Hành trình cô gái Mông 3 lần thoát cảnh bắt vợ, quyết tâm trở thành luật sư
(Dân trí) - Sau 3 lần trốn thoát khỏi những cuộc hôn nhân định sẵn, Sùng Thị Sơ đỗ đại học với số điểm 28,25 điểm, trở thành người đầu tiên của bản làng xuống Hà Nội tìm kiếm con chữ và cánh cửa của tương lai.
"Bị bắt vợ rồi trốn thoát tới 3 lần, ai đã từng?", lời mở đầu bài viết của Sùng Thị Sơ (22 tuổi, quê huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) khiến nhiều người kinh ngạc. Sơ "flex" (chia sẻ) về 3 lần thoát cảnh bắt vợ, cũng chính từ đây mở ra cánh cửa trở thành luật sư của cô gái dân tộc H'Mông.
Bài viết nhanh chóng thu hút hơn 30.000 lượt yêu thích, hàng trăm chia sẻ và bình luận khích lệ, cảm ơn Sơ vì đã truyền cảm hứng.
3 lần trốn thoát cảnh bắt vợ
Sùng Thị Sơ là con thứ hai trong gia đình thuần nông có 5 chị em. Nhà nghèo, chị cả nghỉ học từ sớm, phụ giúp bố mẹ làm nương, nhường cơ hội đến trường cho các em.
Một lần, cô giáo chủ nhiệm lớp 2 đến nhà thu tiền học phí 70.000-120.000 đồng, nhưng bố mẹ không có tiền đóng, định cho Sơ nghỉ học.
Cô giáo khi ấy đã động viên, nói với bố mẹ Sơ: "Con bé ở lớp học rất giỏi, nếu anh chị cố gắng cho con đi học chắc chắn sau này con sẽ trở thành một người có ích, đem chữ về bản đấy".
Từ trong nhà nghe lén cuộc trò chuyện, Sơ đã có ý chí học tập để "thoát nghèo", vượt lên số phận. Cô tin rằng "con chữ" có thể thay đổi gia đình, ít nhất là đủ ăn.
"Tôi chỉ muốn có cơm ăn, có áo ấm để mặc và dép để đi khi trời bước sang đông. Tôi có một niềm tin bước qua cánh cổng làng kia sẽ là bầu trời rộng lớn, ở đó có tri thức giúp tôi có thể đạt được những gì mình muốn", Sơ nhớ lại.
Nhờ sự quyết tâm và phấn đấu, Sơ là một trong 4 học sinh ở xã thi đỗ trường nội trú huyện Trấn Yên.
Dù học giỏi, đầy bản lĩnh, Sơ vẫn không thoát khỏi tục "kéo vợ" trong cộng đồng người Mông ở huyện Trấn Yên.
Năm lớp 8, trong lần đi du xuân cùng em gái, cô bị một người con trai lạ ở bản bên kéo đi, may mắn được sự giúp đỡ của hàng xóm nên trốn thoát.
Lần thứ 2, trước ngày nhập học lớp 10, cô gái tiếp tục bị "kéo vợ" bởi một người không quen. Sơ có cơ hội trốn thoát khi hai đám thanh niên xảy ra ẩu đả.
Lần "kéo vợ" thứ 3 xảy ra trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, suýt cướp đi cả tương lai của cô gái 17 tuổi. Ngày đó, Sơ ở nhà một mình để ôn thi, bố mẹ đã đi làm nương.
Đến chiều tối, hai người con trai lạ ở làng khác đến rủ cô đi chơi. Sơ lập tức từ chối vì biết họ "không hề đơn giản", hôm trước đã canh dò hỏi về mình. Bị từ chối, họ liền cưỡng chế, kéo cô gái lên xe máy, rồi tịch thu điện thoại. Cô rơi vào bất lực, không thể vùng vẫy hay phản kháng.
Trên đường đi, Sơ liên tục nghĩ đến cảnh nhảy khỏi xe. Tuy nhiên, lo sợ bản thân sẽ bị thương, ảnh hưởng kỳ thi tốt nghiệp THPT, nữ sinh chọn cách khác.
Sơ cố gắng ghi nhớ đoạn đường khoảng 30km từ quốc lộ lên nhà thanh niên "kéo vợ". Cô lên kế hoạch đợi tối mọi người ngủ say sẽ tìm cách bỏ trốn nhưng sớm thất bại.
Cơ hội đến vào ngày thứ 2 khi người mẹ sai con trai xuống xã phun thuốc cho ruộng lúa. Sơ năn nỉ xin đi cùng vì biết quãng đường đến cánh đồng gần quốc lộ có thể bỏ chạy. Cô cũng xin lại điện thoại với lý do gọi cho nhà trường kiểm tra lịch học sau đợt giãn cách vì Covid-19.
Đến nơi, Sơ tranh thủ gọi điện "cầu cứu" bố, nhưng sau đó vẫn bị bắt quay lại căn nhà kia. Lại một đêm không ngủ trôi qua với cô.
