DMagazine

Bác sĩ cấp cứu: Ám ảnh bị chửi bới, đe dọa "giết cả dòng họ"

(Dân trí) - Nữ bác sĩ bày tỏ ám ảnh trước những lần bị người nhà bệnh nhân vung tay định đánh, chửi bới, thậm chí dọa "giết cả dòng họ", khi nghe hướng dẫn đưa trẻ sang khu khám... vì không có chỉ định cấp cứu.

Bác sĩ cấp cứu: Ám ảnh vì bị chửi bới, đe dọa "giết cả dòng họ"

(Dân trí) - Nữ bác sĩ bệnh viện Nhi chia sẻ ám ảnh trước những lần bị người nhà bệnh nhân vung tay định đánh, chửi bới, thậm chí dọa "giết cả dòng họ", khi nghe hướng dẫn đưa trẻ sang khu khám... vì không có chỉ định cấp cứu. 

Liên quan đến sự việc bác sĩ bị bóp cổ, dọa giết khi đang trực cấp cứu xảy ra đêm 27/7, sau khi được Công an quận Bình Thạnh (TPHCM) mời lên làm việc, ông Đ.Q.B. (40 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) đã thừa nhận hành vi hành hung bác sĩ P.H.T. tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Ông B. mong được bác sĩ T. và cộng đồng tha thứ vì phút nóng giận, thiếu kiểm soát của mình.

Những tưởng lời xin lỗi của ông B. và động thái xử lý của cơ quan chức năng sẽ giúp khép lại sự việc, khiến nhân viên y tế an tâm hơn, cảm thấy được bảo vệ hơn, thì dư luận lại bất ngờ xuất hiện các ý kiến trái chiều cho rằng cần coi lại thái độ của bác sĩ T., và "không có lửa làm sao có khói", khi trong 10 tháng đã 3 lần bị hành hung.

Bác sĩ cấp cứu: Ám ảnh bị chửi bới, đe dọa giết cả dòng họ - 1

Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, nơi xảy ra sự việc bác sĩ bị hành hung đêm 27/7 (Ảnh: Hoàng Lê).

Bác sĩ bị bóp cổ: "Tôi thất vọng"

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, bác sĩ P.H.T. cho biết, anh cảm thấy thất vọng khi đọc được những bình luận đả kích, khiếm nhã của nhiều người. Vì trong những năm tháng làm bác sĩ cấp cứu, anh luôn làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ. 

"Tất cả trường hợp đúng tính chất cấp cứu, nhất là bệnh nặng, mình luôn làm nhanh, xử trí kịp thời cho bệnh nhân. Đặc biệt là đột quỵ não hay nhồi máu cơ tim, suy hô hấp… chưa từng có bất kỳ ca nào không được làm ngay - đồng nghiệp lẫn thân nhân và bệnh nhân từng vào cấp cứu đều biết rõ điều này" - bác sĩ T. khẳng định.

Nam bác sĩ kể, không ít người thân bệnh nhân nặng đã nhắn tin cảm ơn anh vì đã xử trí nhanh chóng, kịp thời. Trong khi đó, những trường hợp bệnh nhân chửi mắng, hành hung anh đều gặp tình trạng bệnh nhẹ, được phân loại sẽ an toàn, không có tính chất cấp cứu khẩn.

Ngoài tâm trạng buồn khi phải nhận nhiều lời chỉ trích từ cộng đồng mạng, bác sĩ T. cho rằng suy nghĩ trên của một bộ phận dư luận có thể đồng nghĩa việc coi hành vi của người hành hung là chấp nhận được, nhân viên y tế bị đánh mặc nhiên là đúng.

Về mặt pháp lý, bác sĩ T. nhận định luật pháp hiện nay không quy định rõ việc bảo vệ nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ cứu người. Nếu bị đánh hay cào, đâm... mà không đủ 11% thương tích thì người hành hung chỉ bị xử lý hành chính là xong chuyện.

Bác sĩ cấp cứu: Ám ảnh bị chửi bới, đe dọa giết cả dòng họ - 2

Cánh tay của bác sĩ T. vẫn còn hằn các vết cào cấu của bệnh nhân hành hung mình vào tháng 10/2021 (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).

Vị bác sĩ này tâm sự, có thực tế hiện nay là nhiều bệnh nhân, thân nhân dù tới bệnh viện nhưng không tin vào năng lực chuyên môn của bác sĩ và điều dưỡng, hầu hết nằm trong nhóm mã xanh (nhóm bệnh nhân an toàn, ổn định, có thể chờ xử trí trong 60 phút sau khi bác sĩ nhận bệnh đã khám).

"Chính vì họ luôn cảm thấy bệnh mình nặng và không tin vào năng lực chuyên môn của bác sĩ, nên cho rằng cấp cứu chậm trễ, từ đó sinh ra bức xúc rồi chửi bới và hành hung" - bác sĩ T. phân tích từ kinh nghiệm làm cấp cứu của mình.

