DNews

Vụ sụt lún đường như động đất ở Tây Ninh sẽ được xử lý thế nào?

Ngọc Tân An Huy

(Dân trí) - Liệu có ai bị xử lý hình sự? Ngân sách Nhà nước có bị thiệt hại... là những vấn đề được quan tâm sau sự cố sụt lún đường mới khánh thành tại Tây Ninh.

Vụ sụt lún đường như động đất ở Tây Ninh sẽ được xử lý thế nào?

Liên quan vụ đường dẫn cầu Hòa Bình, xã Hòa Hội, huyện Châu Thành (Tây Ninh), sụt lún nghiêm trọng sau 15 ngày thông xe, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM nhận định, sự cố này có khả năng bị chuyển qua Cơ quan Cảnh sát điều tra để làm rõ sai phạm.

Khi một khối tài sản của Nhà nước vừa hoàn thành đã bị hư hại, câu hỏi được quan tâm là sự cố đó có thể gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước như thế nào. Ngoài những thiệt hại đã thấy rõ như sức khỏe, tinh thần của người bị tai nạn, sự gián đoạn giao thông... liệu có phải bỏ tiền làm lại một con đường mới?

Các tội danh có thể bị truy cứu

Trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết, một vụ việc sẽ được chuyển sang cơ quan Cảnh sát điều tra khi có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.

Các sai phạm xảy ra trong công tác xây dựng hạ tầng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh, bao gồm: Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng tại Điều 224; Vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông tại Điều 281; Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng tại Điều 298 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), và các tội danh khác tùy theo trường hợp cụ thể.

Vụ sụt lún đường như động đất ở Tây Ninh sẽ được xử lý thế nào? - 1

Lớp áo đường lộ ra sau sự cố sụt lún cầu Hòa Bình (Ảnh: Ngọc Tân).

Các yếu tố cấu thành tội phạm được xác định dựa trên hành vi vi phạm của chủ thể thực hiện, mức độ hậu quả thực tế và yếu tố lỗi của chủ thể thực hiện hành vi. Khi đáp ứng đầy đủ các yếu tố trên, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc và tiến hành quy trình tố tụng, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân, tổ chức có dấu hiệu vi phạm.

Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, sự cố sụt lún đường dẫn cầu Hòa Bình đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, trong đó có đến 6 người bị thương phải nhập viện điều trị. Do đó, những nạn nhân trong vụ sụt lún đường có quyền yêu cầu chủ đầu tư và bên thi công công trình phải bồi thường các quyền lợi hợp pháp đã bị xâm phạm.

Những người bị hại có thể đưa ra yêu cầu trực tiếp với các đơn vị chịu trách nhiệm trong việc xảy ra sự cố hoặc tìm đến cơ quan chức năng để yêu cầu vào cuộc, buộc các đơn vị chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định pháp luật.

Người bị hại đương nhiên có quyền gửi đơn yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc xem xét bảo vệ quyền lợi của bản thân. Tuy nhiên, kết luận về việc có xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các đơn vị này hay không còn tùy thuộc vào kết luận của cơ quan điều tra về yếu tố tội phạm trong vụ việc.

Nạn nhân vụ sụt đường ở Tây Ninh muốn làm rõ sự việc

Trường hợp vụ việc được các cơ quan chức năng đánh giá là có yếu tố cấu thành tội phạm, những người bị nạn sẽ được xác định là bị hại trong vụ án và sẽ có các quyền được quy định như đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, tham dự các phiên tòa xét xử…

Theo luật sư Hậu, bước đầu tiếp nhận vụ việc sụt lún đường ở Tây Ninh, cơ quan điều tra sẽ xem xét các yếu tố dẫn đến sự cố tai nạn, trong đó có việc xác định yếu tố lỗi, hành vi vi phạm dẫn đến sự cố và mức độ thiệt hại mà sự cố gây ra trên thực tế.

Nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, cơ quan điều tra sẽ tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với chủ đầu tư hoặc đơn vị thi công, tùy theo kết quả xác minh xác định lỗi thuộc về chủ đầu tư, đơn vị thi công hoặc cả hai bên.

Nhà nước tốn thêm tiền khi nào?

