Người lấy kẹo Kera của Quang Linh Vlogs đi kiểm định nói gì sau loạt ồn ào?
(Dân trí) - Khi Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục bị tạm bắt giam để điều tra, nam TikToker Quách Thanh Lâm lọt top tìm kiếm nhiều nhất bởi anh là một trong những người đầu tiên mang kẹo Kera đi kiểm định.
Mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đã thi hành lệnh bắt tạm giam và khám xét chỗ ở của Quang Linh Vlogs (thành viên hội đồng quản trị Công ty cổ phần tập đoàn Chị Em Rọt), bà Nguyễn Thị Thái Hằng (tức Hằng Du Mục), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Chị Em Rọt và 3 người khác để điều tra tội sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng.
Vụ việc đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận bởi trước đó Hằng Du Mục từng được coi là "chiến thần" livestream với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi phiên. Trong khi Quang Linh Vlogs xây dựng hình ảnh đẹp của một YouTuber với nhiều hoạt động thiện nguyện tại châu Phi.

Liên quan tới vụ việc, một nam TikToker khác cũng lọt trong Top được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng xã hội khi sự thật về kẹo rau củ Kera bị phơi bày.
Đó là Quách Thanh Lâm, một nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok, còn được biết tới với tên gọi "Sư tử ăn chay", hiện sống và làm việc ở TPHCM.
Việc Quách Thanh Lâm bị tìm kiếm nhiều nhất do được coi là một trong những người đầu tiên đặt nghi vấn về chất lượng của kẹo rau củ Kera - sản phẩm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt (CER Group) của Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs có thực sự được như lời quảng cáo và mang sản phẩm đi kiểm định.
Với đặc thù công việc thường xuyên sử dụng các sản phẩm bổ sung cho sức khỏe để chia sẻ trải nghiệm, phân tích thành phần của món hàng cho người dùng, Lâm biết tới món kẹo rau củ Kera qua những quảng cáo và phiên bán hàng livestream trên mạng xã hội.
Đặt mua thử sản phẩm và đọc kỹ thành phần trên bao bì, nam TikToker đặt câu hỏi về "hàm lượng chất xơ thực tế trong sản phẩm liệu có tương xứng như quảng cáo".
Ngày 12/2, Lâm đăng video đầu tiên chia sẻ nhận định cá nhân về món kẹo rau củ, đồng thời cảnh báo người tiêu dùng nên thận trọng với sản phẩm được thổi phồng quảng cáo quá mức.

Ngay lập tức, video gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Trong đó không ít ý kiến công kích cho rằng nam TikToker đang muốn "dựa hơi" tìm kiếm sự nổi tiếng.
Đến ngày 4/3, Lâm quyết định chủ động mang kẹo Kera đi kiểm định tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng 2 (QUATEST 2) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
Anh nêu rõ mong muốn kiểm tra tổng lượng chất xơ trong viên kẹo và được tư vấn phương pháp để kiểm định.
Khoảng một tuần sau, nhận được tờ kết quả kiểm định, Lâm bàng hoàng và bất ngờ.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, nam TikToker cho biết, kết quả lượng chất xơ và các thành phần trong viên kẹo thấp hơn nhiều so với dự đoán ban đầu của anh.
"Tôi phải nhắn hỏi kỹ thuật viên Quatest cẩn thận xem liệu có sự nhầm lẫn trong quá trình kiểm định hay không. Khi nhận được câu trả lời xác nhận cuối cùng, tôi công khai mọi việc vì không muốn thêm nhiều người tiêu dùng bị lừa dối", anh nói.
Sự việc gây tranh cãi dữ dội khi đơn vị sản xuất kẹo Kera công bố kết quả kiểm định tại Trung tâm Kiểm nghiệm và Tư vấn Ứng dụng Khoa học Avatek. Mỗi 100g sản phẩm chứa khoảng 5,8g chất xơ Inulin và 0,93g chất xơ tổng.
Con số này cao gấp 12,5 lần số liệu mà đơn vị kiểm định nơi anh Lâm đưa ra. Chính vì điều này đã thổi bùng lên sự hoài nghi trong dư luận về mức độ minh bạch trong việc công bố thành phần của nhãn hàng.

Cũng trong suốt quãng thời gian này, dù lường trước mọi thứ nhưng áp lực chỉ trích nặng nề hơn nhiều so với tưởng tượng ban đầu của nam TikToker.
Anh liên tục nhận hàng loạt tin nhắn, lời bình luận, email, điện thoại với nội dung đe dọa, công kích. Có thời điểm anh phải tạm thời không sử dụng mạng xã hội mà chỉ đăng tải video rồi thoát tài khoản.
"Đối diện với áp lực, tôi chọn cách im lặng vì bản thân chỉ có mục tiêu duy nhất giúp người tiêu dùng hiểu rõ sản phẩm thực chất ra sao chứ không phải đôi co thắng thua", anh nói.
Giữa ồn ào, Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã khởi tố vụ án "sản xuất hàng giả" xảy ra tại Công ty Asia Life và Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt, hoạt động tại TPHCM và Đắk Lắk.
Trong đó, Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs bị khởi tố và bắt tạm giam, nam TikToker thừa nhận "không nghĩ sự việc tới mức độ này".
"Tôi thấy tiếc cho họ nhưng đây cũng là bài học cảnh tỉnh đối với những chiến thần livestream bán hàng. Ngoài ra, người tiêu dùng cần sáng suốt, thận trọng với những sản phẩm liên quan tới sức khỏe", anh nói.
Tới ngày 7/4, Thanh Lâm bất ngờ gửi lời xin lỗi và nhận định "bản thân không phải người hùng".
Cũng theo chia sẻ của mình, anh cho hay đã nhận ra sai sót bản thân trong việc đưa sản phẩm kẹo đi kiểm nghiệm vì làm sai quy trình.
Theo nam TikToker này, quy trình đúng phải trình báo với cơ quan chức năng có thẩm quyền để đơn vị tự lấy mẫu kiểm nghiệm. Nếu có sai phạm, các cơ quan ban ngành sẽ là nơi tiến hành điều tra và kết luận.
Tại điều 45 Luật An toàn thực phẩm 2010 số 51/2001/QH10 quy định rõ việc kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ hoạt động quản lý nhà nước được thực hiện tại cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm do Bộ trưởng Bộ quản lý ngành chỉ định.
Chính vì vậy, anh cho biết mình đã ý thức được một phần sai sót trong việc tự ý mang sản phẩm đi kiểm nghiệm rồi đăng tải kết quả công khai lên trang mạng xã hội.
"Ngay cả khi vụ việc gây tranh cãi, tôi không tham gia và đưa ra kết luận gì bởi chỉ có cơ quan chức năng mới được quyền làm điều này", anh nói thêm.