Tranh cãi vì Lịch sử trở thành môn học tự chọn

Mỹ Hà

(Dân trí) - Ngoài các môn học bắt buộc, từ năm học 2022-2023, ở bậc THPT môn Lịch sử trở thành môn học lựa chọn. Nhiều ý kiến tranh cãi quanh vấn đề này.

Sẽ rất ít học sinh chọn 

Theo quy định ở Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bậc THPT là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Từ lớp 10, học sinh sẽ học các môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục địa phương.

Ngoài các môn học bắt buộc, học sinh sẽ lựa chọn 5 môn học từ 3 nhóm cụ thể: Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).

Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập để đáp ứng nhu cầu người học vừa đảm bảo phù hợp điều kiện đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các nhà trường.

Tranh cãi vì Lịch sử trở thành môn học tự chọn - 1

Ngoài các môn học bắt buộc, từ năm học 2022-2023, ở bậc THPT môn Lịch sử trở thành môn học lựa chọn (Ảnh: M.H).

Trên một số diễn đàn giáo viên và nhà quản lý giáo dục, nhiều ý kiến lo ngại, việc đưa Lịch sử vào môn tự chọn sẽ rất ít em lựa chọn bởi lâu nay học sinh vốn đã "sợ" môn Lịch sử.

Một giáo viên xin giấu tên cho biết, đổi mới là xu thế tất yếu nhưng nên dựa vào vai trò và đặc thù vị trí của từng môn học.

Lịch sử dân tộc và thế giới gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của mỗi quốc gia. Đặc biệt, Lịch sử xem như sợi dây kết nối từ quá khứ tới hiện tại nên cần thiết phải đưa vào môn học bắt buộc.

Đặc biệt ở Mục 10, Nghị quyết số 113/2015/QH13 của Quốc hội cũng ghi rõ: Thực hiện đổi mới Chương trình SGK phổ thông bảo đảm mục tiêu, yêu cầu và nội dung Nghị quyết số 88/2014/QH 13 của Quốc hội về đổi mới Chương trình SGK giáo dục phổ thông. Tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới.

Tranh cãi vì Lịch sử trở thành môn học tự chọn - 2

Nhà trường, giáo viên phải thay đổi cách dạy học để các em có thêm đam mê với Lịch sử (Ảnh: T.L).

Làm sao duy trì lựa chọn môn Lịch sử?

Lý giải về lý do đưa Lịch sử thành môn học tự chọn, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cho rằng, chương trình mới quy định 14 nội dung giáo dục. Mỗi nội dung giáo dục đều được thực hiện ở tất cả các môn học và hoạt động, trong đó có một số môn học và hoạt động giáo dục đảm nhiệm vai trò cốt lõi.

Riêng giáo dục Lịch sử là nội dung bắt buộc trong toàn bộ giai đoạn giáo dục cơ bản xuyên suốt từ lớp 1-9.

Cụ thể, ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục lịch sử được thực hiện trong các môn học Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lí, liên tục từ lớp 1 đến lớp 5, giúp học sinh làm quen với một số nội dung cơ bản của Lịch sử Việt Nam và Lịch sử thế giới.

Ở cấp THCS, nội dung giáo dục lịch sử được thực hiện trong môn Lịch sử và Địa lí, liên tục từ lớp 6 đến lớp 9, giúp học sinh có được nền tảng kiến thức thông sử của lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á, từ khởi nguyên cho tới ngày nay.

Cấp THPT, Chương trình môn Lịch sử chuyên sâu, giúp những học sinh có định hướng học các ngành khoa học xã hội và nhân văn tiếp cận nghề nghiệp tương lai.

Chia sẻ với PV Dân trí, cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) cho rằng, không quá lo ngại việc học sinh không lựa chọn Lịch sử hay giáo viên bộ môn này thất nghiệp.

Các trường hiện nay có vai trò quan trọng trong việc tư vấn, giúp học sinh định hướng lựa chọn tổ hợp môn học để duy trì môn Lịch sử.

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cũng cho rằng, mặc dù thế mạnh từ trước đến nay của nhà trường là khối KHTN nhưng hiện vẫn có nhiều em lựa chọn Lịch sử. Như vậy, không thể nói môn học này có thể "xóa sổ".

Vấn đề là nhà trường, giáo viên phải thay đổi cách dạy học để các em có thêm đam mê với môn học này.

Đặc biệt, theo một số nhà quản lý, thực tế học sinh phải chọn 5 môn trong 3 nhóm. Theo đó, em nào học KHTN sẽ chọn 3 môn thuộc KHTN và 2 môn trong 2 nhóm còn lại. Tương tự, em theo KHXH sẽ chọn các môn trong nhóm KHXH và nhóm còn lại.

Do vậy, căn cứ vào nhu cầu lựa chọn, nhà trường xây dựng các tổ hợp môn học nhằm phát huy được tối đa năng lực và đáp ứng nhu cầu học sinh khi thực hiện chương trình GDPT mới.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm