Có nên tranh nhau mua thuốc Tamiflu?
Đợt dịch Covid-19 chưa qua thì xã hội lại xôn xao vì dịch cúm A. Trên truyền thông ta nghe thấy cụm từ "dịch chồng dịch" được nhắc đi nhắc lại, thể hiện một sự lo lắng có phần hơi thái quá. Có lẽ ám ảnh bởi thiệt hại nặng nề do dịch Covid nên chúng ta trở nên "nhạy cảm" quá mức với tất cả những gì có liên quan đến dịch. Hệ quả trực tiếp của nỗi ám ảnh đó là thuốc Tamiflu cháy hàng, một sự việc hy hữu xưa nay chưa từng xảy ra.
Tôi nói sự việc cháy hàng Tamiflu là hy hữu vì cúm A là một căn bệnh đã rất cũ, rất quen thuộc, năm nào chẳng có nhiều người mắc; cũng như vậy, Tamiflu là thuốc chữa cúm được phát minh cũng được trên 20 năm, có mặt trên thị trường Việt Nam mình cũng từ lâu rồi, nhưng có bao giờ cháy hàng tăng giá đâu. Nói như vậy để thấy rằng việc khan hiếm thuốc Tamiflu có một cái gì đấy không bình thường.
Trước khi bàn tiếp về việc có nên dùng Tamiflu hay không, chúng ta hãy nhắc lại về cơ chế tác dụng của thuốc.
Trên bề mặt của virus cúm A có hai loại gai kháng nguyên là đó là kháng nguyên ngưng kết hồng cầu Hemagglutinin (H) và kháng nguyên trung hòa Neuraminidase (N). Kháng nguyên H giúp virus bám vào tế bào niêm mạc đường hô hấp và từ đó xâm nhập vào trong tế bào. Kháng nguyên N có hoạt tính enzyme làm loãng các chất nhầy ở đường hô hấp, giúp virus tiếp xúc dễ hơn với tế bào của niêm mạc, xâm nhập tế bào dễ dàng hơn. Kháng nguyên N còn có đặc tính cắt đứt chỗ bám dính của virus mới sinh ra với tế bào vật chủ.
Có 18 loại kháng nguyên H và 11 loại kháng nguyên N, ở mỗi loại virus cúm lại tổ hợp các thứ tự H và N khác nhau, từ đó ta thấy có thể có hàng trăm loại virus cúm khác nhau. Như chủng virus H1N1 gây ra đại dịch cúm năm 1918, hay chủng H5N1 gây ra dịch cúm gia cầm năm 2003…
Ý tưởng về một loại thuốc có tác dụng lên các gai kháng nguyên của virus cúm sẽ ngăn cản virus phát triển đã có từ những năm 1970. Sau nhiều năm nghiên cứu các nhà khoa học đã tìm ra chất Oseltamivir có tác dụng ức chế lên kháng nguyên N (Neuraminidase) ngăn cản virus mới sinh ra tách khỏi tế bào vật chủ, từ đó ngăn cản virus lan truyền. Oseltamivir được Công ty Gilead Sciences (Hoa Kỳ) phát triển thành sản phẩm thương mại, sau đó chuyển giao cho hãng Hofmam - La Roche (Thụy Sĩ) tiếp tục nghiên cứu phát triển và thương mại hóa dưới tên Tamiflu. Năm 1999, Oseltamivir được cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) cho phép sử dụng trên người. Roche là hãng độc quyền sản xuất thuốc tới năm 2016.
Đây là một trong những thuốc kháng virus đầu tiên trong lịch sử y học. Oseltamivir có tác dụng giảm nhẹ các triệu chứng và nên dùng trên các bệnh nhân cúm nặng như viêm phổi do cúm hoặc người có nhiều bệnh nền. Năm 2009 Tổ chức y tế thế giới đưa Oseltamivir vào danh sách thuốc thiết yếu. Tuy nhiên hiệu quả của thuốc còn đang tranh cãi và năm 2017, WHO đã đưa thuốc trên ra khỏi danh sách chính, chỉ để ở mức danh sách thuốc bổ sung và sẽ tiếp tục đánh giá.
