DMagazine

Xăng tăng, thực phẩm đội giá: Cú "đánh bồi" bóp nghẹt lao động nghèo TPHCM

(Dân trí) - Xăng dầu cùng hàng loạt giá dịch vụ, hàng hóa, thực phẩm… tăng kỉ lục, trong khi đồng lương nhỏ giọt ít ỏi qua từng năm khiến đời sống nhiều công nhân ngày càng kiệt quệ.

Xăng tăng, thực phẩm đội giá: Cú "đánh bồi" bóp nghẹt lao động nghèo ở TPHCM

(Dân trí) - Xăng dầu cùng hàng loạt giá dịch vụ, hàng hóa, thực phẩm… tăng kỉ lục, trong khi đồng lương nhỏ giọt ít ỏi qua từng năm khiến đời sống nhiều công nhân, người nghèo ở TPHCM ngày càng kiệt quệ.

Kiệt quệ trong cơn bão giá

"Xoong cơm này là cách cuối cùng để vợ chồng chị duy trì cuộc sống ở thành phố" - Nguyễn Thị Lê Nữ (27 tuổi, ngụ huyện Bàu Cát, tỉnh Bình Dương) nói với chúng tôi.

Năm 2015, Nữ đăng ký làm công nhân cho một công ty gia công mặt hàng gỗ. Công việc của chị bắt đầu từ 7 giờ đến 17 giờ, chủ yếu là khuân vác, chà nhám với mức lương đầu tiên 169.000 đồng cho 10 giờ công mỗi ngày. 

Qua từng năm, nhằm thưởng cho các công nhân kỳ cựu, xưởng sản xuất thực hiện chính sách tăng thêm 15.000 đồng/ngày. Bây giờ, mức lương của Nữ đạt 230.000 đồng, là niềm vui lớn nhất trong suốt 7 năm chị hành nghề công nhân.

Xăng tăng, thực phẩm đội giá: Cú đánh bồi bóp nghẹt lao động nghèo TPHCM - 1

Nhưng cô gái trẻ chưa bao giờ nghĩ, 7 năm ấy, giá thuê trọ của cô đã tăng từ 500.000 đồng lên 1.500.000 đồng, chi phí sinh hoạt cho một người đủ tiêu chuẩn cũng vượt 100.000 đồng.

"Lúc 2 đứa con còn nhỏ, cộng tiền sữa, tã, rồi điện nước, xăng xe,… chị gần như không đủ. Bỏ việc thì tiếc, ở lại chẳng khấm khá hơn. Chị chỉ cắm mặt làm thôi chứ chưa từng có một dự định tương lai nào" - Nữ nói.

Năm 2019, trong lần túng quẫn, cô gái bất chấp vay nóng "xã hội đen" 2 triệu đồng với lãi suất cắt cổ, nhằm trang trải cuộc sống. Người đưa tiền là ai, ở đâu, làm gì, cô không biết. Nhưng đến ngày đáo hạn, Nữ toan trả cả vốn lẫn lãi, họ nhất quyết không nhận rồi ra sức đe dọa.

"Qua tháng thứ 3, lãi mẹ đẻ lãi con hơn 10 triệu. Người ta gọi điện tra tần gia đình, họ hàng, dán hình chị khắp cột điện quanh chỗ ở. Nếu không có ba má gom tiền trả và công an giúp đỡ, chị không biết cách nào để thoát khỏi tụi giang hồ" - Nữ nhớ lại.

Tháng 9/2021, dịch Covid-19 bùng phát mạnh, công ty nơi chồng Nữ làm đột ngột đóng cửa. Từ ấy, một mình chị buộc phải gồng gánh chi phí sinh hoạt cho gia đình 4 miệng ăn.

Qua Tết, Nữ sắm sửa ít bàn ghế, xoong nồi và bắt đầu mở quán cơm bán buổi sáng cho công nhân. Hơn nửa tháng đầu tiên, trừ chi phí nhập hàng hóa, chị lời 300.000 đồng/ngày. Ngoài ra, cô gái trẻ còn chấp nhận tăng ca tại xưởng gỗ với mong mỏi đủ tiền bạc lo cho chồng "có thể học thêm một cái nghề thoát nghèo" - chị nói vậy.

