Bi kịch vô thừa nhận của "người con bị trao nhầm 42 năm trước" ở Hà Nội
(Dân trí) - Sự việc "người con bị trao nhầm 42 năm trước" tại nhà hộ sinh Ba Đình đã gây chấn động dư luận vào năm 2016. Câu chuyện ngỡ kết thúc có hậu khi 2 gia đình nhận nhau, nhưng lại dẫn đến bi kịch.
Uẩn khúc việc không chịu xét nghiệm ADN?
Ngày 21/2, chị Tạ Thị Thu Trang (50 tuổi, quận Ba Đình) đã làm đơn kiến nghị gửi Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, mong được hỗ trợ xét nghiệm ADN để tìm bố mẹ đẻ.
"Tôi không yêu cầu bồi thường hay khiếu nại, chỉ mong được giúp đỡ tìm người thân", người phụ nữ khẩn thiết.
Chị Trang là "đứa trẻ bị trao nhầm 42 năm trước" khi sự việc được tiết lộ vào năm 2016 và gây chấn động dư luận thời điểm đó. Mẹ của chị Trang là bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (hiện 72 tuổi) sinh con gái tại nhà hộ sinh quận Ba Đình vào ngày 10/10/1974.
Sau khi báo đài đồng loạt đưa tin về sự kiện "trao nhầm con 42 năm trước", chị Nguyễn Thị L.A., cũng sinh ngày 10/10/1974 tại nhà hộ sinh Ba Đình, đã đến nhận bà Hạnh là mẹ đẻ. Khuôn mặt người này được nhận xét có nhiều nét giống ông Tạ Văn Thân (đã qua đời, chồng bà Hạnh).
Sau đó, chị L.A. đưa chị Trang vào Đà Nẵng nhận bố mẹ đẻ là ông Nguyễn Lê H. (sinh năm 1941) và bà Ngô Kim D. (sinh năm 1947).
Đôi vợ chồng già không hay biết gì, ban đầu vẫn nghĩ là nhầm lẫn, nhưng L.A. khẳng định với bà D.: "Mẹ ơi, con không bao giờ đưa một người lạ nào thay thế chỗ của con cả. Trang là con của mẹ và sự việc bị nhầm lẫn vào năm 1974".
Tin lời con gái, ông H. và bà D. nhận chị Trang là con đẻ. Tuy nhiên, gần 8 năm qua, chị Trang nhiều lần đặt vấn đề xét nghiệm ADN để xác minh tính huyết thống, nhưng gia đình ông H. không hợp tác.
Chị nghi ngờ "liệu có uẩn khúc nào" khiến những người chị nghĩ là bố mẹ đẻ lại không chịu nhận con. Người con liên tục khẩn cầu thử ADN, chỉ nhận được tin nhắn khước từ của bà D.: "Mẹ xin lỗi con".
"Nửa đời người đã trôi qua, tôi đau đáu chưa biết mình là ai, chơi vơi giữa cuộc đời. Tôi chỉ mong mỏi biết bố mẹ đẻ là ai, không vì bất kể lý do nào khác", chị Trang nói.
Anh Nguyễn Trung Thành, chồng chị Trang, cho biết năm 2016 anh được cơ quan chức năng hỗ trợ tiếp cận bản chính của sổ hộ tịch mấy chục năm trước - ghi thông tin làm giấy khai sinh cho các em bé, có chữ ký của cha/mẹ trẻ.
Danh sách gồm 10 "đứa trẻ" (cả nam và nữ), có ngày sinh từ ngày 9 đến ngày 11/10/1074 tại quận Ba Đình, trong đó có chị Nguyễn Thị L.A.
"Trong trường hợp vợ chồng ông H. không phải là bố mẹ đẻ, tôi cũng mong Thanh tra Sở Y tế Hà Nội giúp đỡ thử ADN cùng các phụ huynh của các công dân có trong danh sách trên, cho tôi có thể tìm được bố mẹ của mình", chị Trang nói.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Vũ Phương Đông, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cho biết đơn vị đã tiếp nhận đơn kiến nghị của chị Tạ Thị Thu Trang. Thanh tra Sở Y tế đã giao các bộ phận chuyên môn kiểm tra thông tin, hồ sơ sự việc vào năm 2016.
