Những chàng trai ở Hà Nội xuyên đêm phục dựng hàng trăm bức ảnh liệt sĩ
(Dân trí) - Sau gần một tháng xuyên đêm, nhóm 6 thành viên của anh Thắng đã phục dựng và gửi tặng 200 bức ảnh chân dung liệt sĩ tới các nhân thân, gia đình.
Phục dựng 200 bức ảnh chân dung liệt sĩ
Cuối tháng 4/2022, anh Lê Quyết Thắng, 31 tuổi, Hà Nội, nhận được một tin nhắn đặc biệt, nhờ phục dựng di ảnh cuối cùng và cũng là duy nhất của liệt sĩ Nguyễn Văn Toán, hi sinh khi mới 25 tuổi tại chiến trường phía Nam.
Anh Thắng phản hồi tin nhắn, xác minh thông tin và tiếp nhận bức ảnh chân dung liệt sĩ được vẽ phác từ mực chì, đã hư hỏng nặng. Anh tập trung chỉnh sửa bức ảnh từ 20h đến 4h sáng hôm sau, rồi cùng đồng nghiệp đến xưởng in ảnh, đóng khung cẩn thận.
Trong buổi gặp gỡ, người đàn ông 40-50 tuổi thay mặt toàn bộ gia đình, trang trọng nhận bức ảnh liệt sĩ từ anh Thắng. Ông đã bật khóc nức nở, xen lẫn nụ cười hạnh phúc.
"Chúng tôi lặng im xúc động, biết ơn vì đang sống trong một thời đại hòa bình, nhưng không được phép quên đi giá trị lịch sử mà các thế hệ đi trước đổ mồ hôi và xương máu", anh Thắng nhớ lại.
Câu chuyện về bức ảnh liệt sĩ Nguyễn Văn Toán được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội. Không chỉ nhận về sự yêu mến của cộng đồng mạng, anh Thắng nhận ra rất nhiều gia đình liệt sĩ khác đã liên hệ, nhờ anh giúp đỡ. Từ đó, dự án phục dựng ảnh liệt sĩ được ấp ủ, nhằm tri ân các anh hùng, hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày thương binh liệt sĩ.
Ngày 20/6, dự án chính thức được giới thiệu đến công chúng. Nhóm của anh Thắng có tên Team Lee, gồm 6 thành viên, đều có kinh nghiệm chỉnh sửa ảnh ở Hà Nội.
Từ hàng trăm đến hàng nghìn tin nhắn tới tấp gửi về, con số cán mốc 10.000. Trong số này, nhóm chọn ra những câu chuyện cảm động, những bức ảnh bị hư hỏng nặng, khó chỉnh sửa, để bắt tay vào phục dựng.
Ngoài công việc chính, từ 20h tối mỗi ngày, cả nhóm tranh thủ tập hợp phục dựng, in đóng khung những bức ảnh gửi tặng thân nhân, gia đình liệt sĩ.
Trung bình mỗi bức ảnh mất từ 4-6 tiếng chỉnh sửa, hoàn thành sau 2-3 ngày. Nhóm chấp nhận làm xuyên đêm, mỗi ngày chỉ ngủ 1-2 tiếng. Khó nhất là khi nhận những bức ảnh bay màu, cũ mờ, rách nát, không rõ chi tiết. Để khắc phục, các thành viên liên hệ với gia đình liệt sĩ cùng trao đổi, góp ý, chỉnh sửa.
"Những tư liệu hay sự miêu tả của các gia đình giúp chúng tôi khắc họa tốt nhất chân dung liệt sĩ", anh Thắng nói rằng điều hạnh phúc nhất là khi chứng kiến những giọt nước, những cái bắt tay hay nụ cười của thân nhân, gia đình liệt sĩ.
Sau gần một tháng, Team Lee đã hoàn thành hơn 200 bức ảnh, vượt chỉ tiêu ban đầu (75 bức), nhưng họ vẫn thấy chưa thỏa mãn dù đã cố gắng hết sức.
"Việc không thể hồi đáp hết yêu cầu của mọi người trong thời gian ngắn khiến chúng tôi suy nghĩ và trăn trở. Đôi lúc, anh em cảm thấy buồn vì chưa thể giúp đỡ được trọn vẹn", anh Phùng Quang Trung, thành viên nhóm, tâm sự.
Theo anh Trung, mỗi ngày, vẫn còn hàng nghìn gia đình liệt sĩ ngóng chờ từng bức ảnh từ nhóm của anh. Đây cũng chính là động lực thôi thúc họ tiếp tục công việc này.
"Chiến dịch nhân kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ chỉ là bước khởi đầu. Chúng tôi hi vọng những bạn trẻ làm nghề ảnh trên cả nước cùng tham gia, như một hành động tri ân các anh hùng liệt sĩ, vì họ xứng đáng nhiều hơn nữa, ngoài những bức ảnh", anh Thắng xúc động.
