Bỏ học ở Mỹ, nam sinh về Việt Nam và trở thành gương mặt trẻ nổi bật châu Á
(Dân trí) - Trần Tuấn Minh (SN 2001) được tạp chí Forbes bình chọn vào danh sách "30 Under 30 Asia", trở thành người Việt trẻ nhất lọt vào danh sách này tính đến thời điểm hiện tại.
Trần Tuấn Minh (Brian Minh Tran, SN 2001) hiện là sinh viên năm 4 tại Đại học VinUni. Nam sinh là người đồng sáng lập tổ chức UpYouth hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp tại Việt Nam và từng đảm nhận vị trí trợ lý phó tổng giám đốc điều hành toàn cầu của VinFast.
Tuấn Minh được tạp chí Forbes bình chọn vào danh sách "30 Under 30 Asia" năm 2024 (gương mặt trẻ nổi bật châu Á dưới 30 tuổi) và trở thành người Việt trẻ nhất lọt vào danh sách này tính đến thời điểm hiện tại.
"Mình khá bất ngờ và chưa từng nghĩ sẽ có tên trong danh sách gương mặt trẻ nổi bật dưới 30 tuổi châu Á bởi bản thân cũng còn nhiều điều cần học hỏi. Mình coi đây là động lực để cố gắng phát triển trong tương lai", nam sinh chia sẻ với phóng viên Dân trí.
Không uổng phí khi bỏ dở việc học tại Mỹ, trở lại Việt Nam
Chọn sang Mỹ du học từ bậc trung học phổ thông và đã hoàn thành năm đầu tại Đại học Carleton College, lý do gì khiến Tuấn Minh quyết định trở về Việt Nam?
- Theo học tại Mỹ, mình có cơ hội tiếp xúc sớm với các hoạt động khởi nghiệp và khá quan tâm tới vấn đề này. Năm 2020, sau khi hoàn thành năm nhất đại học, mình gap year (tạm dừng quá trình học tập nhằm mục đích nghỉ ngơi, khám phá bản thân) để đi làm trong lúc đợi dịch qua.
Mình nhận thấy, các bạn trẻ Việt chưa có nhiều cơ hội tiếp cận được với các nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp trong khi việc xây dựng và thành lập dự án khởi nghiệp khá rủi ro. Đắn đo suy nghĩ, mình quyết định thành lập UpYouth để mang lại nguồn lực tốt nhất, giảm thiểu rủi ro cho các bạn trẻ khởi nghiệp, tạo ra được sản phẩm thật, có tính bền vững.
Trong lần đến Đại học VinUni để xin hợp tác, tài trợ cho dự án, mình nhận thấy sự phù hợp với môi trường học tập tại đây và nghĩ rằng, nếu mình ở Việt Nam sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong việc phát triển UpYouth.
Sau nhiều cố gắng để đi du học, cuối cùng lại chọn trở về Việt Nam, bỏ dở việc học tại Mỹ, gia đình Minh có phản ứng ra sao?
- Mình đã rất quyết tâm và dồn hết sức lực để có được học bổng sang Mỹ từ cấp 3. Gia đình cũng hy sinh nhiều thứ để giúp cho mình có cơ hội đi du học. Khi mình quyết định bỏ dở việc học tại Đại học Carleton College, gia đình khá bất ngờ.
Bố mẹ hỏi mình liệu có thấy mất công, uổng phí dồn bao tâm huyết rồi lại chọn rời đi khi đang thuận lợi bước trên con đường phẳng. Mình không cảm thấy mất công hay uổng phí.
Sau khi nghiêm túc nói chuyện, chia sẻ định hướng và mong muốn của bản thân, bố mẹ hiểu và tôn trọng quyết định của mình.
Tại sao Minh lại cho rằng, việc dừng học tại Mỹ là không mất công, không uổng phí?
- Mình nghĩ khá đơn giản. Đích đến cuối cùng của mình sau khi đi du học là trở về Việt Nam để cống hiến. Còn những trải nghiệm ở Mỹ đã giúp mình nhìn nhận thế giới đa chiều hơn, tích lũy được nhiều bài học cũng như hiểu hơn về khởi nghiệp.
Ví dụ như mình có tham gia một trại khởi nghiệp kéo dài 10 tuần dành cho học sinh, sinh viên ở Học viện Công nghệ Massachusetts. Trong 10 tuần đó, mình đã được học cách thành lập một doanh nghiệp thực thụ, từ việc lựa chọn ý tưởng tiềm năng đến phát triển sản phẩm.
Xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp cho người trẻ Việt
Du học tại Mỹ 4 năm, có cơ hội tiếp xúc sớm với các hoạt động khởi nghiệp, Tuấn Minh có nghĩ rằng, đây là lợi thế của mình?