Hai nhóm bệnh nhân dễ mâu thuẫn với nhân viên cấp cứu

Nhận định về các nguyên nhân khiến nhân viên y tế có thể lâm vào hoàn cảnh nguy hiểm, bị hành hung, bác sĩ T. cho biết, người bệnh và thân nhân vào cấp cứu luôn muốn được làm nhanh, làm ngay lập tức.

Ngoại trừ những ca nặng, có rất nhiều trường hợp chính bệnh nhân và thân nhân biết rất rõ không phải tình huống khẩn cấp, như vết thương cẳng tay, bàn chân nhẹ. Họ chỉ yêu cầu khâu, nhưng buộc phải làm ngay lập tức để được về sớm. Nhưng đặc thù ở khoa cấp cứu rất đông bệnh, không thể đáp ứng được tất cả.

"Có những lần ê-kíp cấp cứu đang phải hồi sức tim phổi cho bệnh nhân ngừng tim, mà mình lại bị bệnh nhân kéo áo để giải quyết khâu vết thương. Đó là chưa nói đến những ca đột quỵ hay suy hô hấp khác" - bác sĩ T. dẫn chứng.

Bác sĩ cấp cứu: Ám ảnh bị chửi bới, đe dọa giết cả dòng họ - 3
Bác sĩ cấp cứu: Ám ảnh bị chửi bới, đe dọa giết cả dòng họ - 4

Trao đổi với Dân trí, bác sĩ Vũ Ngọc Chức, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM) cho biết, ông có gần 10 năm gắn bó với lĩnh vực "đầu sóng ngọn gió" của bệnh viện.

Theo kinh nghiệm nghề nghiệp của vị trưởng khoa, việc bác sĩ bị hành hung có thể xuất phát từ cả phía bệnh nhân, lẫn bệnh viện. Ở phía bệnh nhân, có 2 đối tượng thường dễ xảy ra mâu thuẫn với nhân viên y tế.

Thứ nhất là trường hợp trẻ em: Khi phụ huynh đưa con em đến khám thường mang tâm lý lo lắng nhiều, muốn làm trước mà không quan tâm đến những trường hợp cần ưu tiên cấp cứu. Từ đó, nếu không được đáp ứng sẽ dẫn đến những hành xử không phù hợp.

Thứ hai là những trường hợp dùng rượu bia, chất kích thích: Nhóm bệnh nhân này dễ bực tức, nóng nảy và không kìm chế được cảm xúc, hành động.

Bác sĩ cấp cứu: Ám ảnh bị chửi bới, đe dọa giết cả dòng họ - 5

Phụ huynh có con nhỏ thường mang tâm trạng lo lắng hơn khi tới bệnh viện (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Ở phía bệnh viện, nếu đủ nhân sự đáp ứng cho chuyên môn thì khi bệnh nhân đến lập tức sẽ có bác sĩ, điều dưỡng tiếp nhận, sàng lọc và giải thích về độ nặng, thứ tự ưu tiên cấp cứu. Ngược lại nếu nhân sự không đảm bảo, bệnh nhân sẽ đối diện nguy cơ bị chờ đợi, không được giải thích bệnh cặn kẽ và gây ra sự hiểu lầm.

Theo bác sĩ Chức, với thực trạng của ngành y tế Việt Nam hiện tại, để đáp ứng điều kiện "lý tưởng" trên là không dễ. Nhiều cơ sở y tế đang rơi vào tình trạng thiếu nhân sự, trong khi lượng bệnh nhân vào cấp cứu rất đông. Do đó, việc xây dựng cách thức, cơ cấu tổ chức cấp cứu của các bệnh viện để tiết kiệm thời gian tối đa cũng rất quan trọng. 

Trước một số ý kiến cho rằng có một bộ phận y bác sĩ hách dịch, cách làm việc "trịch thượng" với bệnh nhân và thân nhân, tạo ra những trải nghiệm không tốt khi vào bệnh viện, bác sĩ Chức lý giải, điều này thuộc về tính cách riêng của cá nhân. Không riêng gì ngành y, bất cứ lĩnh vực nào cũng có thể gặp phải. Ngoài ra, còn do đặc thù về văn hóa, vùng miền, khiến cách nói chuyện của nhân viên y tế có thể không làm cho bệnh nhân hài lòng.

Bác sĩ cấp cứu: Ám ảnh bị chửi bới, đe dọa giết cả dòng họ - 6
Bác sĩ cấp cứu: Ám ảnh bị chửi bới, đe dọa giết cả dòng họ - 7

Cần sự bảo vệ của bệnh viện và pháp luật

Cũng theo bác sĩ Chức, nếu trong một thời gian ngắn mà bác sĩ nhiều lần bị hành hung, bệnh viện cần phải nhìn nhận, kiểm tra lại xem có vấn đề gì, xảy ra ở khâu nào để điều chỉnh. Nếu nhân viên y tế không làm gì sai, không có lỗi nhưng lại bị dư luận chỉ trích ngược thì sự tổn thương sẽ nhân đôi, ảnh hưởng đến tâm lý và mức độ gắn bó với chuyên ngành cấp cứu của nhân sự.