Những giọt nước mắt
Những ngày tháng 7 lịch sử, Team Lee rong ruổi khắp các cung đường, từ Hà Nội, Thái Nguyên, đến Hà Tĩnh, Nghệ An,... trao ảnh tận tay các gia đình liệt sĩ.
Đằng sau mỗi chuyến đi, là những câu chuyện xúc động khiến 6 thành viên nghẹn ngào và trăn trở.
Gia đình đầu tiên họ ghé thăm, là nhà liệt sĩ Hoàng Đắc Lực, ở Thái Nguyên. Chiến sĩ Lực nằm lại chiến trường Campuchia khi mới 24 tuổi, chưa tìm thấy hài cốt.
Nhóm anh Thắng đến không báo trước. Khi đó, trong căn nhà nhỏ, người mẹ già bị liệt nửa người, người cha bị ảnh hưởng do di chứng chiến tranh, bất ngờ nhận lại di ảnh con trai trong những hàng nước mắt.
Họ đem bức ảnh đặt lên ngôi mộ của liệt sĩ, với niềm hi vọng sớm đón được anh về với gia đình và đất mẹ.
"Điều đặc biệt là trong quá trình chỉnh sửa ảnh, biết chúng tôi phải thức đêm nhiều, gia đình liệt sĩ Hoàng Đắc Lực đã gửi thức ăn, hoa quả và trà lên Hà Nội, tiếp thêm động lực cho anh em", anh Thắng nhớ lại.
Giữa tháng 7, trong ngôi nhà nhỏ ở phố Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội, Thiếu úy Đỗ Như Quỳnh, 28 tuổi, Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH), Công an quận Đống Đa, thắt lòng, miệng mỉm cười nhưng khóe mắt chực trào nước mắt khi nhận bức ảnh gia đình đầu tiên.
Sau hai năm xa cách, chị "đoàn tụ" với chồng là đại úy Phạm Công Huy, sinh năm 1993, cũng là cảnh sát PCCC và CNCH, trong một hoàn cảnh đặc biệt.
Tháng 1/2020, anh Huy hi sinh ở Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội trong lúc làm nhiệm vụ. Lúc đó, con gái họ chỉ mới 6 tháng tuổi và cả gia đình chưa kịp có một bức ảnh chung nào.
Biết đến câu chuyện của gia đình liệt sĩ giữa thời bình, anh Phùng Quang Trung đã nhận lời hỗ trợ ngay, sau đoạn tin nhắn của người thân anh Huy.
Gia đình chỉ còn một bức ảnh không rõ mặt của liệt sĩ Phạm Công Huy. Người thợ đã tỉ mỉ xử lý, đồng thời liên tục trao đổi với chị Quỳnh, cân đối góc, đảm bảo đúng từng chi tiết nhỏ nhất như ánh mắt, bảng tên, quân hàm. Sau hai đêm, bức ảnh hoàn thiện, được trao tận tay thân nhân liệt sĩ.
"Chúng tôi hỏi thăm, động viên gia đình, người vợ rất muốn khóc, nhưng chị cố kìm nén, nói rằng lâu lắm rồi mới được 'gặp lại' chồng", anh Trung cùng đồng nghiệp lặng im khi chứng kiến bé Bún - con gái nhỏ của liệt sĩ Huy, dù đang mệt và tay cắm dây truyền nước, vẫn từ trên tầng chạy xuống dưới nhà, ôm chầm lấy bức ảnh, chỉ tay gọi bố, gọi mẹ.
Nhìn con gái ngây thơ, chị Quỳnh ước gì chồng vẫn còn sống, dang tay chở che gia đình nhỏ bé như trong bức ảnh.
Ngày 23/7, một gia đình từ Lạng Sơn xuống Hà Nội, mang theo lá cờ Tổ Quốc, nhận ảnh của hai liệt sĩ Hoàng Khắc Mẫn và Hoàng Văn Mèo.
Ngày hai anh em lên đường nhập ngũ, cậu em út chỉ mới 10 tuổi.
Ngày đón bức ảnh chân dung của hai anh, người em út đã 60 tuổi.
Nhận giấy báo tử gửi về từ chiến trường, trong nhà chỉ còn 2 bức ảnh bị hư hỏng nặng, người cha trước khi nhắm mắt xuôi tay, vẫn luôn đau đáu hai bức ảnh thờ chỉn chu cho các con.
Trong giây phút xúc động, người em út tay run, mắt ngấn lệ, nhận bức ảnh chân dung của hai anh trai. Ông bật khóc thành tiếng, 6 thành viên nhóm chỉnh sửa ảnh ngồi kế bên cũng nghẹn ngào.
Cả gia đình trang trọng đặt ảnh vào giữa lá cờ, rồi ôm chặt, như đón hai anh về với gia đình.
"Hai bức ảnh sau đó được đặt lên bàn thờ, hoàn thành tâm nguyện của người cha quá cố. Đây cũng là niềm an ủi rất lớn đối với gia đình liệt sĩ vì dù chưa tìm được hài cốt, nhưng họ đã có bức ảnh để lại cho hậu thế", anh Thắng nói.