DMagazine

Nghị lực sống của vận động viên khuyết tật làm chủ hãng xà phòng thảo dược

(Dân trí) - Không chịu khuất phục trước số phận, anh Chung không chỉ trở thành vận động viên bơi lội khuyết tật đạt nhiều thành tích mà còn khởi nghiệp, trở thành ông chủ một thương hiệu xà phòng thảo dược.

Nghị lực sống của vận động viên khuyết tật làm chủ hãng xà phòng thảo dược

Không chịu khuất phục trước số phận, anh Chung không chỉ trở thành vận động viên khuyết tật bơi lội chuyên nghiệp mà còn khởi nghiệp, trở thành ông chủ một thương hiệu xà phòng thảo dược.

Gặp nạn khi giúp người

Sinh ra trong một gia đình nghèo có tới 6 anh em, bố không may qua đời sớm bởi căn bệnh ung thư quái ác, anh Nguyễn Văn Chung (38 tuổi, trú tại thôn Trần Phú, xã Minh Cường, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) lớn lên bằng tình thương của người mẹ tảo tần. Ông trời vốn cho anh một cơ thể bình thường, khỏe mạnh nhưng lại vô tình lấy đi sự bình thường đó khi anh tròn 18 tuổi.

Nghị lực sống của vận động viên khuyết tật làm chủ hãng xà phòng thảo dược - 1

Anh Chung tự lái chiếc xe 3 bánh đi giao hàng.

Trong một lần đi làm ruộng gần trạm bơm Minh Cường, một người hàng xóm nhờ anh vớt hộ chiếc cờ-lê rơi ở dưới máng nước. Vốn tính tình cởi mở, hay giúp người lại giỏi bơi lội, anh Chung liền lặn xuống vớt. Lần đầu lặn xuống mò không được, người hàng xóm có ý lo lắng, gọi Chung lên bờ, nhưng cậu trai đã cố gắng lặn xuống lần thứ hai.

Thời khắc "tử thần" đó, dòng nước chảy xiết đã cuốn Chung vào máy bơm. Tai nạn kinh hoàng khiến đôi chân Chung dập nát.

Mọi người hoảng hốt giải cứu Chung, đưa cậu lên đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức. Tỉnh dậy, nghe bác sĩ nói phải cắt bỏ hai chân từ bẹn trở xuống, Chung dường như sụp đổ, mất hết niềm tin cuộc sống.

"Lúc đó, tôi muốn chấm dứt cuộc đời khi biết sẽ không còn đôi chân nhưng nghĩ đến mẹ già cô đơn, đau khổ suốt quãng đời còn lại, tôi không thể cho phép mình được chết. Tôi chọn sống. Rất may, ca phẫu thuật cũng khá thành công", anh Chung kể lại.

Vận động viên bơi lội không chân 

Sau khi ra viện, Chung phải nằm yên một chỗ liền 6 tháng rồi lần thứ hai trong đời, tập đi với đôi chân giả do Bệnh viện Bạch Mai và một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ. Tuy nhiên, chân giả làm anh rỉ máu, đi lại rất đau đớn. Vậy nên anh chuyển sang tập đi bằng... tay.

Sau đó, anh dần quen biết với một số người khuyết tật cùng cảnh ngộ và được giới thiệu vào câu lạc bộ (CLB) Thể thao người khuyết tật TP Hà Nội.

Nghị lực sống của vận động viên khuyết tật làm chủ hãng xà phòng thảo dược - 2

Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, anh Chung đã trở thành một vận động viên khuyết tật bơi lội chuyên nghiệp.

Trong một lần tham gia lễ kỷ niệm Ngày quốc tế người khuyết tật tổ chức tại công viên nước hồ Tây, nhìn thấy bể bơi, anh Chung tự hỏi, liệu mình còn có thể bơi được không?

Sau giây phút đắn đo, Chung đã lao mình xuống hồ nước, vùng vẫy. Rất nhiều người chứng kiến hoảng hốt định nhảy xuống cứu. Nhưng rồi ai cũng phải bất ngờ khi thấy Chung khua khoắng, dùng mọi kỹ năng từng có để bơi vào bờ. Vào được bờ, anh reo lên hào hứng: "Mình vẫn có thể bơi được", trong sự ngỡ ngàng của mọi người.

Sau đó, anh Chung đăng ký tham gia đội tuyển đẩy tạ và bơi lội của CLB Thể thao người khuyết tật TP Hà Nội và gặt hái những thành tích xuất sắc ở cả hai bộ môn. Tuy nhiên, sau đó anh đã chọn thi đấu cho môn bơi. Chung tâm niệm, "mình bị mất đôi chân từ nước thì sẽ đứng lên cũng chính từ nước". Thế là, hàng ngày anh Chung cứ lăn xe từ Bệnh viên Bạch Mai tới CLB ở phố Khúc Hạo để tập luyện.

