Luật BHXH sửa đổi: Thêm trợ cấp hưu trí, phủ kín lưới an sinh
(Dân trí) - Từ 1/7/2025, chế độ hưu trí có thêm trợ cấp hưu trí xã hội và trợ cấp hằng tháng, tạo thành hệ thống hưu trí đa tầng, dần phủ kín mạng lưới an sinh đến toàn bộ người cao tuổi hết tuổi lao động.
Khoảng trống an sinh và nhóm "mất tích"
Tại một hội nghị góp ý cho dự thảo Luật BHXH sửa đổi tổ chức ở TPHCM, ông André Gama, chuyên gia Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, giới thiệu về hệ thống hưu trí đa tầng của một số nước tiên tiến như Bồ Đào Nha, Nhật Bản…
Ở các nước này, hầu hết người không còn trong độ tuổi lao động đều có thu nhập từ chế độ an sinh. Người có lương hưu thấp thì được bổ sung bằng khoản hưu trí xã hội do ngân sách đài thọ.
Trong khi đó, tại Việt Nam, một tỷ lệ lớn người cao tuổi không có bất kỳ nguồn thu nhập nào từ chế độ an sinh, chỉ những người tham gia BHXH đủ năm mới có lương hưu và người trên 80 tuổi được nhận trợ cấp xã hội hằng tháng do ngân sách đài thọ.
Khi hết tuổi lao động, một bộ phận người già thuộc hộ nghèo không có người phụng dưỡng, nhiều người làm việc trong khu vực phi chính thức hoặc đã rời khỏi hệ thống BHXH, khi về hưu không có lương hưu. Nếu không đạt điều kiện quy định thì họ cũng không được nhận trợ cấp xã hội. Đây là nhóm nằm trong khoảng trống chính sách.
Ông André Gama vẽ 2 biểu đồ thể hiện rõ khó khăn của hệ thống hưu trí Việt Nam hiện nay là tồn tại một khoảng trống an sinh rất lớn ở nhóm người có độ tuổi từ 60-79. Đó là những người không có lương hưu, không nghèo khó đến mức được nhận trợ cấp xã hội, cũng chưa đủ 80 tuổi để nhận hưu trí xã hội do ngân sách đài thọ.
Do đó, ILO khuyến nghị Việt Nam phải sớm thực hiện giải pháp tích hợp trợ cấp hưu trí xã hội với lương hưu nhằm bao phủ tới các nhóm nằm trong khoảng trống chính sách, kết hợp các nguồn quỹ từ BHXH và trợ cấp từ ngân sách nhà nước. Từ đó, xây dựng hệ thống hưu trí đa tầng, bao phủ lưới an sinh đến toàn bộ người cao tuổi hết tuổi lao động.
Luật BHXH sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, được thiết kế để xây dựng hệ thống hưu trí đa tầng như khuyến nghị trên.
Theo PGS-TS Giang Thanh Long, nếu xây dựng được hệ thống hưu trí đa tầng, Việt Nam sẽ là quốc gia có thu nhập trung bình nhưng đã thiết kế chế độ hưu trí hướng theo chuẩn quốc tế.
Tồn tại của hệ thống BHXH hiện này là nhóm "mất tích" ở độ tuổi lao động (lao động phi chính thức, không tham gia hoặc đã rời khỏi hệ thống BHXH) và nhóm người hết tuổi lao động mà không có thu nhập ổn định tạo thành khoảng trống an sinh (xuất phát từ nhóm "mất tích"). Lấp đầy khoảng trống trên là mục tiêu quan trọng cần thực hiện trong thời gian tới.
Liên kết tầng lấp đầy khoảng trống an sinh
Luật BHXH sửa đổi dành riêng Chương III để quy định về một khái niệm mới trong hệ thống an sinh là trợ cấp hưu trí xã hội.
Đối tượng được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là người từ đủ 75 tuổi trở lên và không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp BHXH hằng tháng.
Người từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và không có lương hưu hoặc trợ cấp BHXH hằng tháng cũng được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Chế độ trợ cấp hưu trí xã hội có đầy đủ 3 khoản là trợ cấp hằng tháng, thẻ BHYT miễn phí và mai táng phí như chế độ hưu trí.
Về cơ bản, trợ cấp hưu trí xã hội kế thừa từ chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng dành cho người cao tuổi hiện hành (dành cho người từ 80 tuổi trở lên) nhưng mở rộng hơn nhờ giảm độ tuổi hưởng xuống 75 (hoặc 70 nếu thuộc hộ nghèo và cận nghèo) và có thể còn giảm thấp hơn trong tương lai.
Luật BHXH sửa đổi quy định thêm: "Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội trên cơ sở đề nghị của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ".
Quy định này mở đường cho việc giảm dần độ tuổi được nhận trợ cấp hưu trí xã hội của người dân, giúp số người già có lương hưu, trợ cấp hằng tháng ngày càng tăng.
