(Dân trí) - Nhắc đến hồ Con Rùa, ít có người Sài Gòn nào là chưa có kỷ niệm với địa danh nổi tiếng này. Với nhiều người Sài Gòn, nó đã gắn bó cả tuổi thơ, thanh xuân và đời sống mưu sinh tại đây.
Hồ Con Rùa: Giai thoại về "trấn yểm long mạch" tại Sài Gòn
(Dân trí) Nhắc đến hồ Con Rùa, ít có người Sài Gòn nào là chưa có kỷ niệm với địa danh nổi tiếng này. Nếu du khách xem hồ là điểm tham quan đơn thuần, thì với người Sài Gòn nó đã gắn bó cả tuổi thơ, thanh xuân và đời sống mưu sinh tại đây.
Đi vào trung tâm TPHCM, phải ít nhất đôi ba lần đi ngang hồ Con Rùa (quận 3, TPHCM) - nơi chứa nhiều giai thoại chưa từng được "bật mí". Ngồi từ đỉnh tháp hồ, mọi người có thể nhìn ngắm dòng xe xoay quay một vòng trước khi rẽ vào các nhánh đường nhỏ.
Đã trải qua nhiều lần trùng tu và sửa chữa, hồ Con Rùa vẫn được giữ nguyên dáng vẻ hoài niệm năm xưa, với nhiều đường xoắn ốc dẫn đến cột trụ lớn vươn lên cao.
Địa danh nổi tiếng là thế, nhưng đối với nhiều người trẻ, họ vẫn chưa hiểu hết nguồn gốc của công trình này.
"Hồ Con Rùa có… rùa không?"
Không ai biết chính xác hồ Con Rùa được xây dựng từ khi nào. Nhiều tài liệu xưa ghi chép, công trình được xây dựng vào năm 1965, nhưng cũng có một số chuyên gia khẳng định hoàn thành vào năm 1967.
Theo đó, vào năm 1965, Sài Gòn đã lên kế hoạch xây dựng tượng đài Chiến sĩ Tự do. Trong cuộc thi thiết kế tượng đài, bản thảo xây dựng của kiến trúc sư Nguyễn Kỳ đã đạt giải nhất. Ban đầu nó chỉ có một cột cao, bên trên là hình hoa xòe nở và bên dưới là đường viền trồng cỏ.
Song, trong quá trình thi công, dựa theo chỉ dẫn của thầy phong thủy, công trình đã không còn nguyên vẹn như bản thiết kế ban đầu. Toàn bộ công trình thay đổi thành 5 cột bê tông cao khoảng 34m, đỡ đóa hoa xòe đặt giữa hồ. Nhiều giai thoại quan niệm rằng, bông hoa này cách điệu cho "bàn tay đón nhận viện trợ".
Các cột chụm lại dưới ao nước, có đường kính 99,99 m - một con số có ẩn ý nhưng từ lâu đã là bí mật không thể tiết lộ. Bao quanh trung tâm, là 4 hình đi đường bán nguyệt nối từ bờ mép, tạo cảm giác lơ lửng trên mặt nước.
Vì sao công trình này được đặt tên là hồ Con Rùa. Thật ra đây không phải là cái tên chính thức.
Năm 1972, Công trường Chiến sĩ Tự do được đổi tên thành Công trường Quốc tế. Đáng chú ý, ở đây có một con rùa đúc đồng đội trên lưng tấm bia thạch anh ghi danh sách một loạt các nước nên người dân vẫn quen gọi cái tên thân mật là hồ Con Rùa.
Mặc dù sau đó, năm 1976 một vụ nổ đã khiến tấm bia và con rùa bị phá hủy, người ta vẫn không bỏ được "biệt danh".
Giai thoại về mảnh đất "rồng thiêng"
Trải qua thời gian, vị trí của hồ Con Rùa luôn được chọn là nơi đắc địa, giữ vai trò quan trọng ở Sài Gòn.
Năm 1790, nơi này từng là cổng thành Khảm Khuyết của thành Bát Quái (còn gọi là thành Quy). Sau đó, nó được vua Minh Mạng đổi thành cửa Vọng Khuyết. Qua nhiều biến cố, cung đường đi ngang đây đã được san bằng, quy hoạch và trở thành đường Catinat sau nhiều lần đổi tên.
Trong năm 1878, một tháp cung cấp nước cho dân được xây dựng tại vị trí hồ. Đến năm 1921 tháp nước bị phá bỏ không còn sức đáp ứng nhu cầu. Con đường này tiếp tục được mở rộng đến đường Mayer (nay là đường Võ Thị Sáu), giao với đường Garcerie.
Kể từ đó, một giao lộ giữa đường Võ Văn Tần - Trần Cao Vân - 2 nhánh Phạm Ngọc Thạch được hình thành. Người Pháp gọi tên là Công trường Maréchal Joffre và cho xây dựng một tượng đài.
