Tổ chức lại nông dân
Lợi thế quốc gia của Việt Nam là gì? Câu trả lời được xác định tại Hội nghị Trung ương vừa diễn ra rất rõ ràng, đó là nông nghiệp. Lợi thế đó từ đâu ra? Câu trả lời cũng rõ ràng là từ nông dân mà ra.
Nhìn lại, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là lĩnh vực đi trước mở đường trong quá trình Đổi mới đất nước, và là trụ đỡ của nền kinh tế trong những giai đoạn khó khăn nhất. Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp đảm bảo an ninh lương thực, đưa xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam lên mức cao trên thế giới, liên tục lập kỷ lục với kim ngạch 45 - 48 tỷ USD mỗi năm, củng cố cán cân thương mại. Nông sản giá rẻ góp phần bình ổn giá, chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Chương trình xây dựng nông thôn mới tạo công ăn việc làm cũng như thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những nước nổi bật trong cộng đồng quốc tế về thành tựu xóa đói giảm nghèo.
Bên cạnh những thành công đó, qua Hội nghị Trung ương lần này, chúng ta thấy rằng nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn còn rất nhiều thách thức và nhiều việc phải làm. Thứ nhất là những vấn đề mà Hội nghị Trung ương 7 khóa X đã chỉ ra từ 15 năm trước như: nông nghiệp phát triển kém bền vững, sức canh tranh thấp, mức sống chênh lệch giữa nông thôn và đô thị… Đặc biệt, dù nông dân đã được xác định là "chủ thể của phát triển" nhưng vai trò này vẫn chưa thể hiện rõ ràng.
Thứ hai là những thách thức và cơ hội mới xuất hiện gần đây và sẽ ngày càng tác động mạnh mẽ hơn trong thời gian sắp tới. Đó là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa sẽ tiếp tục với tốc độ nhanh, tạo ra nhiều việc làm, mở ra thị trường, cung cấp nhiều hàng hóa và dịch vụ cho nông nghiệp, đồng thời cũng lấy đi ngày càng nhiều các tài nguyên như đất đai, nguồn nước, lao động…, gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, xáo trộn và mâu thuẫn xã hội.
Quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, một mặt mở ra thị trường, mở ra cơ hội, nhưng cũng đặt hàng hóa nông sản Việt Nam trước sự cạnh tranh gay gắt hơn ngay trên sân nhà. Người nông dân sẽ phải đứng trước những thách thức lớn về rào cản kỹ thuật, về biến động giá cả, về dịch bệnh và các tranh chấp thương mại.
Khoa học công nghệ là động lực quan trọng tạo nên năng suất, chất lượng và giá thành nông sản, trực tiếp làm thay đổi cơ cấu và tổ chức sản xuất nông nghiệp. Đây là cơ hội mới mà nông dân Việt Nam phải nắm bắt. Mặt khác, tình trạng sản xuất manh mún, điều kiện kết cấu hạ tầng kém phát triển ở nông thôn, trình độ tay nghề thấp và thu nhập của nông dân sẽ cản trở việc áp dụng khoa học và công nghệ.
Trong khi đó, các rủi ro bất định ngày càng lớn, biến đổi khí hậu, sụt lún nền ở đồng bằng sông Cửu Long, dịch bệnh covid-19 thời gian qua, bệnh dịch tả lợn châu Phi và nhiều rủi ro khác trong sản xuất. Về kết cấu xã hội, hàng triệu người nông dân sẽ chuyển thành thị dân, hàng triệu lao động nông nghiệp sẽ chuyển thành lao động phi nông nghiệp trong thời gian khá ngắn sắp tới, nhưng con đường họ sẽ đi như thế nào? Không phải tất cả đều đã rõ ràng.
Ứng phó với những thách thức kể trên như thế nào? Trước hết, "chủ thể" của quá trình giải quyết các thách thức và nắm bắt mọi cơ hội để đưa nông nghiệp, nông thôn phát triển phải chính là nông dân. Không ai khác, họ phải đối tượng và trung tâm thực hiện quá trình này. Lâu nay chúng ta vẫn nói "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", và gần đây nói thêm là "dân thụ hưởng". Nhưng vai trò của người chủ phải được thể hiện ở việc điều hành như tham gia lập kế hoạch, ra quyết định, đóng góp xây dựng chính sách, cùng cung cấp dịch vụ công cộng…
Đó là những điều mà 40 năm trước "Khoán 10" đem lại cho người nông dân. Vào ngày đầu "Đổi mới" nông dân không được nhận thêm vốn liếng, thị trường mới, công nghệ tiên tiến,... gì cả. Điều người nông dân được trao là từ vị thế sức lao động trong hợp tác xã, nghe lệnh của Ban chủ nhiệm và chịu phân phối của các mậu dịch viên, được trở thành người tự làm chủ tư liệu sản xuất (đất đai, trâu bò…), chủ động ra quyết định trồng cây gì, nuôi con gì? quyết định việc mua gì, bán gì, ở đâu với giá nào?. Vẫn đất đai, con người, thiên nhiên đó nhưng nhờ được làm chủ đã tạo nên sức mạnh đột phá trên mặt trận nông nghiệp.
Trong "tam nông" từ lúc này cũng phải đặt "nông dân" lên đầu so với "nông nghiệp" và "nông thôn", phải tổ chức lại và trao quyền hơn nữa cho họ trong hội nông dân, trong hợp tác xã kiểu mới. Cần phân cấp và trao quyền cho các tổ chức này, song song với việc đầu tư hỗ trợ để các tổ chức của nông dân và hợp tác xã đảm nhiệm được các loại hình dịch vụ quan trọng mà cho đến nay vẫn phải trông đợi vào nhà nước, vào thương lái trung gian hoặc vào doanh nghiệp.
Một vài chục năm tới sẽ là giai đoạn Việt Nam diễn ra chuyển biến xã hội to lớn khi 70% dân cư sống ở nông thôn sẽ giảm về số lượng và tăng chất lượng. Phần lớn nông dân sẽ chuyển thành thị dân. Một lượng lớn lao động nông nghiệp sẽ chuyển sang các ngành nghề phi nông nghiệp. Họ phải đổi từ tập quán làm ăn nhỏ lẻ sang làm ăn biết tính toán, thay đổi ý thức kỷ luật, tích lũy về sức khỏe, tác phong văn hóa và nhất là phải tích tụ đủ vốn để để chuyển đổi sản xuất tăng quy mô sản xuất áp dụng công nghệ.
Như những con sâu muốn "lột xác" để trở thành bướm cần có giai đoạn hóa nhộng, trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, hàng chục triệu hộ nông dân nhỏ hiện nay sẽ tiến hóa theo hai hướng: Phần nhỏ trở thành lao động nông nghiệp giỏi và phần lớn chuyển sang lao động phi nông nghiệp có tay nghề. Chỉ có con đường hình thành tổ chức hợp tác xã, tổ chức cộng đồng nông thôn để nông dân thực sự trở thành một đội ngũ tự giác mới có thể mở đường cho họ đi lên.
Tác giả: TS Đặng Kim Sơn là chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp của Việt Nam. Ông từng giữ nhiều vị trí quan trọng trong các cơ quan nghiên cứu, nguyên là Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. TS Đặng Kim Sơn hiện là Phó chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.