Nam Định - nơi rẻ nhất Việt Nam: Nhà 6 người tiêu 15 triệu/tháng vẫn có dư?
(Dân trí) - Nhờ mức sống ở Nam Định không quá đắt đỏ mà mấy tháng nay, dù chồng bị chậm lương, chị Mai vẫn có thể xoay xở được cuộc sống cho cả gia đình.
Trước giờ làm thêm ca tối, Nguyễn Thành Trung (20 tuổi, Trường Cao đẳng Y dược học Nam Định) ghé vào quán phở ở phường Tế Xương TP. Nam Định để ăn bữa tối. Chàng sinh viên gọi một bát phở và ăn thêm 2 quả trứng vịt lộn. Tổng chi phí bữa ăn chỉ hết 17.000 đồng vì bát phở có giá 5.000 đồng, 2 quả trứng 12.000 đồng.
"Bát phở 5.000 đồng có bánh phở, một ít thịt gà xé sợi, một viên chả. Đây được xem là bát phở rẻ nhất ở TP. Nam Định", Trung nói.
Khi nghe thông tin Nam Định là một trong những nơi có mức sống rẻ nhất nước, những người dân như Trung không ngạc nhiên. Lý do là bởi giá cả ở địa phương này thực sự rẻ. Họ đôi khi chỉ mất 5.000 đồng để ăn một bát phở, 10.000 đồng mua một bát bún hay nấu bữa cơm cho gia đình 5 người chỉ với 40.000-50.000 đồng.
Theo tìm hiểu, không phải quán phở, quán bún nào ở Nam Định cũng có giá 5.000-10.000 đồng/bát. Tuy nhiên, do mặt bằng, chi phí rẻ nên nhiều chủ quán cũng linh động bán theo nhu cầu người ăn.
Theo Tổng cục thống kê, Bến Tre, Nam Định, Quảng Trị là những địa phương có chỉ số SCOLI (chỉ số giá sinh hoạt theo không gian) năm 2023 thấp nhất cả nước. Tại Nam Định, chỉ số SCOLI năm 2023 bằng 86,35% so với Hà Nội (100%) - địa phương "đắt đỏ" nhất nước.
Lý do là phần lớn các mặt hàng trong nhóm dịch vụ ăn uống, may mặc, nhà thuê, giao thông, bưu chính, dịch vụ giáo dục và vui chơi giải trí có mức giá thấp.
Có mức chi tiêu rẻ song Nam Định lại là địa phương nằm trong top 10 tỉnh, thành có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước năm 2023.
Báo cáo kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy, Nam Định xếp thứ 8 cả nước, với mức thu nhập bình quân đầu người/tháng đạt 5,5 triệu đồng (cao nhất là Bình Dương 8,29 triệu đồng, thứ hai là Hà Nội 6,86 triệu đồng).
Chồng chậm lương, thu nhập của vợ vẫn "cân" được cả gia đình
Trò chuyện với phóng viên Dân trí, chị Nguyễn Thị Mai (40 tuổi, phường Lộc Hòa, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định) cho biết, nhờ mức sống ở địa phương không quá đắt đỏ mà mấy tháng nay, dù chồng bị chậm lương, chị vẫn có thể xoay xở được cuộc sống cho cả gia đình.
Gia đình chị Mai gồm 6 người (bố mẹ chồng, vợ chồng chị cùng 2 con gái). Chồng chị làm trong công ty gạch thuộc khu công nghiệp với mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng. Chị Mai buôn bán tự do. Trước đây, thu nhập trung bình của hai vợ chồng ổn định ở mức 20-25 triệu đồng/tháng.
Bố mẹ chồng chị Mai không có lương hưu vì vậy hai vợ chồng chị cần lo liệu sinh hoạt cho 6 thành viên trong gia đình. Mức chi tiêu cho gia đình 6 người của chị Mai chỉ khoảng 15 triệu đồng/tháng.
"Mọi người luôn nói có nhiều tiêu nhiều, có ít tiêu ít. Tôi tự nhận thấy, với 15 triệu đồng, tôi có thể chi tiêu cho gia đình khá thoải mái, không tới mức phải chắt bóp hay áp lực", chị Mai kể.
Theo chị Mai, tiền mua thức ăn cho gia đình 6 người là khoảng 5 triệu đồng/tháng. "Đồ ăn thức uống ở Nam Định khá rẻ. Tôi thường mua thức ăn về nhà nấu.
Tuy nhiên, hôm nào có việc bận, phải mua đồ ăn sẵn thì cũng vẫn thấy không quá đắt. Tôi chỉ cần mua 10.000 đồng canh, 50.000 đồng thức ăn, tổng bữa ăn là 60.000 đồng là cả nhà ăn vô tư", chị Mai kể.