Vậy mà, giữa tháng 2, đọc thông tin giá xăng, gas tăng chóng mặt trên báo, Nữ hồi hộp không thôi. "Bình thường, chỉ cần mua 400.000 đồng rau củ, giờ tăng gấp đôi. Gas vừa thêm 50.000 đồng nữa là 420.000 đồng/bình. Hộp cơm sườn 20.000 đồng, so với công nhân ăn buổi sáng đã quá cao và chị không tài nào tăng giá thêm nữa" - Nữ rơi vào con đường "tiến thoái lưỡng nan".

Xăng tăng, thực phẩm đội giá: Cú đánh bồi bóp nghẹt lao động nghèo TPHCM - 2

Nữ chấp nhận làm cả 2 công việc để có thể duy trì cuộc sống gia đình.

 "Tăng giá đồng nghĩa với mất khách" 

15 giờ ngày 11/3, giá xăng RON 95 và E5 RON 92 cùng các loại dầu tiếp tục tăng mạnh từ gần 3.000 đến gần 4.000 đồng/lít. Cụ thể, xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 28.980 đồng/lít; RON 95 là 29.820 đồng/lít; dầu diesel 25.260 đồng/lít, dầu hỏa 23.910 đồng/lít; dầu mazut 20.980 đồng/kg… Như vậy, đây đã là lần tăng thứ 7 liên tiếp của thị trường xăng dầu, và đạt kỷ lục trong vòng 8 năm trở lại kể từ năm 2014.

Việc giá xăng dầu "phi mã" khiến hàng loạt giá dịch vụ, hàng hóa, thực phẩm… "nhảy múa". Đến đầu tháng 3/2022, giá gas bán lẻ tiếp tục tăng 3.500 đồng/kg. Nó trở thành cú "đánh bồi" khiến các hàng quán ăn uống cuối cùng vẫn không thể giữ giá. Muốn tăng giá suất ăn nhưng sợ mất khách, đó là trăn trở chung của các chủ cửa hàng trên địa bàn TP.HCM.

Đầu tháng 3, Nữ quyết định không đi chợ. Chị thường xuyên dành thời gian dạo bộ, mua rau củ từ những chiếc xe đẩy xung quanh xóm trọ công nhân với mong muốn tiết kiệm chi phí ở mức tối đa. Thế nhưng, giá thực phẩm cũng bắt đầu tăng nhẹ khiến cô gái trẻ phải suy nghĩ hơn về con đường "thoát nghèo".

"Bây giờ đã mua bàn ghế, xoong nồi rồi sao bỏ được? Đầu tháng trước, chị tính xin nghỉ công ty, ở nhà tập trung bán hàng thôi vì thức dậy từ 3 rưỡi sáng khiến mình không đủ sức. Nhưng giá tăng thế này, tiền lời từ 200.000 chỉ hơn 100.000 đồng buộc chị phải tiếp tục cả 2 công việc mà chẳng biết khi nào mình sẽ ngã quỵ" - Nữ cười.

3 tuần giá xăng, gas tăng "phi mã" là 3 tuần vợ chồng chị Trần Thị Thùy Trang (34 tuổi, chủ tiệm ăn Gia Phát, quận Gò Vấp, TPHCM) gần như mất ngủ. "Giá tôm đã vượt ngưỡng 200.000 đồng/kg, xà lách gai lần đầu tiên đạt kỷ lục 25.000 đồng/ký… Chị thắc mắc, chủ vựa bảo chi phí vận chuyển tăng, không mua họ cũng nhất thiết phải bán. Thậm chí, gas giờ là 410.000 đồng/bình, dầu ăn tăng gấp đôi trên 1 triệu… Nếu không tăng giá thì thà đóng cửa hàng còn hơn. Nhưng tăng rồi, chị xác định mất khách" - chị Trang nói.

Xăng tăng, thực phẩm đội giá: Cú đánh bồi bóp nghẹt lao động nghèo TPHCM - 3

Công nhân ở TPHCM đang gánh chịu cơn bão tăng giá hàng loạt hàng hóa, dịch vụ (Ảnh: Hải Long).

Ngày 9/3, sau lần tăng giá xăng thứ 6, vợ chồng chị Trang chấp nhận: PHẢI TĂNG GIÁ. 

Hôm đầu tiên, giá một tô hủ tiếu thêm 5.000 đồng khiến chị Trang liên tục đối diện với câu hỏi: "Tại sao?" từ khách hàng. Dù đã lên tiếng giải thích, nhưng cuối cùng chị Trang buộc phải thêm phần thức ăn để vừa vặn với số tiền. Thế nhưng, trong 3 ngày đầu, chị vẫn bị mất 30% lượng khách hàng.

