DNews

Cụ bà 103 tuổi, sở thích như thanh niên

Hạnh Linh

(Dân trí) - 103 tuổi, cụ Nhớ vẫn sống một mình, đều đặn đi bộ tập thể dục, ra hàng ăn sáng, đi chợ, nấu cơm, tự lo sinh hoạt... như thủa xuân xanh.

Cụ bà 103 tuổi, sở thích như thanh niên

Sở thích đi bộ tập thể dục, thăm con, cháu

Xuân Giáp Thìn 2024, cụ Bùi Thị Nhớ (phố Thành Yên, phường Quảng Thành, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đón tuổi 103 cùng các con, cháu, chắt. Ở tuổi bách niên, cụ vẫn mạnh khỏe, tự lo mọi sinh hoạt đều đặn, nề nếp. 

Mỗi ngày cụ dậy lúc 6h. 6h30 cụ vệ sinh cá nhân, sau đó tập thể dục rồi đi bộ đến quán ăn. Bữa sáng, cụ Nhớ thường ăn cháo, bánh cuốn hoặc miến nấu thịt băm. Ăn sáng xong, cụ đi chợ, mua sắp thực phẩm mang về sơ chế cẩn thận, ngăn nắp. Xong việc, rảnh tay, cụ bà mới sang hàng xóm uống nước, hàn huyên với các bạn già.

Cụ bà 103 tuổi, sở thích như thanh niên (Video: Hạnh Linh).

Cụ bà 103 tuổi, sở thích như thanh niên - 1

Cụ Nhớ chia sẻ về bí quyết trường thọ (Ảnh: Hạnh Linh).

Trưa đến, cụ Nhớ tự vo gạo, cắm cơm, nhặt rau, nấu ăn theo sở thích. Đúng 11h cụ dùng cơm trưa.

"Mỗi bữa tôi ăn lưng bát cơm, ngon cũng không ăn hơn mà dở cũng không ăn ít đi, bữa trưa thường ăn nhiều canh, bữa tối hạn chế uống nước, ăn canh. Trước đây, tôi còn ăn cá được, giờ già rồi, ăn cá sợ hóc xương nên thường ăn thịt lợn. Răng yếu nên thịt cũng phải băm nhỏ", cụ Nhớ chia sẻ.

Dù đã 103 tuổi nhưng cụ Nhớ hiếm khi ốm vặt, ít dùng thuốc, chỉ một lần phải đến Trạm y tế phường khâu vết thương ở đầu, sau cú trượt chân ngã trong nhà tắm vào năm 2023.

Cụ bà 103 tuổi, sở thích như thanh niên - 2

Cụ Nhớ vẫn giữ thói quen đi bộ tập thể dục (Ảnh: Hạnh Linh).

Cụ Nhớ có sở thích đi bộ, mỗi ngày cụ đều đi bộ qua các gia đình thăm con, cháu. "Tôi duy trì thói quen đi bộ 20 phút quanh xóm rồi đi sang thăm con, cháu mỗi ngày. Cứ lần lượt đi từ nhà con trai thứ, qua con út rồi đến nhà các cháu. Tới nhà các con, cháu chơi, trò chuyện tôi thấy mình khỏe ra. Chắc cũng vì thế mà tôi sống vui, khỏe", cụ Nhớ chia sẻ về bí quyết trường thọ.

Bà Lê Thị Lâm, con dâu cụ Nhớ cho biết, ngoài sở thích đi bộ, mẹ chồng bà cũng rất thích đi họp. "Hầu hết các cuộc họp của Hội Người cao tuổi trong phố mẹ tôi đều tham gia. Trước thì hay đóng góp ý kiến, giờ thì lắng nghe, chia sẻ với mọi người", bà Lâm cho biết.

Cụ bà 103 tuổi, sở thích như thanh niên - 3

Sau khi tập thể dục, cụ Nhớ đi ăn sáng. Bánh cuốn là một món ăn yêu thích của cụ (Ảnh: Hạnh Linh).

Theo bà Lâm, mẹ chồng là người hiền lành, sống vui vẻ, chan hòa với mọi người. "Về làm dâu gần 30 năm qua, tôi chưa thấy mẹ chồng to tiếng với ai. Bà nhân hậu, hiền từ. Chúng tôi rất tự hào, hạnh phúc vì mẹ luôn sống vui, khỏe", bà Lâm tâm sự.

"Nhớ chồng con thì tự dặn lòng sống vui, sống khỏe"

Cụ Nhớ có 5 người con trai, 10 người cháu và 9 chắt. Cụ ông đã mất cách đây gần 20 năm, nhiều lần, các con, cháu muốn đưa cụ Nhớ về ở cùng để tiện chăm sóc, phụng dưỡng, song cụ Nhớ chưa đồng ý. Cụ sống sát vách người cháu nội, trong ngôi nhà nhỏ, nơi ghi dấu những kỷ niệm cùng chồng và các con, cháu.