Thấy con gái tha thiết cầu xin, ông Sùng A Của (43 tuổi) gọi điện cho gia đình "nhà trai" thuyết phục đưa con gái về nhà. Bỏ mặc tất cả lời khuyên của dân làng, người cha kiên quyết đón Sơ về.
"Ở địa phương, ít ai dám đứng lên như bố mẹ tôi. Tôi biết ơn điều đó cho tới tận bây giờ", Sơ nói, vui mừng vì cuối cùng đã thành công và tự do.
"Sau 3 lần bị bắt vợ, tôi quyết tâm thi vào ngành luật"
Bị kéo vợ tận 3 lần mà vẫn chưa chịu lấy chồng, Sơ bị nhiều người nói vào, nói ra. Nhưng cô gái không bỏ cuộc, nhớ lại lời bố mẹ từng nói: "Cuộc đời là của con, hình hài là bố mẹ cho nhưng sau này sướng hay khổ thì phụ thuộc vào nỗ lực của con, bố mẹ không can thiệp quá nhiều".
Ông Sùng A Của biết rằng thời của ông không có cơ hội đi học, nên với tư cách một người cha, ông muốn cổ vũ con gái cố gắng theo đuổi giấc mơ của mình.
"Chỉ cần con muốn thì học bao lâu cũng được, đi bao xa cũng được, bố mẹ tôn trọng và luôn ủng hộ con", người cha nói.
Dù ông Của không nói ra, nhưng Sơ biết bố mẹ đã phải chịu rất nhiều lời đàm tiếu xung quanh. Dân làng trách vợ chồng ông "không biết dạy con", chê bai "con gái đi học làm gì, sau cũng chẳng giúp được gì".
Sự tin tưởng của ông Của và vợ thể hiện bằng việc chưa bao giờ hỏi Sơ được bao nhiêu điểm, muốn học trường nào, sẽ làm nghề gì, là ai trong tương lai.
"Đối với tôi, đây là một sự tin tưởng tuyệt đối, tôn trọng và ủng hộ tất cả quyết định của tôi", Sơ nói.
Cô cũng chưa từng hối hận về quyết định vùng vẫy trốn thoát khỏi tục "kéo vợ". Cô gái Mông biết "gái lớn gả chồng" là điều tất yếu của xã hội, nhưng gả cho người như thế nào, mình có nguyện ý ở bên hay không hoặc bao giờ sẵn sàng lấy… thì đó hoàn toàn là quyết định ở mỗi người.
Sơ đề cao sự nguyện ý, sự tôn trọng nhau trong hôn nhân. Cô cũng chưa biết bản thân của sau này có hạnh phúc hay không, nhưng chưa bao giờ nghi ngờ hay hối hận về những quyết định đó.
"Đây không phải là một quyết định bồng bột mà là một hành trình nỗ lực để thực hiện giấc mơ mà tôi đã ấp ủ và khao khát từ hồi nhỏ, từ sâu thẳm tận đáy lòng", cô nói.
Không bỏ cuộc, Sơ lấy khó khăn, tủi nhục làm bàn đạp để bước tiếp. Năm 2020, cô đỗ Đại học Luật Hà Nội với điểm số 28,25, trở thành người đầu tiên ở bản làng đặt chân đến giảng đường đại học. Cùng năm, cô được trao giải học sinh, sinh viên dân tộc xuất sắc nhất năm học 2019-2020.
"Sau 3 lần bị bắt vợ, tôi quyết tâm thi vào ngành luật. Tôi muốn những bé gái ở vùng sâu vùng xa được đến trường, được tôn trọng và tự do lựa chọn trong hôn nhân.
Chứng kiến nhiều phụ nữ Mông cam chịu, nhẫn nhục và bị bạo lực, tôi tin rằng giáo dục là chìa khóa gần nhất giúp họ có thể bước ra thế giới", Sơ nói, nhấn mạnh bản thân sẽ không thể lay chuyển được ai nếu chính mình không chịu thay đổi, không chịu học hỏi và không có ước mơ.
Ngày nhận giấy báo nhập học, Sơ vui mừng vì sự cố gắng của bản thân đã được đền đáp, hạnh phúc vì giấc mơ hồi nhỏ đã trở thành sự thật.
Vợ chồng ông Của cảm thấy tự hào và hạnh phúc, nhưng nỗi lo cơm áo gạo tiền dường như còn lớn hơn niềm tự hào mới chớm nở đó. Bản thân Sơ cũng lo lắng không biết làm sao để chi trả các loại học phí trong 4 năm ở Hà Nội.
Cô gái nương rẫy vươn mình ra thế giới
Xuống Hà Nội, Sùng Thị Sơ làm thêm 3-4 công việc một lúc từ phục vụ nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, đến các công việc văn phòng khác. Hàng ngày, cô thức dậy từ 5h học bài, rồi đến trường, thời gian còn lại làm đủ thứ nghề để có tiền ở lại Hà Nội tiếp tục đi học.
