DMagazine

Đồng đội viết tiếp hành trình của 3 người lính hy sinh

(Dân trí) - Phía sau sự hy sinh của 3 chiến sĩ PCCC sẽ là một hành trình nối dài, được đồng đội và gia đình nâng niu, trân trọng và viết tiếp.

Đồng đội viết tiếp hành trình của 3 người lính hy sinh

Phía sau sự hy sinh của 3 chiến sĩ PCCC sẽ là một hành trình nối dài, được đồng đội và gia đình nâng niu, trân trọng và viết tiếp. 

Đầu tháng 8/2022, tại trụ sở Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn Cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) trên đường Nguyễn Phong Sắc. 

Một căn phòng trống.

Hai chiếc mũ bảo hộ cháy đen.

Ba bộ quân phục xếp cạnh nhau.

Mọi thứ còn vẹn nguyên.

Thế nhưng, Thượng tá Đặng Anh Quân (45 tuổi), Thượng úy Đỗ Đức Việt (24 tuổi) và Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc (19 tuổi) đã không trở về, sau trận chiến cuối với giặc lửa chiều 1/8.

Đồng đội viết tiếp hành trình của 3 người lính hy sinh - 1
Đồng đội viết tiếp hành trình của 3 người lính hy sinh - 2

"Lúc xuất phát, đồng đội điểm danh đầy đủ. Lúc về, không còn anh em nữa", Trung úy Nguyễn Xuân Hải - Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) bật khóc.

Đại úy Nguyễn Văn Mạnh - người đồng đội gắn bó gần 20 năm với Thượng tá Đặng Anh Quân cũng xúc động: "Mất đồng đội, tôi đau đớn, cảm giác như mất đi một phần cơ thể". 23 năm trong ngành thì 20 năm anh Mạnh gắn bó với Thượng tá Đặng Anh Quân. 

"Anh em động viên phần nào giúp tôi tạm quên đi sự trống trải, nhưng khi ở một mình, tôi rối bời. Là một người lính mạnh mẽ, nhưng chút yếu lòng này tôi xin giữ riêng mình. Có lẽ phải một thời gian nữa, tôi mới có thể bình tâm trở lại", anh Mạnh nói.

Sự mất mát, hy sinh cao cả của 3 chiến sĩ đã thôi thúc lòng nhiệt huyết, khát khao cống hiến trong lòng đồng đội.

Đồng đội viết tiếp hành trình của 3 người lính hy sinh - 3

Những di vật còn lại của 3 chiến sĩ, được xếp trang trọng tại đơn vị.

"Anh Quân vừa là chỉ huy nhiệt tình, vừa là người anh thân thiết"

Thượng tá Đặng Anh Quân, sinh năm 1977, nhận nhiệm vụ Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an quận Cầu Giấy hồi tháng 1/2022. Đúng dịp Tết, anh em chiến sĩ quây quần gói bánh chưng, kể nhau nghe những kỷ niệm xưa.

Tháng 7, đơn vị vừa đi nghỉ mát tại Thanh Hóa. Anh Quân cùng mẹ, vợ và hai con trai (13 và 17 tuổi), tham gia chuyến du lịch cuối cùng này.

Trong hồi ức của những người ở lại, Thượng tá Đặng Anh Quân vừa là chỉ huy nhiệt tình vừa là người anh thân thiết, mẫu mực, tình cảm, nhưng cũng rất nghiêm khắc.

Là một người tận tụy với công việc, có những ngày không trực, anh Quân cũng đến đơn vị. Trong những vụ cháy lớn, anh theo sát anh em, hoặc trực tiếp xông pha vào hiện trường.

Tính cách hòa đồng, biết lắng nghe và thấu hiểu của vị đội trưởng đã "phá vỡ" khoảng cách giữa chỉ huy và người lính. Anh say sưa kể về những "trận đánh" ác liệt nhất với "giặc lửa", chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, kỹ năng và cảm hứng yêu nghề tới các chiến sĩ trẻ.

