DNews

8 tháng kéo chồng trở về từ cửa tử của người vợ trẻ ở Ninh Bình

Phạm Hồng Hạnh

(Dân trí) - Lực bị liệt tứ chi, không tự chủ được vệ sinh, chẳng nhận ra ai. Nhưng với một từ ngắn gọn anh nói sau khi lấy lại nhận được nhận thức, mọi áp lực, lo âu trong Nguyệt như được giải tỏa.

8 tháng kéo chồng trở về từ cửa tử của người vợ trẻ ở Ninh Bình

"Chỉ cần anh giữ được mạng sống!"

Cặp đôi Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (25 tuổi, quê Thanh Hóa) và Lưu Tiến Lực (31 tuổi, quê Ninh Bình) kết hôn năm 2019 và có với nhau một cô con gái xinh xắn năm nay lên 4 tuổi. Sau khoảng thời gian làm việc và sinh sống ở Hà Nội, vợ chồng Nguyệt quyết định chuyển về quê.

Song, về quê chưa được bao lâu, Lực bất ngờ gặp tai nạn đúng thời điểm hai vợ chồng đang ngược xuôi lo xây nhà mới. Giây phút nghe bác sĩ nói "nguy cơ tử vong của Lực là 90%, nếu mổ thành công thì nguy cơ sống thực vật là 40%", Ánh Nguyệt thấy mọi thứ như sụp đổ.

Nhưng người vợ trẻ không cho phép mình gục ngã. Cô tự động viên: "Chỉ cần anh giữ được mạng sống, biết đâu sẽ có phép màu".

8 tháng kéo chồng trở về từ cửa tử của người vợ trẻ ở Ninh Bình - 1

Vợ chồng Ánh Nguyệt, Tiến Lực.

Ánh Nguyệt tâm sự, có lẽ nhiều năm sau này, cô vẫn chưa thôi ám ảnh về buổi tối nhận tin chồng bị tai nạn giao thông.

"Hôm ấy là ngày 14/11/2023. Buổi chiều hai vợ chồng tôi cùng nhau đi chơi cầu lông. Tôi về trước cho con ăn cơm, còn anh về sau vì có hẹn cùng vài người bạn. Nhưng đến giờ về, tôi chờ khá lâu mà chẳng thấy bóng chồng đâu.

Sốt ruột, tôi ra cổng đợi, bỗng thấy một người hớt hải đạp xe tới. Linh cảm mách bảo tôi có chuyện chẳng lành. Người hàng xóm báo tin, chồng tôi bị tai nạn, chỉ cách nhà mấy trăm mét", Ánh Nguyệt nhớ lại.

Sau cú ngã, mặt mũi, chân tay anh Lực không bị thương nhưng tai lại chảy nhiều máu. Anh Lực lập tức được đưa tới Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình cấp cứu.

Khi vừa vào tới viện, anh co giật rồi rơi vào hôn mê sau, không thể tự thở. Thấy bác sĩ đặt nội khí quản cho chồng và báo "bệnh nhân bị chấn thương sọ não nặng, gia đình chuẩn bị tâm lý", Ánh Nguyệt bàng hoàng nhận ra tình hình của chồng nghiêm trọng hơn mình nghĩ.

Lúc ấy, cô đắn đo giữa việc xin chuyển viện, đưa chồng lên tuyến trên hay ưu tiên mổ cấp cứu nhanh nhất có thể. Bác sĩ cho hay, Tiến Lực bị xuất huyết nặng, có nguy cơ tử vong trên bàn mổ hoặc trên đường di chuyển nếu chuyển tuyến. Sau ít phút đắn đo, cô quyết định đặt niềm tin vào các bác sĩ bệnh viện tỉnh.

3 tiếng sau khi gặp tai nạn, Tiến Lực được đưa vào phòng phẫu thuật. Ca mổ diễn ra thuận lợi nhưng Ánh Nguyệt chưa thể thở phào bởi sau phẫu thuật, Lực bị phù não nặng, nguy cơ tử vong là 60%, nguy cơ sống thực vật là 40%, khả năng hồi phục đi lại nói chuyện như người bình thường chỉ 10%.

Điều đó có nghĩa là phải có kỳ tích thì Tiến Lực mới có khả năng hồi phục như người bình thường. "Tuy nhiên, lúc đó tôi không quan tâm đến khả năng hồi phục của chồng mà chỉ ước anh được sống, không cần biết sau này anh thế nào", Ánh Nguyệt chia sẻ.

Khoảng thời gian trong phòng hồi sức với Nguyệt như dài vô tận. Nhìn thấy chồng nằm bất động, băng bó kín đầu, dây rợ chằng chịt, cô càng thấy thương anh.

Gần một ngày sau khi chồng gặp tai nạn, khi lo xong mọi thủ tục giấy tờ, Ánh Nguyệt mới có khoảng lặng cho riêng mình.

