Dạy lịch sử, bao lâu là đủ?
Câu hỏi đang được nhiều người đặt ra: Đưa lịch sử thành môn tự chọn ở cấp phổ thông trung học có khiến người Việt Nam bớt yêu lịch sử?
Cuộc tranh luận này lấy tiêu chí thời-gian-học để đo lường hiệu quả của môn lịch sử. Và đó là một cách đặt vấn đề... có vấn đề.
Hãy thử ví dụ môn Giáo dục công dân. Trong nội dung môn Giáo dục công dân sẽ có một số các nền tảng pháp luật và đạo đức cơ bản. Nhưng không ai ngây thơ đến mức nghĩ rằng được 9,5 môn Giáo dục công dân thì một bạn trẻ 18 tuổi sẽ trở thành công dân tốt. Còn phải học cả đời. Nhất là các nội dung pháp luật - thứ thực ra là một chuyên ngành nghiên cứu rộng lớn.
Lịch sử cũng như thế. Trong giáo trình lịch sử cũ ở các cấp giáo dục phổ thông, các nhà viết sách cũng chỉ tóm tắt được khá ngắn gọn về lịch sử Việt Nam và một số giai đoạn trong lịch sử loài người. Đó là nền tảng (và thỉnh thoảng người ta vẫn tranh luận xem ngay cả tính nền tảng thì nó đã đủ chưa, ví dụ như Cuộc chiến tranh Biên giới 1979).
Ngoài nền tảng ấy, "Lịch sử" là một khái niệm rộng lớn, trong đó có cả lịch sử của những vùng đất, những con đường, những gia đình. Hay thậm chí, lịch sử nằm trong một món ăn. Và tình yêu với quốc gia, sự gắn kết của một dân tộc hình thành từ tất cả những mảnh ghép như thế.
Nếu đã bàn đến tình yêu, đó là thứ phải học cả đời.
Các tranh luận về việc biến lịch sử thành môn học tự chọn ở cấp THPT đang tập trung vào thời lượng của việc dạy lịch sử. Câu hỏi đang được nhiều người đặt ra: Dạy 6 năm (từ lớp 4 đến lớp 9) so với dạy 9 năm (từ lớp 4 đến lớp 12) thì cái nào tốt hơn cái nào.
Cách so sánh này sai từ cách đặt vấn đề. Vì hiệu quả của "học lịch sử" không phải là thứ đo bằng 6 năm hoặc 9 năm. Để dễ hiểu, hãy tưởng tượng một quan chức không biết gì về lịch sử hình thành của tỉnh nhà, không biết gì về nguồn gốc các nền văn hóa bản địa, không biết lý do tồn tại của những cái nông trường, những nhà máy. Nếu có ai bàn tán, anh ta sẽ nói: "Ngày xưa cả 9 năm học lịch sử tôi đều được trung bình tám phảy. Tôi không việc gì phải học nữa". Chả liên quan.
Sẽ bi hài hơn nữa bạn tưởng tượng anh này có khả năng ra trước vành móng ngựa và nói: "Ngày xưa cả sáu năm học giáo dục công dân tôi đều được trung bình tám phảy, xin tòa tuyên vô tội".
Chín năm không có ý nghĩa gì nếu nó không truyền được cho người ta lòng ham hiểu biết, khả năng tự học và tự đọc về lịch sử. Chín năm và sáu năm đều có thể vô nghĩa như nhau, nếu lịch sử là thứ để học thuộc lòng và ghi nhớ các con số liên tiếp mà không hiểu được vẻ đẹp của chúng. Và câu hỏi đúng ở đây, không phải là "Dạy lịch sử bao nhiêu năm?" mà là "Dạy lịch sử như thế nào?".
Suốt những năm tháng phổ thông, lịch sử với tôi là một cực hình. Năm lớp 9 là một đỉnh điểm, khi tôi đạt 9 phảy Toán, Lý, Hóa, Sinh, Anh văn và có nguy cơ còn chẳng được cả học sinh tiên tiến: điểm lịch sử của tôi chớm dưới trung bình. Tôi không có khả năng học thuộc lòng bất kỳ thứ gì.
