PhotoStory

22 ngày cô lập do lũ, người Hà Nội đi thuyền ở sân, đưa tang bằng máy cày

Thực hiện: Phạm Hồng Hạnh - Nguyễn Hà Nam

(Dân trí) - Trong khi người dân nhiều vùng bị ngập lụt do ảnh hưởng của cơn bão số 3 ở Hà Nội đã trở về với nhịp sống thường ngày thì nhiều hộ dân ở "rốn lũ" Nam Phương Tiến vẫn thấp thỏm chờ nước rút.

22 ngày cô lập do lũ, người Hà Nội đi thuyền ở sân, đưa tang bằng máy cày - 1

Ngày 1/10 là ngày thứ 22 nhiều thôn ở xã Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội bị ngập sâu. Không ít gia đình vẫn phải di tản, chịu cảnh chia năm xẻ bảy, mỗi người ở nhờ một nơi, chưa thể về nhà.

22 ngày cô lập, người Hà Nội thấp thỏm chờ nước rút, đưa tang bằng máy cày (Video: Hồng Hạnh - Hà Nam; Biên dựng: Cẩm Tiên).

22 ngày cô lập do lũ, người Hà Nội đi thuyền ở sân, đưa tang bằng máy cày - 2

Đường làng thuộc thôn Hạnh Bồ, xã Nam Phương Tiến nước vẫn ngập cao trên 1m. Nơi đây dẫn ra một số khu trang trại của người dân. Nhiều ngày nay, do mưa lũ, các trang trại bị cô lập, nhiều vật nuôi đã được đưa đi nơi khác tránh trú.

22 ngày cô lập do lũ, người Hà Nội đi thuyền ở sân, đưa tang bằng máy cày - 3
22 ngày cô lập do lũ, người Hà Nội đi thuyền ở sân, đưa tang bằng máy cày - 4

Thôn Nhân Lý là một trong 4 thôn ngập nặng nhất xã Nam Phương Tiến. Tại xóm Đồng Rạch thuộc thôn này, khoảng 20 hộ gia đình vẫn phải đi ở nhờ nhà người quen hoặc đến lưu trú tại các địa điểm được chính quyền địa phương sắp xếp. Mỗi hộ dân chỉ cắt cử 1 người ở lại để trông coi nhà cửa.

22 ngày cô lập do lũ, người Hà Nội đi thuyền ở sân, đưa tang bằng máy cày - 5
22 ngày cô lập do lũ, người Hà Nội đi thuyền ở sân, đưa tang bằng máy cày - 6

Mực nước khi lũ về dâng cao 2-3m. Tới ngày 1/10, nhiều điểm trong xóm Đồng Rạch vẫn ngập sâu từ 1m đến 1m3. Phương tiện di chuyển trong xóm chỉ có thuyền nhôm, thuyền thúng.

22 ngày cô lập do lũ, người Hà Nội đi thuyền ở sân, đưa tang bằng máy cày - 7

Bà Nguyễn Thị Đính, 70 tuổi, thôn Nhân Lý cho biết, ngay sau khi bão Yagi đổ bộ, nước lên nhanh chỉ trong vài giờ. Nước ngập vào sân rồi dần nhấn chìm gian nhà ngang chỉ để lộ phần mái. Từ ngày 9/9, theo yêu cầu của chính quyền địa phương, bà Đính cùng chồng phải di dời khẩn cấp.

Tới nay, bà Đính phải chịu cảnh "ăn nhờ ở đậu" nhiều ngày. Bà nhận được sự trợ giúp của  họ hàng, các nhà hảo tâm. 

22 ngày cô lập do lũ, người Hà Nội đi thuyền ở sân, đưa tang bằng máy cày - 8

Bà Đính cho biết, đường trước nhà nước mới rút được một ngày nhưng sân nhà bà vẫn ngập sâu tới ngang hông. Bà phải chèo thuyền trong sân để đưa lương thực vào nhà và di chuyển lên bậc hiên để dọn dẹp.

"Tôi mới mua chiếc thuyền mới giá 1,6 triệu đồng. Mấy hôm trước, tôi và chồng đi thuyền trong sân nhà, lúc bước lên chòng chành bị ụp thuyền. Thời điểm đó, nước vẫn ngập sâu tới ngực. May mắn chúng tôi mặc áo phao nên không ai bị sao cả", bà Đính kể. 

22 ngày cô lập do lũ, người Hà Nội đi thuyền ở sân, đưa tang bằng máy cày - 9
22 ngày cô lập do lũ, người Hà Nội đi thuyền ở sân, đưa tang bằng máy cày - 10

Một gia đình tại thôn Nam Hài không may có người thân qua đời. Đường từ nhà ra đầu ngõ vẫn bị ngập sâu, gia đình buộc phải huy động nhiều thuyền, ca nô để đưa tang. Một chiếc máy cày được chế thêm chiếc ca nô cứu hộ phía trên tham gia lễ di quan, tiễn đưa người quá cố.