4 năm sinh viên, Sơ đã tham gia rất nhiều hoạt động khác nhau. Cô là một trong hai đại diện Việt Nam tại Hội thảo về phòng chống tảo hôn khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là một trong 15 thành viên Đông Nam Á của Quỹ Spark thuộc Quỹ Trẻ em Toàn cầu.
Sơ đạt giải Nhất cuộc thi viết về những trải nghiệm của người phụ nữ; trở thành Phó ban Nhân sự, thành viên Quốc gia Ban Tham vấn Thanh Niên của tổ chức Plan International Việt Nam.
Ngoài ra, Sơ còn là đại biểu các hội nghị như: Sáng kiến thanh niên tiên phong của Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc; bàn tròn thanh niên về phát triển của Liên Hợp Quốc.
Với những nỗ lực của mình, cô gái Mông từng đạt học bổng Chính phủ Đức dành cho sinh viên nghèo vượt khó năm 2022; đến nhiều đất nước như: Singapore, Nepal, Thái Lan - những nơi mà trước đây chỉ là niềm ao ước.
Cuối năm 2023, Sơ hoàn thành chương trình học tại Đại học Luật Hà Nội. Cô hiện là trợ lý luật sư cho một công ty luật, đồng thời sáng lập một dự án cá nhân nhằm thúc đẩy giáo dục trẻ em và thanh niên, ngăn chặn và xóa bỏ nạn tảo hôn.
Dự án cũng tăng cường tuyên truyền luật pháp tới các cộng đồng dân tộc thiểu số, đặc biệt cộng đồng người Mông tại Việt Nam; đồng thời hỗ trợ, tư vấn pháp luật miễn phí dựa trên kiến thức và kỹ năng.
"Để đạt được ước mơ, tôi hiểu rằng bản thân cần nỗ lực rất nhiều và phần lớn là sự chung tay của cộng đồng", cô nói.
Sùng Thị Sơ không chắc bản thân có thể "giúp" những bé gái khác trong tương lai hay không, bởi cô cho rằng bản thân mỗi người cần có ý thức, khát khao và quyết tâm thay đổi. Còn những sự giúp đỡ, động viên từ bên ngoài chỉ là chất xúc tác ngắn hạn, không bền vững.
Cô tin rằng, với sự tiên phong của mình thì ít nhất những cô gái trong hoàn cảnh tương tự sẽ không bao giờ giới hạn bản thân, không bao giờ coi những tục lệ là lẽ đương nhiên. Nhiều bạn trẻ ở bản làng đang rất nỗ lực "noi gương" Sơ.
"Hỡi những cô gái H'mông, nếu một ngày nào đó bạn không may bị cưỡng ép kéo vợ trái ý muốn, thì hãy dũng cảm kêu cứu", Sơ kêu gọi, tin rằng sẽ có người sẵn lòng giúp đỡ phụ nữ Mông, chỉ cần họ luôn nỗ lực ngay cả khi chỉ có một mình.
Sơ cũng khuyên phụ nữ Mông "kết hôn khi bản thân sẵn sàng", sẵn sàng ở đây là sự chủ động, sự tự do lựa chọn trong hôn nhân - mình sẽ kết hôn với ai, mình có thực sự muốn kết hôn với người đó hay không?
Sở dĩ cô nói vậy bởi xuất phát từ những lần chứng kiến các cuộc hôn nhân không hạnh phúc, một số người phụ nữ Mông rất chịu khó, nhẫn nại, hi sinh nhưng không phải vì bản thân mình mà là vì người khác.
Cô gái Mông biết rằng không hành trình nào là dễ dàng, nhưng cô hi vọng câu chuyện của bản thân sẽ truyền động lực cho mọi người: "Hãy luôn kiên trì với mục tiêu của bản thân".
Trao đổi với phóng viên Dân trí, anh Cháng A Vàng, Bí thư Đoàn xã Hồng Ca (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) cho biết địa bàn xã có 4 thôn gồm 100% người Mông sinh sống. Toàn xã có 415 hộ, tổng 2.015 nhân khẩu là người Mông.
Theo anh Vàng, tục lệ "kéo vợ" ở xã Hồng Ca đã giảm nhiều so với mấy năm trước, song vẫn chưa hết hẳn.
Đối với Sùng Thị Sơ - cô gái thoát cảnh bắt vợ, vươn lên học đại học - anh Vàng nói thành tích học tập của Sơ là niềm tự hào của xã.
"Nhiều bạn trẻ ở xã đã noi gương Sơ để phấn đấu học tập. Bà con cũng lấy Sơ làm tấm gương, để khuyên răn con, cháu noi theo", Bí thư Đoàn xã Hồng Ca cho hay.
Ảnh: Nhân vật cung cấp