DMagazine

Vị Tể tướng thanh liêm và bí mật giấu suốt 400 năm trong tráp gỗ

(Dân trí) - Nguyễn Văn Giai - vị Tể tướng nổi tiếng thanh liêm, chính trực và lập nhiều công trạng thời Lê Trung Hưng và nhiều bí mật của ông được cất giấu suốt 400 năm trong tráp gỗ.

Vị Tể tướng thanh liêm và bí mật giấu suốt 400 năm trong tráp gỗ - 1

Nguyễn Văn Giai sinh năm Giáp Dần (1554-1628), là người thôn Phù Lưu Trường, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Gia đình ông vốn có truyền thống khoa bảng, nhưng đến đời cha ông thì sa sút, chỉ còn là một nho sinh rất nghèo.

Theo sử sách, Nguyễn Văn Giai là người đặc biệt thông minh, 5 tuổi đã biết chữ nghĩa, 9 tuổi biết làm văn, 15 tuổi biết viết bài phú. Gia cảnh nghèo khó nên thuở nhỏ ông phải đi xin ăn, ban đêm mới có thời gian đọc sách. Lớn lên một chút có sức khỏe thì Nguyễn Văn Giai làm nhiều việc khó nhọc để có tiền mua giấy bút, theo học một người thầy cùng làng. Năm 16 tuổi, ông được gia đình cho ra Thăng Long tìm thầy giỏi để rèn giũa kinh sử.

Tháng 8/1580, triều đình mở khoa thi Hội đầu tiên ở hành cung An Trường, Nguyễn Văn Giai đỗ Hội nguyên, rồi vào thi Đình đỗ Tiến sĩ. Ông là vị Tam nguyên đầu tiên của thời Lê Trung Hưng.

Vị Tể tướng thanh liêm và bí mật giấu suốt 400 năm trong tráp gỗ - 3

Nguyễn Văn Giai từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Tán ký lục trong quân đội, Đề hình giám sát Ngự sử. Đến năm 1608, ông được thăng làm Đô Ngự sử. Nhờ góp công lớn trong việc bang giao với nhà Minh và đánh nhà Mạc ở Cao Bằng, ông được phong chức Tham tụng (tương đương Tể tướng), Thượng thư bộ Lại, nắm việc cả sáu Bộ kiêm Đô Ngự sử.

Ông không chỉ có công lớn trong việc dẹp loạn, trấn trị ổn định triều đình, mà còn nổi tiếng thanh liêm, chính trực. Trong một lần xử án, thừa lúc ông vắng nhà, thân nhân của người bị xử đưa vàng bạc và một mâm xôi, thịt lợn luộc đến để hòng hối lộ ông. Vì không biết, ông đã ăn một miếng xôi và món thịt lợn luộc yêu thích của mình.

Khi biết được sự việc, ông giận lắm, tự trách mình có lỗi, chỉ vì một miếng ăn mà không giữ đúng phép nước. Từ đó trở đi, Nguyễn Văn Giai luôn tự vấn lương tâm và quyết từ bỏ hẳn cái sở thích ăn xôi với món thịt lợn luộc chấm mắm.

Vị Tể tướng thanh liêm và bí mật giấu suốt 400 năm trong tráp gỗ - 5

Với những công lao, cống hiến lớn cho đất nước, Nguyễn Văn Giai đã được vua Lê ban tặng nhiều sắc phong. Hiện tất cả những sắc phong này đang được dòng họ Nguyễn Văn, ở xã Ích Hậu lưu giữ.

Là hậu duệ đời thứ 13, lại là người quản lý đền thờ Nguyễn Văn Giai, ông Nguyễn Văn Tân (68 tuổi) được tín nhiệm giao trọng trách lớn nhất là trông coi những sắc phòng này.

Ông Tân kể, trước đây dòng họ có gần 100 sắc phong, nhưng trải qua thời gian, một số đã bị mục nát, hư hỏng, có sắc phong đã bị mất cắp, đến nay chỉ còn 27 đạo sắc. Cũng đã có kẻ xấu tìm cách tiếp cận người trong dòng tộc, vì nghĩ có bản đồ tìm đến kho báu, nhưng thực tế chỉ là đồn đoán.

Vị Tể tướng thanh liêm và bí mật giấu suốt 400 năm trong tráp gỗ - 7

Sau nhiều lần liên hệ, kết nối, ông Tân mới đồng ý lấy tráp gỗ cho chúng tôi chiêm ngưỡng các sắc phong. Sau khi thắp hương xin lễ, ông Tân tiến lại bàn thờ, nơi đặt Bằng công nhận đền thờ Nguyễn Văn Giai là Di tích lịch sử quốc gia. Ông cẩn thận mang hộp gỗ đựng "báu vật" hàng trăm năm xuống đặt trên chiếc bàn nhỏ. Ông nhẹ nhàng mở hộp gỗ, bên trong là những sắc phong được gói cẩn thận. Ông lấy sắc phong bằng lụa được cho là độc đáo nhất, dài nhất cho chúng tôi xem.