22 ngày cô lập do lũ, người Hà Nội đi thuyền ở sân, đưa tang bằng máy cày - 11
22 ngày cô lập do lũ, người Hà Nội đi thuyền ở sân, đưa tang bằng máy cày - 12

Sau bữa trưa tại nhà bố đẻ, anh Nguyễn Văn Quân, thôn Hạnh Bồ đi xe đạp về nhà. Đoạn sân ngập sâu, anh Quân phải vác xe qua.

Anh Quân cho biết, gia đình anh và gia đình em trai sống cạnh nhau nhưng suốt gần một tháng qua phải ăn ở nhà bố để cách đó gần 1km. Nước dâng cao lên gần tầng 2 mới rút được vài hôm, nước sạch chưa có trở lại nên ngôi nhà của anh vẫn như một ốc đảo cô lập. 

22 ngày cô lập do lũ, người Hà Nội đi thuyền ở sân, đưa tang bằng máy cày - 13

Nhà bà Đinh Thị Thịnh ở gần đường liên xã nên nước rút nhanh hơn. Tranh thủ nước vừa rút, bà khuấy bùn trong sân nhà và vớt các loại rác thải từ khắp nơi dồn về.

Bà Thịnh cho biết, chỉ trong 1,5 tháng, nơi bà sinh sống hứng chịu 2 trận lũ. Chồng và con bà phải ở nhờ nhà người quen, bà rút lên tầng 2 bám trụ ở nhà để trông coi đồ đạc. Khi nước rút, ngôi nhà của bà tan hoang như thể vừa lôi từ dưới bùn lên. 

22 ngày cô lập do lũ, người Hà Nội đi thuyền ở sân, đưa tang bằng máy cày - 14

Trước nhà ông Nguyễn Văn Quang vẫn còn chiếc thuyền tự chế của thôn. Ông Quang kể, chiếc thuyền giúp người dân vận chuyển gia súc, gia cầm, thóc lúa, đồ điện tử...

Đa số các hộ dân trong thôn chỉ có thuyền thúng, thuyền nhôm nhỏ nên chiếc thuyền này rất hữu ích để "chạy" đồ đạc. Nhiều ngôi nhà trong thôn ông Quang ở vẫn bị ngập giữa biển nước nên các loại thuyền tự chế, ca nô... là phương tiện vô cùng hữu ích. 

22 ngày cô lập do lũ, người Hà Nội đi thuyền ở sân, đưa tang bằng máy cày - 15
22 ngày cô lập do lũ, người Hà Nội đi thuyền ở sân, đưa tang bằng máy cày - 16

Do ảnh hưởng của lũ lụt, nhiều tuần nay Trường tiểu học Nam Phương Tiến A không thể đón học sinh tới trường. Sau lễ khai giảng 1-2 hôm, học sinh trong trường phải nghỉ học, tới học nhờ tại một số trường trong khu vực.

Trong ảnh, cô Cao Thị Xuân Hồng chỉ vết thấm do nước lũ dâng cao trong lớp. Trước đó, ngay khi lũ về, cô Hồng và các đồng nghiệp đã vận chuyển bàn ghế, đồ dùng học tập của các con học sinh lên tầng 2. Ngày 1/10, các cô giáo của trường tranh thủ dọn dẹp, dự kiến đón học sinh trở lại vào thứ năm.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3, nước sông Bùi dâng cao, 4 thôn trong xã là Nam Hài, Nhân Lý, Hạnh Bồ và Hạnh Côn bị ngập sâu, ảnh hưởng nặng nề tới 427 hộ với 2006 nhân khẩu.

Khoảng 150ha lúa bị đổ, 25ha hoa màu thiệt hại. Hiện tại nước vẫn ngập sâu tại nhiều điểm thôn gây xáo trộn cuộc sống và ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của người dân.

UBND xã Nam Phương Tiến đã bố trí điểm sơ tán tập trung tại trụ sở Ban chỉ huy Quân sự và Nhà văn hóa thôn Đồi Mít, điểm thôn Đồi Miễu, Đông Nam, thiết lập 1 điểm tập trung tại trạm y tế B để đón học sinh sơ tán từ các địa phương khác về sinh sống và học tập. Ngoài ra, xã cũng cắt cử lực lượng vận chuyển nhu yếu phẩm cấp phát cho các hộ dân bị ảnh hưởng do ngập úng.