"Trước khi phân tích đúng sai, nhân viên y tế bị hành hung cần được bảo vệ" - bác sĩ Chức nhận định.

Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện TP Thủ Đức chia sẻ, hàng năm bệnh viện luôn tổ chức tập huấn về công tác chuyên môn lẫn ngoài chuyên môn cho toàn thể nhân viên. Với các nhân sự mới về càng phải được đào tạo kỹ lưỡng. Riêng ở khoa Cấp cứu, mỗi ngày trong các cuộc họp giao ban, lãnh đạo khoa luôn căn dặn bác sĩ, điều dưỡng làm tốt công tác giao tiếp, ứng xử, giải thích đầy đủ với người bệnh, người nhà. 

"Khi có những sự việc thời sự xảy ra, khoa cũng tổ chức họp để phân tích, hướng dẫn cách xử lý cho anh em. Nếu làm tốt được việc này sẽ tránh được những việc xấu xảy ra, hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro cho nhân viên y tế làm cấp cứu" - bác sĩ Chức chia sẻ.

Bác sĩ cấp cứu: Ám ảnh bị chửi bới, đe dọa giết cả dòng họ - 8

Nhân viên y tế cần được pháp luật bảo vệ mạnh mẽ hơn (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Bác sĩ Nguyễn Chánh Ngọc Hân, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 chia sẻ, bản thân cô vẫn ám ảnh những lần bị người nhà bệnh Nhi vung tay định đánh, hoặc nghe chửi bới, thậm chí dọa "giết cả dòng họ", sau khi hướng dẫn gia đình đưa trẻ sang khu khám vì không có chỉ định cấp cứu. 

Theo bác sĩ Hân, lý do khiến bệnh nhân nóng nảy vì đăng ký khám thì phải xếp hàng và có thể chờ lâu. Chỉ cần xử lý được chuyện quá tải ở bệnh viện công, mọi việc sẽ được giải quyết... nhưng điều này rất khó thực hiện.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) nhận định, nếu 1 bác sĩ bị hành hung 2-3 lần trong thời gian ngắn (như trường hợp của bác sĩ T.), ban giám đốc bệnh viện cần có động thái xử lý kịp thời, vừa để bác sĩ yên tâm công tác, vừa tránh ảnh hưởng đến hoạt động của bệnh viện.

Bác sĩ Khanh lấy ví dụ, có thể điều chuyển người bị hành hung đến một vị trí khác, song song đó cần nhờ pháp luật can thiệp triệt để, không để hành vi côn đồ có điều kiện "được nước lấn tới".

Bác sĩ cấp cứu: Ám ảnh bị chửi bới, đe dọa giết cả dòng họ - 9

"Ai làm sai thì phải bị pháp luật xử phạt rõ ràng và phải có tính răn đe" - bác sĩ Trương Hữu Khanh nói.

Bác sĩ Khanh nhận định, thực tế có những người nhà mất bình tĩnh, không thích chờ đợi và cũng không muốn lắng nghe. Nếu vì thái độ của bác sĩ, thông thường hai bên chỉ dẫn đến việc đôi co, nói lớn tiếng, còn nếu dẫn đến "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" thì người hành hung đã sai. 

"Có những trường hợp nhiều người nhà cùng vào hỏi bệnh. Cha vào hỏi xong lại đến mẹ, rồi đến cô chú… Nhân viên y tế không thể giải thích cho tất cả, cũng dẫn đến sự nóng nảy, mâu thuẫn. Bệnh viện nào cũng có nút báo động đỏ, nhưng kể cả bệnh viện có quy trình "code grey" (quy trình phản ứng nhanh sự cố an ninh trật tự - PV) mà bác sĩ vẫn bị bóp cổ đó thôi.

Cách tốt nhất là ai làm sai thì phải bị pháp luật xử phạt rõ ràng và phải có tính răn đe" - bác sĩ Khanh đề nghị.

Các bệnh cần cấp cứu ngay theo thứ tự ưu tiên

  1. Ngưng tim ngưng thở
  2. Dị vật đường hô hấp có suy hô hấp
  3. Suy hô hấp nặng
  4. Sốc
  5. Cơn co giật có tím tái ngưng thở
  6. Rối loạn tri giác nặng
  7. Xuất huyết nặng
  8. Đa chấn thương hoặc chấn thương nặng
  9. Bỏng nặng
  10. Tiêu chảy mất nước nặng
  11. Hạ thân nhiệt nặng 

(Theo khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM)

Nội dung và ảnh: Hoàng Lê