Hồi sinh từ cửa tử của cặp vợ chồng thoát chết trong đám cháy ở Trung Kính

Minh Nhân

(Dân trí) - Chỉ sau 5 phút, ngọn lửa bao trùm toàn bộ căn phòng. Vợ chồng anh Hải cố thủ trong nhà tắm, nhắn tin: "Mẹ ơi, con yêu bố mẹ, chúng con chết cháy rồi".

"Mẹ ơi, con yêu bố mẹ, chúng con chết cháy rồi"

Ngày 25/5, Công an TP Hà Nội đã quyết định khởi tố vụ án với tội danh Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy, theo điều 313 Bộ luật Hình sự, để điều tra vụ cháy nhà trọ ở Trung Kính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) khiến 14 người tử vong. 

Trong số 6 người bị thương, vợ chồng anh Nguyễn Hải (tên nhân vật đã thay đổi, 35 tuổi) và chị Quỳnh Hoa (tên nhân vật đã thay đổi, 30 tuổi, làm giáo viên) đã sống sót nhờ cố thủ trong nhà tắm khoảng 1 tiếng cho đến khi được giải cứu.

5 ngày sau biến cố lớn nhất cuộc đời, chị Quỳnh Hoa nhận lại điện thoại từ cơ quan chức năng. Mở máy lên, chị bất chợt nhìn thấy tấm ảnh chụp màn hình hiển thị thời khắc "00:44 ngày 24/5", khi ngọn lửa bắt đầu nhấn chìm toàn bộ dãy trọ. 

Thời điểm đó, anh Nguyễn Hải đang ngủ trong phòng trọ tầng 2 thì chợt tỉnh giấc từ tiếng nổ lớn.

Anh vội gọi chị Hoa dậy, bảo "cháy rồi", rồi cuống cuồng tìm điện thoại, dặn vợ vào nhà vệ sinh thấm nước vào khăn tắm để hai vợ chồng chạy ra ngoài.

Xông ra hành lang, anh thấy khói lửa bốc lên từ khoảng sân tầng một, tiếng hô hoán, la hét thất thanh của nhiều người xung quanh. Sau 2 tiếng nổ, lửa tràn vào khắp các khu phòng, cháy lan sang cửa sổ phòng vợ chồng anh. 

Hồi sinh từ cửa tử của cặp vợ chồng thoát chết trong đám cháy ở Trung Kính - 1

Đám cháy bùng phát từ cổng và sân, án ngữ lối thoát duy nhất của cả dãy trọ (Ảnh: Ngọc Tân).

Ngôi nhà gặp nạn gồm nhà hai tầng và một tum là nơi gia chủ sinh sống, cùng nhà trọ 3 tầng (mỗi tầng 4 phòng). Giữa hai ngôi nhà có khoảng sân lợp mái 55m2 để xe máy, xe đạp, xe đạp điện và cửa hàng sửa chữa xe điện của con trai chủ nhà.

Khi lửa bùng lên từ khoảng sân để xe máy, lối thoát hiểm duy nhất của khu trọ là cổng chính nhưng đã bị "bà hỏa" bịt kín.

"Nếu chạy ra ngoài, chắc chắn vợ chồng tôi sẽ chết", anh Hải chợt nghĩ, vội trở vào phòng, đóng kín cửa.

Trong khoảnh khắc quyết định, vợ chồng anh tìm nhiều vải để thấm nước, quấn thành nhiều lớp, che lên miệng và mũi rồi cố thủ trong nhà vệ sinh.

"Trước mắt tôi, lửa bao trùm, muốn ùa vào phòng. Chồng đóng sập cửa, cả hai chui vào nhà tắm, lấy khăn thấm nước quàng lên, rút giấy vệ sinh thấm nước bịt kín tai và miệng", chị Hoa nhớ lại.

Lúc đó, nữ giáo viên nghe thấy tiếng lửa cháy rất lớn, tiếng hàng xóm la hét kêu cứu. Theo phản xạ, chị cũng hét lên vì nghĩ chắc chắn đêm nay "hai vợ chồng sẽ không qua khỏi".

Hồi sinh từ cửa tử của cặp vợ chồng thoát chết trong đám cháy ở Trung Kính - 2

Căn nhà cháy trơ khung bị phong tỏa sau vụ cháy (Ảnh: Mạnh Quân).

Đến 0h49, chị chỉ kịp nhắn tin cho mẹ ở nhà: "Mẹ ơi, con yêu bố mẹ, chúng con chết cháy rồi". Cặp đôi bật đèn điện thoại, ngồi gần bồn cầu, liên tục lấy nước vỗ vào mặt để tỉnh táo.

Bên ngoài cháy lớn, lan đến cửa chính và cửa sổ nhà anh Hải, bên trong khói đen đã tràn ngập phòng tắm.