Một chế độ khác cũng hoàn toàn mới, được quy định trong chương III là chế độ đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Đây là nhóm lao động nằm trong "khoảng trống" của lưới an sinh hiện nay. Họ tham gia BHXH nhưng đến tuổi nghỉ hưu lại không đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng hưu trí nên lãnh BHXH một lần và rời khỏi hệ thống an sinh.
Luật BHXH sửa đổi thiết kế thêm một lựa chọn cho nhóm lao động này. Họ có thể chọn lãnh BHXH một lần hoặc chọn hướng mới là hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính khoản đóng BHXH của mình.
Thời gian hưởng, mức hưởng trợ cấp hằng tháng được xác định căn cứ vào thời gian đóng, bình quân mức lương làm căn cứ đóng BHXH của họ.
Mức hưởng sẽ được tính toán hợp lý để kéo dài thời gian hưởng từ khi người lao động nghỉ hưu cho đến thời điểm được nhận trợ cấp hưu trí xã hội.
Nhờ đó, nhóm lao động trên có được thu nhập ổn định hằng tháng từ chế độ an sinh ngay sau khi họ hết tuổi làm việc.
Trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng này, người lao động cũng được hưởng thêm chế độ BHYT miễn phí và mai táng phí khi qua đời như chế độ hưu trí.
2 chế độ mới trên tạo thành những tầng an sinh liên kết với lương hưu và trợ cấp xã hội, góp phần giảm bớt số người cao tuổi không có lương hưu hoặc trợ cấp, lấp đầy dần "khoảng trống" an sinh mà các chuyên gia đề cập đến.
Nhiều giải pháp thu hẹp nhóm "mất tích"
2 chế độ trên là nỗ lực rất lớn của Chính phủ nhằm giảm bớt số lượng người không có bất kỳ khoản hỗ trợ tài chính nào khi hết tuổi lao động, giúp đan chặt thêm tấm lưới an sinh.
Tuy nhiên, vẫn còn một lượng rất lớn lao động "lọt lưới" an sinh. Đó là những lao động ở khu vực phi chính thức, không tham gia hệ thống BHXH nào. Do đó, khi hết tuổi lao động, họ không thể lựa chọn nhận chế độ trợ cấp hằng tháng mà phải chờ đến tuổi để được nhận trợ cấp hưu trí xã hội (theo luật BHXH sửa đổi là 75 tuổi).
Hiện nay, số lượng lao động trong khu vực không chính thức là rất lớn. Tính đến hết quý 1/2023, cả nước có 33 triệu người làm việc trong khu vực phi chính thức và 98% số này không tham gia bất cứ loại hình bảo hiểm nào. Đây là "lỗ hổng" lớn trong hệ thống an sinh hiện nay.
Ngoài những thiệt thòi trong quá trình lao động, khi về già, lao động phi chính thức cũng không có các khoản tài chính hỗ trợ như lương hưu, tử tuất, bảo hiểm y tế miễn phí, mai táng phí… Khi đó, họ có nguy cơ phải đối mặt với tình trạng mất an toàn tài chính hoặc cuộc sống phụ thuộc vào con cháu, vào xã hội.
Chính vì vậy, Luật BHXH sửa đổi đã bổ sung thêm nhiều nhóm lao động phải tham gia BHXH bắt buộc nhằm mở rộng hệ thống, giảm thiểu số lao động không hề tham gia loại hình bảo hiểm nào.
Cụ thể, so với Luật BHXH năm 2014, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã bổ sung đối tượng tham gia là chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ; mở rộng thêm một số vị trí việc làm ở doanh nghiệp có vốn nhà nước, hợp tác xã; mở rộng nhóm làm việc theo hợp đồng…
Theo tính toán, việc áp dụng các quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc giúp phủ lưới an sinh thêm 5 triệu người.
Luật BHXH sửa đổi bổ sung các quy định hạn chế rút BHXH một lần cũng là một giải pháp để ngăn chặn người lao động rời khỏi hệ thống an sinh, đảm bảo họ sẽ có một khoản lương hưu (dù nhiều hay ít), hoặc tối thiểu là có trợ cấp hằng tháng khi hết tuổi lao động.
Ngoài ra, theo luật BHXH năm 2014, người tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Nay Luật BHXH sửa đổi bổ sung thêm 2 chế độ là trợ cấp thai sản và bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động.
Với 2 chế độ mới bổ sung, BHXH tự nguyện sẽ tăng thêm tính hấp dẫn, dự kiến sẽ thu hút thêm nhiều lao động ở khu vực phi chính thức tham gia loại hình bảo hiểm này.
Tất cả nỗ lực trên của Chính phủ là để giảm thiểu số lao động không tham gia bất cứ loại hình BHXH nào, thu hẹp bớt nhóm "mất tích" trong độ tuổi lao động. Khi nhóm "mất tích" thu hẹp thì "khoảng trống" an sinh ở nhóm hưu trí cũng sẽ nhỏ dần đi.
Bài: Tùng Nguyên - Lê Hoa
Ảnh: Tùng Nguyên - Sơn Nguyễn - Hải Long