Người chồng ở Hà Nội chăm vợ 15 tiếng mỗi ngày, kéo vợ con trở về từ cửa tử
(Dân trí) - Nghe bác sĩ nói, anh Chiến thấy mọi thứ như sụp đổ. Mới tối hôm trước, hai vợ chồng còn cùng nhau đi ăn, đi xem phim, nhưng ngày hôm sau, vợ đã rơi vào hôn mê kéo theo đó là vô số nguy cơ về sức khỏe.
Biến cố ập đến khi vợ đang mang thai 6 tháng
Câu chuyện của vợ chồng anh Nguyễn Đạt Chiến (26 tuổi) và Phí Trang (20 tuổi, ở huyện Quốc Oai, Hà Nội) "gây bão" trên mạng xã hội thời gian gần đây. Cặp đôi khiến nhiều người xúc động với hành trình vượt cửa tử phi thường.
Chị Phí Trang không may bất tỉnh khi mang thai được 6 tháng. Người vợ trẻ đối diện với cơ hội sống mong manh nhưng chị dần hồi phục khiến các bác sĩ ngạc nhiên.
Chia sẻ với phóng viên, anh Chiến cho hay, sau 3 năm yêu nhau, anh và vợ quyết định về chung một nhà bằng một đám cưới hạnh phúc vào tháng 12/2023. Cặp đôi cùng nhau kinh doanh một xưởng sản xuất đồ tre.
Mỗi ngày, người lo chốt đơn, người lo tìm kiếm nguồn khách hàng. Qua những ngày khó nhọc, đi ship (vận chuyển) từng đơn hàng, chia nhau nửa chiếc bánh mỳ mỗi khi nhỡ bữa, cặp đôi vẫn cảm thấy hạnh phúc vì được đồng hành bên nhau.
Cả hai ngỡ mình là người hạnh phúc nhất thế gian khi Trang mang thai con trai đầu lòng. Họ mong chờ đủ ngày, đủ tháng con sẽ chào đời để hoàn thành mảnh ghép gia đình.
Nhưng khi Phí Trang mang thai ở tháng thứ 6, biến cố bất ngờ ập đến.
Anh Nguyễn Đạt Chiến kể lại, một buổi sáng tỉnh dậy, vợ anh bất tỉnh trong nhà vệ sinh. Cả nhà tức tốc đưa chị Trang vào bệnh viện gần nhà sau đó chuyển lên tuyến trên.
Các bác sĩ chẩn đoán chị Trang bị xuất huyết não do mạch máu bị dị dạng bẩm sinh dẫn đến áp lực máu tăng và bị vỡ. Khi ấy sự sống ở trên não của chị Trang không còn, chỉ còn sự sống ở trái tim.
Chị Trang phải phẫu thuật mở hộp sọ để giảm áp suất máu và hút tụ máu. Nếu không phẫu thuật thì tiên lượng xấu, còn phẫu thuật thì tỷ lệ 10 người mới thành công được 1 người, chị Trang còn đối diện với nguy cơ sống thực vật.
Nghe bác sĩ nói, anh Chiến thấy mọi thứ như sụp đổ. Mới tối hôm trước, hai vợ chồng còn cùng nhau đi ăn, đi xem phim, nhưng ngày hôm sau, vợ đã rơi vào hôn mê kéo theo đó là vô số nguy cơ về sức khỏe.
"Bác sĩ khi ấy cũng nói giữ mẹ còn khó huống chi giữ con. Tia hi vọng để con trai nhìn thấy mặt trời gần như không có. Sự sống của vợ và con chỉ mong manh như sợi chỉ trong gió bão. Tôi sợ sẽ mất cả hai. Sau khi suy nghĩ, tôi quyết định giữ lại con trong bụng vợ khi vợ tiến hành ca phẫu thuật", anh Chiến nhớ lại.
Bên cạnh sự tận tình của các y bác sĩ, có lẽ nhờ sức mạnh về tình mẫu tử thiêng liêng mà chị Phí Trang đã hồi phục mạnh mẽ khiến các bác sĩ cũng phải ngạc nhiên.
Anh Chiến kể, vài giờ sau phẫu thuật, chị Trang đã cử động được chân tay, 1 ngày sau thì tỉnh lại, 4 ngày sau chị có thể ngồi cười nói với mọi người đến ngày thứ 8 thì đã nhớ lại mọi chuyện.
Khi vợ vượt qua được giai đoạn nguy kịch, anh Chiến lại thấp thỏm theo dõi thai nhi. Lòng anh như lửa đốt bởi trải qua một ca đại phẫu, vợ anh phải dùng nhiều loại thuốc với liều lượng cao nên anh lo lắng tác dụng phụ của thuốc sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi.
