DNews

Loạt TikToker bị bắt: Cái giá phải trả khi "câu views", trục lợi bất chấp

Phạm Hồng Hạnh

(Dân trí) - Việc hàng loạt TikToker bị bắt cho thấy góc khuất đáng lo ngại trong hoạt động bán hàng, sáng tạo nội dung. Theo chuyên gia Lê Quốc Vinh, các TikToker đưa thông tin sai lệch sẽ tự gây họa cho mình.

Loạt TikToker bị bắt: Cái giá phải trả khi "câu views", trục lợi bất chấp

Góc khuất phía sau những TikToker triệu views

 Vụ việc Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs - 2 TikToker nổi tiếng trên mạng xã hội, sở hữu hàng triệu lượt theo dõi - bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội Lừa dối khách hàng khiến dư luận xôn xao.

Hành vi của 2 bị can này được cơ quan điều tra nhận định đã gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Gần đây nhất, TikToker Dưỡng Dướng Dường, tên thật là Mai Văn Dưỡng (SN 1986, ở Quảng Nam) cũng bị bắt tạm giam để điều tra về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự.

TikToker này đã nhiều lần đăng tải video có nội dung bịa đặt, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm; đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc đời sống riêng tư của người khác, gần nhất là vụ chế giễu Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục thu hút hàng triệu lượt xem.

Loạt TikToker bị bắt: Cái giá phải trả khi câu views, trục lợi bất chấp - 1

TikToker Dưỡng Dướng Dường, tức Mai Văn Dưỡng thường xuyên khoe cuộc sống sang chảnh trên mạng (Ảnh: Facebook nhân vật).

 Để tăng lượt tương tác, Mai Văn Dưỡng ngoài việc đăng tải các video về sản phẩm kinh doanh, hoạt động thiện nguyện, còn thường xuyên khoe cuộc sống sang chảnh với tiền, kim cương.

Dưới vỏ bọc thiện nguyện, truyền cảm hứng hay tạo sự chú ý bằng các nội dung giật gân, gây tranh cãi, các TikToker thu hút người xem để hướng tới mục tiêu thương mại, bán hàng.

Trước khi bị bắt, Hằng Du Mục từng phải xin lỗi vì giới thiệu thông tin sai về hàm lượng yến nguyên chất trong một sản phẩm yến sào.

Mai Văn Dưỡng cũng từng bị xử phạt vì buôn bán nụ trầm hương không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Dẫu vậy, qua các ca livestream (phát sóng trực tiếp), các video trên mạng, những TikToker này vẫn bán được hàng trăm nghìn sản phẩm, thu lợi số tiền hàng tỷ đồng. Người tiêu dùng thậm chí không để tâm đến việc họ từng bị xử phạt, vẫn sẵn lòng rút hầu bao mua hàng. 

Trục lợi từ thế giới ảo và bài học cho người dùng mạng xã hội

Từ việc hàng loạt TikToker bị bắt, trao đổi với phóng viên Dân trí, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, tác giả cuốn sách Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông, Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê, cho hay, việc livestream bán hàng và bàn luận các vấn đề xã hội trên mạng vốn là chuyện bình thường. 

Tuy nhiên, khi một số người lợi dụng việc này, nhất là lợi dụng ảnh hưởng của bản thân để thực hiện những mục đích không trong sáng, thiếu tính chân thực sẽ rất dễ rơi vào các tình huống khủng hoảng. 

Việc nói dối, không trung thực sớm muộn cũng sẽ bị lộ và người trong cuộc sẽ phải đối diện với rủi ro. Việc TikToker bị bắt, tạm giam là cái giá phải trả sau một quá trình "câu views", trục lợi bất chấp.

"Nhiều KOL (người có sức ảnh hưởng) đang trục lợi bằng mọi cách để kiếm tiền, bán hàng và thực hiện nhiều mục đích mà người khác khó đoán. Những hành vi này tiềm ẩn nguy hiểm và sớm muộn họ cũng phải trả giá bằng hình phạt của pháp luật", ông Vinh nói.

Loạt TikToker bị bắt: Cái giá phải trả khi câu views, trục lợi bất chấp - 2

Hoa hậu Thùy Tiên, Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs trong 1 ca livestream bán kẹo rau củ (Ảnh: Facebook nhân vật).

Nhiều ý kiến cho rằng, mỗi doanh nghiệp, nhãn hàng, cá nhân phải cẩn trọng khi khai thác mạng xã hội để quảng bá sản phẩm hoặc xây dựng thương hiệu trên mạng xã hội bởi đây là môi trường có độ rủi ro cao nếu thiếu kiểm soát. 

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh cho rằng, doanh nghiệp, nhãn hàng sử dụng kênh truyền thông nào cũng phải thận trọng, đề cao yêu cầu trung thực, chính trực, tôn trọng lợi ích của khách hàng và cộng đồng thì mới mong đạt hiệu quả và bền vững.

