DNews

Vì sao giới trẻ Trung Quốc đổ xô đi ăn cơm tại căng tin của người già?

Việt Trinh

(Dân trí) - Bên cạnh giá cả phải chăng và món ăn đa dạng, điều gì khiến căng tin của người lớn tuổi thu hút nhiều thanh niên Trung Quốc?

Vì sao giới trẻ Trung Quốc đổ xô đi ăn cơm tại căng tin của người già?

Vào giờ ăn trưa, các con hẻm ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) dần trở nên nhộn nhịp, khi các nhóm nhân viên văn phòng trẻ tuổi đổ về những nhà ăn cộng đồng dành cho người cao tuổi nằm ẩn trong đó.

Bữa trưa của nhân viên văn phòng

Căng tin rộng khoảng 200-300m2 nhanh chóng trở nên đông đúc. Tại đây, một đĩa rau diếp được bán với giá 8 nhân dân tệ (28.000 đồng), một bát cá luộc có giá 15 nhân dân tệ (52.000 đồng), một đĩa thịt heo có giá 18 nhân dân tệ (63.000 đồng).

Với mức giá phải chăng, căng tin luôn trong tình trạng đông đúc. Cả người già và người trẻ đều xếp hàng chờ đợi gần 10 loại món ăn nóng hổi được phục vụ.

Thẩm Mẫn - một nhân viên văn phòng 27 tuổi - ghé nhà ăn cộng đồng trong con hẻm để ăn trưa 5 ngày/tuần.

"Tôi chỉ phải trả 21 nhân dân tệ (khoảng 73.000 đồng) cho suất cơm gồm 3 món ăn và một bát canh. Đây là mức giá tiết kiệm hơn nhiều so với việc đặt đồ ăn mang về", Thẩm Mẫn cho hay.

Theo nữ nhân viên văn phòng, thức ăn ở căng tin cộng đồng chất lượng và đảm bảo hơn nhiều so với các quán ăn nhỏ khác. Đây cũng là lựa chọn yêu thích bởi nhiều nhân viên văn phòng trẻ tuổi tại đất nước tỷ dân.

Vì sao giới trẻ Trung Quốc đổ xô đi ăn cơm tại căng tin của người già? - 1
Trong giờ cao điểm, những nhà ăn cộng đồng luôn trong tình trạng đông đúc. Không chỉ có người cao tuổi, người trẻ cũng xếp hàng để được ăn tại đây (Ảnh: Think China).

Trong hai năm qua, thị trường việc làm ở Trung Quốc trở nên ảm đạm hơn khiến nhiều nhân viên đối mặt với tình trạng cắt giảm lương. Với giá cả phải chăng và nhiều lựa chọn món ăn, các nhà ăn cộng đồng trở thành điểm đến lý tưởng cho những bạn trẻ bận rộn không có thời gian nấu nướng.

Theo Thông tấn xã Trung Quốc, vào năm 2023, có hơn 6.700 nhà ăn cộng đồng được hoạt động trên toàn quốc, không chỉ tại các thành phố đắt đỏ như Bắc Kinh, Thượng Hải mà còn lan rộng ra các thành phố phía Tây và Trung như Thành Đô, Vũ Hán...

Thực tế, các căng tin cộng đồng đã có từ vài năm nay. Mục tiêu ban đầu của chúng là phục vụ cho những người cao tuổi gặp khó khăn trong việc di chuyển hoặc không thể tự nấu ăn. Sau đó, các nhà ăn này bắt đầu chào đón khách hàng thuộc mọi lứa tuổi để giảm chi phí hoạt động.

Vì sao giới trẻ Trung Quốc đổ xô đi ăn cơm tại căng tin của người già? - 2

Những nhà ăn cộng đồng - ban đầu dành cho người cao tuổi - đã mở rộng đối tượng khách hàng để giảm chi phí hoạt động (Ảnh: Think China).

Năm ngoái, công ty của Thẩm Mẫn bắt đầu cắt giảm phúc lợi của nhân viên và đóng cửa nhà ăn công ty. Thay vì cung cấp bữa ăn miễn phí, công ty sẽ trợ cấp 800 nhân dân tệ/tháng (2,8 triệu đồng) cho nhân viên.

Chính vì vậy, nữ nhân viên văn phòng thường gọi đồ ăn cùng đồng nghiệp qua các ứng dụng trực tuyến để được giảm giá. Tuy nhiên, sau vài tháng đặt đồ ăn trên mạng, Thẩm Mẫn nhận thấy số tiền chi tiêu cho bữa trưa đã vượt xa khoản trợ cấp của công ty.

"Mọi người xung quanh tôi đều đang cố gắng tiết kiệm từng đồng. Tôi cảm thấy áy náy khi tiêu vượt quá ngân sách", nữ nhân viên văn phòng cho biết.

Cuối cùng, cô tìm thấy thông tin về một căng tin cộng đồng gần văn phòng nhờ mạng xã hội. Đây là nhà ăn được hỗ trợ bởi chính phủ, chuyên cung cấp đa dạng các bữa ăn với mức giá phải chăng, rẻ hơn so với việc đặt đồ ăn trên mạng hoặc ăn tại các nhà hàng thông thường.