Cả hai đứng ngồi không yên khi bác sĩ cho biết thai nhi đạp kém, thiếu cân so với tuần thai kỳ. Trước tình cảnh ấy, chị Trang tự nhủ phải khỏe thật nhanh để con còn phát triển và hồi phục trước cả khi con trai ra đời để còn tự tay chăm sóc con. May mắn, thai nhi trong bụng cũng dần ổn định.
Anh Chiến thuê một nhân viên y tế vừa hỗ trợ chị Trang tập luyện, vừa hướng dẫn anh về mặt chuyên môn. Mỗi ngày, trừ lúc nghỉ ngơi, người chồng trẻ luôn cận kề bên vợ như hình với bóng để giúp vợ tập luyện, chăm sóc việc ăn uống, vệ sinh.
Anh tận dụng từng giây phút bởi theo lời bác sĩ 6 tháng đầu sau phẫu thuật là thời gian vàng để phục hồi, nếu bỏ qua giai đoạn này thì bệnh nhân dễ để lại di chứng.
Ngoài tập luyện, anh Chiến thiết kế cho vợ chế độ dinh dưỡng phù hợp, theo dõi sát sao để đảm bảo vợ ăn đủ bữa.
"Phụ nữ mang thai rất nhạy cảm, đằng này vợ tôi còn bị bệnh nặng, liệt nửa người nên tôi rất lo cho tâm lý của cô ấy. Tôi luôn dành nhiều thời gian nhất có thể để đồng hành bên vợ, quan tâm cô ấy để cô ấy cảm thấy bản thân có giá trị trong cuộc sống.
Việc chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ là để vợ cảm thấy thoải mái an tâm chữa trị và hồi phục", anh Chiến cho hay.
"Vợ tôi là một kỳ tích!"
Nhờ sự chăm sóc tận tình của chồng, chị Trang đã hồi phục nhanh chóng. 21 ngày sau ca mổ, phần cơ thể bị liệt của chị bắt đầu có cảm giác. 43 ngày sau, chị có thể ngồi ăn cơm cùng gia đình.
Quãng thời gian này, chị Trang vẫn đều đặn đi khám thai để theo dõi sát sao sự phát triển của con. Mỗi lần đi khám, chị nằm trên xe cứu thương và có người dìu từng bước để bảo đảm an toàn cho hai mẹ con.
Sau bao chờ đợi, lo âu, ngày 14/6, chị Trang hạ sinh con trai đầu lòng. Bé trai kháu khỉnh được đặt tên ở nhà là Gấu. Đó là kết quả ngọt ngào cho hành trình nghị lực của cặp vợ chồng trẻ.
Ngỡ mất cả vợ lẫn con nhưng cuối cùng, hạnh phúc vẫn mỉm cười với anh Chiến.
Nhìn lại những tháng ngày khó khăn, anh Chiến xúc động nói: "Vợ tôi là một kỳ tích và cuộc sống là một phép màu. Ai đang gặp khó khăn thì đừng vội buông tay và cứ tin vào kỳ tích vì những điều kỳ diệu trong cuộc sống vẫn có thể xảy ra.
Để truyền động lực và năng lượng tích cực cho mọi người, anh Nguyễn Đạt Chiến thường quay lại các video chăm sóc vợ con, hành trình hồi phục của chị Trang rồi chia sẻ lên mạng xã hội.
Cư dân mạng dành cho vợ chồng trẻ nhiều lời chúc phúc. Nhiều người cũng cảm ơn anh vì đã chia sẻ những thông điệp tích cực về hôn nhân, tình cảm vợ chồng.
Ngoài chia sẻ về hành trình hồi phục của vợ và tinh thần lạc quan cho mọi người, anh Nguyễn Đạt Chiến còn mong muốn qua kênh nội dung sẽ nhận thêm những lời động viên bên ngoài để vợ có động lực luyện tập, phục hồi. Những video hàng triệu lượt xem cứ thế lan tỏa năng lượng 2 chiều đến cả người quay dựng và người xem.
Hiện chị Trang vẫn tiếp tục hành trình trị liệu, phục hồi để chuẩn bị cho ca phẫu thuật cấy mô vào tháng 9 tới. Anh Chiến ngoài việc đồng hành cùng vợ mỗi ngày, còn đảm nhiệm cả việc chăm sóc con, cho con ăn, dỗ con ngủ, tắm cho con…
Dành cho vợ con 15 giờ mỗi ngày nên gần như anh không còn nhiều thời gian dành cho mình. Anh tận dụng từng phút để giải quyết công việc, hay lo chuyện cá nhân.
Hai bên gia đình hỗ trợ cho anh rất nhiều nhưng người đàn ông này muốn được tự tay chăm sóc vợ con bởi theo anh, sự đồng hành, chia sẻ là một trong những liều thuốc tốt nhất cho vợ.