Trao đổi với phóng viên Dân trí về vụ sụt lún đường dẫn cầu Hòa Bình, TS Nguyễn Thanh Bình, Phó trưởng khoa Tài chính đầu tư, Học viện Chính sách và Phát triển, cho biết, nếu xác định được trách nhiệm thuộc về các bên liên quan như nhà thầu, tư vấn... các đơn vị đó sẽ phải chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại, khắc phục sự cố và thậm chí là cả trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp công trình hạ tầng bị hư hỏng vì lý do khách quan mà "không bắt đền được ai". Như việc một cơn lũ cuốn qua làm sạt lở con đường là ví dụ phổ biến.

TS Nguyễn Thanh Bình cho rằng, tình huống có túi bùn bên dưới đường dẫn cầu ở Tây Ninh nằm chênh vênh giữa ranh giới khách quan và chủ quan. Trường hợp xác định nhà thầu và các đơn vị tư vấn đã làm đúng mọi quy trình, nhưng sự cố vẫn xảy ra vì lý do khách quan, chủ đầu tư có thể phải tốn thêm ngân sách để khắc phục sự cố.

"Không phải sự cố nào cũng xác định được lỗi để bắt đền, thậm chí xác định có đơn vị sai phạm, nhưng không phải lúc nào lúc nào cũng thu hồi được tất cả chi phí khắc phục hậu quả từ một sai phạm", TS Nguyễn Thanh Bình phân tích. 

Vụ sụt lún đường như động đất ở Tây Ninh sẽ được xử lý thế nào? - 2

Các công nhân khoan thăm dò, khắc phục sự cố sụt lún cầu Hòa Bình (Ảnh: An Huy).

Khi xét đến nguy cơ Nhà nước phải bỏ tiền khắc phục sự cố, một điểm cần lưu ý là các dự án đầu tư công đều có gói thầu bảo hiểm công trình. Lãnh đạo UBND huyện Châu Thành cũng xác nhận dự án cầu Hòa Bình đã mua bảo hiểm.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, một chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm tại TPHCM cho biết, bảo hiểm công trình được chủ đầu tư mua để phòng ngừa rủi ro, sự cố trong quá trình thi công dự án. Thông thường, khi dự án đã nghiệm thu và bàn giao, bảo hiểm công trình sẽ hết hiệu lực.

Tuy nhiên, lãnh đạo huyện Châu Thành khẳng định dự án cầu Hòa Bình chưa được nghiệm thu, bàn giao. Điều này đồng nghĩa sự cố sụt lún tại công trình vẫn có khả năng được bảo hiểm chi trả.

"Nếu công trình vẫn đang trong thời gian được hưởng bảo hiểm, nhà thầu bảo hiểm sẽ tiến hành kiểm tra, thẩm định sự cố và xem xét bồi thường cho chủ đầu tư theo điều khoản hợp đồng. Tuy nhiên, khoản bồi thường không phải lúc nào cũng ngang bằng với chi phí khắc phục sự cố", vị chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm chia sẻ. 

Theo các chuyên gia, sự cố sụt lún đường tại Tây Ninh có thể được giải quyết theo hướng nhà thầu xây lắp chủ động khắc phục toàn bộ sự cố, sửa chữa và hoàn trả nguyên trạng con đường mới cho chủ đầu tư. Điều này có thể xảy ra trên cơ sở xác định nhà thầu có lỗi trong quá trình thi công, hoặc sau quá trình thỏa thuận giữa nhà thầu với chủ đầu tư.

Khoảng 4h ngày 11/5, đoạn đường dẫn lên cầu Hòa Bình (xã Hòa Hội, huyện Châu Thành, Tây Ninh) bất ngờ bị sụt lún, tạo thành hố sâu khoảng 3m.

Thời điểm trên, một ô tô và 2 xe máy sa xuống rãnh sụt, khiến 6 người bị thương.

Báo cáo của UBND huyện Châu Thành và Sở Xây dựng tỉnh Tây Ninh cho biết, nguyên nhân được dự đoán là túi bùn cục bộ nằm bên dưới đường dẫn cầu bị trượt, gây sụt lún nền, mặt đường.

Trước đó hơn 2 tuần, cầu Hòa Bình vừa được khánh thành để chào mừng kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.