Giới trẻ tiết lộ bí kíp có ảnh đẹp "sống ảo" tại tuyến tàu Nhổn - ga Hà Nội
(Dân trí) - Từ cầu thang bộ, khu vực đón trả khách đến bên trong khoang tàu, các bạn trẻ nhanh chóng khám phá, căn chỉnh góc chụp phù hợp và cho ra đời những tấm ảnh "đẹp lung linh".
Không cần diện trang phục quá cầu kỳ hay phải thuê thợ chụp ảnh riêng, các bạn trẻ có thể chủ động tạo nên những tấm hình đẹp, "đu trend" (bắt kịp trào lưu) thành công tại tuyến tàu điện mới chỉ với một số lưu ý dưới đây.
Lựa góc chụp xịn sò, tránh chen lấn
Tuyến tàu điện Nhổn - Cầu Giấy ngay từ khi khai trương đã trở thành "tọa độ sống ảo" mà bất cứ tín đồ chụp ảnh nào cũng không thể bỏ lỡ. Bởi vậy, những ngày gần đây, cảnh tượng đông đúc ở nơi này là không thể tránh khỏi.
Để chụp ảnh tránh bị vướng nhiều người đi lại, Mai Phương (SN 2002, Hà Nội) khuyên các bạn trẻ đến nhà ga vào sáng sớm hoặc khoảng 7-8h. Khi đó, mọi người có thể tạo dáng ở lối vào nhà ga, cạnh các biển chỉ dẫn hoặc đứng trong sảnh đợi tàu với lưu ý không vượt quá vạch vàng để đảm bảo an toàn cho bản thân.
"Khi lên tàu, nếu chỗ ngồi khá kín, các bạn có thể tham khảo các góc đứng, để máy song song với cơ thể rồi nhấn chụp", cô nàng gợi ý.
Ngoài ra, vì phải di chuyển khá nhiều giữa các địa điểm, Phương nhắn nhủ mọi người chọn trang phục thoải mái như quần jeans và áo phông rộng, thêm một số phụ kiện làm điểm nhấn như vòng cổ, mũ, tai nghe để trông vừa lịch sự, vừa xinh xắn khi lên hình.
Ở công đoạn hậu kỳ, cô nói có thể chỉnh màu phim cho ảnh bằng các phần mềm như Lightroom hoặc Xingtu (Ảnh: Mai Phương).
Cũng không thích sự đông đúc trong những ngày đầu đi tàu miễn phí, Hải Yến (24 tuổi) - huấn luyện viên thể hình - chọn khung giờ nghỉ trưa để cùng bạn bè chụp ảnh "đu trend".
Sau khi trải nghiệm cả hai tuyến tàu điện trên cao ở Hà Nội, cô nàng nhận định, khác với tuyến Cát Linh - Hà Đông, các nhà ga trên cao của tuyến Nhổn - Cầu Giấy đi theo một kiểu kiến trúc chung, khá tương đồng với nhau. Điểm đặc biệt nhất tại từng nhà ga là bức tranh tường trang trí thể hiện rõ bản sắc của mỗi địa điểm.
"Các ga đều có không gian tương đối giống nhau nên mình chủ yếu chọn những góc có ánh sáng tự nhiên tốt, vắng người hoặc có thể nhìn bao quát được khung cảnh đoàn tàu chạy phía sau", Hải Yến chia sẻ.
Theo nữ huấn luyện viên, góc chụp ở khu vực cầu thang, quay lưng lại với đoàn tàu hay phía trước bức tường có màu sắc tối giản sẽ làm nổi bật chủ thể và không bị ánh sáng xanh của mái che làm sai lệch màu ảnh (Ảnh: Tiến Bùi, Sadie Tran).
Trong khi đó, Hoàng Minh (28 tuổi) - người sáng tạo nội dung về du lịch - nhận xét, các ga tàu đẹp nhất là Cầu Giấy, chùa Hà và Đại học Quốc gia với tông màu nhẹ nhàng, dễ chụp ảnh. Hầu hết nhà ga đều có hoa giấy mọc xung quanh, mang lại cảm giác mát mẻ, lên hình khá nghệ thuật.
Minh gợi ý, thời gian lý tưởng để chụp ảnh trên tuyến tàu điện mới là từ 5h30 tới 9h, khi nắng vẫn nhẹ nhàng, chiếu xiên và không quá đông đúc, tạo sự thoải mái cho việc tạo dáng, sáng tác ảnh.
Sau đó, trong khoảng 9-17h, khi trời nắng nóng lên tới gần 40 độ C cùng dòng người đến trải nghiệm quá đông, các bạn trẻ rất khó để chụp được hình đẹp (Ảnh: Travel with Minh).
Căn góc khéo léo để lấy được cảnh đẹp
Không nhất thiết phải có máy ảnh xịn, chỉ với chiếc điện thoại trong tay, các bạn trẻ có thể cho ra đời nhiều bộ ảnh đẹp, chất lượng nếu biết căn góc phù hợp.
Muốn lấy được cảnh đoàn tàu lướt qua phía sau, bạn cầm máy nên đứng chéo với mẫu, sử dụng chế độ zoom (phóng to), căn chỉnh sao cho người ở khoảng 2/3 khung hình, đợi lúc tàu đến là đã có được những tấm ảnh ưng ý.
Hay đơn giản hơn, người cầm máy có thể đứng đối diện, căn chỉnh đúng chính giữa khung hình điện thoại và nhờ mẫu di chuyển về phía trước nhẹ nhàng, chậm rãi. Khi đó, việc của bạn là bấm chụp liên tục để cho ra những tấm hình tự nhiên nhất.
Trần Lương Nguyên (SN 1997) chia sẻ: "Nếu sợ sử dụng chế độ chân dung của điện thoại sẽ khiến mặt bị to hay lộ khuyết điểm, các bạn hoàn toàn có thể lựa chọn góc chụp toàn thân với cầu thang bộ tại các nhà ga" (Ảnh: Trần Lương Nguyên).
Chàng trai hướng dẫn, người cầm máy đứng ở phía trên, mẫu ở dưới cầu thang sẽ tạo dáng đơn giản, ngửa mặt lên một chút, hướng ánh mắt về phía đối diện, tạo cảm giác tự nhiên hơn. Ở góc chụp này, người chụp có thể căn chỉnh, zoom ảnh lên chụp nửa người hoặc toàn thân đều được.
Theo Nguyên, do bên trong khoang tàu điện mới khá bé và chật, người cầm máy lưu ý không nên ngồi đối diện và chụp mẫu ở góc từ phía trên xuống dưới. Thay vào đó, hãy để bạn diễn đứng ở khu vực cửa ra vào, tay bám vào thanh trụ, mặt nghiêng nhìn ra phía xa một cách tự nhiên. Người chụp lúc này sử dụng chế độ góc rộng 0,5 của điện thoại, căn chỉnh cho mẫu ở chính giữa khung hình và ấn chụp.
"Một việc quan trọng mình muốn các bạn lưu ý khi đến các ga tàu điện chụp ảnh đó là đứng xa khu vực vạch vàng ở điểm chờ đón trả khách. Để tránh xảy ra những sự cố nguy hiểm hay làm ảnh hưởng đến người xung quanh, mỗi bạn trẻ nên có ý thức và nghe sự chỉ dẫn của bảo vệ tại đây", chàng trai 27 tuổi nói thêm.