, Khanh được Lâm chia sẻ và hướng dẫn từ cách chọn thức ăn cho đến trị bệnh. Cô gái tâm sự: "Mình tự nhận bản thân là một người ích kỷ, thường có những suy nghĩ tiêu cực nhưng nhờ anh Lâm và đàn mèo mà mình biết quan tâm, yêu thương mọi thứ xung quanh hơn".
Chăm càng nhiều và càng lâu, Khanh với Lâm gặp thêm nhiều khó khăn mới đặc biệt là các loại bệnh của mèo. Có những bệnh đi bác sĩ thú y chữa trị là xong, nhưng cũng có những con phải điều trị tâm lý cho chúng. Điển hình là chú mèo tên Quậy, Khanh nhận nuôi khi chủ trước và người thân trong nhà liên tục bị "bé" cào cắn. Sau khi về nhà Khanh, Quậy cũng chỉ thích trốn ở chỗ cao, gọi không chịu xuống ăn.
"Mất một thời gian, Quậy mới chịu hòa đồng cùng những con khác và tin tưởng tụi mình hơn", Khanh chia sẻ.
Trong căn phòng chăm mèo bệnh ở tầng 1, có một chú mèo Khanh cứu chưa kịp đặt tên. Hơn 3 tháng trước, bé mèo bị xe đụng rồi lết vào nhà một người ven đường. Chủ nhà đã tức tốc chở đến Khanh lúc nửa đêm.
Sau 2 tháng lưu chuồng chữa trị ở phòng khám thú y, chú mèo này đã được xuất viện và phục hồi tốt. Khanh coi đây là một "kỳ tích".
Hạnh phúc với quan điểm của mình
Nhiều người nghĩ họ là những người "cuồng mèo", có bao nhiêu mèo ngoài đường đều nhận về nuôi, hoặc có quá nhiều tiền để làm một "việc bao đồng" như thế. Nhưng, như cái tên là "trạm cứu hộ", cả hai ưu tiên cứu mèo vô chủ gặp tai nạn, bệnh tật, mèo đang mang thai… cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.
Vân Khanh vốn là sinh viên ngữ văn Anh, ngoài làm quảng cáo, cô còn làm thêm dịch phim. Trúc Lâm làm dựng phim quảng cáo.
Cả hai chia sẻ, mỗi ngày họ có thể kiếm được vài triệu đồng nhưng không khiến họ thấy cuộc sống có ý nghĩa. Năm 2021, trong đỉnh điểm của dịch Covid-19, tiền dành dụm của cả hai xài cho đàn mèo hoài rồi cũng hết. Khi đó, cả người và mèo đều phải cùng ăn mì gói suốt cả tháng để cầm cự.
Để trạm cứu hộ có thể tồn tại đến bây giờ, Khanh và Lâm khẳng định rằng họ nhờ vào cộng đồng rất nhiều. Kinh phí mua thức ăn, cát vệ sinh, tiền khám chữa bệnh cũng "ngốn" của cặp đôi vài chục triệu đồng/tháng.
Hiện tại, một số nhãn hàng biết đến thỉnh thoảng tài trợ cát vệ sinh, thức ăn cho mèo. Trung bình, mỗi tháng họ cứu được 5-10 con. Gặp trường hợp bệnh nặng, tốn nhiều chi phí họ mới đăng lên mạng xã hội để xin hỗ trợ, mỗi tháng không quá 2 lần. Sau khi cứu, chữa trị cho mèo khỏe mạnh, niềm hạnh phúc của cặp đôi là tìm được nhà mới cho "những đứa con" của mình.
Chăm sóc đàn mèo từ sáng đến tối, thời gian rảnh và đêm khuya, Khanh nhận làm thêm dịch thuật để kiếm thu nhập. Cô gái cho biết, bản thân trước đây từng có nhiều ước mơ… nhưng giờ vướng đàn mèo, cô không còn thời gian tụ tập cà phê với đám bạn cuối tuần hay du lịch như trước nữa. Thay vào đó là phải biết tiết kiệm, tính toán kỹ mọi chi tiêu, không dám vung tay vì sợ lỡ có khó khăn thì "đàn con" sẽ đói.
Gần 5 năm nay họ đã cứu được hơn 500 chú mèo, trong khi nhiều con đã có chủ mới yêu thương thì một số đã mất vì bệnh quá nặng. Giờ đây, cặp đôi đang nuôi hơn 100 con, chủ yếu là mèo bệnh và nhiều mèo mẹ sau khi sinh con, khó tìm được chủ nuôi được cô triệt sản.
Trên con đường mà Khanh, Lâm đang chọn đi, họ vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Trong số này có ý kiến: "Trong khi nhiều người còn đói ăn, bệnh tật, tại sao không cứu người mà lại cứu mèo?".
Trải lòng về việc này, Lâm cho biết, thời gian đầu khi đọc được những bình luận như thế, cả hai từng cảm thấy bất lực, xuống tinh thần. Song, họ luôn động viên nhau cố gắng bước tiếp. Bởi, với Khanh, cô sớm mất cha và mất mẹ ngay khi vừa tốt nghiệp đại học, trải qua nhiều cay đắng trong cuộc đời, nhờ đàn mèo như một liều thuốc tinh thần mà đã giúp cô quay lại cuộc sống bình thường.
Còn Lâm, nhờ đàn mèo, anh cũng tìm được chốn bình yên dù bản thân phải từ bỏ công việc dựng phim - điều mà anh từng ao ước.
"Ai cũng có quan điểm riêng của mình, bạn hãy làm theo quan điểm đó, miễn là thấy hạnh phúc", Khanh nói. Còn Lâm, chàng trai cười xuề xòa, chia sẻ: "Yêu một chú mèo, một chú chó... dần dần bạn sẽ học được cách yêu thương con người và những điều xung quanh nhiều hơn. Cuộc sống này vì thế mà sẽ tràn ngập những điều yêu thương".
Diệp Phan