Cô giáo dạy lịch sử năm đó cũng không giấu nổi thái độ bực bội: trước mắt cô là một học sinh đầy vẻ chống đối, không thể nhớ được Cách mạng tháng Mười diễn ra vào tháng mấy; nhưng từ cán bộ lớp, các bạn học, cho đến cô giáo chủ nhiệm đều đến "nói khó" với cô để tôi được làm lại các bài kiểm tra, lên điểm đặng còn đạt học sinh giỏi.
Có một lần, cô đã cáu trước lớp. Hôm ấy một cậu bạn ngồi bên cạnh lên bục giảng và nài nỉ, cô cho Hoàng làm lại bài, bạn ấy có khi mất học sinh giỏi. Cô quát: "Bạn ấy cảm thấy cần thì bạn ấy lên gặp tôi? Sao anh phải xin hộ?".
Phải chú thích thêm là không phải tôi giỏi lấy lòng bạn bè. Chỉ là trong các môn tự nhiên, tôi đủ thời gian làm bài của mình và nhắc bài tất cả các bạn xung quanh trong giờ kiểm tra. Mỗi lịch sử là không học được.
Sau này, giải báo chí Quốc gia duy nhất trong đời làm báo của tôi đến từ một chủ đề lịch sử. Những cơ hội công việc tốt nhất của tôi trong đời làm báo, đều đến từ các chủ đề lịch sử. Tôi đi xuyên lại Tây Trường Sơn và đến những ngôi làng trên đất Lào còn nguyên những trái bom Mỹ chất đầy - 40 năm sau ngày thống nhất. Tôi đội nắng lang thang khắp các khu chợ Sài Gòn, vì nghe người ta mách, có một bác xe ôm từng mặc cả hai màu áo lính, là lính chế độ cũ rồi đến khi đánh Pol Pot lại thành bộ đội. Nhân vật hiếm gặp quá. Tôi mất cả tuần tìm ông, chỉ để ngồi trò chuyện nửa tiếng.
Năm nọ, tôi lặn lội ở đất Hong Kong tìm bằng được con phố nơi nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam - chỉ để chụp một bức ảnh - không viết bài hay thậm chí đăng facebook. Tôi đến chỉ để xác minh là đa số sử liệu Việt Nam (kể cả các bảo tàng) đều viết sai tên con phố này. Phố tên là "Tam Kung", còn bạn Google sẽ thấy rất nhiều báo chí, tư liệu viết là "Tam Lung".
Tôi đoán, một cán bộ nghiên cứu nào đó đã gõ nhầm chữ K thành L vì chúng ở cạnh nhau và mọi người cứ thế copy/paste.
Tôi đã yêu lịch sử đến mức hài lòng khi được chạm vào nó, chứ không còn là nghề mưu sinh nữa.
Sự khác nhau là gì? Là ở phần sau của cuộc đời, tôi đọc lịch sử theo cách mình muốn, tìm kiếm những điều mình cho là thú vị và có ý nghĩa, tự nghiên cứu và khai thác những mảnh quặng của riêng mình từ mỏ vàng lịch sử.
Còn ở phần trước, đó chỉ là một nghĩa vụ để đạt danh vị học sinh giỏi. Tôi không nhìn thấy ý nghĩa gì ở việc đó. Hoàn toàn không.
Học lịch sử trong trường phổ thông, 9 năm hay 6 năm là đủ? Câu trả lời là nếu không thể truyền dạy ý nghĩa thực sự của lịch sử đến các em học sinh, thì một năm cũng là thừa. Và nếu có thể khiến các em hiểu, liên hệ được lịch sử với bản thân, với cộng đồng, với gia đình và yêu thích những câu chuyện quá khứ - thì một tháng cũng là đủ.
Tác giả: Đức Hoàng là cây viết với góc nhìn sắc bén, đa chiều về những vấn đề gai góc hướng tới nhóm người nghèo và yếu thế trong xã hội. Anh từng phụ trách chuyên mục bình luận - quan điểm ở báo Lao Động, VnExpress.