Nhân sự việc ở Mallorca: Muốn hội nhập hãy hành xử đúng luật!
Chuyện ồn ào nhất trên mạng xã hội mấy ngày qua là việc "Cảnh sát đảo Mallorca (Tây Ban Nha) thông báo đã bắt giữ hai công dân Việt Nam với cáo buộc xâm hại tình dục trẻ vị thành niên 17 tuổi và xâm phạm quyền riêng tư".
Hiện hai công dân đã được tại ngoại và trong quá trình chờ cơ quan chức năng Tây Ban Nha xử lý. Về phía Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha đã triển khai bước đầu các biện pháp bảo hộ công dân và làm việc với cơ quan chức năng sở tại.
Thông tin chính thức đến nay cơ bản chỉ có như vậy. Nhưng kéo theo đó là "cơn bão" đồn đoán, lên án, thậm chí là lôi cả người thân, gia đình của hai công dân này ra để khai thác, thêm thắt vào các bình luận.
Mỗi người đều có quyền nêu ý kiến chủ quan của mình về những điều sai trái, những hành vi đáng lên án, vi phạm pháp luật ở trong nước cũng như nước ngoài. Không một người bình thường nào bênh vực cái xấu. Nhưng không phải tự nhiên mà đến nay nhà chức trách Tây Ban Nha vẫn chưa công bố danh tính hai trường hợp bị cáo buộc kể trên. Đó là họ làm theo quy định của Luật Ley Orgánica về bảo vệ dữ liệu cá nhân, không cung cấp thông tin chi tiết nghi phạm trong quá trình điều tra. Suy đoán vô tội là một nguyên tắc có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Quan tòa chưa gõ búa nghĩa là chưa có bản án theo quy định pháp luật.
Lúc này, đừng đi quá xa khi lôi người thân của họ ra bình luận hay gán cho họ với hình ảnh đất nước. Kết cục có như thế nào, họ chỉ là những cá nhân và gia đình họ hoàn toàn chẳng có tội tình gì.
Thời buổi hội nhập, ngày càng nhiều người Việt có cơ hội và điều kiện đi nước ngoài với nhiều lý do khác nhau. Chỉ tính riêng đi du lịch, vào năm 2018 nghĩa là trước khi bùng phát đại dịch Covid, gần 10 triệu người Việt đã xuất ngoại. Bởi vậy, những sự việc ồn ào như kể trên một lần nữa nhắc nhở tất cả về ý thức và lối hành xử khi ở bên ngoài "lũy tre làng". Từ những chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ như "cười nói ồn ào nơi công cộng", "lấy trộm đồ trong siêu thị"…, cho đến việc chấp hành pháp luật nước sở tại. Hẳn nhiều người chưa quên vào năm 2016, truyền thông lùm xùm chuyện một nghệ sĩ hài Việt Nam sang biểu diễn bên Mỹ và bị cảnh sát bắt do cáo buộc ấu dâm và toan có hành vi dâm ô với trẻ vị thành niên.
Nhìn chung luật pháp ở các nước phương Tây phạt rất nặng tội lạm dụng tình dục trẻ em, mức án có thể lên đến hàng chục năm tù, bị quản chế nơi đi lại, thậm chí cấm đến chỗ có trẻ em như nhà trẻ, trường học. Trong các vụ việc, thông thường đối tượng bị cáo buộc phải có rất nhiều tiền để dàn xếp hoặc thuê luật sư bảo vệ. Nếu thua tại tòa thì vào tù, khuynh gia bại sản, cuộc đời coi như chấm dứt vì không nơi nào nhận một kẻ phạm tội ấu dâm, tấn công tình dục.
Tất nhiên cũng có nhiều người Việt khi ra nước ngoài không may trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo, trộm cắp, cướp giật… Các cung bậc cảm xúc "hỉ nộ ái ố" đều có thể đến bất ngờ nếu ta không tìm hiểu kỹ trước để cảnh giác và để không phạm luật.
Theo nguyên tắc quốc tịch thì công dân Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam bất cứ nơi nào, đồng thời phải tuân thủ pháp luật nước sở tại. Ở các xứ văn minh thì luật pháp là tối thượng, vậy nên đừng mang tư duy xuề xòa "xin xỏ", "nhờ vả quan hệ" ra làm lối hành xử. Bạn đến nhà người ta du lịch, bạn là khách, song cứ xả rác, hút thuốc không đúng chỗ, chen ngang không xếp hàng thì người ta cũng lắc đầu ngán ngẩm. Còn nếu bạn vi phạm pháp luật mà bị phát hiện thì phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, bất kể bạn là ai. Một du khách mang hộ chiếu Việt Nam hành xử không hay khi ở xứ người là ấn tượng cá nhân, song khi lối hành xử đó trở thành số nhiều sẽ dẫn đến ấn tượng về một cộng đồng du khách.
Chuyện sâu xa hơn, đất nước thời hội nhập, mọi giới trong xã hội đều phải tuân theo luật toàn cầu. Những thói quen xấu từng tồn tại "sau lũy tre làng" phải kết thúc nếu như không muốn bị rắc rối với pháp luật ở nơi khác. Từ trai làng đến công dân toàn cầu đều cần một sự học tới nơi tới chốn, đừng vô tình hay cố ý để bản thân trở nên "nổi tiếng" vì thiếu hiểu biết.
Tác giả: Hiệu Minh là bút danh của TS Giang Công Thế, một chuyên gia IT từng công tác nhiều năm tại Ngân hàng Thế giới (WB). Ông được biết đến là một blogger về nhiều lĩnh vực và cộng tác thường xuyên với các báo.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!