Xe bồn chở nước cả ngày lẫn đêm cho bà con tắm, giặt ở vùng hạn Đồng Nai
(Dân trí) - Cao điểm mùa khô, hàng chục xe bồn chở nước từ sáng sớm đến khuya cho các hộ dân vùng hạn dọc sông La Ngà, huyện Định Quán, Đồng Nai.
Những ngày đầu tháng 4, cao điểm mùa khô, từ Quốc lộ 20 đi vào một số tuyến đường thuộc các xã Phú Ngọc, La Ngà, Ngọc Định (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai), hàng chục xe công nông được chế thành xe bồn chở nước hoạt động cả ngày lẫn đêm.
Ông Sỹ (xã Phú Ngọc, huyện Định Quán), có 15 năm chạy xe bồn chở nước cho người dân cho biết, từ sau Tết đến mùa mưa, hơn 95% người dân xã Phú Ngọc phải mua nước sinh hoạt.
Những xe bồn chở nước hoạt động hết công suất, từ sáng sớm đến tối, chở nước sinh hoạt từ các vùng lân cận hoặc những hộ dân có nguồn nước giếng khoan cung cấp cho các hộ dân trong xã. Tình trạng giếng khoan cạn, người dân ba xã La Ngà, Phú Ngọc, Ngọc Định thiếu nước sinh hoạt đã hơn 20 năm nay.
Cũng như ông Sỹ, ông Nguyễn Văn Long (55 tuổi, xã Phú Ngọc) làm nghề lái xe bồn chở nước gần 20 năm. "Cứ đến mùa khô, xã Phú Ngọc có khoảng 10 xe bồn chở nước bán cho người dân sinh hoạt. Mỗi xe bồn chứa hơn 3m3 nước, có giá 120.000 đồng.
Mỗi ngày ông Long chạy khoảng 10 chuyến xe. "Do nhu cầu cần nước rất lớn nên các xe chở nước đều hoạt động từ sáng sớm đến tối. Có những đêm tôi đã về nhà nghỉ ngơi, người dân hết nước tắm, tôi phải lái xe chở nước cho bà con", ông Long chia sẻ.
Vào cao điểm mùa khô, các xe nước phải làm việc cả ngày, lẫn đêm nhưng vẫn không kịp vận chuyển nước sinh hoạt bán cho bà con. Nhiều người dân liên tục gọi chở nước nhưng do số lượng xe ít, trong khi nhu cầu lớn, nhiều hộ phải đợi vài ngày mới có nước.
Theo các tài xế, một xe nước có thể tích 3 khối nước được mua với giá 30.000 đồng và bán lại cho người dân giá 120.000 đồng/xe. Ngày chạy được 10 chuyến, trừ tiền dầu mỗi ngày cánh tài xế thu về khoảng 500.000 đồng.
Bà Nguyễn Thị Ngọc (37 tuổi, xã Phú Ngọc) cho biết, một tháng gia đình bà phải mua từ 8 đến 10 xe nước để sinh hoạt. "Ba tháng mùa khô năm nay, nguồn nước sinh hoạt của gia đình tôi và cả khu vực này khan hiếm. Do nhu cầu sử dụng nước nhiều, tôi phải mua thêm bình để trữ nước vì mỗi lần mua vài ngày mới có chứ không có liền. Sau khi bơm vào bể, nước không thể dùng được ngay mà phải qua máy lọc. Một tháng gia đình tốn gần 1 triệu đồng tiền nước".
Một người dân không có điều kiện mua nước tranh thủ chuẩn bị xô để xin nước còn dư trong ống từ các xe bồn để dùng.
Do thiếu nước trầm trọng, nhiều hộ dân xã Phú Ngọc mua nước bình để nấu ăn, sinh hoạt. "Một tháng gia đình tôi phải mua hơn 20 bình nước để nấu ăn, giá 7.000 đồng/bình. Còn nước sinh hoạt thì khoảng 5 xe, 1 xe giá 120.000 đồng", bà Hoa, xã Phú Ngọc nói.
Mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt rất lớn nên bà con vùng khô hạn huyện Định Quán mong muốn cấp trên quan tâm, có nguồn nước sạch sử dụng, nhất là trong mùa khô. Đây cũng là nguyện vọng chung của hàng nghìn hộ dân thuộc các xã dọc sông La Ngà.
Ông Ty, làm nghề lái xe chở nước gần 10 năm nay, chia sẻ: "Mỗi mùa khô hạn tiền công chở nước cũng khá ổn nhưng tôi vẫn mong bà con sớm có nước máy. Khi nào nước máy về, đời sống bà con không còn khó khăn, vất vả như hiện nay. Lúc đó tôi sẽ đi làm nghề khác".
Ông Mai Trọng Hóa, Phó chủ tịch UBND xã Phú Ngọc (huyện Định Quán, Đồng Nai), cho biết, toàn xã Phú Ngọc hơn 4.000 hộ dân dù sống cạnh sông La Ngà nhưng hơn 20 năm qua, cứ đến mùa khô, các giếng khoan trong xã đều hết nước. Những năm gần đây, tình trạng khô hạn, thiếu nước xảy ra nghiêm trọng hơn.
Hai năm nay, UBND huyện Định Quán xây dựng nhà máy xử lý nước sạch Định Quán và kéo ống nước về xã nhưng vẫn chưa cấp nước. Dự kiến trong tháng 5, gần 1.000 hộ dân (hơn 30%) người dân trong xã sẽ được sử dụng nước sạch để sinh hoạt.