Cúm A bùng nổ: "Cắn răng" chi cả tháng lương mua Tamiflu vì giá tăng vọt

Minh Nhật

(Dân trí) - Sau khi cả nhà 5 người cùng mắc cúm A, người phụ nữ đành "cắn răng" chi 6 triệu đồng chỉ để mua thuốc Tamiflu.

Giá "cắt cổ", thuốc Tamiflu vẫn cháy hàng

Sau khi được chẩn đoán mắc cúm A, anh Cường, 28 tuổi (địa chỉ tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) vội vàng đi tìm mua thuốc Tamiflu. Tuy nhiên, theo cách anh mô tả, đây là một "hành trình gian nan".

Cúm A bùng nổ: Cắn răng chi cả tháng lương mua Tamiflu vì giá tăng vọt - 1

"Tôi đi 5 hiệu thuốc ở khu chung cư nhà mình đều thông báo không còn thuốc Tamiflu. Thử tìm trên mạng thấy có mấy chỗ bán nhưng lại sợ chất lượng kém nên thôi. Cuối cùng, nghe bạn bè chỉ lên "phố thuốc" đối diện Bệnh viện Bạch Mai chắc chắn có, nên cực chẳng đã cũng phải lặn lội hơn 10km giữa trời nắng dù đang ốm để mua cho xong việc", anh Cường chia sẻ.

Theo anh Cường, thuốc Tamiflu tại các cửa hàng trên con phố này có giá trung bình 75.000 đồng/viên. Thậm chí có cửa hàng còn bán với giá 95.000 đồng/viên. Anh cũng được các nhân viên quầy thuốc hướng dẫn cần uống đủ 10 viên cho mỗi đợt điều trị.

Chi cả tháng lương để mua thuốc

Giá thuốc Tamiflu tăng vọt khiến gia đình chị Hà (sống tại Hoài Đức, Hà Nội) phải "chật vật" khi cả nhà 5 người đều bị mắc cúm A.

Cúm A bùng nổ: Cắn răng chi cả tháng lương mua Tamiflu vì giá tăng vọt - 2

Một hiệu thuốc ở Nam Từ Liêm báo giá Tamiflu 75.000 đồng/viên.

"Sau khi các thành viên lần lượt có triệu chứng sốt, cả nhà tôi đi khám và đều được chẩn đoán mắc cúm A. Hỏi mua thuốc Tamiflu ở mấy nơi đều báo giá 75.000 đồng/viên. Biết là đắt nhưng vì gia đình có cả người già lẫn trẻ nhỏ nên đành "cắn răng" mua. Tổng cộng tiền thuốc Tamiflu mua cho cả gia đình là 6 triệu đồng. Đó là còn chưa kể đến chi phí đủ loại vitamin, thực phẩm chức năng bồi bổ sức khỏe", chị Hà chia sẻ.

Trong vai một người bệnh cúm A đi mua thuốc, PV Dân trí được nhân viên một quầy thuốc trên đường Phương Mai báo giá thuốc Tamiflu là 75.000 đồng/viên. Khi được hỏi vì sao giá thuốc lại tăng cao như vậy, nhân viên này cho hay, hiện tại nhu cầu của người dân tăng cao dẫn đến thuốc bị khan hàng nên giá nhập cũng đã độn lên.

Tại một nhà thuốc khác ở quận Nam Từ Liêm, thuốc Tamiflu được bán với giá "dễ thở" hơn là: 64.500 đồng/viên. Tuy nhiên, thuốc không bán lẻ và phải mua nguyên hộp 10 viên.

Trao đổi với Dân trí, người đại diện của một chuỗi nhà thuốc lớn trên địa bàn Hà Nội thông tin, thời gian gần đây ghi nhận nhu cầu mua thuốc Tamiflu của người dân tăng cao.

Tuy nhiên, chuỗi nhà thuốc này vẫn giữ giá bình ổn là 520.000 đồng/hộp (10 viên). Bên cạnh đó, vì nguồn hàng hạn chế, nên để có thể giúp nhiều bệnh nhân tiếp cận được với thuốc nhất, chuỗi nhà thuốc này cũng đã áp quy định mỗi người chỉ được mua một hộp Tamiflu. Bên cạnh đó, vì đây là thuốc kê đơn nên người mua cần có đơn thuốc của bác sĩ.

Tùy tiện sử dụng Tamiflu có thể gây kháng thuốc

Trao đổi với Dân trí, TS.BS Trần Văn Giang - Phó viện Trưởng Viện Đào tạo và nghiên cứu các bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhận định, tình trạng người dân săn lùng mua thuốc Tamiflu khiến loại thuốc này bị đẩy giá, khan hàng, phần nào thể hiện sự hoang mang của cộng đồng, đặc biệt là trong bối cảnh dịch chồng dịch như hiện nay.

Cúm A bùng nổ: Cắn răng chi cả tháng lương mua Tamiflu vì giá tăng vọt - 3

TS.BS Trần Văn Giang - Phó viện Trưởng Viện Đào tạo và nghiên cứu các Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Theo chuyên gia này, không phải bất kỳ trường hợp nhiễm cúm nào cũng điều trị bằng thuốc kháng virus đặc hiệu như Tamiflu.

"Những trường hợp có nguy cơ tiến triển nặng cao, bác sĩ mới xem xét việc sử dụng thuốc kháng virus đặc hiệu để giảm nguy cơ tiến triển thành nặng. Cũng giống Covid-19, đa phần trường hợp nhiễm cúm đều có thể tự khỏi. Việc điều trị chủ yếu là chữa triệu chứng, giúp làm giảm tình trạng khó chịu trong giai đoạn nhiễm cấp tính của bệnh nhân. Bên cạnh đó, theo dõi và phát hiện những dấu hiệu nặng và nguy cơ tiến triển nặng để cho bệnh nhân nhập viện thăm khám kịp thời", BS Giang cho hay.

Chuyên gia này cũng khuyến cáo, người dân có dấu hiệu nghi ngờ cúm như: sốt, chảy nước mũi, đau họng, khàn giọng... đặc biệt là sau khi có phơi nhiễm virus cúm, cần đến các cơ sở y tế để thăm khám, làm xét nghiệm khẳng định. Dựa trên tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp.

Đồng quan điểm, một chuyên gia bệnh truyền nhiễm khác nhấn mạnh, việc tùy tiện dùng thuốc Tamiflu, nhất là đối tượng trẻ em có thể gây hậu quả virus  kháng thuốc, ngoài ra còn làm cho thị trường chợ đen lũng đoạn, đẩy giá Tamiflu lên cao, gây tâm lý hoang mang lo ngại không cần thiết, ảnh hưởng đời sống của người dân.

Trong khi đó, hướng dẫn điều trị cúm của Bộ Y tế Việt Nam, cũng như các hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới và CDC đều khuyến cáo điều trị thuốc kháng virus Tamiflu chỉ được chỉ định khi có biến chứng nặng hoặc có nguy cơ cao.