DNews

Cụ ông 80 tuổi ở Hà Nội lấy vợ kém 26 tuổi: Thường bị nhầm là ông của con

Minh Nhân Thành Đông

(Dân trí) - Trong 2 ngày thi vào lớp 10 ở Hà Nội, cụ ông Nguyễn Xuân Sung (80 tuổi) vẫn đều đặn lái xe máy chở con trai đến điểm thi. Ông ngồi đợi con bên ngoài cổng trường suốt 2-3 tiếng bất kể nắng mưa.

Cụ ông 80 tuổi ở Hà Nội lấy vợ kém 26 tuổi: Thường bị nhầm là ông của con

Suốt 2 tiếng của môn thi Toán vào lớp 10 sáng 9/6, cơn mưa tầm tã dội xuống Hà Nội mãi không ngớt. Bên ngoài điểm thi trường THCS Trần Duy Hưng (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) lác đác vài phụ huynh đội mưa đứng nép góc tường chờ con.

Dưới một gốc cây nhỏ, ông Nguyễn Xuân Sung (80 tuổi, phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng) mặc áo mưa, đội mũ bảo hiểm, ngồi trên chiếc xe cà tàng, kiên nhẫn ngồi chờ con ngay trước cổng điểm thi.

Ánh mắt kiên định của người cha già tóc bạc trắng hướng về cổng trường - nơi mà bên trong con trai Nguyễn Xuân Toàn (15 tuổi) đang làm bài thi tuyển sinh vào lớp 10.

"Tôi muốn sau khi kết thúc môn thi, người đầu tiên con trai nhìn thấy là cha mình", cụ ông nói.

Cụ ông 80 tuổi ở Hà Nội lấy vợ kém 26 tuổi: Thường bị nhầm là ông của con - 1

Cuộc sống hôn nhân với người vợ kém 26 tuổi  

Ông Nguyễn Xuân Sung là kỹ sư cơ khí, từng ra nước ngoài công tác trong nhiều năm. Ông tự nhận "lận đận trong tình duyên" nên ngoài 40 tuổi mới lập gia đình, có một người con trai với vợ đầu. Do bất đồng quan điểm, hai người ly hôn, con trai theo mẹ.

Năm 1999, ông Sung khi đó 55 tuổi, đi thêm bước nữa với người phụ nữ thôn quê được mai mối là cô Bùi Thị Lan. Cô Lan sinh năm 1970, kém chồng 26 tuổi.

"Dù chênh lệch tuổi tác, tôi khỏe mạnh và nhanh nhẹn, vẻ ngoài trẻ hơn tuổi thật. Gia đình vợ thấu hiểu hoàn cảnh, thông cảm vì biết tôi "không còn nhiều thời gian" nên chúng tôi sớm kết hôn", ông kể.

Cụ ông cho biết chênh lệch tuổi tác không ảnh hưởng cuộc sống hôn nhân của hai vợ chồng, "tôi sống với bà ấy như một thanh niên".

Một năm sau đám cưới, vợ chồng ông Sung đón con trai đầu lòng. Thời điểm này, ông vẫn chủ yếu làm việc ở nước ngoài, mỗi năm về Việt Nam hai lần thăm vợ con, mỗi lần 3-4 tuần. Ông không cho vợ đi làm, thuê người giúp việc phụ chăm con.

Năm 2009, nam kỹ sư nghỉ hưu, về hẳn Việt Nam sinh sống. Ông mua một căn nhà trong ngõ phố Bạch Mai khoảng 900 triệu đồng. Cả gia đình sống tiết kiệm bằng khoản lương hưu của ông. Cùng năm, họ đón cậu con trai út Nguyễn Xuân Toàn.

Cụ ông 80 tuổi ở Hà Nội lấy vợ kém 26 tuổi: Thường bị nhầm là ông của con - 2

Ông Sung chở con trai đến điểm thi lớp 10, sáng 9/6.

Cả hai lần sinh nở cô Lan đều mang thai tự nhiên và sinh thường, mỗi đứa trẻ nặng 3,5kg.

Thấy vợ sinh con dễ dàng, người chồng đùa "đây là người phụ nữ mang thai và sinh con dễ nhất trên thế giới, vì từ lúc có bầu đến lúc sinh, không có hạt cơm nào rơi ra khỏi miệng, không biết nghén là gì".