Năm 1956, tường đài bị đập chỉ còn chừa lại hồ chứa nước. Sau đó qua nhiều lần thiết kế thì hồ Con Rùa đã được ra đời.
Theo phong thủy, người ta truyền miệng rằng hồ Con Rùa là nơi rồng thiêng trú ngụ, trấn yểm long mạch. Trong đó, vị trí Dinh Độc Lập là phần đầu rồng, còn nơi này là phần đuôi, chứa đựng một giá trị tâm linh vô cùng độc đáo.
Cung đường tuổi thơ
Gọi là nơi "trấn yểm long mạch", thoạt vẻ nghiêm trọng nhưng có lẽ người dân coi nó là chỗ thân thương hơn. Người ta đã sớm xem hồ Con Rùa là nơi vui chơi, thư giãn mỗi giờ tan tầm. Xe cộ tấp nập, thường xuyên qua lại khiến họ có cơ hội ngắm nhìn cái xô bồ trong lặng lẽ.
Ông Phan Tường (50 tuổi, ngụ quận 3) bộc bạch, ngày xưa, từ khi có trào lưu mở quán cóc, ngồi bệt, hồ Con Rùa đã đầy rẫy cà phê đen đá, bạc xỉu thơm ngát vào sáng sớm. Ngày đó, người ta thích kéo nhau ra cầm ghi-ta thùng hò hát. Giọng hát của chủ quán lẫn khách, hòa với tiếng xào xạc của những tán cây cổ thụ, vậy mà vui.
Dần dà, quán xá mọc lên nhanh chóng, nhưng quán cóc vỉa hè không còn nữa mà thay vào là những thức uống đắt tiền, với kiểu phục vụ "phương Tây". Thế nhưng, người Sài Gòn vẫn thích kiểu ngồi bệt, ăn uống trên con đường bán nguyệt trong lòng hồ.
Người lao động cũng nhờ đó mà buôn bán hàng rong, kiếm vài đồng trang trải cuộc sống.
Hoàng Bảo (22 tuổi) cho hay, ngày trước chân ướt chân ráo lên TPHCM, nằng nặc đòi đứa bạn dẫn đi hồ Con Rùa cho bằng được. Lý do "lạ đời" chỉ vì mới coi bộ phim "Bỗng dưng muốn khóc", nghe nhân vật Diệp thề độc với Trúc rằng "nếu thất hứa sẽ chết đuối ở Hồ Con Rùa...". Thế nhưng, Bảo trực tiếp ra hồ thì mới thấy nước cạn chỉ hơn đầu gối.
Cũng có nhiều chàng trai lần đầu dắt bạn gái đến, lỡ "nổ" là nơi này có rùa thật, rồi lại ngượng chín mặt khi phát hiện chỉ là cái tên.
"Gần 5 năm trước, tôi vỡ lẽ với cô bạn gái vì hồ không có con rùa nào. Nhưng may là cô gái đó thích không khí này, thích cả cái lối kiến trúc độc đáo không giống ai. Ngồi chơi thôi, mà thấy như đang hưởng được sự yên bình lọt thỏm giữa không gian nhộn nhịp", Trung Kiên (26 tuổi) bộc bạch.
Tìm đến hồ Con Rùa không chỉ người trẻ, đầu tóc nhuộm xanh, đỏ, ăn mặc thời trang mà còn có cả những cô cậu sinh viên mới lên thành phố đến xem hồ Con Rùa trứ danh "có rùa thật không?".
"Ở đây vẫn có đại gia, giám đốc công ty hẹn nhau ra bàn chuyện làm ăn, ký hợp đồng chục tỷ là chuyện thường. Chắc tại vì mê cái nét "lạ đời" ở đây, ngồi đây nhìn xe thôi là có cảm giác mình đang hoạt động trong xã hội. Nhưng cảm giác vẫn không vội, nhưng đang cưỡi ngựa xem hoa", ông Tường cười.
Gắn bó với thành phố từ thuở mới sinh, không ít người bồi hồi khi nhớ lại những cung đường quen thuộc qua hồ Con Rùa thời đó. Cứ mỗi chiều đi dọc theo con đường Nguyễn Đình Chiểu rồi ghé ngang Phùng Khắc Khoan, nhẹ nhàng lượn một vòng rồi tấp qua hồ Con Rùa, nhìn lá me bay bay xoay theo từng bông dầu mà cứ xao xuyến.
Chỉ vài năm ngắn ngủi của cái thời vô tư, trước khi bước vào tuổi mới lớn đầy biến động, người ta càng thêm yêu thành phố này đến lạ. Cái cảm giác yêu thương đó cũng khác nhau mỗi ngày, cốt cũng chỉ để nhớ những ngày tuổi thơ yêu dấu đầy tình thân.
Nội Dung: Nguyễn Vy
Ảnh: Hoàng Giám, Dick Leonhardt