Trở lại với câu hỏi ở đầu bài là chúng ta có thực sự cần uống Tamiflu hay không? Theo tôi thấy rằng có lẽ không thật sự cần thiết với tất cả mọi người nhiễm cúm A, mà chỉ với một số nhóm nhất định. Thật vậy, cúm A là một bệnh truyền nhiễm đường hô hấp phổ biến, có diễn biến khá lành tính. Người nhiễm cúm thường diễn biến viêm long đường hô hấp, đau mỏi cơ thể và tự khỏi sau 5 đến 7 ngày. Chỉ trên một số rất ít người già yếu, có nhiều bệnh nền thì cúm mới gây nguy hiểm. Tỷ lệ tử vong chung của cúm A thấp, khoảng 0,1%. Khi nhiễm cúm chúng ta chỉ cần nghỉ ngơi, dùng một số thuốc chữa các triệu chứng như chảy mũi, đau đầu và uống đủ nước, bổ sung vitamin, vài ngày rồi bệnh tự lui. Các biện pháp chữa dân gian như nồi lá xông, giải cảm cũng có tác dụng tốt. Thuốc Tamiflu nên để dành cho người già, người có nguy cơ cao. Mặt khác chất Oseltamivir chuyển hóa ở gan và thải ở thận, sẽ gây hại ít nhiều nếu chúng ta cứ lạm dụng.
Nếu chúng ta hoảng loạn, tranh nhau sử dụng thuốc Tamiflu thì sẽ gây hiện tượng khan hiếm thuốc không đáng có, sẽ làm cho người thực sự có nhu cầu không có thuốc để dùng. Trong trường hợp này, hãy nhớ lại bài học khủng hoảng của ngành ngân hàng: Nếu vì một tin đồn nào đó mà tất cả người gửi tiền cùng ồ ạt đi rút tiền, thì không ngân hàng nào chịu nổi, sẽ phá sản, và người gửi tiền cùng thiệt hại.
Chắc có bạn sẽ thắc mắc sao không sản xuất thật nhiều Tamiflu để ai thích thì mua? Một trong những khó khăn lớn nhất cho việc sản xuất thuốc Tamiflu là thiếu nguyên liệu sản xuất chính là a xít Shikimic. Hãng Roche chiết xuất a xít này dựa trên nguồn hoa hồi thu được từ bốn tỉnh của Trung Quốc, không đủ đáp ứng nhu cầu tăng đột biến. Trong khi đó Việt Nam là một trong hai quốc gia có nguồn tài nguyên hoa hồi xếp hàng đầu thế giới. Tuy nhiên hoa hồi Việt Nam chưa có thương hiệu, chủ yếu xuất khẩu làm gia vị hoặc chưng cất tinh dầu hồi.
Chúng ta cũng cần nhớ bài học của thuốc kháng virus Molnupiravir trong điều trị Covid-19 vừa qua. Lúc thuốc mới về thì bị tranh nhau làm giá, có lúc lên đến 10 triệu đồng một liều. Nay thuốc đầy trong kho, giá chỉ còn 300.000 đồng một liều và tôi quan sát xung quanh không thấy ai hỏi mua.
Vì thế tôi thấy thái độ tốt nhất với dịch cúm A hiện nay: Đây là một bệnh dịch lưu hành quen thuộc, có tỷ lệ tử vong rất thấp, nếu chẳng may bạn mắc thì hãy nghỉ ngơi, điều trị giải cảm như thông thường, sau vài ngày sẽ hồi phục. Thuốc đặc trị Tamiflu hãy dành cho người già và người mắc nhiều bệnh nền. Và trên tất cả chúng ta hãy tự bảo vệ mình trước các bệnh truyền nhiễm bằng một lối sống vệ sinh khoa học.
Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!