Chàng trai Hà Nội 13 năm âm thầm vá đường xuyên đêm
(Dân trí) - 13 năm qua, đi đến đâu, anh Hiếu vá đường đến đó, nửa đêm mới về nhà ăn cơm và nghỉ ngơi. Dù bị nói là "bao đồng" hay "gàn dở", anh vẫn quyết tâm làm đến cùng.
22h tại đoạn đường gần cây xăng làng Mui giao với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội), gần 10 thanh niên miệt mài "vá" ổ gà dài gần 3m. Con đường vốn sụt lún nhiều năm do oằn mình "gánh" loạt phương tiện trọng tải lớn.
Xung quanh tối đen, chỉ còn đèn đường vàng nhòe cùng ánh đèn hắt ra từ điện thoại. Tiếng búa, xẻng lạch cạch cùng tiếng người hô hào làm việc.
Đêm nay, nhóm tình nguyện sử dụng 10 bao tải nhựa đường để lần lượt san lấp các ổ gà. Số nguyên vật liệu này được nhóm xin hoặc mua lại với giá rẻ từ các nhà thầu công trình.
Một thành viên trong nhóm được phân công nhiệm vụ "chốt chặn" hướng dẫn và điều tiết giao thông nhằm đảm bảo an toàn.
Từng bao tải nhựa đường được rải xuống khu vực cần san lấp.
Sau khi đổ nhựa đường, các thành viên lần lượt đeo găng tay, dùng búa đập nát và dàn đều, san phẳng từng ổ gà.
Anh Phạm Văn Hiếu (32 tuổi, xã Hà Hồi, huyện Thường Tín) bắt đầu vá đường từ năm 2010 khi chứng kiến người đi xe đạp, xe máy gặp tai nạn do những ổ gà, ổ vịt trên đường.
Thời gian đầu, sáng đi làm, tối anh bỏ tiền túi mua dụng cụ, nguyên vật liệu, tự mình lấp các hố. Đi đến đâu, anh vá đường đến đó, nửa đêm mới về nhà ăn cơm và nghỉ ngơi.
Bố mẹ nhiều lần can ngăn con trai, khuyên dừng "việc bao đồng" vì sợ anh gặp nguy hiểm. Chính mong muốn "không còn xảy ra tai nạn đáng tiếc nào" của anh đã thuyết phục bố mẹ. Họ sau đó ủng hộ, dặn anh cẩn thận và giữ an toàn cho bản thân.
Năm 2016, nhiều người biết đến hoạt động thiện nguyện của anh Hiếu nên đăng ký tham gia, từ học sinh, sinh viên, đến các ông bà đã ngoài 70 tuổi. Từ đó, "câu lạc bộ vá đường" ra đời, được tổ chức bài bản.
"Mỗi buổi vá đường có từ vài đến chục người, tùy thuộc vào khu vực. Trong quá trình làm việc, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ của người dân xung quanh", anh nói.
Nhóm hoạt động chủ yếu về đêm, khi vắng người, ít phương tiện qua lại. Họ không đặt mục tiêu lấp được bao nhiêu mét đường, cứ thấy hố là mang nhựa đường ra xử lý. Nếu làm không xong, đêm hôm sau họ lại tiếp tục.
Ngoài Thường Tín (xã Ninh Sở, xã Tô Hiệu), nhóm còn vá đường dọc cầu Thanh Trì, một số quận huyện ở TP Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Vợ anh Phạm Văn Duy (33 tuổi, xã Hà Hồi, huyện Thường Tín) dù đang mang thai vẫn theo chồng đi vá đường. Cặp đôi đã tham gia hoạt động này suốt hai năm, hy vọng đắp đường để người dân đi lại an toàn, tránh gặp sự cố.
"Tôi cố gắng sắp xếp công việc, hễ rảnh là đi, vì đây là công việc ý nghĩa", anh Duy nói.
Anh Lê Văn Dũng (26 tuổi, thôn Hà Vỹ, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín) đã gắn bó và đồng hành với anh Phạm Văn Hiếu hơn một năm qua. Sáng làm công nhân, tối anh tham gia cùng nhóm, dù mệt nhưng chưa bao giờ nghĩ sẽ dừng lại.
"Đôi khi bị nói là gàn dở, nhưng tôi vẫn quyết tâm, đền đáp những người luôn ủng hộ", anh Dũng cho hay.
Sau khi lấp hố, nhóm vẫy tay nhờ các xe tải cỡ lớn cán qua nhiều lần để ép phẳng nhựa đường. Thời gian đầu khi chưa tìm được nguồn cung nhựa đường, nhóm kê gạch, rải đá, nhưng nhận thấy không hiệu quả.
Nhiều tài xế nhiệt tình đi qua đi lại nhiều lượt, giúp nhóm san phẳng nhựa đường, tạo kết cấu bền chắc.
Mỗi ngày, con đường trước nhà anh Đào Chính (xã Tô Hiệu) có hàng chục lượt xe tải chạy qua. Theo năm tháng, đường xuống cấp, sụt lún, khói bụi trắng xóa.
"Nhóm anh Hiếu lấp hố đường không chỉ trước nhà tôi mà còn nhiều khu vực trên địa bàn xã. Nhóm thường làm đêm, nên ít người biết đến", anh Chính nói.
Mỗi lần được người dân động viên và khích lệ, anh Hiếu khiêm tốn, nói "đây là việc làm nhỏ, mong muốn hỗ trợ, giúp đỡ bà con". Hành trình kéo dài 13 năm, người đàn ông không nhớ đã vá bao nhiêu ổ voi, ổ gà, vì trong đầu luôn nghĩ "làm sao để người dân tham gia giao thông an toàn".
"Tôi lấy việc thiện làm niềm vui cho chính mình, không ngại vất vả, mệt nhọc", anh Hiếu chia sẻ.