Hai con của chị Mai đều học trường công lập cấp 1 và cấp 2. Con gái lớn của chị Mai năm nay học lớp 9, chuẩn bị thi vào lớp 10 nên chị Mai dành một khoản lớn đầu tư cho con học thêm.
Vì vậy, tiền học của hai con thời gian này mới tăng lên hơn 5 triệu đồng/tháng. Thời gian trước, tiền học của 2 con chị Mai chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng.
"Chúng tôi cho con học trường công nên chi phí khá rẻ. Tiền học thêm cuối cấp, học thêm tiếng Anh bên ngoài mới là khoản tốn nhất", chị Mai chia sẻ.
Chị Phạm Phương Thanh (đường Trần Hưng Đạo) cho rằng, vì Nam Định là "thành phố cổ" nên cái gì cũng rẻ.
"Ở Nam Định có nhiều khu công nghiệp, người dân đa số có thu nhập ổn định và không quá cao nên chi tiêu ở mức trung bình. Hàng hóa vì thế cũng bán với giá phù hợp với thu nhập và túi tiền của người dân", chị Thanh nói.
Theo chị Thanh, gia đình chị có 5 người. Mỗi ngày, chị chỉ cần 100.000 đồng là có thể mua đủ thức ăn cho bữa trưa và bữa tối. Bữa ăn được đổi món đa dạng từ thịt bò, thịt gà, trứng, tôm, cá…
Gia đình chị Thanh vẫn sống theo nếp cũ, chủ yếu ăn uống ở nhà, mua sắm đủ nhu cầu. "Ở Nam Định cũng có nhiều dịch vụ ăn uống, vui chơi. Tuy nhiên, vì tiền đi ăn nhà hàng một bữa có thể bằng tiền ăn nửa tháng của cả nhà nên chúng tôi không đi nhà hàng ăn bữa chính bao giờ. Thi thoảng, tôi cho con đi ăn sáng đổi bữa bên ngoài, ăn bánh hoặc thi thoảng uống cà phê, trà sữa…", chị Thanh nói.
Tại Nam Định, không phải ở những vùng quê mà ngay ở khu vực thành phố, người dân cũng có thể tìm mua được những món ăn vừa ngon, vừa rẻ.
Chị Nguyễn Thị Chung, chủ quán phở 5.000 đồng ở đường 19/5 (TP. Nam Định) cho biết, phở của quán chị có các mức giá từ 5.000-20.000 đồng. Bát rẻ nhất 5.000 đồng gồm phở, một miếng mọc hoặc chả, một ít thịt gà xé sợi.
"Bát phở 5.000 đồng chủ yếu dành cho học sinh, sinh viên, trẻ nhỏ. Ai muốn ăn đầy đủ có thể gọi thêm trứng, thịt đùi gà hoặc ăn 2-3 bát. Bát đầy đủ cũng chỉ 20.000 đồng. Nguyên liệu nấu phở đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Một ngày, mở hàng từ 5h chiều đến 12h đêm, tôi bán khoảng 500 bát cho người dân quanh đây", chị Chung nói về quán phở gần 20 năm tuổi của mình.
Bát phở 5.000 đồng ở Nam Định được nhiều người lựa chọn vì giá cả phải chăng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Tại chợ Diên Hồng, TP. Nam Định vẫn còn nhiều hàng bán bún riêu với giá 10.000 đồng/bát. Nếu muốn ăn bát đầy đủ, người dân cũng chỉ phải trả 25.000 đồng. Trong khi một bát bún tương tự tại Hà Nội thường có giá ít nhất là 35.000 đồng.
Nhiều du khách từ Hà Nội, Thái Bình, Ninh Bình khi tới Nam Định trải nghiệm food tour (tour du lịch ẩm thực) đều phải thốt lên rằng: "Nam Định rẻ đến ngạc nhiên". Những bát phở thuộc loại ngon nhất cũng không quá 40.000-60.000 đồng.
Bỏ Hà Nội về Nam Định, 20 triệu đồng đã rủng rỉnh tiêu
Với nhiều gia đình trẻ, việc quản lý chi tiêu luôn là bài toán khó, nhất là khi họ có con nhỏ với nhiều chi phí phát sinh khó lường. Tuy nhiên, nhờ sống ở địa phương có mức chi phí rẻ, việc nuôi con với chị Vũ Thu Trang (huyện Giao Thủy) cũng dễ dàng hơn.
Vợ chồng chị Trang có 2 con (6 tuổi và 2 tuổi). Một tháng, gia đình chị Trang chi tiêu hết khoảng 8,5 triệu đồng.