8 tháng kéo chồng trở về từ cửa tử của người vợ trẻ ở Ninh Bình - 2

Từ một chàng trai khỏe mạnh, tai nạn khiến Lực bị liệt tứ chi và ảnh hưởng nhiều đến giao tiếp, vận động...

Hai vợ chồng Nguyệt vốn làm cùng công ty. Đúng thời điểm ấy mỗi ngày, Nguyệt thường chờ chồng ở ngoài cổng rồi hai vợ chồng cùng nhau đến trường mẫu giáo đón con. Cả nhà tíu tít trở về nhà sau một ngày bận rộn.

Thế nhưng chỉ vì tai nạn bất ngờ, người chồng trẻ nằm bất động một chỗ không rõ sống chết ra sao. Trước thực tại phũ phàng, Ánh Nguyệt bật khóc nức nở.

Những ngày tháng sau đó, Nguyệt sống trong nỗi thấp thỏm xen lẫn tiếc nuối, lo âu. Nhiều bệnh nhân cùng khoa với Lực mổ xong nhưng phải lần lượt về nhà vì không thể cứu chữa khiến Ánh Nguyệt càng thêm xót xa, sợ rằng chồng mình cũng sẽ phải về nhà theo cách không mong muốn ấy.

Mỗi ngày, Nguyệt đều gặp bác sĩ trưởng khoa để hỏi xem tình hình của chồng ra sao nhưng lần nào cũng vị bác sĩ cũng chỉ biết động viên và nói gia đình kiên nhẫn chờ đợi.   

"10 người thì có tới 9 người bảo chồng tôi bị tai nạn là do "hạn làm nhà". Tôi dù có cố không nghĩ nhưng cũng thấy mông lung. Anh có thể sẽ phải nằm một chỗ cả cuộc đời còn lại. Dẫu vậy, tôi cũng chỉ biết tự động viên mình rằng dù vì bất cứ điều gì thì bản thân không được gục ngã", Ánh Nguyệt chia sẻ.

Vì não của Tiến Lực bị tổn thương nặng nên bác sĩ đã chỉ định cho anh hôn mê sâu để não nghỉ ngơi và hồi phục. Cứ như thế, thuốc được truyền liên tục, Lực không thể tự thở mà phải nhờ tới sự trợ giúp của máy móc.

Nhịp tim của Tiến Lực dần ổn định. Sáu ngày sau phẫu thuật, nhận thấy những tín hiệu khả quan, bác sĩ cho Tiến Lực dừng thuốc mê để anh tự tỉnh và dần tự cai máy thở.

Những ngày sau đó, Lực chuyển biến tích cực, ăn được chút cháo loãng nên được chuyển xuống khoa hồi phục chức năng.

"Phép màu" từ tình yêu thương

20 ngày sau mổ, Tiến Lực tự co được một bên chân. Điều này khiến Ánh Nguyệt vỡ òa hạnh phúc bởi đó là tín hiệu cho thấy chồng thoát được cảnh sống thực vật. Khi thấy thần thái chồng tốt hơn, Nguyệt xin chuyển anh tới một trung tâm phục hồi chức năng chuyên sâu. Vì Tiến Lực cao hơn 1m8, nặng 73kg nên Nguyệt phải thuê thêm người hỗ trợ.

Ngoài tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ, bài tập của các điều dưỡng vật lý trị liệu, Nguyệt còn tranh thủ mọi cử chỉ, hành động, lời nói để hồi phục cho chồng.

Chồng nằm một chỗ chẳng nói chẳng rằng, ánh mắt vô định nhưng Nguyệt vẫn kể cho anh đủ mọi chuyện về cuộc sống, tình yêu của hai người. Mỗi ngày cô đều trò chuyện cùng chồng hay dành tặng anh những nụ hôn mặc dù chồng chẳng đáp lời hay biểu lộ cảm xúc.

"Tôi tìm mọi cách kích thích dây thần kinh cùng các giác quan của anh, dùng hết tình yêu thương mong anh mau chóng bình phục", Ánh Nguyệt nói.

8 tháng kéo chồng trở về từ cửa tử của người vợ trẻ ở Ninh Bình - 3
8 tháng kéo chồng trở về từ cửa tử của người vợ trẻ ở Ninh Bình - 4

Lực từng ngày hồi phục nhờ nỗ lực của hai vợ chồng và sự giúp đỡ của các y bác sĩ, điều dưỡng.

1 tháng 20 ngày sau phẫu thuật, Lực mới hồi phục ý thức và nói được từ đầu tiên.