Theo ông Đông, đây là vấn đề dân sự theo quy định liên quan đến việc xác định cha mẹ, con cái được thực hiện tại cơ quan hộ tịch hoặc tòa án. Tuy nhiên, Thanh tra Sở Y tế sẽ xác minh thông tin, mời chị Trang lên trao đổi, hướng dẫn cụ thể.
"Thanh tra Sở có trách nhiệm đơn vị thường trực trong giải quyết đơn, còn giải quyết do đơn vị chuyên môn của Sở trên tinh thần hỗ trợ công dân hết mức. Trước đó, chúng tôi đã phối hợp nhiều bên hỗ trợ vụ việc này", ông Đông nói.
50 tuổi vẫn tìm kiếm "mình là ai?"
Ngày 10/10/1974, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh sinh con gái tại nhà hộ sinh Ba Đình (nay đã thay đổi địa chỉ). Hơn một tiếng sau sinh, con gái được nằm trong vòng tay mẹ.
Bà Hạnh vẫn nhớ rõ khi nhận về thì thấy ở chân con là số 32, không trùng với số 33 ở tay bà. Gia đình bà đã đi tìm nhưng không thấy em bé nào có số 33. Khi hỏi bác sĩ thì được giải thích "Đi tắm nên bị mờ. Đây đúng là con chị".
Người con khác số được bà Hạnh đưa về nhà nuôi và hết lòng yêu thương, chăm sóc. Vợ chồng bà đặt tên con là Tạ Thị Thu Trang. Tuy nhiên chứng kiến con lớn mỗi ngày một khác và linh cảm người mẹ cho bà biết Trang không phải con ruột mình.
Trong khi đó hàng xóm, gia đình bên nội cũng nhận thấy điều này nên dị nghị bà Hạnh không chung thủy với chồng. Bỏ qua tất cả sự hoài nghi, thậm chí định kiến của người ngoài, vợ chồng bà chăm sóc và yêu thương chị Trang vô bờ bến.
Năm chị Trang 20 tuổi, bà Hạnh đã nhận nhầm một người con gái ngỡ đó là con mình. Đến năm 2016, người mẹ quyết định làm xét nghiệm ADN, gục ngã trước kết quả chị Trang không cùng dòng máu với mình. Biết sự thật, hai mẹ con bà Hạnh đều vô cùng đau khổ.
Ba tháng sau, vợ chồng ông H. đến nhận chị Trang là con. Người con gái L.A. cũng nhận bà Hạnh là mẹ. Câu chuyện ngỡ là kết thúc có hậu, lại dẫn đến bi kịch khi vợ chồng ông H. và chị L.A. nhiều năm qua không chịu làm xét nghiệm ADN.
"Tôi thèm muốn một gia đình, mơ hồ nhận ông H. và bà D. là bố mẹ. Nhưng khi tôi khẩn cầu làm xét nghiệm ADN, bà D. chỉ nói "mẹ sẽ thử với con, nhưng không phải lúc này"", chị Trang nhớ lại.
Câu nói lấp lửng và mốc thời gian "không phải lúc này" của bà D. cứ thế kéo dài 8 năm. Đạo nghĩa làm con, vợ chồng chị Trang vẫn qua lại giữa hai bên gia đình để chăm sóc bố mẹ. Đổi lại, chị chỉ nhận được sự hững hờ và lạnh nhạt, tủi thân vì sự xuất hiện của mình không được bố mẹ đẻ chào đón.
Cách đây ba tháng, chị viết một lá thư gửi mẹ mình và quyết định dừng liên lạc bởi cảm thấy sự xuất hiện của mình khiến đấng sinh thành phiền lòng. Đáp lại bức thư là câu nói "Mẹ xin lỗi con" của bà D.