- Trở về Việt Nam sau 4 năm du học, nghe tưởng chừng có nhiều lợi thế nhưng mình lại nghĩ là bất lợi. Điều đầu tiên là lúc đó mình chưa có nhiều kinh nghiệm trong khởi nghiệp hay đầu tư, cũng không quen biết ai tại Việt Nam để học hỏi vì đã đi quá lâu. Mình nhớ hồi đó, quen ai là sinh viên ở Việt Nam thì cứ hẹn người này, giới thiệu gọi điện cho người kia để gặp và lần mò dần dần.
Ở độ tuổi đôi mươi còn nhiều chông chênh, Tuấn Minh gặp khó khăn gì khi xây dựng UpYouth?
- Mới đầu, UpYouth chưa được biết đến nhiều nên các bạn trẻ tưởng mình lừa đảo vì chẳng ai rảnh tự nhiên liên hệ với dự án khởi nghiệp và nói muốn giúp họ thành công. Trò chuyện với các đối tác, họ vẫn không hiểu và chưa đủ tin tưởng vào mình cũng như dự án.
Mình cùng các cộng sự cũng mất hơn 1,5 năm để thử nghiệm sản phẩm và tìm hướng đi. Các dự án thử nghiệm đơn lẻ như xây dựng cộng đồng, xây dựng dự án mentoring... liên tục được triển khai, phát triển.
Mãi tới giữa năm 2022, chúng mình thành lập "Vườn ươm" do sinh viên vận hành và dành cho người trẻ đầu tiên tại Việt Nam và đạt được kết quả khởi sắc. Cho tới lúc đó, UpYouth mới được mọi người mới biết đến rộng rãi hơn và bắt đầu tin tưởng hợp tác.
Điều gì khiến bạn phải "đau đầu" nhất khi điều hành dự án hỗ trợ khởi nghiệp cho người trẻ tại Việt Nam?
- Điều áp lực nhất và cũng là bài học đắt giá nhất khi điều hành tổ chức là làm thế nào để Gen Z (những người sinh năm 1997-2012) như mình quản trị và vận hành một bộ máy với nhiều Gen Z khác. Một tổ chức sinh viên thì không có tiền để trả lương cho thành viên nhưng vẫn muốn các bạn đầu tư công sức vào dự án, tạo ra những sản phẩm chất lượng.
Hơn nữa, UpYouth hiện có khoảng 50 thành viên cốt cán từ 9 quốc gia, công tác tại Đại sứ quán Mỹ, McKinsey, BCG, Big 4, MoMo, Masan..., sống ở các múi giờ khác nhau nên cũng khó khăn hơn trong việc họp, trao đổi.
Tuấn Minh đã gỡ "nút thắt", giải tỏa áp lực cho mình ra sao?
- Điểm mấu chốt mình nhận ra rằng, tiền là một loại công cụ trao đổi giá trị lợi ích giữa hai bên. Nếu mình tìm được giá trị lợi ích khác mà họ thực sự cần thì mình cũng có thể đẩy mạnh nó để hai bên cùng hợp tác và tạo ra chất lượng công việc tốt nhất.
Thời điểm hơn 1,5 năm ban đầu, khi chúng mình chưa có gì trong tay, việc giữ chân các bạn trẻ tài năng nằm ở việc "bán giấc mơ". Điều đó có nghĩa là chúng mình phải cùng nhau chia sẻ, giúp các bạn hiểu. Nếu tổ chức thành công thì sẽ giúp các bạn phát triển như thế nào và có tác động gì đến xã hội.
Bên cạnh đó, mình cũng chú trọng tới việc xây dựng văn hóa riêng cho UpYouth. Khi có văn hóa tốt, thành viên trong tổ chức yêu quý nhau, chúng mình gắn kết như một gia đình. Đây là giá trị các bạn trẻ Gen Z như chúng mình cần và cũng là lý do khiến các bạn gắn bó lâu tới vậy.
Sau khi phát triển và dần đi vào hoạt động ổn định, điều gì đặc biệt khiến bạn tự hào ở dự án này?
- Đây là hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ cho người trẻ Việt bằng cách mang tới cơ hội kết nối, cố vấn, đào tạo cùng nhiều nguồn hỗ trợ uy tín. Mình đồng hành cùng các bạn trẻ, giúp họ có thể làm sản phẩm thật và có thể gọi vốn.
Trải qua 3 năm hoạt động, chúng mình đã thành công xây dựng một cộng đồng với hơn 3.500 thành viên, giúp 30 startups (khởi nghiệp) sinh viên gọi được tổng vốn lên tới 3,5 triệu USD (hơn 89 tỷ đồng). Bên cạnh đó, chúng mình còn tổ chức các sự kiện với diễn giả từ những công ty hàng đầu ở Việt Nam như VinGroup hay Sky Mavis, truyền cảm hứng đến hơn 30.000 người trẻ theo dõi.