Trên sắc phong có 318 chữ Hán được viết lên lụa, bố cục theo 63 hàng dọc, 5 hàng ngang, có độ dài 4,5m, rộng 0,5m.

Ông Tân chia sẻ, những sắc phong này được xem là "báu vật" vô giá của dòng họ, được cất giữ cẩn thận trong tráp gỗ, nên ít người được trực tiếp chiêm ngưỡng. Có những cụ già 80-90 tuổi cũng chưa từng được tận mắt chứng kiến.

Vị Tể tướng thanh liêm và bí mật giấu suốt 400 năm trong tráp gỗ - 9

"Từ khi sinh ra, con cháu dòng họ Nguyễn Văn đều được các cụ dặn dò không được phép mở hộp gỗ đựng sắc phong ra, nếu không sẽ mắc tội. Chính vì thế, trải qua bao nhiêu đời, không ai dám làm trái quy định của dòng họ. Nhiều người nghĩ tổ tiên ra điều lệ như vậy là muốn con cháu gìn giữ sắc phong, tránh mở ra gấp vào nhiều lần sẽ hỏng mất. Cũng có người cho rằng trong sắc phong ẩn chứa một bí mật gì đó nên không muốn bị đánh cắp", ông Tân cho biết.

Mãi đến năm 1995, tức khoảng 400 năm sau, khi đền thờ Tể tướng Nguyễn Văn Giai được làm hồ sơ công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia, bí mật trong hộp gỗ hàng trăm năm tuổi mới được hé lộ.

"Ngày quyết định mở hộp đựng sắc phong cho đoàn cán bộ văn hóa nghiên cứu, tất cả người trong dòng họ đều có mặt. Khi tận mắt thấy, mọi người đều bất ngờ, đặc biệt về độ dài, độ độc đáo của sắc phong viết trên lụa. Sau khoảng 400 năm thì những bí mật trong tráp gỗ này cũng đã được hé lộ", ông Tân cho biết thêm.

Vị Tể tướng thanh liêm và bí mật giấu suốt 400 năm trong tráp gỗ - 11

Theo ông Nguyễn Trí Sơn, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh, Nguyễn Văn Giai là bậc khai quốc công thần nổi tiếng chính trực, thanh liêm, có công bình định nhà Mạc, đồng thời cũng là một nhà thơ thời Lê - Trịnh.

Trong sự nghiệp của mình, Nguyễn Văn Giai đã đảm nhiệm nhiều chức vụ, vị trí. Đặc biệt, ông là người từng làm Tể tướng 3 triều vua Lê (Lê Mục Tông, Lê Thế Tông và Lê Kính Tông). Ông có công trạng rất lớn trong việc dẹp loạn, trấn trị ổn định đất nước, triều đình. Chính vì vậy, ông đã được vua ban tặng rất nhiều sắc phong.

"Trong quá trình nghiên cứu và các công bố, tôi thấy sắc phong chỉ dài khoảng 1,2m rộng 0,5m. Tuy nhiên, sắc phong vua ban tặng cho ông Nguyễn Văn Giai có một cái dài tới hơn 4m, rộng 0,5m hết sức độc đáo, có thể nói là độc nhất vô nhị, rất hiếm. Nét chữ chân phương rất đẹp, được viết trên lụa, không phải bằng giấy như thông thường", ông Nguyễn Trí Sơn cho biết.

Vị Tể tướng thanh liêm và bí mật giấu suốt 400 năm trong tráp gỗ - 13

Cũng theo ông Sơn, nội dung của sắc phong này là ghi nhận công lao, phong chức tước cho ông Nguyễn Văn Giai. Mặc dù phần ghi niên hiệu của đạo sắc nằm ở cuối khổ vải đã bị rách, chỉ còn nửa phần ấn dấu của nhà vua, nhưng các nhà nghiên cứu đã xác định được đạo sắc này có niên hiệu Hoằng Định năm thứ 11, triều vua Lê Kính Tông.

"Sắc phong này có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa, không chỉ của dòng họ Nguyễn Văn mà còn là di sản văn hóa quý hiếm của dân tộc. Sắc phong này xứng đáng để làm hồ sơ công nhận là bảo vật quốc gia, nhưng về nguyên tắc là phải do chủ sở hữu đề xuất. Mà cái này thuộc sở hữu của dòng họ nên cũng có những cái còn khó khăn", ông Sơn cho biết.

Vị Tể tướng thanh liêm và bí mật giấu suốt 400 năm trong tráp gỗ - 15

Hàng năm, dịp 14 tháng Giêng, con cháu dòng họ Nguyễn Văn và làng Ích Mỹ (xã Ích Hậu) đều tổ chức rước sắc phong đi từ đền thờ dòng họ ra mộ ngài tể tướng, và cuối cùng đặt tại đền thờ Nguyễn Văn Giai. Ngày rước lễ, người trong dòng họ, dân làng mặc trên người bộ quần áo đẹp nhất để theo kiệu đi cầu phúc đầu năm mới.

Nội dung: Xuân Sinh

Thiết kế: Tuấn Huy