Cụ bà 103 tuổi, sở thích như thanh niên - 4

Cụ bà 103 tuổi vẫn tự đi chợ, nấu ăn mỗi ngày (Ảnh: Hạnh Linh).

Với cụ Nhớ, thời gian đã xóa nhòa đi nhiều thứ, song cụ chưa bao giờ quên hình ảnh con trai đầu, liệt sỹ Hoàng Văn Doãn, đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.

Cụ Nhớ kể, con trai đầu Hoàng Văn Doãn sinh năm 1952, thông minh, cao ráo, đẹp trai, thích chơi thể thao nên đã theo học trường thể dục thể thao ở Phố Đầm, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Tháng 8/1971, khi đang học thì con tình nguyện lên đường nhập ngũ.

Cụ bà 103 tuổi, sở thích như thanh niên - 5

Cụ Nhớ tự cắm cơm (Ảnh: Hạnh Linh).

"Con được huấn luyện lính đặc công ở Hà Nội rồi vào Quảng Nam chiến đấu. Trong suốt thời gian ở chiến trường, con không viết thư, liên lạc với gia đình. Mãi sau này, tôi mới biết con đã hy sinh. Lúc hy sinh con còn rất trẻ, mới 22 tuổi", cụ Nhớ hồi tưởng.

Theo cụ Nhớ, những kỷ niệm về con trai là thời con còn nhỏ. Giờ mỗi lúc nhớ con, cụ hay ngước nhìn lên tấm bằng Tổ quốc ghi công treo trang trọng giữa căn nhà để thấy được an ủi. "Nhớ chồng, con, tôi luôn dặn lòng sống vui, khỏe để chồng, con an lòng khi đã rời xa cõi tạm", cụ Nhớ nói rồi vuốt ve tấm bằng Tổ quốc ghi công.

Cụ bà 103 tuổi, sở thích như thanh niên - 6

Cụ Nhớ kể cho con dâu lớn nghe về người con trai liệt sỹ (Ảnh: Hạnh Linh).

Ngồi bên cạnh mẹ, ông Hoàng Văn Chẩn, con trai thứ của cụ Nhớ, cho biết anh trai của ông thời gian chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam đã được gia đình bà Hồ Thị Quyệt, ở huyện Tam Kỳ, nay là thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, cưu mang, nhận làm con. Tháng 5/1974, trong một cuộc giáp chiến, anh Doãn vướng phải mìn của địch rồi hy sinh. Lúc này, bà Quyệt đã chôn cất con nuôi và viết thư gửi báo tin cho gia đình liệt sỹ ở Thanh Hóa.

Em kế liệt sỹ Hoàng Văn Doãn nhận thư, biết anh hy sinh nhưng giấu. Mãi đến khi cán bộ xã đến gửi giấy báo tử, cả gia đình mới biết. Khi biết tin, ai cũng suy sụp. Phải mất một thời gian dài cả nhà mới lấy lại tinh thần. Năm 1987, gia đình đưa cụ Nhớ vào Quảng Nam đưa thi hài của liệt sỹ Doãn về quê.

Cụ bà 103 tuổi, sở thích như thanh niên - 7

Cụ Nhớ treo những kỷ niệm ở nơi trang trọng trong căn nhà nhỏ (Ảnh: Hạnh Linh).

"Dù mẹ quên rất nhiều thứ nhưng luôn nhớ về anh tôi. Với mẹ, anh Doãn luôn là người con trai đẹp nhất", ông Chẩn tâm sự.

Theo ông Chẩn, ở tuổi 103, mẹ ông luôn vui, khỏe, ngày nào cũng đi tập thể dục, ăn sáng, đi chợ, nấu cơm, lúc rảnh bà lại sang thăm các con, cháu. Người làm con như ông đến giờ vẫn luôn ấm lòng khi mẹ vẫn khỏe mạnh, trường thọ.

Cụ bà 103 tuổi, sở thích như thanh niên - 8

Ông Chẩn, con trai thứ 4 của cụ Nhớ luôn thấy bản thân may mắn khi tuổi này vẫn còn mẹ (Ảnh: Hạnh Linh).

Ông Hoàng Văn Điệp, Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi phố Thành Yên, cho biết Hội Người cao tuổi ở phố có 289 hội viên. Ở tuổi 103, cụ Nhớ là 1 trong 2 cụ cao tuổi nhất của phố. Cụ có 5 người con, con trai đầu hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.

"Dù tuổi cao nhưng cụ Nhớ vẫn khỏe mạnh, hằng ngày đều đi bộ sang thăm con, cháu và tự lo được sinh hoạt cho bản thân. Đặc biệt cụ rất tích cực tham gia các cuộc họp của hội. Cụ là tấm gương sáng trong việc chăm lo, giáo dục các con, cháu trở thành người có ích cho xã hội", ông Điệp nói.