(Dân trí) - Đi qua lằn ranh sinh tử, nếm trải đủ loại đau đớn, hai mẹ con chị Thời nói những vết thương trên cơ thể và trong tâm hồn đang dần được chữa lành. Họ mong chờ năm mới với những khởi đầu mới lạc quan.
Đi qua lằn ranh sinh tử, nếm trải đủ loại đau đớn, hai mẹ con chị Thời nói những vết thương trên cơ thể và trong tâm hồn đang dần được chữa lành. Họ mong chờ năm mới với những khởi đầu mới lạc quan.
Một tuần sau khi chuyển vào căn nhà mới, chị Lê Thị Thời (42 tuổi) tái khám, bác sĩ thông báo tay phải bị nhiễm trùng xương, phải điều trị kháng sinh và tiếp tục phẫu thuật.
Biến chứng từ hai ca phẫu thuật trước buộc người phụ nữ bước vào ca phẫu thuật lần ba mà như chị nói là "bắt đầu lại từ đầu". Trong tâm khảm, chị sợ bệnh viện, không ngờ cơn ác mộng mấy tháng trước đã trở thành hiện thực - "tỷ lệ 1% biến chứng rơi trúng đầu mình".
"Nhưng nghĩ đến con trai, tôi sẽ cố gắng chiến thắng bệnh tật", chị lạc quan nói, chỉ vào cánh tay phải băng gạc, vết thương vẫn còn mưng mủ.
Sau cú nhảy "đặt cược tính mạng" khỏi chung cư mini bốc cháy Khương Hạ từ tầng 9 xuống sân thượng tầng 6 nhà hàng xóm, dường như không còn điều gì có thể làm khó hai mẹ con chị.
Gần 4 tháng sau vụ hỏa hoạn, trải qua nhiều lần phẫu thuật, xử lý các chấn thương lẫn vết mổ nhiễm trùng, chị và con trai Trần Đại Phong (18 tuổi) dần ổn định sức khỏe và cuộc sống.
Đại Phong bắt đầu trở lại trường học mà không cần người hỗ trợ, tự di chuyển bằng xe đạp điện. Người mẹ tự nấu ăn, vận động nhẹ nhàng tại nhà.
"Tôi nấu nướng chủ yếu dùng tay trái, còn tay phải chỉ có thể đỡ hoặc cầm nắm những vật nhẹ dưới một kg", chị Thời cười nói.
Từ khoản ủng hộ của mạnh thường quân và tiền tiết kiệm, người phụ nữ mua lại căn nhà 4 tầng có sẵn nội thất, rộng 15m2, trong một con ngõ nhỏ ở phố Khương Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Căn nhà được chị bày trí gọn gàng và ngăn nắp, gồm hai phòng ngủ, phòng khách và bếp. Chị đặc biệt quan tâm vấn đề phòng cháy chữa cháy, thiết kế lối thoát hiểm có chìa khóa ở tầng thượng giúp dễ dàng di chuyển nếu không may xảy ra sự cố.
Đứng nấu ăn trong bếp, chị Thời nói ngôi nhà này là khởi đầu mới của hai mẹ con. Dù phía trước còn nhiều khó khăn và vất vả nhưng người phụ nữ luôn vững tin bản thân sẽ vượt qua tất cả.
Chị Thời có vẻ ngoài trẻ hơn so với tuổi 42, hay cười và lạc quan, nhưng đôi mắt ẩn chứa tâm tư sau nửa đời người trải qua nhiều biến cố.
Sinh ra ở làng quê Thường Tín, chị đi học rồi tự kiếm việc làm, lấy chồng. Khi hôn nhân tan vỡ, chị nhận nuôi con, quen dần với việc vừa là cha vừa là mẹ. Mọi việc trong nhà từ thay vòi nước, sửa bóng đèn, đến thay cánh quạt, đều một mình chị lo liệu.
"Cuộc sống buộc mình phải lựa chọn kiên cường, chứ là phụ nữ ai chẳng muốn được yêu chiều. Phải mạnh mẽ thôi, nhìn mọi thứ một cách lạc quan, tích cực thì mọi chuyện sẽ đơn giản, đầu óc thoải mái", chị nói.
Đến nay, cú sốc lớn nhất với chị là vụ cháy chung cư mini Khương Hạ giữa tháng 9/2023, nơi mẹ con đã sinh sống 8 năm, khiến 56 người tử vong.
Đại Phong kể đêm 12/9 khi đang học bài ở phòng khách thì bất ngờ thấy khói ở hành lang, vội chạy vào phòng ngủ gọi mẹ.