Khác với điều kiện hai người con trước, ông Sung dành toàn bộ thời gian sau khi về hưu để chăm con trai út với quan điểm nuôi con chú trọng dinh dưỡng và sức khỏe tâm lý.

Ông không bao giờ ép buộc, mà trao quyền lựa chọn cho con, hỏi "Con muốn ăn gì, bố nấu cho con". Người cha xây dựng chế độ ăn gồm 3 loại chính: ngũ cốc, cơm hoặc bánh mì, kết hợp: thịt quay, giò, chả, xúc xích, thịt kho, thịt băm để con thoải mái lựa chọn.

Nhờ duy trì chế độ ăn uống khoa học, Xuân Toàn mới 15 tuổi đã cao 1m81, nặng 80kg. "Tôi mơ ước con cao 1m85", người cha cho hay.

Trong học tập, ông Sung luôn động viên con "thích môn nào học môn đó", cũng chưa bao giờ ngồi cạnh ép con học, chỉ động viên con cố gắng học sẽ được lợi như thế nào.

"Nhà tôi tối kỵ dùng từ "phải" đối với con", ông nói thêm con học mà mệt mỏi thì nghỉ ngơi, thư giãn.

Chủ trương "công tác hậu phương" trong gia đình đề cao sự thoải mái. Các thành viên đều chú ý không quấy rầy để Toàn có nhiều thời gian học hành và được tự do chọn lựa cách học.

Là phụ huynh, ông Sung chỉ đôi lúc góp ý cho con bằng một số kinh nghiệm bản thân sẵn có, không bắt buộc con "phải thế này phải thế kia".

Cô Lan thường gọi con trai út là "công tử bọc đường", vì được bố bao bọc, chăm sóc. Nhưng ông Sung nghĩ khi bước chân ra xã hội, con sẽ dần trưởng thành.

"Ngày xưa tôi không được chăm sóc như vậy nên muốn dành hết tình thương, bù đắp cho Toàn, để con không phải lo lắng điều gì", người cha nói.

Cụ ông 80 tuổi ở Hà Nội lấy vợ kém 26 tuổi: Thường bị nhầm là ông của con - 3
Cụ ông 80 tuổi ở Hà Nội lấy vợ kém 26 tuổi: Thường bị nhầm là ông của con - 4

(Hình ảnh người cha già đội mưa chờ con ngoài phòng thi).

"Tất cả đều nhầm lẫn tôi là ông của con"

Căn bệnh năm 8 tuổi khiến chân phải ông Sung bị liệt, trải qua 13 lần đại phẫu, cắt một phần xương chân. Dù đi lại tập tễnh, người cha vẫn muốn đưa đón con đi thi.

Trong 2 ngày thi tuyển sinh vào lớp 10, hai bố con luôn chủ động đến sớm để tránh các tình huống phát sinh.

Điểm thi cách nhà 7km, ông gọi con trai dậy từ 5h30, sửa soạn xong xuôi và rời nhà lúc 6h15. Sau 20 phút, hai bố con đến cổng trường thi sớm hơn dự kiến.

Cụ ông 80 tuổi ở Hà Nội lấy vợ kém 26 tuổi: Thường bị nhầm là ông của con - 5

Chân phải ông Sung bị liệt từ năm 8 tuổi.

"Lái xe 6-7km với tôi là chuyện rất nhỏ, bình thường tôi có thể chở con đi 20-30km cũng không vấn đề gì. Mình tôi đi trăm cây còn được, cái xe tuy cũ nhưng rất tốt", ông nói.

Ở tuổi này còn đưa con đi thi, ông Sung không cảm thấy ngại, dù mọi ánh mắt đều đổ dồn vào người đàn ông tóc bạc, chở theo sau là nam thanh niên cao lớn.

"Tất cả đều nhầm lẫn tôi là ông của con, nhưng tôi vui vẻ đón nhận", ông nói, không cảm thấy ngại, trái lại vui vẻ vì vẫn còn sức chăm con. Ông cũng tránh để các bạn trong lớp trêu đùa, ảnh hưởng tinh thần con.

Cụ ông 80 tuổi ở Hà Nội lấy vợ kém 26 tuổi: Thường bị nhầm là ông của con - 6

Trước khi con bước vào phòng thi, người cha quay sang động viên: "Bố biết con đã rất cố gắng và chăm chỉ. Con không cần áp lực. Bố nghĩ con sẽ đủ điểm, dù không vào được trường như mong muốn, thì mọi chuyện cũng sẽ ổn thôi".  

