DNews

Linh vật rồng khắp cả nước: Nơi được khen thần thái, nơi bị chê giống giun

Minh Nhân

(Dân trí) - Cận Tết Nguyên đán, linh vật rồng khắp cả nước được các nghệ nhân, thợ thủ công trình làng, thu hút sự quan tâm của cộng đồng.

Linh vật rồng khắp cả nước: Nơi được khen thần thái, nơi bị chê giống giun

Rồng thần thái ở Quảng Trị

Nghệ nhân Đinh Văn Tâm (34 tuổi, trú huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) - cha đẻ của linh vật hổ và mèo từng gây sốt các năm trước - tiếp tục được UBND thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa) đặt làm linh vật rồng để trang trí Tết Giáp Thìn 2024.

Sau ba tháng thi công, linh vật chính thức hoàn thành. Rồng cao khoảng 4,5 m; thân uốn lượn dài 7m; tổng trọng lượng khoảng 500kg. Dưới chân của bức tượng có một quả cầu màu vàng, tượng trưng tài lộc mà rồng đưa đến cho người dân.

Để hoàn thiện linh vật, nhóm thợ đã sử dụng nhựa làm vảy, các thanh sắt bao quanh bằng lưới làm thân, bụng được làm bằng thạch cao. Các bộ phận được thiết kế tỉ mỉ, màu vàng óng bắt mắt.

Linh vật rồng khắp cả nước: Nơi được khen thần thái, nơi bị chê giống giun - 1

Linh vật rồng do nghệ nhân Đinh Văn Tâm thực hiện (Ảnh: Nhật Anh).

Rồng bị chê giống... giun

Bốn tượng rồng tại khu vui chơi của một công ty ở xã Tiên Trang (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng bởi vẻ ngoài "xấu lạ". Các tượng rồng được đắp bằng xi măng, mỗi con dài khoảng 20m, tổng chiều cao công trình khoảng 6m.

Sau khi xuất hiện, nhiều ý kiến cho rằng những bức tượng này trông "còi cọc", mất tính oai phong, uy nghi, nhìn giống con giun hay con cá hố.

Bên cạnh 4 tượng rồng, doanh nghiệp cũng trưng bày các linh vật với hình dáng kỳ lạ do đơn vị này làm vào các năm trước. Trong đó, tượng mèo bị nhận xét giống chuột chù vào dịp Tết Quý Mão 2023; tượng "hổ lai heo" gây xôn xao dịp Tết Nhâm Dần 2022. 

Linh vật rồng khắp cả nước: Nơi được khen thần thái, nơi bị chê giống giun - 2

Bốn tượng rồng bị chê giống giun ở Thanh Hóa (Ảnh: Thanh Tùng).

Rồng "mầm non" ở Bắc Giang

Anh Bùi Văn Quân (32 tuổi, xã Hùng Sơn, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) đã dành hơn 70 ngày hoàn thành linh vật rồng "mầm non". Mô hình cao 4,5m bao gồm bệ đỡ, nặng 10-12 tấn, được sơn màu cam.

Người thợ đã chia làm hai đợt, tạo khung sắt theo hình mẫu thiết kế, căng lưới, sử dụng hỗn hợp cát và xi măng để đắp tượng. Bức tượng hiện đã hoàn thiện, được trang trí thêm xung quanh bằng mô hình bánh chưng, hoa mai...

Anh Quân đặt tên cho linh vật là "rồng hạnh phúc", hy vọng dù người lớn hay trẻ em khi nhìn vào bức tượng đều cảm nhận được sự dễ thương và thân thiện. 

Mô hình này sẽ được trưng bày tại vườn nhà anh Quân, chào đón miễn phí người dân và du khách đến tham quan trong những ngày Tết Nguyên đán.

Linh vật rồng khắp cả nước: Nơi được khen thần thái, nơi bị chê giống giun - 3

Mô hình "rồng mầm non" tại tỉnh Bắc Giang (Ảnh: Bùi Văn Quân).

Cặp rồng uốn lượn ở TPHCM

Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao hình ảnh cặp rồng được uốn lượn bằng cây sanh đặt tại công viên Tao Đàn (quận 1, TPHCM). Phần đầu cặp rồng được đơn vị thi công dùng tấm lưới che chắn một phần. 

Ông Lê Công Sơn, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM, cho biết cặp rồng này nằm trong công trình hội hoa xuân 2024. Mỗi con cao 6m, dài 17m được làm từ cây sanh.

Đơn vị đã lên ý tưởng vào tháng 6/2023, trải qua 6 lần thẩm duyệt của Hội đồng nghệ thuật và các đơn vị liên quan góp ý, chỉnh sửa.

Đến tháng 10/2023, sau khi được UBND TPHCM phê duyệt thiết kế, công ty này đặt thuê nghệ nhân ở Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) tạo hình. Ngày 22/1, cặp rồng được vận chuyển đến công viên Tao Đàn.

Linh vật rồng khắp cả nước: Nơi được khen thần thái, nơi bị chê giống giun - 4

Phần đầu của cặp rồng tại công viên Tao Đàn đã được đơn vị thi công che chắn (Ảnh: Hoàng Hướng).

Theo ông Sơn, việc tạo hình các con vật bằng cây xanh rất khó, đặc biệt với các con vật có kích cỡ lớn như cặp rồng này. 

"Trong khuôn viên hội hoa xuân sẽ có những con rồng linh vật và rồng biểu tượng vui. Hai con rồng lan truyền trên mạng xã hội dùng tạo cảnh quan ở cổng chính, dự kiến hoàn thành vào ngày 5/2", ông Sơn nói.