Vì sao giới trẻ Trung Quốc đổ xô đi ăn cơm tại căng tin của người già? - 3

Được hỗ trợ bởi chính phủ, những nhà ăn cộng đồng sẽ cung cấp bữa ăn với mức giá rẻ hơn các quán ăn khác (Ảnh: Xiaohongshu).

Hỗ trợ của chính phủ

Bắc Kinh là một trong những thành phố của Trung Quốc đang bước vào giai đoạn "siêu già hóa", với hơn 3,3 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 15,1% tổng dân số cả nước.

Để đáp ứng nhu cầu ăn uống của xã hội đang già hóa nhanh chóng, thành phố có hơn 1.100 căng tin cộng đồng dành cho người cao tuổi. Hầu hết các căng tin này đều được tài trợ bởi chính phủ, nhận được ưu đãi về mặt bằng, kinh phí xây dựng hoặc giảm hóa đơn tiện ích và thuế.

Cô Lục - quản lý của một nhà ăn cộng đồng ở quận Đông Thành, Bắc Kinh - cho biết, giá tại quán của cô thấp hơn gần 20% so với các nhà hàng xung quanh nhờ vào trợ cấp của chính phủ.

Từ 11h đến 17h, nhà ăn ưu tiên phục vụ người cao tuổi và cung cấp cả dịch vụ giao hàng. Vào các thời điểm khác, căng tin chủ yếu phục vụ nhân viên văn phòng gần đó, với thế hệ trẻ chiếm hơn 80% tổng lượng khách hàng.

Vì sao giới trẻ Trung Quốc đổ xô đi ăn cơm tại căng tin của người già? - 4
Những nhà ăn cộng đồng dành cho người cao tuổi được giới trẻ Trung Quốc yêu thích bởi giá thành phải chăng cùng chất lượng đồ ăn đảm bảo (Ảnh: Think China).

Tống (25 tuổi) - làm việc tại một nhà xuất bản ở Bắc Kinh - gần đây trở thành khách quen của các căng tin cộng đồng. Trước đây, cô chủ yếu dựa vào việc đặt đồ ăn bên ngoài.

Một bữa ăn của Tống - gồm một phần thịt lợn xào với 3 loại rau, cần tây trộn với mộc nhĩ và một bát cơm - có giá 17 nhân dân tệ (60.000 đồng).

"Ăn ở nhà ăn cộng đồng rẻ hơn nhiều so với việc đặt đồ ăn mang về. Nếu ăn cả trưa và tối ở đây, tôi có thể tiết kiệm được 10-20 nhân dân tệ mỗi ngày (35.000-70.000 đồng)", Tống chia sẻ với Think China.

Tiết kiệm từng đồng

So với những nhà hàng thương mại đông đúc, các căng tin dành cho người cao tuổi yên tĩnh hơn nhiều. Tuy nhiên, nhiều cuộc thảo luận về chúng lại sôi động và náo nhiệt trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến trong giới trẻ.

Không chỉ chia sẻ địa điểm của các nhà ăn cộng đồng với đồ ăn ngon cùng giá cả phải chăng, giới trẻ còn giới thiệu những món ăn "ngon - bổ - rẻ" nhất. Một số căng tin gần các điểm du lịch còn là nơi giúp du khách vừa tiết kiệm, vừa nạp năng lượng trên chuyến đi.

Xu hướng giới trẻ tìm đến các căng tin để tiết kiệm chi phí cho bữa ăn là minh chứng cho việc họ chú trọng tiêu dùng hiệu quả, đồng thời cũng cho thấy sự thận trọng trong việc chi tiêu do ảnh hưởng của áp lực kinh tế.

Vì sao giới trẻ Trung Quốc đổ xô đi ăn cơm tại căng tin của người già? - 5
Trên mạng xã hội, giới trẻ thường chia sẻ và đánh giá về những nhà ăn cộng đồng (Ảnh: Think China).

Theo chuyên gia tài chính Trương Lâm, người trẻ và người cao tuổi thường không ăn tại cùng một nơi do khác biệt trong thói quen tiêu dùng. Tuy nhiên, việc thế hệ trẻ ngày nay tự nguyện ăn uống tại căng tin cộng đồng cho thấy sau đại dịch, áp lực việc làm và thu nhập mà họ phải đối mặt đang tăng cao. Người trẻ không còn lạc quan về tương lai và không muốn chi tiêu quá mức.

Ông Trương cũng chỉ ra rằng, giới trẻ Trung Quốc đang làm việc nhiều giờ hơn và không có thời gian đi chợ hoặc nấu ăn. Đây là một lý do khác khiến họ tận dụng tiện ích dành cho người cao tuổi.

Số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy, trung bình một tuần, giờ làm việc của nhân viên tại các doanh nghiệp đã tăng lên 49 tiếng vào năm 2023 - tương đương với 9,8 tiếng/ngày cho một tuần làm việc 5 ngày.