Tâm điểm
Trương Chí Hùng

Ném sinh mệnh qua bên kia biên giới

Cách đây một tuần, bảy thanh niên làng Kloong (Gia Lai) may mắn trở về với buôn làng sau những ngày bị lừa bán sang Campuchia. Họ vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể về những sập bẫy "việc nhẹ, lương cao", bị nhốt trong một tòa nhà và làm việc từ sáng đến khuya, nếu không làm đủ chỉ tiêu thì sẽ bị đánh đập, bỏ đói. Những kẻ lừa đảo còn bắt họ gọi điện về nói người nhà gửi tiền sang chuộc, ban đầu là 150 triệu đồng, về sau giảm dần xuống 90 triệu đồng…

Theo phản ánh của báo chí, nạn nhân của bẫy lừa "việc nhẹ, lương cao" nhưng thực chất là bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản, nguy hiểm đến tính mạng, trải dài trên nhiều tỉnh thành, như Gia Lai, Tây Ninh, Thanh Hóa, Phú Yên… Trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng Việt Nam đã phối hợp với lực lượng chức năng Campuchia giải cứu hơn 250 trường hợp bị lừa sang lao động trái phép tại Campuchia. Các nạn nhân chủ yếu trong độ tuổi từ 18 -35 tuổi, thông qua tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội (zalo, facebook...) hoặc từ bạn bè, người quen rủ rê, giới thiệu công việc nhẹ nhàng, lương cao.

Ném sinh mệnh qua bên kia biên giới - 1

Sau hơn một tháng bị lừa sang Campuchia, nhóm thanh niên làng Kloong (Gia Lai) đã được hỗ trợ, giải cứu, về với buôn làng. (Ảnh: Phạm Hoàng)

Sau khi vượt biên trái phép, nạn nhân bị tuyển vào làm việc tại các cơ sở tổ chức hoạt động lừa đảo như: Đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo... trên không gian mạng; bị cưỡng ép lao động từ 12-16 tiếng/ngày, không cho ra khỏi cơ sở, bị bán sang chủ sử dụng lao động khác hoặc bắt gọi điện về cho gia đình, người thân tại Việt Nam để nộp tiền chuộc.

Vì sao báo chí liên tục phản ánh tình trạng lừa đảo "việc nhẹ, lương cao", cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều cảnh báo, song danh sách nạn nhân sa bẫy vẫn chưa dừng lại? Theo tôi, trước hết chính là sự nhẹ dạ cả tin của một bộ phận người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em, người không có việc làm, hoàn cảnh lại khó khăn. Cái nghèo và sự thiếu thông tin khiến họ dễ bị dụ dỗ, lôi kéo sang nước ngoài làm việc với mức lương, hoa hồng cao.

Không ít bạn trẻ tham vọng đổi đời, mong muốn làm giàu thật nhanh và bất chấp những hiểm nguy rình rập phía trước. Qua tìm hiểu, nhiều nạn nhân khi có nhu cầu ra nước ngoài lao động, tìm việc làm thường chỉ nghe theo lời mời chào "có cánh", ít khi chủ động nghiên cứu văn bản pháp luật có liên quan hoặc liên hệ với cơ quan chức năng địa phương để tìm hiểu hoặc được hướng dẫn thực hiện thủ tục xuất cảnh theo quy định. Chính vì vậy nên những bạn trẻ này dễ dàng "sập bẫy".

Thiết nghĩ, để khắc phục tình trạng trên, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, các địa phương phải đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, cảnh báo cho người dân hiểu rõ bản chất, thủ đoạn và hậu quả khi trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo "việc nhẹ, lương cao". 

Các bậc phụ huynh cần thường xuyên trò chuyện, quan tâm và cảnh báo con em mình tránh nghe theo những lời dụ dỗ của người lạ; trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân có hoạt động lôi kéo người khác xuất cảnh trái phép thì cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để được hướng dẫn, xử lý.

Trong mùa hè này, chính quyền địa phương và tổ chức đoàn hội ở cơ sở, nhất là những địa bàn đông lao động trẻ, nên tổ chức các lớp phổ biến kiến thức, kỹ năng để giúp các bạn trẻ không vướng vào những đường dây lừa đảo việc làm.

Người lớn phải dạy cho những đứa trẻ hiểu quy luật của cuộc sống, không bao giờ có "việc nhẹ, lương cao", mọi thành quả đều phải đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt, bằng cả quá trình phấn đấu, lao động bền bỉ… Đừng ném sinh mệnh của mình qua biên giới chỉ vì vài lời đường mật vu vơ. 

Về lâu dài, việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương cũng như giáo dục là con đường quan trọng nhất để người trẻ có thể tìm được một công việc ổn định, góp phần tạo dựng giá trị cho bản thân và đóng góp tích cực cho xã hội. 

Tác giả: Trương Chí Hùng là nhà văn trẻ của Đồng bằng sông Cửu Long, hiện làm giảng viên Trường Đại học An Giang. Anh đã xuất bản nhiều cuốn sách về vùng đất và con người Nam Bộ; nổi tiếng với bút ký "Man mác Vàm Nao" - đoạt Giải Nhất Cuộc thi Bút ký ĐBSCL năm 2017.

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!