Đồng đội viết tiếp hành trình của 3 người lính hy sinh - 4
Đồng đội viết tiếp hành trình của 3 người lính hy sinh - 5
Đồng đội viết tiếp hành trình của 3 người lính hy sinh - 6

Đời thường, anh Quân yêu các môn thể thao như bóng đá, bơi lội,… Mỗi khi không quá bận rộn, đơn vị tổ chức giải bóng đá giao lưu, gắn kết tình đồng đội.

Sau những giờ phút căng thẳng của công việc, anh tìm đến một sở thích giản đơn khác là chăm sóc cây cảnh và chim thú. Ngoài những lồng chim vành khuyên dọc hành lang, thì ngay dưới cổng đơn vị, một chuồng chim lớn được dựng lên từ khi anh Quân về nhận nhiệm vụ.

Trong gia đình, anh là người cha luôn tự hào về thành tích học tập của con trai đầu. Anh định hướng con vào môi trường quân ngũ để rèn luyện và trưởng thành.

Đồng đội viết tiếp hành trình của 3 người lính hy sinh - 7

Đại úy Nguyễn Văn Mạnh - người em 20 năm của Thượng tá Đặng Anh Quân.

"Anh Quân ra đi, các cháu mất đi một điểm tựa. Tôi sẵn sàng bên cạnh, nếu được là một phần thay thế anh. Tôi nguyện vọng mình có thể quan tâm, rèn giũa các cháu, như cách anh Quân đã làm những năm tháng qua", anh Mạnh nghẹn lời.

Còn với Trung úy Nguyễn Xuân Hải, anh gắn bó với Thượng tá Đặng Anh Quân từ năm 2017, khi còn công tác tại Phòng Cảnh sát PC&CC số 3.

"Bức ảnh anh Quân cùng đồng đội trước tượng đài Công an nhân dân, là bức ảnh đầu tiên và cũng là cuối cùng tôi chụp cho anh ấy", đôi mắt anh Hải đỏ hoe, rưng rưng.

Đồng đội viết tiếp hành trình của 3 người lính hy sinh - 8

Bức ảnh đầu tiên và cũng là cuối cùng Trung úy Nguyễn Xuân Hải tác nghiệp cho đội trưởng Đặng Anh Quân (Ảnh: Trung úy Nguyễn Xuân Hải).

"Cuốn nhật ký" căng tràn nhiệt huyết tuổi trẻ của Thượng úy Việt

Ngày đầu tiên bước chân vào trường Đại học PCCC, chàng trai trẻ Đỗ Đức Việt đầy hào hứng, phấn khởi và tự hào. Trở thành lính cứu hỏa, giúp người dân vượt qua hoạn nạn là ước mơ và đam mê từ nhỏ của anh.

4 năm trước, lúc còn là sinh viên trường Cảnh sát PCCC, Việt từng gây xúc động mạnh khi giúp đỡ 2 bà cụ gánh hàng rau qua đường. Anh nói bất kỳ ai trong hoàn cảnh này cũng sẽ làm vậy. Điều làm anh vui nhất không phải những lời khen, mà là thấy ấm lòng khi được bà cụ tặng nải chuối tiêu ăn rất ngọt và thơm.

Đồng đội viết tiếp hành trình của 3 người lính hy sinh - 9

Anh Hải nâng niu bộ quân phục của em Việt.

Mong ước của chàng sinh viên năm ấy, đã trở thành hiện thực. Việt sau khi tốt nghiệp đã về Công an quận Cầu Giấy công tác tại Đội Cảnh sát PCCC&CNCH từ tháng 11/2018. Sau 4 năm, trải qua hàng trăm trận chiến với "giặc lửa", anh cùng đồng đội cứu thoát nhiều người dân khỏi vùng nguy hiểm.

Quý mến người cán bộ trẻ có năng lực, phó chỉ huy sắp xếp cho Việt ngồi làm việc tại phòng của mình để rèn giũa, kèm cặp, mong anh sẽ là thế hệ kế tiếp cho chỉ huy đơn vị.

Đồng đội viết tiếp hành trình của 3 người lính hy sinh - 10

Điện thoại - kỷ vật cuối của chiến sĩ trẻ Đỗ Đức Việt.