Với nỗ lực không biết mệt mỏi, anh Chung đã được chọn vào đội tuyển bơi Việt Nam tham dự ASEAN Para Games 2 tổ chức ngay tại Hà Nội năm 2003. Anh đã xuất sắc giành tấm huy chương Bạc. Nhìn con trai xuất hiện trên truyền hình nhận huy chương, ở quê nhà, bà Miễn, mẹ anh đã khóc nức nở vì hạnh phúc. Bà thương cậu con trai út có số phận hẩm hiu nhưng lại hạnh phúc vì con đã vượt lên số phận, vui vẻ sống và đem vinh quang về cho đất nước.

Sau thành công tại ASEAN Para Games 2, anh Chung tiếp tục giành được huy chương vàng, bạc, đồng tại các kỳ ASEAN Para Games kế đó tại Philippines năm 2005, tại Thái Lan năm 2008 và Indonesia năm 2011.

Từ nỗ lực tự lo đến khát vọng làm giàu

Bơi lội giúp anh Chung có thu nhập để trang trải cuộc sống trong nhiều năm. Tuy nhiên, thi đấu thể thao chỉ có tuổi. Anh Chung đã từng rất trăn trở tìm cái nghề sau khi giải nghệ. Bản thân anh, dù khuyết tật  nhưng không nề hà bất cứ công việc nào từ dọn nhà, đi ship hàng đến rửa bát, phục vụ quán ăn... miễn là có tiền để tự lo cho bản thân, không phải làm phiền người khác, nhất là mẹ già ở quê.

Nghị lực sống của vận động viên khuyết tật làm chủ hãng xà phòng thảo dược - 3

Anh Chung nấu xà phòng thảo dược tại phiên chợ xanh tử tế.

Vất vả với nhiều nghề, ở khu trọ, ai cũng rất cảm thương với hoàn cảnh của anh Chung, ttrong đó có anh bạn sinh viên ngành Công nghệ sinh học, trường Đại học Bách khoa Hà Nội tên Vũ Trung Đức.

Thấy da Chung thường bị khô nẻ, ngứa do thường phải ngâm mình dưới bể bơi, anh Đức đã tặng bạn một bánh xà phòng thảo dược để tắm. Sau khi dùng, anh Chung thấy da dẻ cải thiện rõ ràng, mềm mại hơn rất nhiều. Nhưng Chung vẫn đặt câu hỏi với Đức, xà phòng thảo dược tuy dùng rất thích nhưng ít bọt, có cách nào tăng lượng bọt lên được không?. Đức giải thích, muốn tăng bọt phải dùng hóa chất và như vậy sẽ không còn là xà phòng thảo dược nữa.

Với sự hỗ trợ kỹ thuật từ anh Đức, Chung nhen nhóm ý định điều chế các loại xà phòng thảo dược, chiết xuất từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường để cung ứng ra thị trường.

Khởi nghiệp với người bình thường đã khó, với người khuyết tật, con đường càng thêm gập ghềnh, trắc trở. Với số vốn ban đầu chỉ hơn một triệu, tự mày mò tìm hiểu, tự làm mọi việc, từ tìm kiếm nguyên liệu (dầu dừa, dầu cọ, bồ hòn, nghệ....) tới khâu nấu xà phòng, quảng bá, bán hàng... anh Chung đã kiên trì trong suốt một năm để có những mẻ xà phòng thảo dược thành phẩm đầu tiên.

"Nấu xà phòng còn khó hơn làm những món ăn cầu kỳ, phức tạp. Phải xác định được nhiệt độ chính xác của từng loại thảo dược, phải canh cho phôi tan rồi cho nguyên liệu vào nồi đúng lúc. Nếu để sôi quá, xà phòng sẽ bị nhão, lơ là một chút là mất trắng cả nồi, đi tong cả triệu bạc. Tôi đã phải đổ đi không biết bao nhiêu nồi xà phòng hỏng", anh Chung tâm sự.

Nghị lực sống của vận động viên khuyết tật làm chủ hãng xà phòng thảo dược - 4

Sản phẩm xà phòng thảo dược Sam Sôn của anh Chung an toàn cho da và thân thiện với môi trường.

Ra được sản phẩm rồi, để bán được càng không hề đơn giản. Ban đầu, những bánh xà phòng thảo dược được cắt thành khúc rất thô, không có bao bì, tạo ít bọt... nên anh Chung chủ yếu chỉ bán được cho người thân quen.

Tuy nhiên, "hữu xạ tự nhiên hương", xà phòng của anh Chung tạo được ấn tượng tốt với người có da dẻ nhạy cảm, khô hanh. Tiêu chí thân thiện với môi trường sau đó cũng khiến lượng khách ngày càng tăng lên.

Thu trăm triệu đồng mỗi phiên chợ

Để bán hàng, anh Chung thường các tham gia phiên chợ xanh tử tế ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tại mỗi phiên chợ, anh Chung đều mang xoong, chảo và nguyên liệu để trực tiếp nấu xà phòng tại chỗ cho khách hàng xem. Trung bình, mỗi phiên chợ anh Chung bán được từ 3.000 - 5.000 bánh xà phòng, thu về cả trăm triệu đồng.