Xuân Toàn đăng ký 3 nguyện vọng, theo thứ tự ưu tiên: THPT Thăng Long, THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng và THPT Hoàng Văn Thụ.

Nam sinh cũng thử sức thêm chuyên Anh của THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam và THPT Chu Văn An vì có năng khiếu tiếng Anh, luôn thuộc top đầu của trường.

Ông Sung nói không đặt kỳ vọng quá sức nào vào con, tất cả đều phải nhìn vào con, dựa vào năng lực của con để mong đợi. Ông chỉ hi vọng con được học, được làm việc mình thích.

Như khi chọn ngành, ông muốn con trai đừng bao giờ để ý đến vấn đề kinh tế, gia đình sẵn sàng bỏ một nửa tài sản để con theo đuổi đam mê.

Cụ ông 80 tuổi ở Hà Nội lấy vợ kém 26 tuổi: Thường bị nhầm là ông của con - 7

Bất kể nắng mưa, ông Sung đều đưa đón con đi thi.

"Luôn luôn có bố phía sau"

Đợi con liên tục từ 2-3 tiếng mỗi buổi thi, ông Sung không cảm thấy buồn phiền. Ông muốn trong bất cứ trường hợp nào, cũng có thể ở bên cạnh con để có thể quan tâm, hỗ trợ, động viên con, đặc biệt những thời điểm quan trọng như thi cử.

"Tôi ngồi ngoài chờ cũng không quá để ý đến thời gian, không bị cảm giác thời gian trôi quá chậm. Việc đưa đón là để con cảm thấy nó được chăm sóc. Vốn dĩ việc chăm sóc không mang ý nghĩa to tát, bản thân con cảm thấy tốt chính là quà tặng cho tôi", ông nói.

Bước ra khỏi phòng thi sau khi hoàn thành môn thi cuối cùng, em Toàn chạy ùa ngay về phía bố giữa dòng người chen chúc chật cứng. Trong 3 môn thi vào lớp 10 năm nay, chàng trai tự tin nhất với tiếng Anh - môn năng khiếu của mình.  

Sau khi Toàn thi xong, ông Sung không hỏi con làm bài như thế nào, cũng dặn người nhà không được hỏi kết quả thi. 

"Ai cũng yêu thương con, mỗi người có một cách, còn riêng tôi quan tâm đến tâm lý của con", người cha tâm sự. 

Cụ ông 80 tuổi ở Hà Nội lấy vợ kém 26 tuổi: Thường bị nhầm là ông của con - 8
Cụ ông 80 tuổi ở Hà Nội lấy vợ kém 26 tuổi: Thường bị nhầm là ông của con - 9
Cụ ông 80 tuổi ở Hà Nội lấy vợ kém 26 tuổi: Thường bị nhầm là ông của con - 10

Trong 3 người con trai, ông Sung đặt nhiều kỳ vọng ở Toàn, song không nói ra mà chỉ giữ riêng mình, âm thầm định hướng con.

Ông nhận thấy nhiều người trẻ chăm con tốt hơn mình, song vẫn mong muốn chăm con bằng tất cả tình yêu thương. Ông từng nghĩ không sống được đến năm 80 tuổi, nhưng may mắn vẫn đủ sức khỏe chăm lo cho các con.

"Tôi khát khao sống đến lúc Toàn tốt nghiệp Đại học có thể tự lo cho bản thân", người  cha nói.

Nhận áo mưa từ bố, nam sinh không giấu nổi xúc động khi biết bố đợi mình 2 tiếng dưới mưa. Em hạnh phúc vì đã hoàn thành kỳ thi, bắt tay và ôm chầm lấy bố thay lời biết ơn "luôn luôn có bố phía sau".

"Bố luôn chăm sóc cho em, mỗi ngày đều nấu cơm cho em. Sự quan tâm của bố là điều em không thể diễn tả bằng lời", Toàn nói.

Cụ ông 80 tuổi ở Hà Nội lấy vợ kém 26 tuổi: Thường bị nhầm là ông của con - 11

Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo UBND phường Bạch Mai xác nhận vợ chồng ông Nguyễn Xuân Sung sinh sống trên địa bàn, có hai người con trai. Những ngày qua, ông Sung liên tục đưa đón con trai đi thi vào lớp 10.