Bác sĩ bị bóp cổ, dọa đánh chết tại TPHCM: 10 tháng bị hành hung 3 lần
(Dân trí) - Bác sĩ bị bóp cổ, dọa đánh chết trong ca trực cấp cứu tại TPHCM chia sẻ với Dân trí, trước đó vài tháng anh bị 2 người khác hành hung, cũng như hàng chục lần lâm vào hoàn cảnh nguy hiểm.
Liên quan đến vụ việc một bác sĩ công tác tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) bị bóp cổ, dọa đánh chết xảy ra đêm 27/7, mới đây Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế có văn bản gửi Sở Y tế TPHCM đề nghị phối hợp với cơ quan công an điều tra, xử lý nghiêm, cũng như động viên kịp thời đối với người bị hành hung.
Anh P.H.T., nạn nhân trong vụ việc đã được cơ quan cho dừng công việc vài ngày để ổn định sức khỏe. Dù vậy, những tác động tâm lý với nam bác sĩ sau những gì trải qua không thể nguôi ngoai trong một sớm, một chiều.
10 tháng bị hành hung 3 lần
Trò chuyện với phóng viên Dân trí, bác sĩ T. cho biết, ngày 28/7, khi việc anh bị người nhà bệnh nhi bóp cổ, dọa đánh chết được báo cáo đến cơ quan chức năng, công an địa phương đã 2 lần mời anh tới làm việc để lấy lời khai. Bản thân nam bác sĩ đến giờ vẫn trong trạng thái bất ổn tinh thần.
"Lúc mới xảy ra sự việc, cổ tôi hằn dấu bàn tay, cảm thấy khó thở, đến hiện tại thì còn đau cơ vùng cổ. Tôi vẫn khá lo lắng nên đã xin tạm nghỉ, đến khi nào cảm thấy an toàn, đủ để tiếp tục làm việc trở lại mới đi làm" - bác sĩ T. nói.
Khi được hỏi có phải lần đầu trải qua việc bị hành hung hay không, bác sĩ T. cay đắng chia sẻ, trước đó khoảng 10 tháng anh từng 2 lần lâm vào hoàn cảnh tương tự.
Bác sĩ T. kể, hồi tháng 10/2021, thời điểm TPHCM vừa mở cửa trở lại, có một phụ nữ đi khám ở khoa Phụ sản, không biết vì lý do gì bệnh nhân không hài lòng, khám xong lại xuống khoa Cấp cứu, nằm lên giường la hét.
Nghĩ bệnh nhân có bất ổn về tâm lý, bác sĩ T. cùng gia đình đến hỗ trợ chăm sóc cho người phụ nữ. Bất ngờ, người này kích động dùng móng tay cào cấu mạnh vào tay của bác sĩ T., đồng thời liên tục chửi bới nhân viên y tế. Mãi một lúc sau có sự can ngăn của gia đình và được xử trí truyền dịch, người phụ nữ mới ngừng lại.
"Sau đó, gia đình có đến xin lỗi tôi. Tôi cũng nghĩ bệnh nhân bị kích động tinh thần nên mới hành động như vậy" - bác sĩ T. nói và chia sẻ hình ảnh cánh tay đến giờ vẫn còn vết tích hằn trên da thịt.
Đến tháng 11/2021, lại có một người đàn ông say xỉn, bị tai nạn giao thông vào viện. Tại khoa Cấp cứu, người đàn ông xông thẳng đến khu vực điều trị, yêu cầu phải được khâu vết thương ngay. Khi nghe bác sĩ trực thông báo cần phải chờ làm xong các thủ tục và vết thương không phải trường hợp cần can thiệp khẩn cấp, người này tức giận, chửi bới và xông vào xô xát.
Phát hiện sự việc xảy ra với đồng nghiệp, bác sĩ T. chạy đến can ngăn thì bị người đàn ông xúc phạm và xô đẩy. Dù không có hậu quả nghiêm trọng, tuy nhiên bác sĩ T. và đồng nghiệp cảm thấy buồn, chán nản sau khi vô cớ bị tấn công.
Rất tâm huyết với Cấp cứu, nhưng cân nhắc nghỉ việc
Theo anh T., những vụ việc trên chỉ là trường hợp gần đây mà anh nhớ. Còn việc bị hành hung, chửi bới hay va chạm với bệnh nhân, thân nhân thì nhân viên y tế khoa Cấp cứu gặp như "cơm bữa". Hơn 5 năm công tác ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định, anh T. đã chứng kiến hàng chục trường hợp bác sĩ, điều dưỡng lâm vào hoàn cảnh nguy hiểm khi đang làm nhiệm vụ.
Có những vụ việc còn gây hậu quả nghiêm trọng hơn, như điều dưỡng bị chính bệnh nhân dùng kéo đâm, hay côn đồ xông vào bệnh viện chém người, đánh luôn cả bác sĩ.
Nam bác sĩ chia sẻ, kể từ khi rời Bệnh viện Trung ương Huế vào TPHCM làm việc, bản thân anh rất đam mê lĩnh vực Cấp cứu. Dù lương không cao, nhiều áp lực nhưng việc được điều trị các bệnh nhân nặng giúp anh nâng cao chuyên môn.
Ngoài ra, anh cũng gắng ở lại khoa để truyền lửa cho các bác sĩ trẻ mới vào nghề, giúp đàn em có thêm kinh nghiệm, trụ lại khoa Cấp cứu, trong bối cảnh nhiều bác sĩ có thâm niên vì áp lực công việc đã chuyển đi. Nhưng sau biến cố vừa xảy ra, anh T. đang cân nhắc khả năng nghỉ việc.
"Người hành hung tôi lúc đưa con gái vào cấp cứu xưng tên là B. Người này có địa chỉ ở gần bệnh viện nên hiện tôi cảm thấy không an toàn.
Bản thân tôi và các đồng nghiệp mong muốn lớn nhất là có môi trường làm việc an toàn để an tâm hành nghề, chứ nếu còn tái diễn thế này hoài, nhân viên y tế làm cấp cứu sẽ nghỉ hết" - anh B. bày tỏ.
Trước đó như Dân trí thông tin, tối 27/7, trong ca trực của mình, bác sĩ P.H.T. tiếp nhận thăm khám ban đầu và giải thích rất rõ cho người nhà việc bệnh nhi bị hóc xương cá không phải trường hợp nguy hiểm tính mạng, cần chờ bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng đến xử trí.
Tuy nhiên, người đàn ông là cha bệnh nhân không chấp nhận việc con phải chờ khoảng 30 phút, liên tục chửi mắng, bóp cổ và dọa sẽ đánh chết bác sĩ T. nếu bước ra khỏi bệnh viện. Hậu quả là sau đó, người bị hành hung bầm tím cổ và ảnh hưởng lớn về tinh thần.
Sự việc được chính bác sĩ T. chia sẻ trên trang cá nhân gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận.
Phía Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã cho bác sĩ T. tạm nghỉ vài ngày, đồng thời báo cáo sự việc cho Sở Y tế TPHCM và công an địa phương để điều tra, xử lý.