Có một kỷ niệm về phiên chợ xanh tại công viên Thống Nhất (Hà Nội) làm anh Chung rất nhớ. Đó là một lần vào khoảng năm 2013, có một nữ khách hàng đã "mắng" anh gay gắt vì... không biết tìm anh ở đâu để mua xà phòng thảo dược.

Thêm nữa, nữ khách hàng không tìm được sản phẩm nào tương đồng. Bởi, sau lần đầu tiên sử dụng rất hợp với da, cô muốn chọn dùng lâu dài nhưng không có bất cứ thông tin về địa chỉ, thương hiệu... chỉ biết xà phòng này của một anh chàng khuyết tật làm ra và mua tại một hội chợ....

Nghị lực sống của vận động viên khuyết tật làm chủ hãng xà phòng thảo dược - 5

Khách hàng rất hài lòng với sản phẩm thảo dược Sam Sôn của anh Chung.

Việc chọn một cái tên cho thương hiệu mới cũng làm anh suy nghĩ rất nhiều. Sam Sôn vốn là một nhân vật trong Kinh Thánh và phải trải qua rất nhiều thử thách của Chúa. Là người theo đạo Tin lành, anh Chung cảm thấy mình và Sam Sôn có nhiều điểm tương đồng, nhất là biến cố năm 18 tuổi cướp đi đôi chân. Vì vậy, anh quyết định chọn cái tên này đặt cho sản phẩm xà phòng thảo dược của mình, như một thông điệp về tinh thần lạc quan, tin yêu vào cuộc sống.

San sẻ với cộng đồng

Năm 2015, anh Chung thành lập xưởng sản xuất xà phòng thảo dược và tinh dầu thiên nhiên. Anh và người bạn thân thiết Vũ Trung Đức thuê đất tại Ninh Bình để trồng cây nguyên liệu, chủ yếu là gừng, sả, tía tô, mướp đắng, bạc hà, chùm ngây...

Sau 6 năm hoạt động, xưởng của anh Chung hiện có khoảng 30 lao động, thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. "Doanh thu của tôi thời điểm chưa có dịch bệnh dao động ở mức 400-500 triệu đồng/năm", anh Chung cho biết.

Anh Chung cho biết, hiện đang có một đơn vị muốn hợp tác với anh để đưa xà phòng thảo dược sang thị trường châu Âu, chuyên phục vụ trong khách sạn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà hiện nay kế hoạch vẫn chưa triển khai được.

Ngoài phát triển xà phòng thảo dược, anh Chung còn nghiên cứu điều chế ra muối ngâm chân, tinh dầu, dầu gội… Đặc biệt là sản phẩm xà bông dành cho trẻ nhỏ được điều chế từ muối đun ở nhiệt độ cao. Theo anh Chung, sản phẩm này có thể trị được các chứng rôm sảy, mẩn ngứa, mề đay, dị ứng... và an toàn tuyệt đối với con trẻ.

Hơn hai năm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, anh Chung chưa đi được phiên chợ xanh nào, thu nhập sụt giảm. Tuy vậy, anh vẫn duy trì công việc cho một số bà con xã viên ở xưởng sản xuất để đảm bảo thu nhập tối thiểu cho họ.

Còn với bản thân, anh Chung tự bán xà phòng thảo dược và một số loại củ, quả trong ngõ nhỏ nhà mình để mưu sinh qua ngày. Anh Chung giãi bày: "Mình đói cũng chịu được nhưng còn mẹ già ở quê nên vẫn cố bán hàng để có tiền gửi về phụng dưỡng mẹ. Cả cuộc đời mẹ đã vất vả vì mình, mình có đền đáp bao nhiêu cũng không thể đong đầy tình mẹ".

Là một người khuyết tật trải qua nhiều khó khăn trong cuộc sống nên anh Chung thường hay giúp đỡ người nghèo khó. Kể về các hoạt động thiện nguyện, anh Chung dè dặt nói "có đáng là bao đâu, tấm lòng là chính".

Tuy giá trị vật chất trong mỗi lần làm thiện nguyện của anh Chung không nhiều nhưng ai ấy đều cảm nhận được cái tình của chàng trai có số phận kém may mắn. Đôi khi chỉ là bao gạo biếu hàng xóm khó khăn, vài trăm nghìn tiền xe giúp công nhân về quê hay đùm bọc những người mất việc trong thời gian giãn cách xã hội trên căn gác trọ còn nhiều thiếu thốn...

Nghị lực sống của vận động viên khuyết tật làm chủ hãng xà phòng thảo dược - 6

Nhiều người bày tỏ sự khâm phục với nghị lực sống của anh Chung.

Gọi là "giám đốc" của xưởng, nhưng mọi công việc từ sản xuất, xây dựng thương hiệu, phân phối, hạch toán... anh Chung đều tham gia làm từ đầu đến cuối. Sinh hoạt hàng ngày của anh rất đơn giản và hoàn toàn tự lo, không dựa dẫm vào người khác. Với chàng trai không chân ấy, như thế là đủ hạnh phúc!

Nguyễn Văn Công