Việt được nhận xét năng nổ, đam mê chữa cháy và không ngại khó khăn. Trang Facebook cá nhân của anh như cuốn nhật ký căng tràn nhiệt huyết của tuổi trẻ, nơi anh thường viết vội đôi dòng, miêu tả lại cuộc chiến mà người ta vẫn thường nói "khi mọi người ùa ra, thì các anh lại chạy vào để giành giật tính mạng với thần chết", "cứu cái còn trong cái mất".

Nam chiến sĩ trân quý từng sinh mạng, dù là nhỏ nhất. Tháng 2/2021, trong trang phục phòng cháy chữa cháy ướt sũng, khuôn mặt lem khói, anh tươi cười vui mừng khi cứu được chú chó bị mắc kẹt trong nhà dân bị cháy.

"Ân hận nhất với tôi là không có bức hình nào chụp cho Việt làm kỉ niệm. Em vẫn bảo "Anh chụp ảnh đẹp thế mà chưa chụp được cho em", Trung úy Nguyễn Xuân Hải xúc động nhớ lại.

Đặc biệt, với Đại úy Nguyễn Văn Mạnh, Việt là một người em hay tếu táo, thường gọi anh là "chú" - thứ tình cảm đặc biệt mà anh nâng niu. Dù tuổi cháu, nhưng Việt luôn tạo cho anh Mạnh sự yên tâm về tính cách, phẩm chất và nghiệp vụ chuyên môn.

Đến giờ phút này, anh Mạnh chưa thể quên buổi sáng 1/8, khi vừa giao ban xong, Việt đi qua anh, vỗ vai, nói:

- "Chú ạ, chiều nay cháu có một việc muốn nhờ chú, được không ạ?".

- "Được, có việc gì, cháu cứ bảo chú".

"Thế mà, mấy tiếng sau, Việt không còn nói chuyện với tôi nữa. Tôi vẫn luôn đau đáu, băn khoăn với câu hỏi của Việt. Điều này sẽ còn day dứt tôi mãi", anh Mạnh nghẹn ngào.

Đồng đội viết tiếp hành trình của 3 người lính hy sinh - 11

Bức ảnh Việt tươi cười vui mừng khi cứu được chú chó bị mắc kẹt trong nhà dân bị cháy (Ảnh: Facebook nhân vật)

"Chúng mình sẽ thay Phúc tiếp tục sống đẹp tuổi 19"

Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc lỡ hẹn bữa tiệc sinh nhật với gia đình hôm 7/5, khi vừa bước sang tuổi 19.

Nhận được giấy báo đi nghĩa vụ công an trước khi nhận giấy báo trúng tuyển khoa Ngôn ngữ học, Đại học Hà Nội, Phúc xin bảo lưu kết quả tại trường để tham gia nghĩa vụ quân sự từ tháng 2/2022, chưa được một ngày chính thức nghỉ phép về nhà.

Đồng đội viết tiếp hành trình của 3 người lính hy sinh - 12

Bộ quân phục của Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc.

Sau 3 tháng, Phúc là một trong 5 chiến sĩ nghĩa vụ được phân công về Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Cầu Giấy.

Bố mất sớm, thương mẹ nên Phúc đã rèn tính tự lập, chịu khó học tập và chăm chỉ phụ giúp việc nhà. Khi đi nghĩa vụ, được tôi luyện trong môi trường của lực lượng Công an, Phúc càng trưởng thành hơn.

Chàng trai bé bỏng năm nào ngày càng suy nghĩ chín chắn, năng động viên và thăm hỏi mẹ nhiều hơn. Sau mỗi lần được cùng anh em đơn vị tham gia chữa cháy, Phúc đều tự hào nhắn tin cho mẹ về việc cứu được người, tài sản và cả những cái bắt tay cảm ơn từ những gia đình bị nạn.

Đồng đội viết tiếp hành trình của 3 người lính hy sinh - 13

Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc chụp ảnh cùng mẹ trước khi lên đường nhập ngũ tháng 2/2022 (Ảnh: Facebook nhân vật).