"Mạng xã hội không phải là nơi mà cá nhân muốn nói trời nói đất gì cũng được. Đây là không gian công cộng và mức độ lan tỏa, ảnh hưởng của thông tin đôi khi còn lớn hơn ngoài đời thực. Vì vậy, mỗi cá nhân phải thận trọng với những thông tin, nội dung mình chia sẻ, đăng tải. 

Nếu chia sẻ thông tin rác, thông tin không đúng sự thật sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, hình ảnh của bản thân. Người càng nổi tiếng, khi xảy ra rủi ro, ảnh hưởng càng lớn, đưa thông tin sai lệch, thông tin không đúng sự thật sẽ tự gây họa cho mình", chuyên gia này nhấn mạnh.

 Hiện nay, trên mạng xã hội không khó để gặp tình huống người bán nói quá về chất lượng sản phẩm hoặc nói không đúng gây hiểu nhầm. Những người này trước đó có thể xây dựng hình ảnh, thu hút sự chú ý của người khác từ những nội dung giật gân, gây sốc.... Theo vòng luẩn quẩn, người chịu thiệt cuối cùng vẫn là người mua hàng - những người vô tình hay hữu ý đẩy các "nhà sáng tạo nội dung" thành người nổi tiếng, thành "ông chủ, bà chủ".

Vì vậy, để các TikToker hướng đến những thông điệp sạch, nội dung giáo dục, hữu ích cho cộng đồng, ông Lê Quốc Vinh cho rằng, bản thân công chúng phải là những người chủ động đầu tiên, phải ngừng thói quen xem những nội dung vô giá trị. 

Theo ông Vinh, có cầu thì mới có cung. Vì vẫn có nhiều người thích những nội dung nhảm nhí, gây sốc nên sẽ vẫn sẽ có những người sản xuất các nội dung kém chất lượng, độc hại để phục vụ bộ phận người xem này. Công chúng càng đổ dồn sự chú ý vào họ thì họ lại càng ảo tưởng, ngáo quyền lực. 

Chính vì vậy, mỗi cá nhân phải sáng suốt khi sử dụng mạng xã hội, tiếp nhận những thông tin đúng đắn, tích cực, không để bản thân bị cuốn theo những hành vi, suy nghĩ lệch lạc. Bản thân mỗi người cũng cần chia sẻ những thông tin có độ xác tín, được kiểm chứng.

Loạt TikToker bị bắt: Cái giá phải trả khi câu views, trục lợi bất chấp - 3

Vì tin yêu thần tượng trên mạng ảo, nhiều người sẵn lòng rút ví mua hàng (Ảnh: Facebook nhân vật).

Cần điều chỉnh mức xử phạt với người nổi tiếng vi phạm

Người nổi tiếng khi có phát ngôn lệch chuẩn, sai sự thật, trái thuần phong mỹ tục trên mạng thường chỉ bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính từ 5 đến 10 triệu đồng, mức trung bình thường được áp dụng là 7,5 triệu đồng. 

Mức phạt hành chính này được cho là không đủ răn đe với người nổi tiếng có phát ngôn, hành vi lệch chuẩn.

Chuyên gia Lê Quốc Vinh cho rằng, các quy định xử phạt cần phải căn cứ mức độ, tác hại, gây hậu quả của sự việc, không nên đánh đồng tất cả. Mức phạt hiện hành với những người không tên tuổi, người không có lợi ích kinh tế là đủ sức răn đe. Tuy nhiên, với những người có ảnh hưởng, những người kinh doanh trên mạng xã hội thì mức xử phạt này chưa phù hợp.

Loạt TikToker bị bắt: Cái giá phải trả khi câu views, trục lợi bất chấp - 4

Theo chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, mỗi cá nhân phải sáng suốt khi sử dụng mạng xã hội (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Luật pháp cần điều chỉnh mức phạt phù hợp với thực tế, cân nhắc, tìm hiểu về bản chất của vi phạm để xử lý cho tương xứng. Những người nổi tiếng, người ảnh hưởng, người có lợi ích về mặt kinh tế nếu vi phạm phải bị phạt thật nặng.

Bởi một cuộc livestream thu hàng trăm triệu tới hàng tỷ đồng mà chỉ phạt 7-8 triệu đồng thì vô nghĩa", chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh nhấn mạnh. 

Trước sự phát triển sôi động của mạng xã hội và thương mại điện tử, chuyên gia này cho rằng, mỗi cá nhân phải thông thái khi quyết định mua hàng và lựa chọn nội dung để xem. Điều gì tốt cho cuộc sống của mình thì đón nhận, thưởng thức, còn những nội dung vô thưởng vô phạt nên hạn chế.

Dù với mục đích giải trí cũng không nên a dua, để bị cuốn theo những nội dung nhảm nhí, vô bổ. Bởi khi bản thân thần tượng một ai đó, cá nhân sẽ dễ mù quáng, bị xúi bẩy nghe theo những lời hô hào, kêu gọi, bị chi phối cảm xúc mà mua hàng hay tin theo những lời nói không thực.