Hà Nội đắt đỏ nhất nước: Sáng chạy Grab, trưa chăm con, tối cày việc chính
(Dân trí) - Ngoài công việc quay, dựng video cho các doanh nghiệp, anh Nghĩa chấp nhận khoác thêm áo xe ôm công nghệ để "đối phó" với mức sống đắt đỏ tại Hà Nội.
7h30 mỗi sáng, anh Dương Công Nghĩa (28 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) tất bật mặc áo đồng phục xe ôm công nghệ, mở ứng dụng tìm cuốc xe đầu tiên trong ngày.
Khoảng 3-4 tiếng mỗi buổi sáng, anh di chuyển từ nhà đến các trường học trên địa bàn phường Khương Đình nhận chở học sinh, sinh viên.
6 năm nay, ngoài là freelancer (người làm công việc tự do) chuyên quay, dựng video cho các doanh nghiệp, chàng trai xem chạy xe ôm công nghệ là nghề tay trái để tạo thêm thu nhập, chăm lo gia đình 3 thành viên.
Anh Nghĩa cho biết tính chất công việc của một freelancer vốn không ổn định. Thời điểm hiện tại với nghề quay, dựng phim được xem là "mùa hết việc", khối lượng công việc giảm hẳn so với đầu và cuối năm.
"Dẫu mệt, nhưng tôi sẽ không từ bỏ "chiếc phao" thu nhập từ xe ôm công nghệ. Với tôi, được đi làm kiếm tiền là một niềm vui, thay vì ở nhà và để thời gian trôi qua một cách lãng phí", anh nói.
Mỗi ngày, anh dành 3-6 tiếng chạy xe ôm công nghệ, kiếm thêm khoảng 200.000 - 300.000 đồng. Khoản tiền tuy nhỏ, song anh nói nếu biết cách tiết kiệm chi tiêu, cũng đỡ đần gia đình qua cơn "bão giá".
Khi mới bắt đầu chạy xe ôm, anh từng e ngại khi người thân xung quanh hỏi "đang làm công việc gì?". Nhưng kể từ khi lập gia đình và có con, chuyện làm nghề gì để kiếm sống không còn quan trọng với anh.
"Làm gì cũng được, miễn đủ chi phí trang trải cuộc sống, mua thêm quần áo, sữa, bỉm cho con. Với cương vị là một người bố, tôi thấy đây là điều bình thường, không có gì đáng ngại", anh tâm sự.
Mỗi tháng, anh Nghĩa và vợ kiếm được tổng 23 - 25 triệu đồng. Cặp đôi thống nhất dành phần lớn chi tiêu cho con gái 8 tháng tuổi, bao gồm: bỉm, sữa, đồ ăn...
Sau đó, cả hai mới tính đến các loại hóa đơn chi tiêu của gia đình, cố dành 3-5 triệu đồng/tháng gửi tiết kiệm.
"Giá xăng tăng chóng mặt khá ảnh hưởng đến công việc làm thêm của tôi. Tiền chạy xe ôm đôi khi không đủ trả tiền xăng", anh nói.
Hoàn thành những cuốc xe, anh Nghĩa về nhà khoảng 10h để chăm con gái, bắt đầu vào vai "ông bố bỉm sữa". Sau sinh, vợ anh đã quay lại làm việc tại một trung tâm thương mại ở quận Hà Đông.
Vợ chồng anh không mất tiền thuê nhà hàng tháng do đang sống trong căn nhà của bố mẹ, giảm bớt một phần gánh nặng chi tiêu.
"Tuy nhiên, giữa thời đại giá cả tăng phi mã, mua mớ rau, hộp sữa cho con mà mỗi hôm một giá. Do đó, giá cả càng bất ổn, càng tăng nhanh thì vợ chồng trẻ như chúng tôi càng thêm áp lực", Nghĩa cho hay.
"Đàn ông hay phụ nữ đều là lao động chính trong nhà tùy từng thời điểm. Trước đây, trong những tháng cao điểm, tôi làm việc xuyên đêm. Lúc đó, vợ sẽ là người chăm con nhiều hơn. Chúng tôi hiểu công việc của nhau để có thể linh hoạt hoán đổi vai trò "trụ cột kinh tế"", Công Nghĩa bộc bạch.
Sau khi kết thúc các chuyến xe Grab, anh ngồi trước máy tính, bắt đầu công việc chính, có hôm nhiều việc phải làm đến tận 2-3 giờ sáng hôm sau.
"Đôi khi tôi cảm giác mệt mỏi nên từng nghĩ dừng chạy xe ôm công nghệ, tập trung vào việc chính. Nhưng cuộc sống bắt tôi phải làm thêm, nếu chỉ phụ thuộc vào freelancer thì có tháng không kiếm được đồng nào", anh nói.
Cùng lúc làm hai nghề, Nghĩa đã nhiều lần cố gắng cân bằng công việc để có thời gian sinh hoạt hợp lý hơn. Thỉnh thoảng, anh dành thời gian chơi với con để vợ nghỉ ngơi hoặc làm việc nhà.
"Sẽ có những lúc công việc chính còn tồn đọng, tôi phải thức muộn hơn, nên ngày hôm sau giảm bớt thời gian chạy xe ôm công nghệ. Đôi khi, có những ngày tôi cố chạy đủ chỉ tiêu, thì sẽ ngủ bù vào những lúc thời gian trống", Nghĩa nói.
Theo Nghĩa, xu hướng của người trẻ hiện nay là làm 2-3 công việc cùng lúc để tăng thu nhập, đối phó với cuộc sống tại những thành phố đắt đỏ.
Kết hôn và sinh con, Công Nghĩa - từ một người đơn giản, tự do - nay đứng ở một cương vị mới. Mọi suy nghĩ và hành động đều tính toán vào tiền bỉm, sữa cho con. Vợ ủng hộ anh chạy xe ôm công nghệ hoặc bất kỳ công việc nào khác miễn tăng thu nhập cho gia đình.
"Vợ tôi luôn có quan điểm "có tiền là có tất cả, không có tiền là không có gì"", anh nói.
Minh Nhân - Minh Trang