Rồng Bình Định nhận "mưa" lời khen

Cụm linh vật rồng năm 2024 của tỉnh Bình Định được xây dựng tại quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn). Trong ngày 28/1, người dân đã kéo đến quảng trường chiêm ngưỡng 2 rồng phụ và nhận xét "chúng rất ấn tượng". 

Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định, cho biết biểu tượng linh vật đón Tết Giáp Thìn 2024 của tỉnh gồm 3 linh vật rồng (2 rồng phụ nhỏ và một rồng chính lớn), ngoài ra còn có các tiểu cảnh. Khu trưng bày có chiều dài khoảng 105m, chiều rộng gần 40m.

Biểu tượng linh vật rồng của Bình Định mang chủ đề Tự hào truyền thống Cha Rồng - Mẹ Tiên dựa trên truyền thuyết dân gian Việt Nam về Lạc Long Quân và Âu Cơ, dự kiến khánh thành vào ngày 1/2, trưng bày đến ngày 18/2.

Linh vật rồng khắp cả nước: Nơi được khen thần thái, nơi bị chê giống giun - 5

Linh vật rồng phụ của tỉnh Bình Định nhận "mưa" lời khen (Ảnh: Doãn Công).

Rồng làm từ những chiếc lu

Hai linh vật rồng được làm bằng những chiếc lu chào đón Tết Nguyên đán 2024 ở làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp (tỉnh Bình Dương) ngay khi xuất hiện đã gây sốt mạng xã hội.

Nghệ nhân Nguyễn Minh Thuận cho biết đầu rồng được thiết kế bằng đất sét, nặn bằng tay rồi nung bằng lò củi nên trông rất khỏe khoắn. Thân rồng được làm bằng 36 chiếc lu in nổi hình rồng. Đây là những sản phẩm vốn có, nổi tiếng của địa phương.

Linh vật rồng khắp cả nước: Nơi được khen thần thái, nơi bị chê giống giun - 6

Mô hình rồng làm từ những chiếc lu ở làng nghề Bình Dương (Ảnh: Phạm Diện).

Rồng quấn quanh thân trụ

Tại quảng trường Hùng Vương trong Trung tâm hành chính tỉnh Bạc Liêu, 16 con rồng quấn quanh thân trụ có hình hoa văn trống đồng đang được hoàn thiện để chào đón Tết Nguyên đán 2024. Theo thiết kế, rồng làm bằng sắt uốn mỹ thuật tạo hình, ốp lưới nhựa, lắp đèn trang trí. 

Theo Trung tâm dịch vụ đô thị tỉnh Bạc Liêu, dự kiến cuối tháng 1, tỉnh sẽ hoàn thành công tác chỉnh trang đô thị để đón Tết tại các tuyến đường chính như: trang trí đèn màu, cờ, hoa, vệ sinh đường phố...

Linh vật rồng khắp cả nước: Nơi được khen thần thái, nơi bị chê giống giun - 7

16 con rồng quấn quanh thân trụ có hình hoa văn trống đồng tại Bạc Liêu (Ảnh: Huỳnh Hải).

Đầu rồng ở Quảng Ngãi bị chê xấu

Ngày 23/1, Công ty cổ phần Môi trường đô thị Quảng Ngãi triển khai thi công tiểu cảnh, lắp đặt linh vật rồng tại công viên Ba Tơ (TP Quảng Ngãi).

Ông Bùi Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty, cho biết năm nay đơn vị thi công 4 con rồng tại các điểm công cộng trên địa bàn TP Quảng Ngãi. Linh vật rồng được một công ty ở TPHCM thiết kế, sau đó thi công tại Quảng Ngãi. 

Hình ảnh đầu rồng lan truyền trên mạng xã hội bị cư dân mạng nhận xét "quá xấu". Mô hình được tạo nên từ nhiều khối màu đỏ và vàng theo phương pháp cách điệu, phần sừng dài hơn 9m vẫn chưa được lắp ghép.

Linh vật rồng khắp cả nước: Nơi được khen thần thái, nơi bị chê giống giun - 8

Tạo hình rồng Quảng Ngãi bị nhiều người chê vì không giống... rồng (Ảnh: Quốc Triều).

Rồng ấn tượng của các chiến sĩ

Tại Đắk Nông, hai linh vật rồng được các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 301, Trung đoàn 994, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh hoàn thành trong hai tháng, đặt trong khuôn viên Tiểu đoàn.

Mô hình này là tổng hợp những đặc điểm của con cá sấu (đầu, vảy, chân) và con rắn (thân dài). 

Mỗi linh vật dài khoảng 5m; cao trung bình 2,5m; màu vàng đỏ chủ đạo, mang không khí Tết và chứa đựng hy vọng may mắn cho năm mới.

Linh vật rồng khắp cả nước: Nơi được khen thần thái, nơi bị chê giống giun - 9

Linh vật rồng của các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 301 (Ảnh: Đặng Dương).

Thiếu tá Nguyễn Văn Dũng, Chính trị viên Tiểu đoàn 301, cho biết để chuẩn bị chào đón năm mới, đơn vị đã huy động cán bộ, chiến sĩ có năng khiếu, đam mê mỹ thuật để tạo hình hai bức tượng linh vật năm Giáp Thìn.

Đây là một trong những hoạt động chăm lo Tết cho cán bộ, chiến sĩ trong thời gian thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị.

Tổng hợp