Mình tự hào khi góp một phần nhỏ bé, nói lên tiếng nói của người trẻ Việt và chứng minh cho các bạn nước khác thấy người trẻ Việt cũng vô cùng tài năng.
Trải nghiệm nhiều vị trí, tích lũy nhiều kinh nghiệm
Tuấn Minh từng làm việc ở nhiều vị trí cũng như nhiều công ty khác nhau như: Trợ lý cho các giám đốc về chiến lược, gọi vốn, marketing tại tập đoàn bán lẻ Seedcom Group, thực tập tại ngân hàng đầu tư BDA Partners, trợ lý phó tổng giám đốc điều hành toàn cầu của VinFast... Tại sao bạn lại chọn lựa như vậy?
- Mình rất thích câu nói: "Điều dẫn tới thành công không phải từ một cú hích nào đó, mà là những bước đi nhỏ trong quá trình đó".
Có cơ hội làm việc tại Tập đoàn Seedcom, sau 3 năm, khi được nhìn sơ bộ qua các mảng chiến lược, vận hành, marketing..., mình nhận ra mảng đầu tư và tài chính là mảng mình còn yếu. Mình quyết tâm vượt qua các vòng tuyển chọn gắt gao, vào ngân hàng đầu tư BDA Partners thực tập để hiểu cụ thể về gọi vốn và tài chính là gì.
Với mục tiêu muốn mang sản phẩm Việt ra thế giới, mình đã có cơ hội hiểu cách công ty vận hành khi ở Seedcom, cũng như mảng tài chính và gọi vốn tại BDA Partners nhưng vẫn thắc mắc một công ty Việt muốn đưa sản phẩm ra thế giới thì sẽ cần gì và làm như thế nào.
Nhận thấy VinFast là nơi phù hợp nhưng khá khó để có vị trí thực tập ở đây, mình đã đánh liều tự tạo cơ hội bằng cách gửi thư điện tử nguyện vọng của bản thân cùng CV (hồ sơ ứng tuyển) và tài liệu dài 54 trang tự nghiên cứu và tổng hợp trong hai tuần về công ty, thị trường, đối thủ. Rất may là mình được phỏng vấn và được lựa chọn làm trợ lý cho phó tổng giám đốc thường trực toàn cầu VinFast để học hỏi kinh nghiệm.
Tuấn Minh làm thế nào để có thể xử lý được khối lượng công việc "khổng lồ" khi vừa đi học, vừa đi làm, lại điều hành cả dự án?
- Mình từng liên tục thức đêm, hy sinh giấc ngủ để cố gắng làm việc, dẫn đến phải vào phòng cấp cứu. Từ đó, mình bắt đầu cảnh tỉnh và học hỏi cách sắp xếp thời gian, công việc thật hợp lý, khoa học.
Lên đại học, mình nhận ra một công thức và đã áp dụng đến tận bây giờ là "tối ưu + khuếch đại". Tối ưu là bản thân phải tự cải thiện hiệu suất làm việc bằng cách trau dồi kiến thức chuyên môn, sắp xếp thời gian biểu cũng như giữ năng lượng trong công việc. Khuếch đại tức là năng lực quản lý đội ngũ để ra được kết quả, bởi khi đã tối ưu hết mức thì chỉ còn cách nhờ sự góp sức chung tay của các đội nhóm để cùng làm việc.
Định hướng của Tuấn Minh trong thời gian sắp tới là gì?
- Trong thời gian tới, mình sẽ cố gắng "tốc lực" trau dồi học hỏi nhiều hơn cũng như tiếp tục đi con đường của mình để nuôi khát vọng, thực hiện hóa giấc mơ giúp đỡ các bạn trẻ Việt khởi nghiệp thành công, đưa nhiều sản phẩm Việt ra thế giới hơn.
Minh muốn nhắn gửi điều gì tới các bạn trẻ Việt, đặc biệt là các bạn mong muốn khởi nghiệp?
- Mình nghĩ dù còn trẻ và thiếu nhiều kinh nghiệm, nếu bền bỉ, cố gắng trau dồi kiến thức, kiên định với mục tiêu thì các bạn hoàn toàn có thể hiện thực hóa giấc mơ tưởng chừng như xa vời.
Đặc biệt, đừng sợ hãi khi tách khỏi đám đông, tự tìm con đường riêng của mình, hay phải tự trèo rào, tự gõ cửa trăm lần để xin vào... bởi đó là lối vào của những người thành công.
Xin cảm ơn Tuấn Minh!