(Dân trí) - Dù thị trường bất động sản TPHCM nói chung "ảm đạm" nhưng riêng giá đất ở TP. Thủ Đức vẫn đang âm thầm tăng giá từng ngày.
Bất động sản TP. Thủ Đức âm thầm tăng giá từng ngày
Dù thị trường bất động sản TPHCM nói chung ảm đạm nhưng riêng giá đất ở TP. Thủ Đức vẫn đang âm thầm tăng giá từng ngày.
Giá lên nhanh chóng
Từ giữa năm 2019, các thông tin về việc thành lập thành phố phía Đông (còn gọi là TP. Thủ Đức), trong đó sát nhập các quận 9, 2 và Thủ Đức lại với nhau đã nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý của người dân và giới đầu tư. Riêng lĩnh vực bất động sản, nhiều nhà đầu tư đã nhanh chóng đi săn tìm và tích trữ quỹ đất, căn hộ để chờ thời.
Sau khi kế hoạch thành lập thành phố Thủ Đức được Chính phủ cho phép đã tạo nên làn sóng ngầm của thị trường bất động sản. Nhiều khu vực ở quận 9, 2 và Thủ Đức ngay lập tức tăng giá mạnh, trong đó nổi bật là phường Trường Thọ (quận 9) khi trở thành trung tâm hành chính của TP. Thủ Đức ở tương lai.
Theo ghi nhận, giá đất đường Phạm Văn Đồng, đường Linh Đông (quận Thủ Đức) lần lượt có giá từ 86,8 triệu đồng/m2, 54,9 triệu đồng/m2. Trước khi có thông tin thành lập TP. Thủ Đức, mức giá ở những khu vực này dao động từ 80 - 83 triệu đồng/m2 và 45 - 50 triệu đồng/m2.
Tương tự, giá đất đường Lò Lu (quận 9) có giá 38,6 triệu đồng/m2, trong khi trước đó chỉ có giá 30 - 35 triệu đồng/m2; đường Nguyễn Duy Trinh (quận 2) có giá từ 65,2 triệu đồng/m2, trong khi cách đây 5-6 tháng chỉ dao động từ 55 - 60 triệu đồng/m2…
Tại khu vực Tâm Đa (quận 9), mức giá đã được "cò" đất đẩy mạnh lên từ 20 - 30 triệu đồng/m2. Trong khi trước đó, mức giá ở khu vực này chỉ khoảng 15-17 triệu đồng/m2, chủ yếu là đất nông nghiệp, trồng cây hàng năm, ao hồ…
Nguyên nhân, khi thành lập TP. Thủ Đức khu vực Tam Đa sẽ trở thành Khu Công nghệ sinh thái và nằm gần với dự án VinCity. Thời gian qua, tại khu vực này cũng xuất hiện nhiều trung tâm môi giới bất động sản, nhiều "cò" đất hoạt động mạnh mẽ.
Theo anh Nguyễn Văn Dũng (30 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) làm nghề môi giới cho biết, phường Trường Thọ vẫn là tâm điểm của giá. Thời gian trước, khu vực này nhận được sự quan tâm rất ít của chủ đầu tư và nhà đầu tư do hệ thống giao thông chưa được tốt, gần nhà máy, cụm cảng…
"Giờ mà đi hỏi giá mua đất và nhà thì sẽ nhận được 2 trường hợp: Một là giá sẽ cao ngất ngưỡng, có khi lên gần 80 triệu đồng/m2 hoặc chủ nhà sẽ không bán để ôm tiếp. Nếu như trước đây, một căn "nhà nát" tại khu vực này có diện tích khoảng 100m2 giá chỉ khoảng 5 tỷ đồng nhưng nay đã tăng lên hơn 7 tỷ đồng. Thật sự mua bất động sản phường Trường Thọ lúc này chẳng khác nào đốt tiền…", anh Dũng chia sẻ.
Cảnh giác tránh bị chết "lâm sàng"
Số liệu từ Batdongsan.com.vn cho thấy, giá chào bán căn hộ tại khu vực này trong quý III đã tăng trung bình từ 1-2%. Trong đó, mức tăng giá quận 2 vào khoảng 2%, quận 9 tầm 1%, Thủ Đức có mức tăng từ 2,5% so với quý 2 trước đó.
Số liệu từ đơn vị này cũng cho biết thêm, mức tăng giá chung cư ở các quận thuộc khu Đông vào khoảng 8% trong khi mức độ tăng giá căn hộ trung bình khu trung tâm TPHCM chỉ 5%.
Đối với phân khúc nhà riêng, nhà phố, giá nhà tại 3 quận phía Đông vẫn tăng 7% so với cùng kỳ, trong khi tại trung tâm giảm 3% vì dịch bệnh.
Trả lời báo chí, chuyên gia kinh tế Lê Chí Nhân chia sẻ: Việc sáp nhập 3 quận trở thành một thành phố mới trong tương lai sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, hạ tầng, nhà đất tăng là điều hiển nhiên. Song, người mua cũng cần cân nhắc trước khi xuống tiền "gom" nhà, đất và nhà phố theo kiểu chạy theo phong trào.
"Trước đây, đã có không ít bài học "nhãn tiền" về hiện tượng sốt giá đất rất nhiều khu vực ở TPHCM và các tỉnh lân cận một thời gian rồi chững lại, "chết lâm sàng", khiến người mua dở khóc dở cười", ông Nhân cho hay.
Ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA cho rằng, mặt bằng giá bán bất động sản riêng lẻ ở phường Trường Thọ đã tăng trung bình 40% - 50% so với cuối năm 2019.
Chỉ riêng ở phân khúc căn hộ trong 10 tháng năm 2020, thị trường bất động sản nhà ở TPHCM có 9 dự án mới mở bán tại khu Đông, cung cấp ra thị trường hơn 8.000 căn, chiếm 66,3% nguồn cung căn hộ toàn thành phố (12.134 căn) và có mức giá trung bình từ 38 - 67 triệu đồng/m2.
Theo DKRA, trong vòng 10 năm gần đây, vốn đầu tư hạ tầng của TPHCM tập trung vào khu Đông khá lớn với hàng loạt các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm ở khu vực đã được đưa vào khai thác cũng như chuẩn bị hoàn thành hoặc chuẩn bị đầu tư như Xa lộ Hà Nội, Vành đai 2, tuyến metro số 1, đường Phạm Văn Đồng, cầu Thủ Thiêm 2, đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây…
"Điều này kéo theo sự phát triển nhiều dự án bất động sản quy mô lớn, gia tăng giá trị nhà, đất trong khu vực có kết cấu hạ tầng hoàn thiện, phát triển đồng bộ", ông Nguyễn Hoàng cho hay.
Chiều 9/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM. Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu cho rằng việc thành lập thành phố Thủ Đức là rất cần thiết nhằm nâng cao vị thế của TPHCM, góp phần quan trọng phát triển kinh tế của cả nước.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, khu vực Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức hiện nay có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TPHCM và các tỉnh Đông Nam Bộ như cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 1A, đường Phạm Văn Đồng - Quốc lộ 1K, Quốc lộ 52...
Quế Sơn - Phạm Nguyễn