DMagazine

Chuyện về vị quan được đặt tên theo tiếng hổ gầm, xử kỳ án "bát cháo lươn"

(Dân trí) - Bùi Cầm Hổ làm quan Ngự sử dưới 3 đời vua triều Lê. Ông nổi tiếng với việc giải oan cho thiếu phụ bị bắt vì tội đầu độc giết chồng và giúp người dân xẻ núi đắp đập, dẫn nước tưới ruộng.

Chuyện về vị quan được đặt tên theo tiếng hổ gầm, xử kỳ án bát cháo lươn - 1

Bùi Cầm Hổ quê xã Độ Liêu, huyện Thiên Lộc, nay là phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Thân sinh của Bùi Cầm Hổ là cụ Bùi Tôn Đường, quê gốc tỉnh Hải Dương, làm quan vào thời nhà Trần. Vị quan chỉ huy đoàn quân lương vào Nam, khi đi qua bến đò ở Hà Tĩnh, gặp một người con gái hiền thục, thùy mị, nết na. Hai người kết duyên vợ chồng và sinh sống dưới chân núi Bạch Tỵ, xã Độ Liêu.

Theo gia phả họ Bùi, năm 1390, người mẹ trở dạ sinh con cũng là lúc có tiếng hổ gầm phía sau nhà. Ông Bùi Tôn Đường sang chùa thỉnh cầu, được nhà sư báo điềm lành. Ông vui mừng trở về đặt tên con là Bùi Cầm Hổ, có nghĩa người họ Bùi bắt được hổ.

Cậu bé Hổ chóng lớn, thông minh, sáng dạ, là một học trò văn hay, chữ tốt, nhanh nhẹn, khảng khái hơn người. Gia đình và nhân dân trong vùng kỳ vọng sau này cậu sẽ có tên trong bảng vàng, làm rạng danh quê hương, dòng tộc.

Chính vì thế, mặc dù nhà không mấy khá giả, ông Bùi Tôn Đường vẫn cố gắng cho con ra Kinh thành Thăng Long học tập. Không phụ lòng cha mẹ, Bùi Cầm Hổ thức khuya, dậy sớm dùi mài kinh sử và trở nên nổi tiếng khắp chốn kinh kỳ. Ông không chỉ thuộc làu kinh sử mà còn rất am hiểu kiến thức thực tế nên được nhiều môn sinh mến mộ.

Chuyện về vị quan được đặt tên theo tiếng hổ gầm, xử kỳ án bát cháo lươn - 3

Hàng ngày đến lớp, Bùi Cầm Hổ thường đi qua Nha môn Dinh quan Ngự sử và ghé vào xem xử án. Ông nghe xôn xao vụ có anh lái buôn đi xa lâu ngày, khi trở về, vợ nấu cháo lươn cho ăn rồi lăn ra chết. Quan sai bắt giam người vợ, tra xét nhiều lần vẫn không tìm ra manh mối vụ án.

Bùi Cầm Hổ đi qua thấy thế liền nói rằng: "Nếu cho mình làm quan Ngự sử sẽ xét xử thỏa đáng vụ này". Người gác nghe thấy liền vào bẩm, quan sai mời vào hậu đãi rồi bảo ông xử kiện, Bùi Cầm Hổ nhận lời.

Ông nhờ người đi chợ mua thứ lươn sắc vàng lẫn sắc đen, cổ có nhiều chấm, lúc bò hay ngóc đầu lên đem nấu cháo rồi đề nghị cho tử tù ăn. Kết quả, tử tù bị chết.

Ông phân tích rằng, vì thương chồng, người vợ vô tình mua phải con rắn độc, loại này giống lươn chứ không có ý giết chồng. Sau khi người vợ được minh oan, ai nấy đều cho rằng ông có tài xử kiện.

Việc đó đến tai vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi). Vua mời Bùi Cầm Hổ vào trọng thưởng và đặc cách trọng dụng ông làm quan Ngự sử. Đó là một trường hợp hết sức đặc biệt lúc bấy giờ vì Bùi Cầm Hổ làm chức quan lớn mà chưa qua thi cử.

