(Dân trí) - Có rất nhiều giai thoại về Bảy Hiền khiến ông đã trở thành một địa danh quen thuộc trong lòng người dân TPHCM.
Là cư dân sống tại TPHCM, không ai còn xa lạ với địa danh Ngã tư Bảy Hiền. Đây là nút giao thông quan trọng nối nhiều tuyến đường bao gồm: Cách Mạng Tháng Tám, Lý Thường Kiệt, Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ.
Dù trăm năm nay, ở khu vực trên đã mọc lên nhiều tòa cao ốc, tên đường cũng đổi thay, thế nhưng cái tên Bảy Hiền vẫn luôn được người dân quen gọi. Trong đó, từng có vô vàn giai thoại đồn đại ông là một đại điền chủ, sở hữu ruộng vườn "cò bay thẳng cánh". Nhưng cũng có người chia sẻ, ông chỉ là tiểu thương buôn bán cỏ ngựa ở khu vực trên, vì sinh sống lâu năm nên mới được dân nhớ mà đặt tên cho vị trí địa danh này.
Thế cuối cùng Bảy Hiền là ai? Sống như thế nào? Tại sao tên ông trở nên đặc trưng như vậy?…
Lần mò theo một số thông tin hiếm hoi, chúng tôi đã may mắn gặp được những người thân của ông vẫn còn sinh sống quanh khu vực trên và lắng nghe giai thoại về người đàn ông này.
Tại một căn nhà nhỏ trên trục đường Trường Chinh (phường 13, quận Tân Bình, TPHCM), chúng tôi gặp được ông Trần Văn Đức, tự xưng là cháu nội của ông Bảy Hiền. Đã ngoài 86 tuổi, nhưng ông Đức vẫn rất minh mẫn, kể tường tận giai thoại về người ông của mình.
Theo đó, ông Bảy Hiền tên thật là Trần Văn Hiền, được sinh ra trong gia đình hơn 10 anh chị em và mất vào năm 1922.
Thời điểm ông Đức chào đời, tuy không chứng kiến quá trình lập nghiệp của ông Bảy Hiền nhưng chuyện kể về ông vẫn luôn được gia đình nhắc nhiều. Trong đó, ông Hiền từng sở hữu căn biệt thự dát gỗ, rộng lớn tại mặt đường Trường Chinh. Ngoài ra, ông còn có ruộng lúa bạt ngàn, cò bay thẳng cánh kéo dài từ vùng Lăng Cha Cả (quận Tân Bình) đến tận đường Hoàng Hoa Thám hiện nay.
Sự giàu có của ông Bảy Hiền nổi tiếng đến mức vào những mùa gặt lúa xong, ông dành cả một khoảng sân kéo dài cả mặt đường để phơi, bồ lúa cũng rộng lớn hơn cả một căn nhà.
"Tuy đã mất nhưng ông Hiền vẫn để lại của cải cho con trai - ông Trần Văn Mực (PV), một số thì chia cho các anh chị em. Xung quanh căn villa trồng hàng trà cắt thẳng tuyệt đẹp. Mặt trước villa hướng ra ngã tư, trước bậc tam cấp dẫn vào nhà có 2 trụ xi-măng lớn, bên trong tường lát toàn bộ bằng gỗ hiếm, cột đình to", ông Đức chia sẻ.
Theo lời ông Đức: "Di tích còn sót lại hiện nay là ông Hiền để cho ông bà tôi chiếc tủ bằng xà cừ bảy màu hơn trăm năm tuổi. Riêng các con cháu của ông Hiền thì sống như những công chúa, hoàng tử vậy. Sau đó có cô Sáu Nhiều là trở thành người giàu nhì Sài Gòn, sau ông Chú Hỏa nổi tiếng một thời…".
Lý giải cho việc ông Bảy Hiền trở nên nổi tiếng, ông Đức nói, mặc dù là điền chủ giàu có nhưng ông Hiền rất yêu thương dân nghèo. Một ngày nọ, ông lên nhật trình đăng mẩu tin rằng một tuần sau sẽ tổ chức bố thí.
Sáng hôm đó, dân kéo đến đông khiến 2 đứa trẻ bị chen lấn mà ngộp thở, qua đời. Từ đó, ông Hiền buồn bã mà không tiếp tục duy trì hoạt động.
"Thế nhưng, ông vẫn truyền miệng rằng cứ ai tới ngã tư nói gặp nhà ông Bảy tên Hiền thì sẽ được giúp đỡ…", ông Đức nói thêm.
Bên cạnh giai thoại về một đại điền chủ giàu tình thương, trong nhiều tài liệu cũ cho hay Bảy Hiền là một tiểu thương chuyên bán cỏ ngựa ở ngã tư vào đầu thế kỷ XX.
Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi tiếp tục lần dò được người cháu nội còn sống của ông Bảy Hiền - ông Trần Văn Gộc (ngụ quận 3, TPHCM).
Ông Gộc cho biết, thời điểm sau khi ông nội mất, gia đình ông vẫn thuộc diện khá giả, làm ruộng lúa để sinh sống. Đến đầu những năm 40 của thế kỷ trước, người Tây vào Sài Gòn đã bắt đầu cho xây dựng một sân bóng đá và trại ngựa giống tại vị trí mà nay là trường THPT Nguyễn Thượng Hiền.
"Cha tôi - ông Trần Văn Mực (PV), bèn dựng 3 chuồng ngựa ở bên hông nhà, 3 chuồng ngựa phía sau để nuôi làm thú vui. Đồng thời nhận ngựa của các công tử ở Sài Gòn về chăm sóc lấy công", ông Gộc kể lại.
Nói về giai thoại nuôi ngựa và buôn cỏ ngựa của cha ông thời trước, ông Gộc khẳng định rằng ông nội mình chưa từng làm công việc trên. Bởi theo trí nhớ của ông Gộc, xung quanh nhà ông khi ấy là đồng lúa mênh mông. Mặc dù có nhiều tiểu thương sáng vẫn dắt ngựa đi ngang nhưng không bao giờ dừng lại để lập ngã tư làm nơi giao thương.
"Ở khu vực trên, từ cha tôi và vài người trong xóm, cũng ít ai nuôi ngựa, mà chỉ tập trung ở khu vực Bà Điểm (Hóc Môn). Khu vực nuôi ngựa giống của người Tây có nhiều nhưng họ khép kín nên không có nhu cầu mua cỏ ngựa", ông Gộc chia sẻ.
Đồng quan điểm với anh trai của mình, ông Trần Văn Đức cũng khẳng định: "Việc nuôi ngựa đua bắt đầu từ thời của con ông Bảy Hiền, tức ông Trần Văn Mực mà thôi. Lúc đó tôi còn nhớ nhiều con được ông ấy đặt tên rất đẹp như Minh Hoa, Bạch Ngọc, Fan-ta-so…".
Theo lời ông Đức, sau khi mất, ông Bảy Hiền được gia đình chôn cất tại vùng Lăng Cha Cả, mồ mả vô cùng hoành tráng. Thế nhưng, sau thời gian quy hoạch đất đai, ông Trần Văn Gộc đã quyết định đưa toàn bộ hài cốt về thờ tại chùa Vạn Thọ (phường Tân Định, quận 1, TPHCM).
Còn ông Gộc nói: "Đến nay, mỗi ngày con tôi vẫn lên chùa đọc kinh, thờ cúng. Riêng tôi sức khỏe không tốt nên chỉ sáng mùng 1 hàng năm mới cố gắng lên chùa thắp nhang cho ông bà…".
Bài: Huy Hậu
Ảnh: Hải Long
Thiết kế: Tuấn Huy