Thấy gì từ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay?
Điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 được Bộ Giáo dục & Đào tạo công bố lúc 0h ngày 24/7 trong sự chờ đợi hồi hộp của hơn một triệu thí sinh và gia đình. Theo phân tích ban đầu, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay về cơ bản tương tự phổ điểm năm ngoái. Trong đó học lực loại khá chiếm tỷ lệ cao nhất (40,76%); tiếp đến là học lực loại giỏi (38,73%); học lực loại trung bình (19,21%); học lực loại yếu (1,26%) và loại kém (0,04%).
Trong số các môn thi, cũng như năm 2021, môn Sinh học có số học sinh điểm dưới trung bình khá lớn đến 50,79%. Điều này cần xét đến tâm lý học sinh thường không dành nhiều thời gian cho môn học ít nằm trong tổ hợp xét tuyển Đại học. Hầu hết các môn đều có phổ điểm tương tự như năm trước. Riêng phổ điểm môn Lịch sử và môn Tiếng Anh có thay đổi đáng kể.
Chúng ta biết rằng phổ điểm môn Lịch sử các năm trước đây lệch về bên trái, nghĩa là số em có điểm dưới trung bình rất nhiều, nhưng năm nay lại lệch về bên phải, cho thấy số thí sinh đạt điểm trên trung bình và thậm chí điểm cao nhiều hơn. Việc lệch phổ điểm này, theo tôi, phần nào cho thấy kết quả tích cực của việc thay đổi cách dạy, cách học và đặc biệt là cách ra đề môn Lịch sử. Chúng ta không bắt học sinh phải nhớ những số liệu khô khan nhiều quá, mà quan trọng là hiểu được các sự kiện lịch sử và nhận thức về các sự kiện đó. Kết quả này cũng cho thấy Bộ Giáo dục & Đào tạo đã lắng nghe dư luận và các chuyên gia để đổi mới cách ra đề thi môn sử.
Hiện chúng ta đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình GDPT 2018), tuy chưa áp dụng đến cấp THPT nhưng xu hướng là thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Vì vậy, tôi nghĩ rằng kết quả phổ điểm môn Lịch sử trên cũng như sự thay đổi về cách dạy, cách học và cách ra đề thi là những chuyển động đáng mừng. Theo chiều hướng này, các thầy cô sẽ thuận lợi hơn trong việc tạo cho học sinh có hứng thú học tập bộ môn này.
Về phổ điểm môn tiếng Anh, những năm trước đây thường có hình "yên ngựa" với hai điểm cực đại. Năm nay phổ điểm bộ môn này chỉ có một điểm cực đại và dù vẫn còn đoạn hơi nhô lên ở phía phải đỉnh (khoảng điểm 8,2 đến 9), nhưng có thể nói là đã được cải thiện. Điều này chứng tỏ ngân hàng đề thi đã được chuẩn hóa tốt hơn. Nếu chúng ta đi sâu vào phân tích phổ điểm ở từng trường, từng khu vực, có thể thấy ở những vùng mà thực tế đòi hỏi ngoại ngữ nhiều hơn (nhiều khu công nghiệp nước ngoài hay khu du lịch có nhiều khách nước ngoài) thì động cơ học ngoại ngữ của học sinh được thúc đẩy mạnh hơn và kết quả học tập cũng khá hơn. Tuy nhiên nhìn chung thì điểm Ngoại ngữ vẫn còn đang thấp so với kỳ vọng của Dự án phát triển Ngoại ngữ mà chúng ta đã đầu tư khá nhiều trong những năm qua.
Khi điểm thi được công bố, ngoài phổ điểm các môn thì phổ điểm tổ hợp môn các khối thường xét tuyển đại học (A, A1, D, B, C) rất được quan tâm vì liên quan tới điểm chuẩn xét tuyển của nhiều trường. Thông qua phổ điểm của từng khối, ví dụ khối A (Toán - Lý - Hóa) tập trung ở 21 - 26 điểm, hay khối D (Toán - Anh - Văn) tập trung ở 19 - 25 điểm…, các trường đang dành chỉ tiêu dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh có thể hình dung mức độ điểm chuẩn năm nay của từng khối thi. Các em học sinh sau khi biết điểm của mình cũng căn cứ vào đó để điều chỉnh nguyện vọng phù hợp hơn.
Nhìn chung, so với mục tiêu của một kỳ thi tốt nghiệp là đánh giá chuẩn kiến thức kỹ năng sau 12 năm phổ thông, qua phổ điểm cho thấy đề thi các môn ngày càng bám sát thực tế hơn. Trong bối cảnh năm học vừa qua các học sinh phải học trực tuyến khá dài do ảnh hưởng của dịch Covid, nên Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng đã kịp thời điều chỉnh chương trình để giới hạn bớt những kiến thức mà sau này các em có thể tự bổ sung.
Năm nay môn Sinh học có phổ điểm rất giống năm trước và là môn có độ lệch giữa điểm thi và điểm học bạ nhiều nhất. Bộ cần có những thống kê cụ thể hơn với từng trường THPT ở các Sở Giáo dục &Đào tạo để xem xét việc cho điểm học bạ có hiện tượng "cấy" điểm hay không? Đây cũng là cảnh tỉnh cho những trường Đại học đang xét điểm học bạ để tuyển sinh. Sự chênh lệch nhiều này cũng cho thấy chưa thể chỉ căn cứ vào điểm học bạ để biết được kết quả giáo dục ở từng bộ môn. Chính vì vậy, theo Luật Giáo dục mới, kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi quan trọng để biết thực chất của việc dạy và học từng bộ môn ở các trường THPT, qua đó ngành giáo dục có những giải pháp chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục từng môn.
Cuối cùng, qua phân tích phổ điểm cho thấy những địa phương lâu nay là đất học đã có điểm trung bình thi tốt nghiệp cao đồng đều ở nhiều môn. Với những địa phương ở miền núi phía Bắc hay miền Tây Nam Bộ mà điểm trung bình thi tốt nghiệp thấp cần được sự đầu tư tốt hơn để điểm thi trung bình của địa phương giảm khoảng cách với điểm trung bình toàn quốc.
Có thể nói với sự nỗ lực của UBND các tỉnh, thành và của ngành giáo dục, chúng ta đã tổ chức thành công kỳ thi năm nay.
Tác giả: Ông Lê Thống Nhất 67 tuổi, tốt nghiệp Khoa toán Đại học Vinh năm 1976 và giảng dạy tại Khoa Toán, khối Chuyên Toán, Đại học Vinh, là Tiến sĩ chuyên ngành Phương pháp giảng dạy Toán. Sau đó, ông chuyển sang công tác tại tạp chí Toán học & Tuổi trẻ, tham gia sáng lập tạp chí Toán Tuổi thơ, các cuộc thi ViOlympic, IOE trên mạng. Hiện ông Lê Thống Nhất là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Trường học lớn Việt Nam (BigSchool) và Công ty CP Hỗ trợ Trường học Việt Nam (VinaSchools).
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!