Tâm điểm
Dương Trung Quốc

Ứng xử với môn sử

Ứng xử với môn sử - 1

Ở cấp học trung học cơ sở, nội dung giáo dục lịch sử được tích hợp trong môn Lịch sử và Địa lí, là môn học bắt buộc ở tất cả các lớp; còn lên trung học phổ thông dự kiến là môn tự chọn (Ảnh minh họa).

Bảy năm trước, tôi là một trong số 448 đại biểu (trên tổng số 456) đã ấn nút thông qua nghị quyết của Quốc hội khóa XIII, với yêu cầu "tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới".

Bối cảnh dẫn đến việc Quốc hội đưa ra yêu cầu nêu trên là: Cuộc tranh luận về chủ trương thay đổi giảng dạy bộ môn Lịch sử trong trường phổ thông, từ một bộ môn độc lập sang tích hợp với môn mới mang tên "Công dân với Tổ quốc". Nhiều ý kiến lo ngại tích hợp như vậy thì môn sử sẽ bị "khai tử", không còn tên trong chương trình giáo dục mới. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo lúc đó giải thích rằng Bộ dự kiến tích hợp môn Lịch sử, Giáo dục công dân và Giáo dục quốc phòng để tránh sự trùng lặp. Trong chương trình, môn Lịch sử không hề bị coi nhẹ, mà còn có sự gia tăng về nội dung và khối lượng kiến thức. Hơn nữa, ngoài các nội dung Lịch sử được giảng dạy trong phần Công dân với Tổ quốc, ở những môn học khác, Bộ cũng dự kiến có giảng dạy Lịch sử…

Cốt lõi của cuộc tranh luận trên là "tích hợp hay không" môn Lịch sử, nhưng cách triển khai của ngành Giáo dục đã khiến phần nào dư luận và nhiều vị đại biểu cảm thấy môn sử bị "coi nhẹ", không còn vị trí là một bộ môn độc lập trong chương trình giáo dục phổ thông. Đại biểu Lê Văn Lai đến từ Quảng Nam thậm chí còn phát biểu trên nghị trường rằng đây là sự thay đổi "xáo trộn tận tâm can". Chính vì vậy, trong nghị quyết của Quốc hội đã ghi vào một câu yêu cầu giữ môn Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa. 

Ngoài câu chuyện "tích hợp hay không?", vấn đề môn Lịch sử là "tự chọn hay bắt buộc" cũng đã bắt đầu được đề cập đến từ năm 2015. Theo dự kiến, nếu ở tiểu học và trung học cơ sở, Lịch sử được tích hợp trong bộ môn khoa học xã hội theo dạng bắt buộc, thì ở cấp trung học phổ thông, môn học này sẽ phân hóa trở lại trong các môn tự chọn. Từ 7 năm trước, đã có rất nhiều ý kiến gay gắt xung quanh vấn đề này, nhưng dường như chúng ta đã không được chứng kiến một quá trình nghiên cứu và giải thích thấu đáo. Để rồi hôm nay lại dấy lên cuộc tranh luận mới với những ý kiến ngược chiều nhau về môn Lịch sử.

Vấn đề trở thành nổi cộm vào thời điểm này liên quan đến chương trình cấp trung học phổ thông (lớp 10, 11, 12). Theo thiết kế chung đây là giai đoạn thực hiện việc "phân luồng". Và để phân luồng thì phải xử lý theo hướng định lượng được thời gian, khối lượng và nội dung học cho mỗi nhóm học sinh có sự lựa chọn khác nhau theo nguyện vọng hướng nghiệp của mình. Vấn đề ở chỗ các em lựa chọn nghề chứ không phải là lựa chọn môn học. Trong khi đó tư duy của các nhà thiết kế (soạn thảo chương trình) thì lại đưa ra việc lựa chọn môn học. 