Lý giải về khoản tiền ăn chỉ hết 4 triệu đồng, chị Trang cho hay, vì vợ chồng chị ăn trưa ở cơ quan, con ăn bán trú ở trường nên cả gia đình chỉ ăn bữa sáng và bữa tối ở nhà.
"Bữa tối chỉ khoảng 100.000 đồng/ngày gồm 3 món canh, rau xào, thịt. Nhà tôi gần biển nên hải sản tươi và rẻ.
Bữa sáng, cả nhà ăn đơn giản, cao nhất cũng chỉ 50.000 đồng. Rau ở chợ quê cũng rất rẻ, nhiều khi vào vụ chỉ 1.000 - 3.000 đồng/mớ chị Trang nói.
Về tiền học, mỗi tháng bé 6 tuổi nhà chị Trang hết 500.000 đồng, bé 2 tuổi hết 800.000 đồng. Đầu năm học, chị đóng cho 2 con 5 triệu đồng tiền quỹ và mua thêm một số trang thiết bị như điều hòa, tivi, bảng, tủ sách, đồng phục…
Mỗi tháng, vợ chồng chị Trang dành được 50% thu nhập để dành tiết kiệm, đầu tư cho tương lai.
Từng ở Thủ đô 6 năm nhưng chị Minh Huyền quyết định chuyển về Nam Định sinh sống. Chị kể, từ năm 2012 đến năm 2018, chị Huyền làm trong một bệnh viện ở Gia Lâm, Hà Nội với mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng.
Thời gian đó, chị Huyền vừa đi làm để lo tiền chi tiêu của hai vợ chồng, vừa dành một phần lương để hỗ trợ chồng đóng học phí khi anh tham gia các khóa học liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ.
"Sinh sống ở Hà Nội 6 năm, tôi cảm nhận rõ được sự đắt đỏ nên bàn với chồng, sau khi chồng học xong sẽ về quê sinh sống", chị Huyền kể.
Chuyển về TP. Nam Định, chị Huyền mở một phòng vật lý trị liệu vỗ rung long đờm. Sau 4 năm, vợ chồng chị Huyền đã có thể mua được nhà, ô tô và đầu tư phát triển cho phòng vật lý trị liệu.
"Nếu cố bám trụ ở nơi có chi phí đắt đỏ chưa chắc tôi đã có được cuộc sống ổn định như ngày hôm nay", chị Huyền nói.
Cũng theo người phụ nữ này, với số tiền 20 triệu đồng, tại Nam Định, chị có thể chi tiêu thoải mái cho gia đình 3 người.
Các khoản chi tiêu của gia đình bao gồm: Tiền ăn 7 triệu đồng, tiền học của con gái lớp 1 hơn 3 triệu đồng (ngoài học ở trường công, con chị Huyền còn học thêm tiếng Anh và một số môn năng khiếu), tiền đối nội ngoại đám đình 2 - 3 triệu đồng, đồ dùng thiết yếu 2 triệu đồng, tiền tiêu vặt 2 triệu đồng, tiền chăm sóc da 2 triệu đồng…
"Ở Nam Định từ bình dân đến cao cấp đều có cả. Có bát cháo rất rẻ 3.000 đồng nhưng những bát phở ngon cũng có thể có giá 60.000-70.000 đồng", chị Huyền cho hay.
Theo tìm hiểu của phóng viên, với nhiều gia đình ở Nam Định, tiền ăn, tiền học là khoản chiếm chủ yếu trong bảng chi tiêu gia đình. Tuy nhiên, mức chi phí này ở Nam Định so với nhiều địa phương khác trên cả nước vẫn khá rẻ.
Nam Định là vùng sản xuất lúa với nhiều thương hiệu gạo đặc sản thơm ngon nổi tiếng khắp cả nước. Nguồn nông sản từ các mô hình nông nghiệp cung cấp lượng lớn thực phẩm, lương thực, rau xanh... cho nhu cầu tiêu dùng của người dân. Nam Định có diện tích bờ biển trải dài suốt 72km nên hải sản phong phú, tươi ngon.
Về chi phí giáo dục, nhiều người dân tại đây cho hay, Nam Định nhiều năm liền có điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT cao nhất cả nước nên những gia đình có con đi học như chị Mai luôn rất tin tưởng vào chất lượng giáo dục tại các trường công.
Theo chị Mai, đa số các gia đình có con học cấp 1, cấp 2 đều cho con học trường công. Ở cấp mầm non hay cấp 3 cũng có trường tư nhưng đó không phải là lựa chọn của số đông.