Từ một người chủ động tìm kiếm bố mẹ đẻ, chị trở nên "bị động" và bấp bênh trước một lời hứa xét nghiệm ADN kéo dài 8 năm.
"Đôi khi tôi thắc mắc liệu họ có phải bố mẹ của tôi không? Nếu không, sao lại đến nhận tôi, rồi biến cuộc sống của tôi thành bi kịch. 50 tuổi, tôi vẫn tìm kiếm mình là ai", chị tâm sự.
Với chị, nếu kết quả xét nghiệm ADN cho biết chị không phải con của ông H. và bà D., chị sẽ bắt đầu lại hành trình tìm kiếm nguồn cội của mình.
Ngược lại, kết quả là đúng, nhưng bố mẹ không chịu nhận chị với bất kể lý do nào, chị vẫn chấp nhận vì chỉ cần biết được người sinh ra mình, họ hàng và nguồn cội.
"Tôi đã từng ước mọi chuyện chỉ như một giấc mơ. Cuộc sống đã không thể vô tư, hồn nhiên như trước đây", chị nói.
Thấy con gái đau khổ, bà Hạnh ân hận vì năm đó đã nói ra sự thật. Bản thân bà cũng trải qua những tháng ngày dằn vặt chính mình khi người về nhận bà là mẹ được 2 tháng rồi cắt đứt liên lạc, không qua lại nữa.
"Thà cứ để như thế, không đi tìm nữa, thì có phải bây giờ mọi người đều sống hạnh phúc hay không. Kết cục của việc đi tìm kiếm người thân lại khiến tất cả đều đau khổ", bà Hạnh nghẹn ngào.
Nguyện vọng của người con "vô thừa nhận"
8 năm qua, hy vọng tìm bố mẹ đẻ cứ chợt lóe lên rồi lại vụt tắt với chị Trang. Làm mẹ của 4 người con, đã lên chức bà nội, chị chưa bao giờ ngừng nuôi hy vọng tìm kiếm cội nguồn cho các con, các cháu.
Trước đó, gia đình ông Đặng Thế Được ở huyện Gia Lâm từng liên hệ và đề nghị làm giám định ADN để xác định người thân.
Ông Được có người con gái là Đặng Thị Dần có những đặc điểm về ngày tháng, năm sinh và nơi sinh trùng khớp với thông tin của chị Trang. Bản thân chị cũng có nhiều nét giống với các thành viên trong gia đình ông Được. Tuy nhiên, khi nhận kết quả giám định ADN, chị lại rơi vào cảm giác hụt hẫng.
Một gia đình khác ở Long Biên có con gái đầu sinh cùng thời điểm với chị Trang (chỉ khác nhà hộ sinh), nhưng vì thấy chị Trang rất giống với các thành viên trong gia đình nên đã chủ động tìm đến làm xét nghiệm. Kết quả, chị Trang không phải con của gia đình họ.
"Tôi nhận ra nhiều người giống nhau trên cuộc đời này không phải là hiếm, phải chứng minh huyết thống về mặt khoa học", chị nói.
Đến nay sợi dây cuối cùng của chị Trang là bản trích lục 10 gia đình có con sinh từ ngày 9 đến ngày 11/10/1974 tại nhà hộ sinh Ba Đình. Chị biết rằng không thể bắt ép những gia đình này đi thử ADN với mình, cũng thấu hiểu tâm trạng của họ, cuộc sống đang yên bình nên nhiều người không muốn xáo trộn.
"Tôi mong cơ quan chức năng giúp đỡ để có cơ hội được xét nghiệm ADN. Tôi không muốn chờ đợi thêm, bởi chờ đợi có thể là 50 năm nữa, hết một đời người" - Nghẹn lời, "đứa trẻ bị trao nhầm" năm đó bật khóc, tủi hờn với khát khao muốn biết được dòng máu chảy trong cơ thể mình.