Nhớ lại kinh nghiệm thoát nạn sau nhiều vụ hỏa hoạn trước đó, người đàn ông nhận ra điều then chốt là cố gắng giữ bình tĩnh, dặn vợ không la hét nữa.

Một tay bịt kín mũi miệng, tay kia anh cầm ghế nhựa đập vào cửa để gây tiếng động, cố gắng thu hút sự chú ý của lực lượng chức năng.

Họ chờ đợi khoảnh khắc nghe thấy tiếng xịt nước từ đội cứu hộ, chỉ khi đó họ mới có chút hi vọng sống sót.

Dự định tìm chỗ ở an toàn, có lối thoát hiểm

Nhận tin báo cháy, Công an thành phố đã điều động 50 cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng đến hiện trường, phối hợp chính quyền và người dân địa phương chữa cháy, cứu hộ cứu nạn.

Nhận thấy tình hình có vẻ ổn định, giảm khói đen, vợ chồng anh Hải lao ra cửa chính kêu cứu. Các lực lượng phá khóa cổng chính tiếp cận bên trong ngôi nhà, cứu được 3 người gồm vợ chồng anh Hải và cụ bà 85 tuổi.

Sau 10 phút, đám cháy cơ bản được khống chế, không cháy lan sang các hộ gia đình liền kề. Lực lượng chức năng tiếp tục tổ chức phun nước chữa cháy, làm mát cấu kiện, tổ chức tìm kiếm người bị nạn và cứu nạn.

"Sau một tiếng cố thủ trong căn nhà bốc cháy, may mắn chúng tôi được các chiến sĩ giải cứu ra ngoài", anh Hải nói.

Người đàn ông cố trấn an bản thân, quay sang dặn vợ không hoảng loạn vì "được sống rồi".

Xuống mặt đất, ra khỏi cổng nhà, chị Hoa được đội y tế 115 cho thở oxy rồi bê lên cáng, đưa đến Bệnh viện Giao thông vận tải cấp cứu. Anh Hải xuất hiện dấu hiệu khó thở, cũng được đưa đến bệnh viện, nằm cùng khoa cấp cứu với vợ.

Hồi sinh từ cửa tử của cặp vợ chồng thoát chết trong đám cháy ở Trung Kính - 3

Vụ cháy khiến đồ đạc trong một căn phòng bị hư hỏng nặng (Ảnh: Gia Linh).

Chiều cùng ngày, vợ chồng anh được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Cả hai đều trong tình trạng thở oxy, tỉnh táo có thể giao tiếp với nhân viên y tế. Ngay sau khi nhập viện, họ được chỉ định đi nội soi tai mũi họng, chụp X - Quang, làm xét nghiệm, truyền dịch, truyền kháng sinh.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, cho biết hai bệnh nhân hít phải bụi than và khói nhiều, có triệu chứng của nhiễm độc như nôn, buồn nôn, nhiễm toan chuyển hóa, ho khạc than hoạt, viêm phổi...

Sau một ngày điều trị tích cực, tình trạng viêm phổi đã cải thiện, hết toan chuyển hóa, tuy nhiên vẫn phải tiếp tục theo dõi.

Ngoài các thuốc giải độc, họ còn được chỉ định điều trị oxy cao áp để dự phòng biến chứng về tâm thần và thần kinh muộn.

Anh Hải kể hai vợ chồng mới lấy nhau được 1 năm, thuê trọ tại khu Trung Kính khoảng 3-4 tháng thì gặp nạn. Hàng xóm chủ yếu là người lao động, ít giao tiếp với nhau do phần lớn thời gian trong ngày đi làm.

Vượt qua biến cố cuộc đời, vợ chồng anh rút ra nhiều kinh nghiệm sinh tồn. Họ dự định tìm chỗ ở an toàn, có ban công trước hoặc sau thì càng tốt, hoặc có lối thoát hiểm có thể trèo sang sân thượng hàng xóm; trang bị thêm mặt nạ chống độc; chọn lọc kiến thức xử lý khi xảy ra cháy.

Theo chị Hoa, điều then chốt là phải luôn bình tĩnh, sử dụng khăn tắm, khăn mặt hoặc áo nhúng nước bịt kín mũi, miệng, tránh hít phải khí độc, sau đó tìm chỗ an toàn để trú ẩn. 

Chị cũng khuyến cáo người dân gọi điện đến 114 (hoặc các đường dây nóng khẩn cấp khác) để được hướng dẫn cách xử lý trong tình huống cấp bách.

"Quan trọng nhất, nếu có thể giữ máy liên tục để đội cứu hộ biết bạn còn sống, ở khu vực nào thì bạn sẽ được giải cứu nhanh nhất. Điều này tôi đã thoáng nghĩ đến nhưng không làm được vì không đủ bình tĩnh", chị Hoa nói.