Đúng là muốn "phân luồng" hay "hướng nghiệp" thì phải thiết kế cho mỗi luồng một chương trình ấn định học cái gì, thời lượng bao nhiêu để phù hợp với việc tăng cường khối lượng tiếp thu cho các em đi theo luồng ấy, nghề ấy. Nhưng trong các văn bản chỉ đạo, không khi nào đặt ra việc chọn môn này hay môn kia một cách tuyệt đối, bỏ môn này đối với nhóm này, bỏ môn khác đối với nhóm khác. Chính vì vậy, khi coi môn lịch sử là một "tự chọn" hay "không bắt buộc" (những khái niệm do các nhà soạn thảo chương trình đưa ra) thì sẽ tạo ra sự không bình đẳng ít nhất giữa 3 môn học đã được Luật định. Tại điều 30, Luật giáo dục 2019 nêu rõ "Giáo dục trung học cơ sở củng cố, phát triển nội dung đã học ở tiểu học, bảo đảm cho học sinh có hiểu biết phổ thông cơ bản về tiếng Việt, toán, lịch sử dân tộc; kiến thức khác về khoa học xã hội, khoa học tự nhiên…". Và giáo dục trung học phổ thông "củng cố, phát triển nội dung đã học ở trung học cơ sở…". Nghĩa là luật định 3 môn tiếng Việt, toán, lịch sử dân tộc có vị trí như nhau trong chương trình trung học cơ sở, qua chương trình trung học phổ thông thì yêu cầu "củng cố" và "phát triển".

Luật định như vậy, trong khi có môn được quy định "tự chọn" hay "không bắt buộc", và có những môn lại "bắt buộc", tất yếu nảy sinh sự so sánh và dễ dẫn đến điều mà các nhà soạn thảo cho là "hiểu nhầm".

Theo tôi, vào thời điểm này nên nỗ lực suy nghĩ và chỉnh sửa không để Chương trình một lần nữa bị ngưng trệ, khi nó đang vận hành theo đúng lộ trình của cuộc thay đổi quan trọng này. Và nếu thể chỉ cần từ bỏ khái niệm "tự chọn" hay "bắt buộc" hoặc "không bắt buộc", đồng thời tính toán kết cấu kiến thức cần trang bị cho học sinh của các nhóm khác nhau với nội dung và thời lượng hợp lý. Về môn toán và tiếng Việt chắc cơ bản không còn vấn đề. Vậy thì vấn đề chỉ là giải đáp câu hỏi: Các học sinh ở 3 lớp cuối phổ thông có cần học môn "lịch sử dân tộc" không, học bao nhiêu là hợp lý và học cái gì?.

Tôi tin là những người có trách nhiệm và am hiểu về giáo dục phổ thông sẽ bàn tính và giải đáp được vấn đề này. Nếu như cho các học sinh lớp 10, lớp 11 (và kể cả lớp 12 nếu cần) học thêm một số tiết (dù là tối thiểu) để trang bị cho các em về phương pháp tư duy lịch sử, về các đề tài mang tính tổng hợp (không chỉ truyền bá kiến thức như ở trung học cơ sở) hay một số vấn đề lịch sử mang tính thời đại đang tác động vào đời sống đương đại (như hội nhập, chủ quyền…), và đương nhiên có thể phải bớt đi phần nào một cách hợp lý thời lượng của các môn khác thì cũng là điều khả dĩ. 

Vả lại không chỉ có những môn như Quốc phòng có thể "tích hợp" với sử một cách thuận lợi (như về chiến tranh nhân dân thì chẳng gì bằng học qua lịch sử); trong môn tiếng Việt có không ít những đề tài văn học gắn với lịch sử, vốn là "văn sử bất phân"… Và ngay cả với toán học thiếu gì những chuyên đề liên quan đến định lượng trong các môn học của khoa học lịch sử (khảo cổ, thống kê lịch sử…).  

Phải thành thật mà nói, nguyên nhân dẫn đến cơ sự này, phải chăng vì chúng ta chưa tiếp cận thấu đáo đây là một chính sách hết sức quan trọng, với những bước đi đồng bộ trong xây dựng chương trình và nhất là chuẩn bị đội ngũ thực hiện.

Việc học môn sử ở nhà trường không phải là tất cả, nhưng vô cùng hệ trọng với sự hình thành và phát triển nhân cách lâu dài và bền vững. Tôi không phải là nhà giáo dục nên chỉ biết nói đến thế mà thôi.

Tác giả: Ông Dương Trung Quốc là nhà nghiên cứu sử học, đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa XI đến khóa XIV (20 năm).

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!