Sáng 1/8, như một thói quen, Phúc nhắn tin cho mẹ, kể mình cùng anh em đang chữa cháy ở Nguyễn Khánh Toàn, nhưng tới chiều khi tham gia chữa cháy quán karaoke ở phố Quan Hoa thì hy sinh. Đó là tin nhắn cuối cùng giữa hai mẹ con.

Phúc là người ít nói, sống tình cảm, hòa đồng, hay khoe với đồng đội "nhà em gần đơn vị". Anh giỏi ngoại ngữ, mỗi ngày sau ca trực, thường xung phong nhận thêm nhiệm vụ bồi dưỡng, hướng dẫn các anh em trong đơn vị tăng cường thêm vốn tiếng Anh.

Chàng trai trẻ ấp ủ nhiều dự định khi kết thúc đợt nghĩa vụ, mong muốn tiếp tục học Đại học, ước mơ làm giảng viên hoặc phiên dịch viên. Nhưng không còn cơ hội, hành trình của Phúc kết thúc ở tuổi 19.

"Phúc à,

Chúng mình rất nể phục tấm gương hy sinh anh dũng của Phúc, sẽ thay bạn tiếp tục sống đẹp tuổi 19.

Hành trình dài phía trước, những giấc mơ còn dang dở, chúng mình sẽ cố gắng hoàn thành", Binh nhì Nguyễn Công Duy gửi lời tạm biệt người bạn thân.

Đồng đội viết tiếp hành trình của 3 người lính hy sinh - 14

Binh nhì Nguyễn Công Duy - người bạn thân nhất của Phúc trong đơn vị.

Đồng đội viết tiếp hành trình của người lính PCCC

Đồng đội viết tiếp hành trình của 3 người lính hy sinh - 15

Đồng đội thay anh Quân chăm sóc cho những chú chim vành khuyên.

Khi được hỏi "Tại sao chọn ngành phòng cháy chữa cháy?" - xưa nay luôn được coi là một trong những nghề nguy hiểm nhất thế giới, Đại úy Nguyễn Văn Mạnh, thâm niên 23-24 năm trong ngành, nói chưa một phút giây nào muốn xin ra ngoài lực lượng.

Môi trường cảnh sát PCCC tôi luyện anh trưởng thành, luôn rực cháy đam mê dẫu biết đây là "cuộc chiến giữa thời bình".

Trung úy Nguyễn Xuân Hải từng nghĩ sẽ theo ngành công nghệ thông tin và điện tử viễn thông, nhưng chính ngành PCCC đã chọn anh, nuôi dưỡng khát khao cống hiến.

Đồng đội viết tiếp hành trình của 3 người lính hy sinh - 16

Đồng đội viết tiếp hành trình của người lính PCCC.

Binh nhì Nguyễn Công Duy chọn gắn bó với PCCC vì "nếu ai cũng sợ, thì chẳng ai làm công việc này".

"Đam mê" - tính cách chung của những người lính cứu hỏa đã thôi thúc họ có thể quên đi tính mạng, sự sống của mình, để nhường hơi thở cho người khác.

Đồng đội viết tiếp hành trình của 3 người lính hy sinh - 17

Trung úy Nguyễn Xuân Hải xúc động: "Chúng tôi sẽ tiếp tục viết tiếp ước mơ của đồng đội"

Ngày đó, khi anh Quân, Việt và Phúc bước vào "trận chiến" này, cũng đã hướng về một và chỉ một mục tiêu: Tận hiến và hy sinh vì nhân dân.

Phía sau những sự hy sinh cao cả này…

… là một bản kế hoạch cho đơn vị từ đầu năm của Thượng tá Đặng Anh Quân.

… là một tuổi trẻ khắc khoải của Thượng úy Đỗ Đức Việt.

… là một giấc mơ, hoài bão thanh xuân của Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc.

Tất cả sẽ được đồng đội nâng niu, trân trọng và viết tiếp.

Nội dung: Minh Nhân

Ảnh: Mạnh Quân