Chuyện về vị quan được đặt tên theo tiếng hổ gầm, xử kỳ án bát cháo lươn - 5

Bùi Cầm Hổ hiểu biết uyên thâm, tài cao, học rộng, tính ngay thẳng, kiên trung, một lòng phò vua, giúp nước. Ông làm quan Ngự sử dưới đời vua Lê Thái Tổ, làm Ngự sử Trung thừa đời vua Lê Thái Tông. Đến đời vua Lê Nhân Tông, ông lại kiêm thêm chức Đồng tri Tây đạo, rồi thăng Tham tri chính sự.

Ông luôn bày tỏ chính kiến rõ ràng, xét xử sáng suốt, công minh, có lòng nhân đạo, không xu nịnh, không sợ quyền thế. Với bản tính cương trực, thông minh, tài trí, ông luôn được nhà vua tin cậy và là một vị quan có uy tín trong triều đình.

Sử sách chép rằng, những năm đầu triều Lê Sơ, vua Lê Thái Tông nhỏ tuổi, đại thần Lê Sát cậy sự ủy thác của Tiên đế luôn chuyên quyền, độc đoán việc nước, giết hại nhiều vị quan có tài khiến ai cũng e sợ.

Bùi Cầm Hổ dâng sớ kể tội, Tể tướng Lê Sát tức giận nhưng không làm được gì, bèn dùng uy quyền của mình điều Bùi Cầm Hổ ra làm An phủ sứ ở trấn Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn ngày nay) - vùng rừng núi hẻo lánh biên cương phía bắc, vào tháng 9/1434.

Chuyện về vị quan được đặt tên theo tiếng hổ gầm, xử kỳ án bát cháo lươn - 7

Khi vua Lê Thái Tông lớn, biết được âm mưu của Lê Sát nên tháng 3/1437 ra lệnh chém đầu.

Bùi Cẩm Hổ khi được phục chức đã tâu lên vua rằng, tội Lê Sát đáng phải chết nhưng từng làm đến Đại thần, nếu phanh thây làm nhục sẽ để đời sau chê cười. Vua nghe theo, cho Lê Sát được tự tử tại nhà. Hành động của Bùi Cầm Hổ được vua khen rất trọng nghĩa, cương trực.

Bùi Cầm Hổ còn được biết đến là người có nhiều công lao trong hoạt động ngoại giao. Năm Quý Sửu (1433), vua Lê Thái Tổ sai ông đi sứ nhà Minh. Với tài ứng phó và tướng mạo uy nghiêm của ông, vua nhà Minh phải tôn trọng đoàn sứ bộ của nước Nam.

Thời gian làm An phủ sứ trấn Lạng Sơn, Bùi Cầm Hổ góp phần quan trọng vào việc giữ hòa hiếu giữa hai nước. Nhờ đó, vùng biên giới được yên ổn.

Gia phả họ Bùi chép, sau 30 năm làm quan, năm 1459, Bùi Cầm Hổ khi đó 69 tuổi, được về quê Độ Liêu tĩnh dưỡng. Lúc bấy giờ, vùng quê này nắng một chút là đồng khô hạn, mưa một chút lại ngập lụt, đất rộng mà dân vẫn nghèo. Trong khi đó, nước khe Thanh Khê ở dãy Hồng Lĩnh luôn chảy ra huyện Nghi Xuân rồi đổ ra biển một cách vô ích.

Chuyện về vị quan được đặt tên theo tiếng hổ gầm, xử kỳ án bát cháo lươn - 9

Cụ Bùi Cầm Hổ liền đi dò xét địa thế để tìm cách bắt dòng nước về phục vụ quê hương. Từ suy nghĩ ấy, ông mời các chức sắc, hào mục và đề nghị họp toàn dân, bàn bạc việc này. Người dân thấu hiểu được tác dụng to lớn đó nên nhất loạt đồng ý. Từ đó, ông cùng dân làng dồn sức đắp đập đá chặn dòng nước và dùng voi cày. Một dòng nước được khơi ra dựa theo thế núi chảy về, phục vụ hàng ngàn khoảnh ruộng tươi tốt.