Ánh Nguyệt nhớ lại: "Hôm ấy, tôi đưa cho anh cầm chiếc vợt cầu lông để tăng phản xạ, bởi cầu lông là môn thể thao anh yêu thích. Anh giơ vợt lên được thì bỗng chảy nước mắt. Tôi nhận ra anh đã có nhận thức nên hỏi: "Anh có biết em là ai không?". Anh ấy trả lời: "Có".

Nghe chồng nói, Nguyệt òa khóc. Cô từng tuyệt vọng nghĩ rằng, chồng sẽ chỉ như một đứa trẻ bởi Lực bị liệt tứ chi, không tự chủ được vệ sinh, không cử động được cơ miệng, chẳng thể biết bản thân là ai, vợ con là ai. Nhưng với một từ ngắn gọn ấy mọi áp lực, lo âu trong cô bấy lâu như được giải tỏa.

Những ngày sau, Tiến Lực dần nói được tên của mình, tên của vợ con và nhớ lại nhiều chuyện cũ. Anh cũng chia sẻ, khoảnh khắc giơ được vợt cầu lông là nhận thức của anh bắt đầu trở lại. Anh muốn cử động cánh tay còn lại, cử động chân nhưng không thể nhúc nhích nên thấy bất lực và bật khóc.

8 tháng kéo chồng trở về từ cửa tử của người vợ trẻ ở Ninh Bình - 5
8 tháng kéo chồng trở về từ cửa tử của người vợ trẻ ở Ninh Bình - 6
8 tháng kéo chồng trở về từ cửa tử của người vợ trẻ ở Ninh Bình - 7

 Lực tâm sự, gia đình là động lực giúp anh vượt qua quãng thời gian khó khăn.

Đến tháng thứ 4 sau ca phẫu thuật, Nguyệt không thuê người phụ giúp mà một mình đồng hành bên chồng đi đến nhiều phòng kỹ thuật, thực hiện nhiều bài tập phục hồi.

Nhìn vợ tất tả ngược xuôi lo cho mình, Lực vừa thương, vừa xót vợ. Anh cố nén đau đớn, âm thầm nỗ lực trong từng cử động để mong giúp vợ bớt phần nào nỗi vất vả. Mỗi lần nghe vợ động viên "cố gắng lên anh", Lực lại như được tiếp thêm sức mạnh.

Nhờ vậy, đến tháng thứ 7, Tiến Lực đã có thể chống gậy đi mà không cần người đỡ. Những bước đi chậm rãi nhưng là biết bao cố gắng của hai vợ chồng và nỗ lực phi thường của Tiến Lực.

Sau 8 tháng điều trị, Tiến Lực được về nhà, có thể tự chủ mọi việc như ăn uống, vệ sinh cá nhân, di chuyển đi lại chống gậy.

Trong quá trình chăm sóc chồng, Ánh Nguyệt thường xuyên chia sẻ những clip, hình ảnh của hai vợ chồng lên mạng xã hội. Người vợ trẻ cho hay, những clip là cách cô lưu giữ những chuyển biến tích cực của chồng.

Với Nguyệt, sự thay đổi tích cực ấy là liều thuốc tinh thần giúp cô quên mọi mệt mỏi. Ngoài ra, cô cũng muốn lan tỏa động lực đến những người đồng cảnh ngộ.

Những clip Nguyệt chia sẻ đã truyền niềm tin và năng lượng tích cực đến nhiều người, đặc biệt là những người không may gặp tai nạn tương tự như Tiến Lực.

8 tháng kéo chồng trở về từ cửa tử của người vợ trẻ ở Ninh Bình - 8
8 tháng kéo chồng trở về từ cửa tử của người vợ trẻ ở Ninh Bình - 9

Thần thái của Lực ngày một tốt hơn, anh có thể tự lo cho sinh hoạt cá nhân.

"Chồng mình cũng bị tai nạn chấn thương sọ não. Những lúc suy sụp, mình thường coi hết các video của bạn để lấy động lực. Nay anh ấy dần nhận thức lại rồi nên mình càng có hy vọng hơn", tài khoản Lộc Tyny đăng tải dưới một video do Nguyệt chia sẻ.

Nhìn lại hành trình 8 tháng kéo chồng trở về từ cửa tử, Ánh Nguyệt chia sẻ bản thân không nghĩ mình có thể mạnh mẽ đến vậy. Sau hoạn nạn, cả hai thấy yêu thương và trân trọng hơn hạnh phúc hiện tại.

"Khi yêu nhau hai người có thể rất lãng mạn, mãnh liệt, nhưng khi đã là vợ chồng chỉ cần đơn giản và thực tế thôi, chữ "yêu" bây giờ chuyển thành chữ "thương" nhiều hơn, chỉ cần "bình yên nắm tay người đi giữa nhân gian" là đủ", Ánh Nguyệt chia sẻ trên trang cá nhân kèm một clip về quá trình hồi phục của bạn đời.

Ảnh: Nhân vật cung cấp