GS Trần Thọ Đạt: Nông dân Việt có thể bị bỏ rơi trong nền kinh tế số hóa
(Dân trí) - Nông sản xuất khẩu giá trị nhưng năng suất lao động của nông dân Việt vẫn thấp, khi kinh tế thế giới đổi thay toàn diện nhờ số hóa, nguy cơ họ bị bỏ rơi lại phía sau đang ngày càng rõ nét.
Đây là lời cảnh báo của giáo sư Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên hiệu trưởng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tại Diễn đàn Cải cách kinh tế hướng tới tăng trưởng bền vững và có tính chống chịu cao sau COVID-19: Từ thích ứng tới quản trị bất định do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương tổ chức tại Hà Nội ngày 10/11.
Thay đổi nhận thức người dân về số hóa
Theo ông Đạt, năng suất lao động Việt Nam trong những năm qua luôn là vấn đề đau đầu đối với các nhà quản lý, giới chuyên gia bởi hiện nay có sự chênh lệch lớn giữa năng suất, tỷ lệ lao động và bất đối xứng giữa quy mô sản xuất.
"Ngành nông lâm ngư nghiệp hiện nay tập trung từ 50% đến gần 60% dân số, lao động, nhưng quy mô sản xuất manh mún, thiếu ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, vẫn phụ thuộc vào yếu tố thời tiết, không chủ động được đầu ra sản phẩm... Đây là nguyên nhân chính khiến thu nhập bình quân của lao động khu vực nông nghiệp thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước, so với khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ còn thấp hơn nữa", ông Đạt cho biết.
Vị chuyên gia này cho rằng, quá trình chuyển đổi kinh tế số, số hóa các ngành lĩnh vực phải bắt đầu từ thay đổi tư duy, nhận thức của người nông dân. Nông sản có giá trị xuất khẩu nhảy vọt, nhưng năng suất lao động nông dân vẫn thấp, nguy cơ nông dân không bị bỏ rơi trong chuyển đổi số, kinh tế số hóa hoàn toàn có cơ sở nếu chúng ta không hành động.
"Phải thay đổi nhận thức của bà con nông dân về chuyển đổi số từ theo dõi giống, đất, tác động vào tưới tiêu, phân bón, đến bán hàng qua thương mại điện tử... Phải làm cho bà con nông dân hiểu vì sao, tác động như nào và hiệu quả của kinh tế số, từ đó mới thôi thúc họ tìm hiểu, ứng dụng, đổi mới mình, vượt qua khỏi thói quen hàng thế kỷ qua", GS Đạt nói.
Ông Đạt cho rằng, điểm yếu lớn nhất của Việt Nam trong chuyển đổi số là hạn chế đầu tư và hạn chế áp dụng công nghệ vào sản xuất.
Nhiều chuyên gia tại Diễn đàn khẳng định, suất đầu tư vào chuyển đổi số tùy theo ngành, lĩnh vực có giá khác nhau. Tuy nhiên, đầu tư vào công nghệ, máy móc sẽ đem lại lợi thế lâu dài, bền vững. Người nông dân cần kết hợp với doanh nghiệp công nghệ, các startup về công nghệ, sinh học để họ đồng hành. Phối hợp với các doanh nghiệp nông nghiệp, thương mại điện tử để lo đầu ra cho sản phẩm.
"Thời của nông sản tươi, sạch sẽ chiếm lĩnh thị trường và đây là tiêu chí để xây dựng thương hiệu cho riêng cá nhân, doanh nghiệp và quốc gia", một chuyên gia của Eurocham bình luận.
Theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam, người nông dân muốn tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, xuất khẩu của thế giới cần phải đi với nhiều người, họ buộc phải đáp ứng các tiêu chí về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, ứng dụng công nghệ sinh học vào global GAP, Viet GAP trong sản xuất, rồi cả các ứng dụng điện tử hóa chuỗi sản xuất, bán hàng qua ứng dụng Blockchain, AI...
"Để nông dân đi một mình sẽ rất khó, không thể bắt họ phải giỏi mọi lĩnh vực. Muốn thúc đẩy năng suất toàn bộ nền kinh tế, phải chuyển đổi số từ nông nghiệp, nơi có thế mạnh của Việt Nam. Muốn nâng cao năng suất nông dân, hỗ trợ thuần túy cho họ là không đủ, phải hỗ trợ từ doanh nghiệp làm thương mại, hạt giống, thuốc sinh học, công nghệ... Chúng ta làm tốt tất cả, mới bền vững và mới có hiệu quả đích thực", ông Bình nhấn mạnh.
Nông nghiệp Việt cần thay đổi như mô hình như Uber và Grab!?
Tại Diễn đàn, ông Phạm Đình Thúy, đại diện Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Ý chí và khát vọng cải thiện năng suất, làm giàu của người nông dân Việt Nam không hề thua kém các nước khác, thậm chí còn cao hơn cả Thái Lan. Tuy nhiên, do nhiều năm vướng cơ chế, chuỗi sản xuất, hỗ trợ thị trường đứt gãy nên họ không thể tự mình chuyển đổi được.
"Chính sách dồn điền đổi thửa mục tiêu là cho ra những cánh đồng mẫu lớn, nhưng hiện chúng ta không thực hiện được, các mảnh ruộng vẫn manh mún, xé lẻ. Người có đất nhưng bỏ đi làm kinh doanh nhưng vẫn muốn giữ đất, không bán lại. Người muốn mở rộng quy mô sản xuất, không thể tích tụ ruộng đất, không thể thuê, mua lại được... ", ông Thúy nhấn mạnh.
Theo đại diện của Tổng cục Thống kê, nếu để ý, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp rất thấp, các doanh nghiệp FDI dường như chỉ chiếm vài % trong số dự án, vốn. Doanh nghiệp nông nghiệp của Việt Nam nổi tiếng về sản xuất, chuỗi sản xuất, bán nông sản chỉ đếm trên đầu ngón tay, lại phải chật vật cạnh tranh trên sân nhà chứ chưa nói để đi ra nước ngoài.
Ông Thúy cho rằng, gần đây có một số doanh nghiệp công nghệ đi làm nông nghiệp trồng chuối, rau xanh, chế biến xuất khẩu... Tuy nhiên, các chuỗi sản xuất chưa được mở rộng và chưa thực sự đem lại sức ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế, tạo xung lực để giúp người nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất nhiều hơn, nhanh hơn.
"Sự phát triển của Uber và Grab đã thay đổi toàn diện thị trường xe taxi Việt Nam, không còn ai quan tâm giá taxi tại sao không giảm khi xăng giảm như trước đây. Sự phát triển của các ứng dụng thuê nhà, nghỉ dưỡng đã khiến khách hàng chủ động hơn về giá tiền, tiện nghi căn phòng vừa mở rộng khách hàng cho người cho thuê. Nông nghiệp, nông dân Việt sau hàng thế kỷ phải lo gánh nặng an ninh lương thực, đã đến lúc cần phải chuyển đổi nhanh sang nền nông nghiệp số hóa, hàng hóa", một chuyên gia tham dự Diễn đàn bình luận.