Độ Liêu sau đó trở thành một vùng sầm uất, trù phú bậc nhất xứ này, dân làng có cuộc sống ấm no. Đến nay, đập thủy lợi còn nguyên tác dụng dẫn nước về tưới đồng ruộng. Cũng vì thế, cụ Bùi Cầm Hổ được tôn sùng là vị "thủy tổ" của ngành thủy lợi mảnh đất xứ Nghệ.

Chuyện về vị quan được đặt tên theo tiếng hổ gầm, xử kỳ án bát cháo lươn - 11

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Trí Sơn, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Hà Tĩnh (nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, cụ Bùi Cầm Hổ là một nhân vật đặc biệt trong lịch sử nước ta, bởi làm quan có sự nghiệp lẫy lừng và khi về hưu, sinh sống với dân lại có công trạng lớn.

Khi đang đi học, cụ bộc lộ tài năng sớm và được đặc cách làm quan Ngự sử. Không những thế, cụ còn làm quan phục vụ dưới 3 đời vua triều Lê.

"Ngự sử là một chức quan lớn, có đặc quyền được hặc tấu (tâu vua để hạch hỏi tội lỗi của quan lại) tất cả mọi việc, có ý nghĩa can gián những việc được xem là không đúng hoặc chưa tốt của vua và quan. Cụ có tài năng lớn và bản lĩnh mới làm chức quan này", ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, cụ Bùi Cầm Hổ còn có công giúp vua cai trị dân theo hướng đức trị, nhân đạo, nhân văn, chứ không phải quan trị, nặng nề luật pháp. Điều đó giúp triều chính yên ổn, xã hội phát triển.

Chuyện về vị quan được đặt tên theo tiếng hổ gầm, xử kỳ án bát cháo lươn - 13

Khi về hưu, cụ Bùi Cầm Hổ có công xẻ núi đắp đập, dẫn nước tưới ruộng giúp dân. Giữa cụ và dân làng có mối quan hệ gắn bó sâu nặng, đặc biệt hiếm thấy. Trong xưng hô, cả dân làng đều gọi cụ Bùi Cầm Hổ bằng "ông", "ông lớn" với ý nghĩa tôn trọng bậc nhất. Cụ mất vào năm 1483, thọ 93 tuổi, được triều đình phong Thượng đẳng phúc thần. Người dân nhớ ơn quan Ngự sử Bùi Cầm Hổ, lập đền thờ mãi đến ngày nay.

Đền thờ Đô đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ nằm dưới chân núi Bạch Tỵ, phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ngôi đền bị bom đạn làm hư hỏng.

Đến năm 1976, đất nước hòa bình, người dân đồng lòng góp vật chất, ngày công lao động để phục dựng, tôn tạo. Năm 1992, đền thờ Đô đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Phía trong ngôi đền thờ lưu giữ nguyên vẹn những di vật quý như áo, mũ, cân đai phẩm phục lúc sinh thời ông sử dụng và 28 đạo sắc phong của các đời vua, chúa ban cho quan Ngự sử Bùi Cầm Hổ.

Chuyện về vị quan được đặt tên theo tiếng hổ gầm, xử kỳ án bát cháo lươn - 15

Ông Nguyễn Đình Đường (72 tuổi, thủ nhang đền thờ Đô đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ), chia sẻ, bản thân ông rất vinh dự và tự hào khi được chính quyền, người dân giới thiệu, bầu làm thủ nhang của ngôi đền được nhiều người cho rằng là rất linh thiêng. Ông có nhiệm vụ trông coi, quét dọn và hướng dẫn người dân, du khách tham quan, thắp hương.

"Những di vật và đạo sắc phong được bảo vệ cẩn thận, không phải ai cũng có thể bước vào Thượng điện để xem. Mỗi khi tế lễ, chúng tôi mới đưa di vật ra trưng bày hoặc có các nhà văn hóa đến nghiên cứu, phóng viên liên hệ chính quyền để tuyên truyền thì mới được vào ghi hình", ông Đường chia sẻ.

Cũng theo ông Đường, vào ngày 12 tháng Giêng hằng năm, đông đảo người dân địa phương, du khách thập phương và con cháu hậu duệ họ Bùi tề tựu tổ chức lễ Báo Ân, tưởng nhớ công lao của quan Ngự sử Bùi Cầm Hổ.

Nội dung: Dương Nguyên

Thiết kế: Đức Bình