"Bóc phốt" nhau trên mạng xã hội: Hành xử sao cho đúng pháp luật, đạo đức?
(Dân trí) - "Nếp sống văn minh, văn hóa là giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền lợi tại tòa án chứ không phải livestream, "bóc phốt" nhau trên mạng" - luật sư nêu quan điểm.
Mạng xã hội là một thế giới mở với nhiều tiện ích, bên cạnh những ưu điểm nó cũng có nhiều sự phiền toái, thậm chí là nguy hiểm khi những người sử dụng mạng lợi dụng không gian mở này để vu khống, xúc phạm, thậm chí buông lời đe dọa đến tính mạng và nhân phẩm người khác.
"Bóc phốt" nhau có làm cho xã hội tốt hơn?
Có ý kiến cho rằng, những câu chuyện "bóc phốt" người nổi tiếng, nếu đúng, sẽ phần nào đó khiến những người này phải thay đổi hành vi của cá nhân theo hướng tích cực hơn.
Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng việc tự do "bóc phốt", chửi bới nhau trên mạng xã hội chỉ khiến dư luận lao vào một cuộc chiến không hồi kết, đem lại hệ quả xấu.
Ngày 28/5, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo sở thông tin và truyền thông, công an tỉnh, thành phố tăng cường rà quét, phát hiện kịp thời những nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội; chủ động xử lý nghiêm người vi phạm trên địa bàn.
Trong đó chủ yếu là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép… gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Văn bản đưa ra kịp thời được dư luận hết sức đồng tình. Như ý kiến độc giả Thùy Linh gửi về Dân trí: "Cần làm triệt để xử lý tình trạng xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác thông qua mạng xã hội. Còn để tình trạng tràn lan những thông tin chưa được kiểm chứng như thế này thì người dùng mạng xã hội đang bị ngộ độc thông tin, bị dắt mũi và rối loạn vì thật giả lẫn lộn. Ở Hàn Quốc đã có nhiều nghệ sĩ tự tử vì sự công kích từ mạng xã hội quá lớn khiến họ chọn sự giải thoát".
Độc giả Dung Nguyễn viết: "Mừng quá, cơ quan chức năng vào cuộc rồi, chúng tôi cần môi trường không gian mạng sạch để vui, con cháu học được cái hay góp phần hình thành nhân cách đẹp".
Không ai có quyền "hành đạo" thay pháp luật!
Về góc độ pháp lý, Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Theo quy định pháp luật, không ai có quyền thông tin những vấn đề bí mật cá nhân của người khác. Ngay cả khi có bằng chứng thì việc lên mạng livestream phanh phui, "thay trời hành đạo" như vậy là hành vi không được pháp luật cho phép.
Pháp luật quy định công dân có quyền, nghĩa vụ thông tin, báo hành vi vi phạm pháp luật, hành vi có dấu hiệu tội phạm của cá nhân, tổ chức đến cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên việc tố cáo, thông tin cũng cần phải được thực hiện theo những trình tự nhất định được quy định trong luật khiếu nại, luật tố cáo, luật xử lý vi phạm hành chính, luật hình sự…
Luật sư Lực đưa ra ví dụ về những thông tin "bóc phốt" một ca sĩ như: "có quá khứ không mấy tốt đẹp; trước khi kết hôn người chồng hiện tại, cô từng làm vợ bé cho người đàn ông lớn tuổi". Giả sử việc đó có thật, có bằng chứng thì đó cũng không phải hành động vi phạm pháp luật. Bởi thông tin này là đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của cô ca sĩ đó.
Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được quy định Điều 21 Hiến pháp năm 2013: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn".
Bộ luật dân sự năm 2015 cụ thể hóa nội dung này tại điều 38 Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình như sau:
- Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
- Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Như vậy các thông tin về đời tư cá nhân, hành động không vi phạm pháp luật thì người nào biết được không có quyền công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
Hành vi đưa các thông tin mang tính xúc phạm cá nhân, tổ chức trên mạng xã hội và hành vi tiết lộ thông tin đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
"Mỗi công dân đều có quyền nói, quyền trình bày quan điểm, nêu ý kiến cá nhân, nhưng không được làm tổn hại đến danh dự, uy tín, lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác. Nếp sống văn minh, văn hóa là giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền lợi tại tòa án chứ không phải lên mạng livestream, bóc phốt nhau trên mạng. Mỗi cá nhân cần hiểu và áp dụng luật pháp để bảo vệ quyền lợi của mình chính là góp phần xây dựng một xã hội văn minh", Luật sư Quách Thành Lực chia sẻ quan điểm.