"Chúng ta luôn nghĩ rằng 5.000 đồng chẳng nhiều, nhưng với lao động thấp, người già, người không tạo ra thu nhập, họ dè dặt vô cùng! Khi nhìn vào tô hủ tiếu của chị, họ đặt câu hỏi rằng nó có xứng đáng. Thậm chí, có người đến quán rồi vẫn quay ra khi thấy menu tăng giá…"

Ấy vậy, đó chưa phải bài toán khó nhất. 30% suất ăn của cửa hàng chị Trang được bán thông qua các app điện tử. Nhưng từ khi xăng tăng, toàn bộ đơn hàng đột ngột bị hủy. Thậm chí, đơn liên tục nổ ra trên máy, chị Trang dè dặt không dám chế biến vì "mỏi mắt" không tìm được shipper.

"Tài xế nói thẳng với chủ quán: Nhận 9.000 đồng/chuyến, nếu trừ chi phí di chuyển, liên lạc, xăng, chúng tôi thà tắt app. Đến bây giờ, anh chị vừa bán vừa chia nhau đi giao cho khách. Kéo dài như thế này, quán gần như không đủ sức" - chị Trang tâm sự.

Xăng tăng, thực phẩm đội giá: Cú đánh bồi bóp nghẹt lao động nghèo TPHCM - 4

Chị Thùy Trang đã có 3 tuần đắn đo không biết nên tăng giá sản phẩm, bởi nó đồng nghĩa với việc mất khách.

Tắt app, đình công vì tiền lời không đủ đổ xăng 

7 năm hành nghề shipper, anh Hà Viết Phú (43 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) chưa bao giờ trải qua những ngày chán chường như bây giờ! 16h, anh quyết định tắt app không nhận thêm đơn hàng nào trong phạm vi gần. "Tiền lời chẳng bao nhiêu. 13.500 đồng/đơn, nhưng đi 4-5 cây số, không có đơn giao về thì tụi anh gần như bù lỗ".

Vài hôm trước, công ty nơi Phúc đang hoạt động đưa ra chính sách hỗ trợ 700 đồng/đơn hàng để bù chi phí xăng xe. Thế nhưng, chưa kịp vui bao lâu, giá xăng tiếp tục nhảy vọt, chạm nóc kỷ lục xấp xỉ 30.000 đồng/lít khiến hàng loạt tài xế như anh Phú chủ động hủy đơn.

"Từ lần xăng tăng thứ 3, anh đã biết không thể bám trụ cái nghề này nữa rồi. Giờ anh đang học thêm nghề lái xe tải để chuyển hướng. 7 năm làm shipper, cũng đến lúc tạm biệt nó rồi, buồn chứ!" - anh Phú nói.

Xăng tăng, thực phẩm đội giá: Cú đánh bồi bóp nghẹt lao động nghèo TPHCM - 5

Anh Phú quyết định bỏ nghề vì không thể bám trụ nghề shipper.

19h, Hoàng Vũ (27 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) vẫn cần mẫn nhận những đơn hàng cuối cùng. Gần đây, công việc của Vũ luôn kéo dài trên 15 tiếng đồng hồ mỗi ngày để gồng gánh cả gia đình.

Vũ cho biết, 2 năm trước, trừ chi phí di chuyển, ăn uống, anh hoàn toàn dễ dàng kiếm 300.000-400.000 đồng tiền công/ngày. Thế nhưng, từ khi giá xăng tăng, dù chạy hơn 20 đơn hàng, Vũ gần như không kiếm quá 250.000 đồng.

"Bình thường đổ 60.000 đồng là đầy bình xăng, giờ phải trên 100.000 đồng. Cách đây 2 hôm, công ty tặng tài xế 6 mã khuyến mãi trị giá 10.000 đồng cho mỗi lần đổ xăng. Thế nhưng nó vẫn như muối bỏ bể, không thể giải quyết vấn đề trước mắt…".

Đơn hàng nổ liên tục trên điện thoại nhưng Vũ vẫn đắn đo. Cậu trai trẻ lướt nhoay nhoáy tin tức trên chiếc smart-phone cũ và không có ý định nhận thêm.

Vài phút sau, Vũ reo lên: "Đấy! Mấy đứa bạn em nghỉ nữa rồi. Cả cái group "Shipper Sài Gòn" đang kêu nhau đình công. Còn mỗi em vẫn cố chứ không con đói, nhưng cố quá có thành quá cô không anh?".

Vũ cười... một nụ cười đắng chát.

Nội dung: Huy Hậu

Ảnh: Huy Hậu - Hải Long