Căn hộ 901 nằm ở trục dọc cầu thang nên hút khói nhanh. Cột khói đen bốc lên cuồn cuộn, hai mẹ con đóng kín cửa chính, tắt cầu giao điện, khóa van bình gas, dùng chăn và chiếu bịt kín khe hở. Khói tiếp tục tràn vào, bao trùm toàn bộ căn nhà, lô gia phơi quần áo là chỗ trú ngụ cuối cùng của họ.
Chị Thời nhớ lại những ngày đứng phơi quần áo thường nhìn xuống sân thượng nhà bên, dự liệu cách thoát hiểm nếu gặp bất trắc. Một thanh ngang bằng inox của chuồng cọp bị gỉ sét, hơi bung ra. Đôi lần, chị đã thử chui đầu ra ngoài theo lỗ hổng ấy.
Hai mẹ con dùng dao vừa gõ vào lan can kêu cứu, vừa cậy chuồng cọp tạo lối thoát hiểm. Xung quanh không có tín hiệu, mặt đằng sau tòa nhà im phăng phắc, chỉ có ánh lửa lóe lên.
Chị Thời chui ra khỏi lan can, đứng sát mép bờ tường, bật đèn từ điện thoại nhìn xuống bên dưới. Ba giây đầu, chị thấy khung cảnh mờ mờ, lúc sau khói đen che khuất tầm nhìn.
Trước khi nhảy, chị quay sang dặn con trai: "Mẹ nhảy trước, con nhảy theo sau. Đừng sợ hãi!".
Dứt lời, người phụ nữ nhảy xuống, lịm đi. Đại Phong sợ hãi, chần chừ mấy giây, rồi nhảy theo mẹ. Cậu lết được vài bước để kêu cứu, mất dần ý thức khi lực lượng cứu hộ tiếp cận.
"Mọi việc diễn ra chỉ trong vòng 3 phút từ khi chung cư bị cháy đến lúc hai mẹ con nhảy. Nghĩ lại, tôi thấy đây là một quyết định đúng đắn. Nếu không nhảy, chúng tôi đã chết", chị Thời nói.
Người phụ nữ bị chấn thương ngực, gãy cột sống, vỡ lồng ngực, vỡ xương chậu và nhiều vết thương khác. Chị trải qua hai ca đại phẫu, hôn mê hai ngày liên tiếp tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Con trai bị dập gót chân, tổn thương xương chậu… điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai.
Hai tháng sau, mẹ con chị Thời tập ngồi, đi lại như đứa trẻ. Cánh tay phải phủ đầy băng gạc che đi vết sẹo dài sau hai lần mổ cố định ba đoạn xương gãy. Nhờ chiếc đai cố định đốt sống lưng, chị ngồi vững, đi lại được một đoạn. Mỗi lần nằm xuống, vùng xương chậu đau nhức, khiến giấc ngủ của chị không trọn vẹn.
"Có lẽ đây là vận hạn lớn nhất trong cuộc đời tôi", chị trầm ngâm.
Những ngày cuối năm, chị Thời bàn tính cho ca phẫu thuật lần ba. Nếu phải vào phòng mổ trước Tết, chị sẽ nhờ người mẹ 70 tuổi và bạn bè mua sắm Tết, trang trí nhà cửa.
Nếu bác sĩ cho lùi ngày phẫu thuật, chị sẽ tự tay chuẩn bị từng cành đào, từng bánh chưng, tạo không khí đầm ấm ngày Tết cho căn nhà mới.
"Những gì ở năm cũ hãy để nó qua đi, mẹ con tôi muốn đón một năm mới vui vẻ, ấm cúng và tràn ngập hy vọng", chị nói.
Chị luôn tự nhủ hai mẹ con được sống "đã là một điều may mắn", sớm ổn định sức khỏe, dự kiến dành một năm chữa khỏi hoàn toàn cánh tay phải, rồi quay lại công việc kế toán, đi dạy hoặc học nghề làm đẹp.
Người mẹ không kỳ vọng con trai học giỏi hay trở thành người xuất chúng. Chị dặn con nhớ đây là biến cố lớn trong cuộc đời, Đại Phong trưởng thành sẽ đáp lại tình cảm của mọi người, truyền lửa cho thế hệ sau.
Đi qua lằn ranh sinh tử, nếm trải đủ loại đau đớn, những vết thương trên cơ thể và trong tâm hồn của hai mẹ con đang dần được chữa lành. Họ chọn cách sống tích cực, nói rằng có điều kiện sẽ làm từ thiện để trả ơn cuộc đời.
"Chúng ta nhận lòng tốt của người khác, thì sau này hãy đem lòng tốt đó chia cho những người khó khăn hơn", chị dặn dò, quay sang nhìn con trai, mong Đại Phong sẽ như "cơn gió lớn" đủ sức vượt qua những biến cố cuộc đời như cái tên chị đã đặt.