Giám thị làm gì khi "thí sinh ngủ quên"?
Sự việc một thí sinh ở TP Cà Mau vì ngủ quên trong phòng thi tốt nghiệp THPT nên bị điểm liệt môn tiếng Anh đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Điều đáng tiếc đầu tiên, đây là học sinh xuất sắc và vì bị điểm liệt nên đã trượt kỳ thi tốt nghiệp, đồng nghĩa em bị "tạm dừng" một năm trong lộ trình học tập lên cao, phải chờ năm sau thi lại. Ở vào hoàn cảnh của em và gia đình, chúng ta sẽ thấu hiểu nỗi buồn là rất lớn, rất khó nguôi ngoai trong những tháng tới.
Trong khi đó, đại diện nhà trường xác nhận rằng, đây là học sinh giỏi 3 năm liền và nằm trong đội tuyển môn Vật lý của trường. Với học lực của em, nhiều thầy cô nhận định thừa sức đỗ đại học. Điểm trung bình môn tiếng Anh lớp 12 của học sinh này đạt 8,6.
Lý do dẫn đến sự việc rất đơn giản, vào buổi thi môn tiếng Anh (ngày 8/7), em đến phòng thi đúng giờ, nhận đề rồi làm bài ở giấy nháp trong khoảng 15-20 phút (trong 60 phút làm bài thi môn tiếng Anh), sau đó gục xuống bàn ngủ quên. Đến khi hết giờ, giám thị thu bài thi, thí sinh chưa viết vào đáp án. Do nộp giấy trắng nên em bị điểm 0. Theo lời kể của nam sinh, sau khi nhận đề, em đã làm nháp vào tờ đề thi được hơn 40 trong tổng số 50 câu. Nhưng do mệt quá vì nhiều đêm thức khuya ôn bài cho kỳ thi nên em gục xuống bàn rồi "ngủ khi nào cũng không hay". Khi giám thị gọi em dậy nộp bài, phiếu trắc nghiệm của em chưa được điền đáp án.
Như vậy, dù chưa kết luận, nhưng qua diễn biến nêu trên và lời kể của học sinh, chúng ta có thể suy luận rằng thí sinh có thể đã "ngủ quên" trong ít nhất 20 phút hoặc hơn. Dù chưa khẳng định về khoảng thời gian em đã "ngủ quên", nhưng trong thực tế, tôi cho rằng lẽ ra khi thí sinh gục xuống bàn khoảng 5-10 phút thì giám thị đã phải xem xét tình huống để đưa ra phản ứng của mình.
Như vậy, điều đáng tiếc thứ hai, theo tôi là giám thị với trách nhiệm của mình, khi nhìn thấy thí sinh nào đó gục xuống bàn ngủ quên thì phải xem xét và nhắc nhở ngay. Ngành giáo dục địa phương cho rằng giám thị đã thực hiện đúng quy chế trong quá trình coi thi. Tôi không tranh luận về việc này, hãy để Bộ Giáo dục và Đào tạo vào cuộc làm rõ và kết luận. Nhưng với tư cách là một người đã hoạt động cả cuộc đời trong ngành giáo dục, tôi thấy rằng các giám thị không được giải thích bất cứ nội dung nào liên quan đề thi, song hoàn toàn có thể nhắc nhở kịp thời thí sinh về biểu hiện trong phòng thi. Ngày trước học trò của chúng tôi đi thi vẫn hay đọc cho nhau nghe hai câu vè là: "Giám thị nhìn em giám thị cười / Em nhìn giám thị nước mắt rơi". Điều này để nói lên sự quan sát chặt chẽ, nghiêm túc và sẵn sàng nhắc nhở thí sinh của giám thị phòng thi.
Đúng là theo quy chế, "giám thị không được tiếp xúc gần thí sinh", nghĩa là không được đứng quá gần hay có sự đụng chạm, nhưng không có nghĩa là không được đứng ở một khoảng cách phù hợp để nhắc nhở thí sinh thực hiện quy chế. Giám thị phải quan sát và chịu trách nhiệm mọi vấn đề trong phòng thi, do vậy khi có thí sinh gục xuống thì trách nhiệm của giám thị là xem xét tình huống, nếu cần thiết có thể thông báo tới hội đồng thi để đưa ra giải pháp kịp thời. Giả sử thí sinh gục xuống vì vấn đề sức khỏe và cần cấp cứu ngay thì sao?.
Tại phụ lục IV (coi thi), kèm theo công văn số 1523 ngày 19-4-2022 của Bộ GD-ĐT, mục 11 yêu cầu: "Trong quá trình coi thi, các tình huống bất thường (nếu có), đặc biệt là các tình huống ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh, cán bộ coi thi phải thông qua cán bộ giám sát để báo ngay cho trưởng điểm thi xem xét quyết định trước khi xử lý".
Trong phòng thí mà thí sinh ngủ là tình huống bất thường, hai giám thị phải xử lý vì biết đâu học sinh ngất hay đột quỵ cần cấp cứu?. Không quy chế nào cấm điều này!.
Từ cách tiếp cận trên, tôi mong rằng ngành giáo dục sớm làm rõ sự việc, trên cơ sở quy định hiện hành xác định trách nhiệm và đưa ra giải pháp phù hợp. Một học sinh đang tuổi ăn tuổi lớn thì "ngủ quên" là điều dễ hiểu và dễ chia sẻ. Nhưng trong trường hợp nếu có trách nhiệm cả từ phía giám thị thì giải pháp nên được đưa ra theo hướng đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Kì thi nào cũng có những thí sinh vì nhiều lý do khác nhau đi muộn hoặc ngủ quên trong phòng thi. Đó là những sự cố không ai mong muốn. Và tất nhiên tất cả phải thực hiện theo quy chế, để qua đó đảm bảo sự nghiêm túc và công bằng của kỳ thi. Đây là nguyên tắc. Vấn đề là khi áp dụng nguyên tắc phải xem xét từng trường hợp cụ thể.
Qua sự việc này, thiết nghĩ ngành Giáo dục cần rà soát, sửa đổi và bổ sung quy chế thi, nâng cao trách nhiệm của các giám thị hơn nữa để hạn chế đến mức thấp nhất những điều đáng tiếc có thể xảy ra.
Tác giả: Ông Lê Thống Nhất 67 tuổi, tốt nghiệp Khoa toán Đại học Vinh năm 1976 và giảng dạy tại Khoa Toán, khối Chuyên Toán, Đại học Vinh, là Tiến sĩ chuyên ngành Phương pháp giảng dạy Toán. Sau đó, ông chuyển sang công tác tại tạp chí Toán học & Tuổi trẻ, tham gia sáng lập tạp chí Toán Tuổi thơ, các cuộc thi ViOlympic, IOE trên mạng. Hiện ông Lê Thống Nhất là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Trường học lớn Việt Nam (BigSchool) và Công ty CP Hỗ trợ Trường học Việt Nam (VinaSchools).
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!